Tự Do Báo Chí: Thế Lực và Trách Nhiệm của Đệ Tứ Quyền - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 8, 2012

Tự Do Báo Chí: Thế Lực và Trách Nhiệm của Đệ Tứ Quyền

Vietthuc - 1.Thế Nào Là ĐệTứ Quyền? 


Thuật ngữ “Đệ Tứ Quyền” có lẽ được ghi nhận lần đầu bởi học giả Pháp, Alexis de Tocqueville, trong tác phẩm De la démocratie en Amérique[1833], khi xác định bốn quyền lực như sau: 

1. quyền lực trung ương [pouvoir fédéral, cấp liên bang], với sự phân nhiệm thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp;

2. quyền lực địa phương [pouvoirs fédérées, cấp tiểu bang];

3. quyền lực vận động hành lang [lobbies, tranh thủ lá phiếu];

4. quyền lực của báo chí, truyền thông [presse].

Tại Hoa Kỳ, báo chí thường được nhắc tới như sự thể hiện đa dạng của đệ tứ quyền, với khả năng và nhiệm vụ đương đầu với ba quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. 

Lúc ban đầu, nhà soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ [1787] chỉ đặt trọng tâm vào cơ cấu tổ chức chính quyền trung ương, trên nền tảng tam quyền phân lập, hay phân quyền, phân nhiệm giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với tác dụng kiểm soát tạo thăng bằng [check-and-balance] trong chính quyên. 

Phải đợi tới năm 1791 khi mười Tu Chính Án đầu tiên của Hiến Pháp Hoa Kỳ được Quốc hội phê chuẩn dưới danh xưng “Tuyên Ngôn Dân Quyền” [Bill of Rights], tiếp theo bởi ba Tu Chính Án XIII [1865], XIV [1868], và XV [1870], quyền lực của người dân mới thực sự được xác định và bảo vệ từ cấp Liên bang tới cấp Tiểu bang. Căn cứ vào Tu Chính Án Một, luật pháp không được biệt đãi một tôn giáo, lẫn cấm đoán tự do tín ngưỡng liên hệ; không được cản trở quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền hội họp ôn hoà và thỉnh cầu chính quyền sửa sai:[1]

"Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances.” [Amendment I, (1791)]. 

Báo chí [the press] đích danh được nêu lên tại Tu Chính Án Một, song song với những quyền công dân khác. Vậy, báo chí và các cơ sở truyền thông, truyền tin liên hệ cần làm những gì để trở thành đệ tứ quyền hiến định? 

Trước hết, Hoa Kỳ không có một bộ thông tin nhà nước đặc trách khơi mào, chỉ thị, kiểm duyệt và hạn chế tin tức, mà lại để các hệ thống truyền thông và truyền hình tư chủ động làm công việc quảng bá những điều cần biết, cần hiểu, trên căn bản tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, theo mức độ tự kiểm và lương tâm nghề nghiệp. Người làm báo, truyền thông và truyền hình tại Hoa Kỳ và các nước tự do trên thế giới khi có nhiều quyền hành và thế lợi thì cũng có nhiều trách nhiệm và bổn phận, nhất là về mặt thủ tục nghề nghiệp trọng hiến, trọng pháp và về mặt luân lý xã hội, tôn trọng công lý, lẽ phải và lý tưởng nhân đạo.

2. Thế Lực và Trách Nhiệm của Báo Chí Truyền Thông

Thế lực của báo chí truyền thông, truyền hình phát xuất từ sứ mạng căn bản bảo vệ nền dân chủ. Trong mọi nghiệp vụ, nhà báo phải tuân theo và bảo trọng tự do ngôn luận, tự do tư tưởng tôn giáo, quyền hội họp và thỉnh cầu chính quyền sửa sai; quyền nhân dân được bảo vệ chính đáng.

Cũng theo quan niệm của cựu nghị sĩ Gary Hart, trong tác phẩm The Fourth Power,[2] truyền thông có bổn phận tham dự vào trọng tâm đệ tứ quyền như một nguồn lực bảo trọng các quyền hành dân sự hiến định, nhất là tự do ngôn luận, tự do báo chí thành một mẫu mực chiến lược toàn cầu.

Thật vậy, báo chí ứng dụng hiến pháp và luật pháp hiện hành quy định tự do tin tức [Freedom of Information Act] để thi hành nghiệp vụ phóng sự, điều tra và phổ biến sự thật; đăng tải những sai trái trong công vụ, những bấp bênh, thâm hụt từ nền tảng tới các cơ sở kinh tế tài chính điển hình; tường trình những tai ương nhân tạo trong khu vực xã hội, an ninh, quốc phòng v.v., hầu kịp thời thông báo quần chúng và cảnh giác các nhà hữu trách liên hệ về từng nội vụ.

Điển hình là sau vụ Watergate [1972], mà hai phóng viên Carl Bernstein và Bob Woodward của Washington Post đã điều tra và đưa lên mặt báo, TT Nixon đã phải giải nhiệm [1974] và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ cũng thay đổi, cùng ảnh hưởng đối với Việt Nam, Trung Hoa và Nga Sô. 

Nhờ sự can thiệp của đệ tứ quyền trong nhiệm vụ kiểm soát và thông tin, các cơ sở chính quyền và tổ chức liên hệ đã phãi gìn giữ một mức độ hữu hiệu trong sáng, khi thi hành nhiệm vụ.

James Mill [1773-1836] là người đầu tiên nói tới khái niệm “canh chừng” của giới báo chí, dưới danh hiệu “watchdog”, với sứ mạng bảo tồn giá trị tự do dân chủ. Cũng theo khái niệm canh chừng và bảo trọng những giá trị nhân quyền mà một hiệp hội quốc tế phi chính phủ đã dùng danh xưngHuman Rights Watch. Khái niệm canh chừng này cũng tương đương với khái niệm kiểm soát tạo thăng bằng [check-and-balance] giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chỉ khác là ảnh hưởng đối chiếu ở đây cốt để duy trì mức độ hài hoà song phương, chính trực giữa công quyền và công dân, giữa biện pháp cai trị và cứu cánh phục vụ dân chúng, giữa chính thể và tư nhân. Như vậy báo trí giữ đúng vai trò thông tin va khuyến khích một trạng thái trọng pháp, trọng sinh, xây dựng tiến hoá trong thế đối sử bình thường giữa quyền lực cai trị và giới bị trị. 

Mức độ hài hoà song phương sẽ suy giảm đến độ mất hẳn đi, nếu có sự lạm quyền, vi phạm của bất cứ bên nào. Giới truyền thông có bổn phậm kịp thời thông báo lẫn cảnh tỉnh những thế lực liên hệ. Truyền thông báo trí và cả dư luận quần chúng đóng vai trò “xì hơi” cảnh cáo, trước khi có náo loạn, dấy biến. Người dân phải biểu tình, chống đối, nổi loạn, khi chính quyền đi ngược lại với lòng dân, ngược lại với công lý, hay sao nhãng quyền lợi và an sinh của dân.

Ngay tại Hoa Kỳ, sau khi ra một loạt những Tu chính XIII [1965] bãi bỏ chế độ nô lệ, Tu chính XV [1870] cho phép toàn dân đi bầu, không phân biệt chủng tộc, màu da, sau khi đã thảo hơn 10 Đạo Luật về Civil Rights Act từ năm 1875 cho tới 1964, hiện tượng kỳ thị, phân cách [discrimination & segregation] sắc dân da đen vẫn mặc nhiên hoành hành trên toàn quốc. Do đó, báo trí mọi giới đã canh chừng, cảnh cáo và bắt buộc phải truyền tin mạch lạc về những vụ xung đột, bạo động ngay trong nước, điển hình các cuộc nổi loạn tại Harlem [1964], Watts [1965], Detroit [1967], và gần đây là cuộc phá phách các khu phố Los Angeles [1992] để chống đối cảnh sát đánh đập tàn nhẫn Rodney King. Obama đã được chọn làm ứng cử viên Dân Chủ trong cuộc bầu cử Tổng Thống 2008 thay vì Hilary Clinton, “phần nào” vì ảnh hưởng của giai đoạn kỳ thị chủng tộc, da màu trước đây, cùng với cái “mặc cảm tội lỗi” của thành phần cấp tiến Hoa Kỳ. 

Trong giai đoạn hiện đại, truyền thông báo chí tự do trên toàn thế giới cũng đứng lên thông tin và cảnh cáo về những sai trái nơi chính quyền, những tai ương nhân tạo do chiến tranh, nổi loạn xẩy ra trên khắp thế giới, tại Phi Chấu, Trung Âu, Trung Đông, Á Châu, nhất là về những vụ trà đạp nhân quyền, cướp bóc tài sản, phá hoại kinh tế tại Trung Quốc, Việt Nam. Đương nhiên giới truyền thông nhà nước cộng sản chỉ sử dụng sứ mạng loan tin một chiều để a tòng với chính quyền phạm pháp, để bênh vực kẻ lạm quyền triệt hại dân oan, kẻ hèn với giặc ác với dân đã từng bán ranh, bán đảo. 

Do đó, thế lực của báo chí truyền thông còn phải tương xứng với sứ mạng đăng tải tin tức xác thực, thông tri kiến thức, và phổ biến những điều cần biết để người dân tìm hiểu và chọn lựa thái độ liên hệ với thời cuộc. Nhờ vậy, báo chí truyền thông có bề thế gây ảnh hưởng sâu sắc trên dư luận quần chúng.

Nhưng cũng có lúc thi hành nghiệp vụ, báo chí có thể thiếu sót hoặc sơ ý đăng tải tin tức sai lạc. Trong những trường hợp tương tự, báo chí tự động phải kịp thời đính chính, sửa sai đúng nơi, đúng mức.

Tệ hơn nữa, báo chí khi loan tin tức thất thiệt với dụng ý khai thác, trục lợi, sẽ mất quyền tự do ngôn luận [unprotected speech] và sẽ bị chế tài. Thật vậy, toà soạn, phóng viên, và người đăng tin thất thiệt có thể bị liên đới về mặt trách nhiệm dân sự, nếu họ chủ tâm đăng tải hoặc tái đăng những tin tức có tính cách mạ lỵ, phỉ báng, sai sự thật. Vì thế nhà báo phải thận trọng kiểm soát bài vở đăng tải, phải kiểm chứng tài liệu và nguổn gốc tin tức sử dụng.

Nhà báo chỉ được miễn trách nếu tài liệu đăng tải có tính cách trung thực và có lợi cho công chúng. Tuy nhiên, sự thật đôi khi bị cấm đoán phô bày, nếu tin tức, tài liệu đem phổ biến vi phạm đời tư cá nhân, nếu sử dụng trái phép hình ảnh để quảng cáo thương mại, hoặc chụp lén “nơi tư gia”, hoặc phổ biến các tài liệu mật về thuế khoá, tín dụng, y tế, điều trị của một cá nhân v.v. 

Riêng đối với các chính khách, các nhân vật có tên tuổi, “nổi tiếng trong xã hội”, được chỉ định chung là nhân vật của quần chúng [public figures],[3]nếu muốn kiện nhà báo đăng tin sai quấy, nguyên đơn không những phải chứng minh [a] có sự thất thiệt, bêu xấu rõ rệt, có mạ lỵ phỉ báng thậm từ, làm thiệt hại cho đương sự, mà còn phải chứng minh [b] nhà báo có manh tâm, ác ý [biết tin sai mà vẫn sử dụng, vẫn đăng tải], hoặc quá độ chểnh mảng coi thường hư thực [không kiểm chứng căn bản xác thực] của nội vụ, hay của tài liệu đem sử dụng.[4]

Như vậy, thế lực của báo chí truyền thông được xác định bởi sứ mạng gìn giữ truyền thống dân chủ hiến định, đồng thời bởi nghiệp vụ tôn trọng sự thật và phục vụ giá trị nhân bản của người dân, của độc giả. Nếu không tôn trọng giá trị hiến pháp, nếu không bênh vực mẫu mực dân chủ và lý tưởng nhân đạo, báo chí sẽ đi ngược lại với công lý và lẽ phải, sẽ lầm lẫn và gây ảnh hưởng rối loạn nơi quần chúng. 

Đó là thứ báo chí gia nô, bị tiền tài và thế lực công quyền mua chuộc, xỏ mũi, bịt mắt, bịt miệng. Đó là thứ báo chí pa-nô, đăng tải tin tức thảo sẵn, nghiêng ngửa với tuyên truyền, tuyên huấn, chỉ thị một chiều. Loại báo chí sự-thật-nhà-nước kiểu Pravda,[5] do công an, đảng phiệt, tài phiệt giựt dây, chế tạo, không thể nào đem ra so sánh với thuật ngữ “đệ tứ quyền” một cách tử tế, trong sáng. 
Tạm Kết

Từ thế kỷ 20 tới nay, đệ tứ quyền không còn thu hẹp trong loại báo chí ấn loát đăng tải [presse écrite] mà đã bành trướng thành cơ sở truyền thanh, truyền hình, và gần đây thành mạng lưới diễn đàn [websites], điện báo [web pages], ký sự mạng lưới như blog [viết tắt từ “web log”], Facebook, Youtube v.v. 

Đệ tứ quyền như vậy mỗi ngày mỗi phồn thịnh, sáng tạo, trẻ trung, linh động, mỗi lúc thực hiện trạng thái toàn diện của hệ thống dân chủ toàn cầu, không ranh giới, không kỳ thị. 

Trong thế năng nổ của truyền thông hiện đại, “tất nhiên một nền báo chí tự do có thể là tốt hoặc xấu. Nhưng chắc chắn, nếu không có tự do ngôn luận, ắt sẽ tai hại vô cùng. Tự do là cơ hội cải tiến trong khi nô chế chỉ đem lại tì tịch và khốn đốn [Albert Camus, 1960].[6]

Nhưng dù sinh hoạt ở bất cứ dạng nào, bất cứ ở đâu, do bất cứ lực lượng nào đảm trách thi hành, đệ tứ quyền nếu muốn giữ đúng sứ mạng và khả năng tồn tại vẫn phải tôn trọng những tiêu chuẩn căn bản về tự do ngôn luận, phẩm giá nhân bản, công lý và nhân ái. Đệ tứ quyền phải luôn luôn của dân, bởi dân, vì dân [Of the People, By the People, For the People]. 

TS-LS Lưu Nguyễn Đạt


[1] Bất cứ đạo luật nào được ban hành ngược lại tinh thần bản tu chính trên sẽ phải coi là “bất hợp hiến”.
[2] Gary Hart, The Fourth Power: a new grand strategy for the United States in the 21st century (Oxford University Press, 2004); 
[3] Theo án lệ Curtis Pub. Co v. Butts & Associated Press v. Walker, 388 U.S. 130 [1967] 
[4] New York Times v. Sullivan, 376 U.S. 254 [1964] 
[5] Pravda, tiếng Nga có nghĩa nghịch lý là “Báo Sự Thật”, loại công bố một chiều. 
[6] Lưu Nguyễn Đạt, “Khái Niệm về Tự Do Ngôn Luận”, Tư Tưởng Việt, 2003, trang 120, endnote # 24. “Une presse libre peut, bien sûr, être bonne ou mauvaise, mais sans liberté, elle ne pourra qu’être mauvaise… », Albert Camus, Ecrivain, France, 1960.
Tự Do Báo Chí: Thế Lực và Trách Nhiệm của Đệ Tứ Quyền Reviewed by Hoài An on 8/08/2012 Rating: 5 Vietthuc - 1.Thế Nào Là ĐệTứ Quyền?  Thuật ngữ “Đệ Tứ Quyền” có lẽ được ghi nhận lần đầu bởi học giả Pháp, Alexis de Tocqueville, ...

Không có nhận xét nào: