Một đề xuất khá độc đáo: thay thế “đảng Lãnh đạo” bằng “người Lãnh đạo” - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 8, 2012

Một đề xuất khá độc đáo: thay thế “đảng Lãnh đạo” bằng “người Lãnh đạo”

Phong Uyên – Một đề xuất khá độc đáo : thay thế “đảng Lãnh đạo” bằng “người Lãnh đạo” thông qua phổ thông đầu phiếu


Cách đây 2 tuần, báo Thanh niên tường thuật vắn tắt buổi hội thảo do Viện Nghiên cứu Lập pháp (UB Thường vụ Quốc hội) tổ chức ngày 23 tháng Bẩy tại TP Hồ Chí Minh mà nội dung chính là vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Trong buổi hội thảo GS-TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra đề xuất “Hoàn thiện chế định Nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp Mới". Trong đề xuất này, ông Dung đưa ra một đề nghị khá độc đáo:

Chủ tịch nước do dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là 5 năm, không theo nhiệm kỳ Quốc hội, nhằm bảo đảm sự thường xuyên, không bị gián đoạn của quyền lực Nhà nước. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho việc thực hiện quyền thống lĩnh các lực lượng võ trang, Chủ tịch nước phải trực tiếp phong hàm các tướng lãnh cao cấp trong quân đội

Ngay trong buổi hội thảo có 2 phản ứng: một của TS Tô Văn Hòa (Đại học Luật Hà Nội), một của TS Bùi Ngọc Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Ông Hòa có vẻ muốn bảo vệ chức năng hành pháp của Thủ tướng khi đưa ra đề xuất: “phải phân biệt rõ chức năng hành pháp với chức năng hành chính của chính phủ. Ông cho là trong trường hợp bầu trực tiếp nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng, người đứng đầu chính phủ, sẽ bị mất chức năng hành pháp, chỉ còn giữ chức năng hành chính.

Ông Sơn đưa ra một bài tham luận nói về “quyền lực hạn chế của sự sửa đổi Hiến pháp, không được thay đổi cấu trúc cơ bản của chính quyền“. Ông có ý muốn cảnh cáo bầu cử trực tiếp Nguyên thủ quốc gia có thể làm thay đổi cấu trúc cơ bản của chính quyền đã được quy định trong Điều 4 Hiến pháp khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất.

Ngoài báo Thanh Niên, giới truyền thông trong nước đều im lìm, không hề nói đến buổi hội thảo. Ở hải ngoại cũng chỉ có một mạng đăng lại bài tường thuật của Thanh Niên, có lẽ vì cho đó chỉ là những cuộc đối chọi nhau giữa một phái đang trỗi dậy trong Đảng muốn giành giật quyền hành với 2 phái kia : phái Chủ tịch Trương Tấn Sang muốn “Hiến pháp Mới” tạo một chỗ đứng cho mình trong quyền Hành pháp. phái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không muốn bị cắt xén quyền lực hành pháp để chỉ còn giữ quyền lực hành chính, phái TBT Nguyễn Phú Trọng muốn Điều 4 vẫn được duy trì để không bị mất quyền “Lãnh đạo”. Nói tóm lại 3 nhân vật chóp bu muốn chia 3 thiên hạ.

Tôi thì nghĩ ngược lại:

Trước khi đưa ra đề xuất, ông Nguyễn Đăng Dung đã phân tích kỹ càng tình trạng nội bộ của ĐCSVN từ trước tới nay và thấy là dù có sửa đổi hay làm lại Hiến pháp mới, Điều 4 cũng sẽ vẫn được duy trì dưới hình thức này hay dưới hình thức khác, vì nó là nền tảng của chế độ “độc đảng hai phái” đã có từ thời ĐCSVN mới được thành lập . Ông cũng thấy như mọi người là thời kỳ đầu của VNDCCH, Ông Hồ với cương vị Chủ tịch Nước, có nhiều thanh thế vì được quần chúng ngưỡng mộ, có thể đứng giữa làm trọng tài giữa 2 phái trong Đảng và giữa dân với Đảng. Nhưng khi gần cuối đời, uy thế của ông Hồ bị Lê Đức Thọ và Lê Duẩn khuynh loát nên địa vị của ông mỗi ngày một lu mờ. Vai trò Chủ tịch Nước của những người kế nghiệp ông Hồ sau này cũng chỉ hoàn toàn có tính cách tượng trưng.

Khi đưa ra đề xuất, ông Nguyễn Đăng Dung không những muốn khôi phục lại vai trò trọng tài của Chủ tịch Nước mà còn muốn lá phiếu của người dân hợp pháp hóa chức vị Lãnh đạo duy nhất đất nước của Chủ tịch Nước và qua đó vô hiệu hóa phái “Lãnh đạo” mà người đứng đầu là Tổng bí thư Đảng, đồng thời cũng nắm một phần quyền Hành pháp, trở thành đối trọng với phái “Cầm quyền” mà người đứng đầu là Thủ tướng chính phủ. Nói tóm lại, ông Nguyễn Đăng Dung muốn một Chủ tịch có quyền thế, lãnh đạo đất nước như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, nhưng được dân bầu như ở những nước dân chủ theo chế độTổng thống chế. Dưới thể chế này, ĐCSVN sẽ mất vai trò lãnh đạo để chỉ còn là một đảng cầm quyền.

Trên thế giới có hai hệ thống Tổng thống chế:

1° Tổng thống chế kiểu Mỹ.

Trong định chế này ba quyền lực:

Hành pháp, hoàn toàn dưới quyền Tổng thống vì không có chức vị thủ tướng

Lập pháp, hoàn toàn dưới quyền Thượng viện và Hạ viện

Tư pháp, dưới quyền các thẩm phán đều biệt lập và được tạo ra từ lá phiếu của người dân, nên đều chính đáng như nhau, độc lập với nhau và là những cơ cấu song song với nhau, có thể theo dõi và kiểm soát lẫn nhau.

Nhiệm kỳ tổng thống 4 năm chỉ được gia hạn một lần, không trùng hợp với các nhiệm kỳ Quốc hội (Thượng viện và Hạ viện), các thẩm phán Tối cao Pháp viện – tòa án cao cấp nhất được thiết lập bởi Hiến pháp – được bổ nhiệm đời đời, cũng là những bảo đảm cho sự độc lập của ba cơ cấu Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp và tránh được sự lạm quyền.

Tuy có nhiều nước bắt chước Tổng thống chế kiểu Mỹ, nhưng sự thành công có lẽ chỉ có ở Hoa Kỳ. Đó là nhờ các vị sáng lập ra nước Mỹ cách đây 250 năm đã theo đúng Tinh thần luật pháp (L’Esprit des Lois) của Montesquieu, nhờ sức mạnh của đệ Tứ quyền là báo chí, và sau hết là nhờ có một nền kinh tế phóng khoáng thích hợp với óc tự do kinh doanh mà người Mỹ cho là điều kiện cốt yếu của tự do cá nhân.

2° Thể chế bán Tổng thống (cũng gọi là Tổng thống – Đại nghị) kiểu Pháp.

Trong hệ thống này, Tổng thống được dân bầu trực tiếp và Thủ tướng đứng đầu chính phủ mà đa số các tổng trưởng đều được chọn trong số những đại biểu QH của đảng thắng cử trong kỳ bầu cử Quốc hội, phải chia nhau quyền Hành pháp. Tuy về hình thức tổng thống có toàn quyền bổ nhiệm thủ tướng, nhưng người này phải được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội nên trong thực tế, thủ tướng là người của đảng (hay liên minh) được đa số đại biểu trong Quốc hội đề cử.

Rất ít nước theo thể chế này vì nó được De Gaulle tạo ra để thay thế chính thể đại nghị trong hoàn cảnh đặc biệt của nước Pháp từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, luôn luôn bất ổn chính trị vì tập quán đa đảng nhiều chính kiến của dân Pháp. Để có một hành pháp vững chắc tồn tại lâu dài chứ không chỉ vài tháng (như trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương), năm 1962 Hiến Pháp đệ Ngũ Cộng hòa (được ưng thuận sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 1958) được tu bổ bằng một đạo luật – gọi là luật Hiến pháp – qui định bầu cử trực tiếp tổng thống với nhiệm kỳ 7 năm (từ năm 2000 đổi là 5 năm) và được tái cử một lần.

Vấn đề là khi tổng thống và thủ tướng là người cùng một đảng được đa số trong Quốc hội, thì không nói làm gì, nhưng trong trường hợp tổng thống và thủ tướng thuộc 2 đảng đối lập nhau, sự phải chia nhau quyền lực và phải “sống chung” (cohabitation) với nhau, là cả một sự gay cấn. Nước Pháp đã phải trải qua nhiều trường hợp như vậy khi Mitterrand, phái Tả là tổng thống và Chirac, phái Hữu là thủ tướng và sau đó lại có thời kỳ ngược lại : Chirac làm tổng thống và Jospin cầm đầu đảng Xã hội thắng cử làm thủ tướng.

Ngay trong trường hợp tổng thống và thủ tướng là người cùng một đảng, cũng luôn luôn có sự căng thẳng (như giữa Mitterrand với Rocard cùng thuộc đảng Xã hội), tùy cá tính của mỗi người và vì sự phân chia quyền hành không bao giờ được rõ ràng. Trong trường hợp này phần nhiều có một sự thỏa thuận bất thành văn là tổng thống là người phác họa đường lối kinh tế, ngoại giao, quốc phòng và thủ tướng chuyên về đối nội, chính sách xã hội, chính sách đánh thuế, thu thuế. Đó cũng là trường hợp của Việt Nam nếu đề xuất của ông Nguyễn Đăng Dung được chấp thuận.

3) Ông Nguyễn Đăng Dung có vẻ thiên về chế định bán Tổng thống chế kiểu Pháp, thích hợp với tình trạng hiện nay :

1° Như đã nói trên, Chủ tịch nước được dân bầu trực tiếp là người “Lãnh đạo” bằng xương bằng thịt thay thế khái niệm “Đảng Lãnh đạo” mơ hồ đứng trên Pháp luật, nguồn gốc của lạm quyền và tham nhũng. Đảng “lãnh đạo” vô kỳ hạn còn người Lãnh đạo, dù có độc tài đến đâu, cũng không thể cầm quyền vô kỳ hạn mà một ngày kia không bị các phe phái khác hạ bệ.

2° Dù các ứng cử viên chức vị Chủ tịch nước đều do các phe phái trong Đảng “hiệp thương” đưa ra, nhưng sự người dân được quyền chọn lựa cũng là bước đầu đi đến dân chủ.

3° Chủ tịch Nước được dân bầu và Thủ tướng chính phủ do Đảng cử sẽ luôn luôn có sự giằng co nhau về quyền hành nên bắt buộc phải phân chia quyền hành theo những đIều luật trong Hiến pháp và tự kiểm sát lẫn nhau, nhờ vậy mà một trong 2 người muốn lạm quyền hành pháp và lấn át lên các quyền lập pháp và tư pháp cũng khó.

4° Khi Chủ tịch nước được toàn dân bầu thì dù lúc đầu là người của một phái nào trong Đảng cũng bắt buộc phải đứng lên trên Đảng và phe phái của mình như tổng thống Pháp, tổng thống Mỹ, để trở thành nguyên thủ của cả nước, dựa vào dân để có quyền lực đối trọng với quyền lực của Đảng. Ngoài chuyện từ người dân, quyền lực của Nguyên thủ cũng từ Hiến pháp mà ra, nên người Chủ tịch nước cũng phải có bổn phận bảo vệ Hiến pháp. Ông Nguyễn Đăng Dung hoàn toàn có lý khi nói “Chủ tịch nước trong mộtphần nào có sự tham gia thực hiện quyền lập pháp , hành pháp và tư pháp“, nghĩa là một khi chưa có cơ quan bảo vệ Hiến pháp như Hội đồng Hiến pháp (Pháp) và Tòa án Tối cao (Mỹ) thì phải đích thân thay thế những cơ quan này trong việc bảo vệ tính độc lập của tam quyền được qui định rõ ràng trong Hiến pháp mặc dầu điều Bốn Hiến pháp vẫn được duy trì nhưng được hiểu là “Đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất” dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước.

5° Cũng vì 2 phe phái chính trong Đảng phải đưa người của mình ra tranh cử mỗi lần có bầu cử Chủ tịch nước hay đại biểu Quốc hội, và cần có sự hậu thuẫn của Xã hội dân sự, nên nhờ vậy mà Xã hội dân sự tiến triển và các phe phái một ngày kia cũng phải tách rời nhau để trở thành những đảng. Một phần lớn những đảng ở các nước dân chủ cũng bắt đầu như vậy, nhất là ở những nước theo chế độ lưỡng đảng.

Kết luận

Ông Nguyễn Đăng Dung đã rất tinh tế và biết nhìn xa trông rộng khi đưa một đề xuất có thể làm thay đổi các cơ cấu quyền hành trong ĐCSVN và làm biến chuyển Đảng, tạo cho ĐCSVN một cơ chế độc đáo làTổng thống chế – Độc đảng, nằm giữa Chủ tịch chế kiểu Trung Quốc và Tổng thống – Đại nghị chế kiểu Pháp.

Nhưng có thể vì vậy mà đề xuất của ông Dung sẽ bị các phần tử bảo thủ và thiển cận trong Đảng chống đối mãnh liệt, coi là một “diễn biến hòa bình” trá hình, nên khó có thể vượt qua được những rào cản.

Trớ trêu là đa số những người chống cộng hay những người có óc hoài nghi, cũng coi đề xuất này chỉ có mục đích duy nhất là phục vụ tham vọng của một trong 3 nhân vật chóp bu trong Đảng hiện nay, đặc biệt là nhân vật Trương Tấn Sang. Nhưng có ai cấm ông Nguyễn Tấn Dũng ra ứng cử Chủ tịch nước. Trong 2 ông, người thắng cử sẽ làm Chủ tịch nước, người thua cử sẽ làm Thủ tướng, đổi chác chỗ cho nhau hệt như Putin và Mét Đê Lép vậy. Cũng có thể phái “Đảng lãnh đạo” đề cử ông Nguyễn Phú Trọng và ông sẽ thắng cử nhờ có hậu thuẫn là “bộ máy lãnh đạo” gồm các bí thư đi từ huyện đến Trung Ương. Ngay trong trường hợp này uy thế của ông cũng sẽ tăng gấp bội và biết đâu nhờ vậy mà ông sẽ làm lên công chuyện. Lịch sử đã chứng minh, những người lúc đầu tưởng là lu mờ lại là những người sau này trở nên lẫy lừng nhất.

Nói tóm lại, cái hay trong đề xuất của ông Nguyễn Đăng Dung là không có tính cách nhất thời và không phụ thuộc vào nhân sự.

 Phong Uyên

Một đề xuất khá độc đáo: thay thế “đảng Lãnh đạo” bằng “người Lãnh đạo” Reviewed by Hoài An on 8/08/2012 Rating: 5 Phong Uyên – Một đề xuất khá độc đáo : thay thế “đảng Lãnh đạo” bằng “người Lãnh đạo” thông qua phổ thông đầu phiếu Cách đây 2...

Không có nhận xét nào: