Những sự thật về tình yêu và hôn nhân - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
22 tháng 8, 2012

Những sự thật về tình yêu và hôn nhân

Lamhong.org - ĐTC Bênêđíctô XVI và vấn đề những người ly hôn lại tái kết hôn. Cần phải hiểu đúng những lời phát biểu quan trọng của Đức Thánh Cha tại Milanô về vấn đề này như thế nào? Qua những dòng sau đây chúng ta cùng tìm hiểu.

Thánh Augustinô, thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội, đã phát biểu một cách rõ ràng và ngắn gọn nguyên tắc luân lý Công Giáo: “Thương yêu người có tội, nhưng ghét bỏ tội lỗi.” Tuy nhiên, đối với một số người, nguyên tắc luân lý nền tảng đơn giản này của Giáo Hội Công Giáo gây nên một cảm tưởng khô cứng, thiếu quảng đại. Do đó, họ không muốn chấp nhận nguyên tắc luân lý ấy và không muốn thuần phục cả Giáo Hội nữa, vì họ cho rằng Giáo Hội chỉ đưa ra những sứ điệp hù dọa, bất khoan dung cũng như những nguyên tắc luân lý quá cứng nhắc, v.v… đặc biệt trong các giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới hôn nhân và gia đình.


Qua các bài bình luận của họ trên các báo chí, nhiều ký giả đã bất bình và phản đối gay gắt về việc các người ly hôn và lại đã tái kết hôn không được phép chịu các Bí tích của Giáo Hội. Mặc dù tại một số Giáo Xứ tại Âu-Mỹ, người ta đã công khai hay ngấm ngầm cho phép các tín hữu thuộc trường hợp trên lại được lãnh nhận các Bí tích. Nhưng ý kiến của những kẻ chống đối Giáo Hội là họ muốn Giáo Hội phải chính thức cho phép điều thực hành ấy bằng các văn kiện rõ ràng. Họ đòi hỏi Giáo Hội phải sửa đổi giáo luật, phải nới lỏng luật “bất khả phân ly” của hôn nhân trong một số trường hợp ngoại lệ. Nói cách khác, họ đòi hỏi Giáo Hội phải hợp thức hóa và chấp nhận cuộc sống của những người ly hôn đã tái kết hôn.

Trước những thành kiến đầy nhạy cảm và chủ quan được nêu lên ở trên đây, ĐTC Bênêđíctô XVI đã đi thẳng vào vấn đề và đưa ra những lời giải đáp chí lý trong dịp Đại hội quốc tế của các gia đình từ ngày 30.5.2012 đến ngày 3.6.2012 tại Milanô/Ý (xin xem nhật báo “L´Osservatore Romano”, cơ quan bán chính thức của Tòa Thánh, từ số ra ngày 30.5. đến 4.6.2012). Tuy ĐTC vẫn giữ bản tính tế nhị, nhẹ nhàng và thân tình tự nhiên cố hữu của ngài, nhưng ngài đã đưa ra những lời phát biểu rõ ràng và dứt khoát đối với những khẳng định và những phản kháng chủ quan của các phương tiện truyền thông trong vấn đề này. Bởi vậy, trong những dòng sau đây chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa sâu sắc những lời phát biểu của Đức Thánh Cha trong vấn đề hôn nhân gia đình nhân dịp gặp gỡ các gia đình tại Milanô.

Sự ưng thuận tự do là điều kiện tất yếu của hôn nhân

Trước hết, ĐTC đã giải thích sự khác biệt to lớn giữa hôn nhân ngày nay và hôn nhân xa xưa trước kia. ĐTC nói: “Mãi cho tới thế kỷ XIX tại Âu châu hiện hữu một kiểu mẫu hôn nhân khác. Xưa kia hôn nhân thường được sử dụng như một sự giao kèo giữa hai gia đình hay hai dòng tộc, nhằm bảo đảm an ninh cho hai gia đình liên hệ và các quyền lợi vật chất của họ. Ngày nay, hôn nhân không còn bị chi phối bởi ý muốn của người khác nữa, (tương tự như kiểu nói của người Việt Nam ta: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”), nhưng là một sự tự do quyết định của đương sự.” Qua lời phát biểu của ngài, Đức Bênêđíctô XVI muốn khẳng định thêm lời dạy của Sách Giáo Lý Công Giáo (SGLCG), tức sự ưng thuận hoàn toàn tự do của hai người nam-nữ trong việc kết hôn. Sách Giáo Lý nói về sự ưng thuận hôn nhân (x. SGLCG, số 1625). Thiếu sự ưng thuận tự do, hôn nhân giữa hai người nam-nữ không phải là hôn nhân thành sự (x. SGLCG, số 1628).


Ở đây, chúng ta thấy hai chữ “tình yêu” không được đề cập tới, mặc dù tình yêu là động lực chính của hôn nhân. Theo sự nhận định của hai nhà thần học thời danh của Giáo Hội, thánh Augustinô thành Hippô và thánh Thomas thành Aquinô, thì tình yêu là hành vi tiên khởi của ý chí. Nói cách khác, trong sự ưng thuận tự do của hôn nhân, tình yêu đương nhiên đã được chứa đựng một cách mặc nhiên trong hành vi của ý chí đôi nam-nữ. Đúng vậy, tiếng thưa “vâng” hay “có” của đôi nam-nữ khi cử hành hôn lễ là sự bày tỏ rõ ràng của ý chí muốn đi tới hôn ước, đã mặc nhiên bao gồm tiếng thưa “vâng” hay “có” để đi tới tình yêu vợ chồng. Sách GLCG dạy rõ ràng: “Sự ưng thuận phải là hành vi của ý chí mỗi người phối ngẫu, không bị cưỡng bức vì bạo lực hay quá sợ hãi do một nguyên cớ ngoại tại.” (số 1628). Tiếp đến, Sách GLCG còn nhấn mạnh: “Không có thế lực nhân loại nào có thể thay thế sự ưng thuận này. Thiếu sự tự do, hôn nhân không thành.”

Theo Công đồng Vatican II, hôn nhân do tình yêu được coi là một “hành vi cá nhân tự do, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa.” (Gaudium et Spes, số 48,1). Xưa kia, hôn nhân thường được sử dụng như một phương tiện để nhằm đạt tới một mục đích khác. Bởi thế, mới có nhiều loại hôn nhân khác nhau, như: “hôn nhân chính trị”, “hôn nhân kinh tế” hay “hôn nhân thương mại”, v.v…, tức những hôn nhân giữa hai người nam-nữ không do tình yêu và sự ưng thuận tự do của các đương sự, nhưng là do những nguyên nhân ngoại tại khác tác thành, hay nói cách khác, do sự sắp đặt với một hậu ý nhất định của những đệ tam nhân, của những kẻ khác.

Ngày nay hoàn toàn khác hẳn. Từ hai thế kỷ qua, với sự chấm dứt thể chế “Ständestaat”, tức các vùng tự trị của các ông hoàng bà chúa, của các gia đình giàu có trong một quốc gia, (xưa kia ở các nước Âu châu nói chung và ở Đức quốc nói riêng, ngoài hoàng đế là người đứng đầu nhà nước, còn có các ông hoàng hay các gia đình giàu có, mỗi gia đình hùng cứ một vùng. Vì thế, hôn nhân giữa các dòng tộc ấy thường là phương tiện để bành trướng lãnh thổ của mình bằng cách đòi nhượng đất đai hay lãnh thổ của dòng tộc kia. Đây cũng là điều đã xảy ra tại Việt Nam: Vào năm Bính Ngọ 1306, khi vua Chiêm Thành là Jaya Simh Varman, mà người Việt Nam vẫn gọi là Chế Mân, đã cầu hôn công chúa Huyền Trân, con vua Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông, và dâng cho nước Đại Việt lúc bấy giờ hai châu Ô và châu Lý, hai vùng đất rộng lớn kể từ Quảng Bình cho tới Qui Nhơn ngày nay, làm đồ sính lễ. Đây rõ ràng là một cuộc hôn nhân hoàn toàn chính trị, chứ không do tình yêu) với sự thay đổi thuộc lãnh vực xã hội-kinh tế và với sự phát sinh những hình thức sống và não trạng thoát ly (mentalité émancipante) mang tính cách cá nhân, hôn nhân tình yêu đã bắt đầu dành lại chỗ đứng bất khả nhượng của mình trong đời sống hôn nhân. Sự quan hệ cá nhân riêng tư – mà mục đích là nhằm làm thỏa mãn những đòi hỏi thuộc cảm xúc cũng như phái tính – đã trở thành kiểu mẫu chính của hôn nhân, vì nó loại bỏ động lực thuộc kinh tế-xã hội từng thịnh hành cho tới lúc bấy giờ trong cuộc sống hôn nhân.

Ngày nay, qua việc loại bỏ được quan niệm xã hội cổ điển lệch lạc về hôn nhân trên đây, hôn nhân tình yêu đã trở thành quy tắc chính của hôn nhân. Hôn nhân được coi như nơi trú ẩn an toàn cho nhu cầu nội tâm thầm kín và mật thiết của con người. Dĩ nhiên, trong đó vẫn luôn ẩn chứa một sự nguy hiểm mà trong lần gặp gỡ các gia đình tại Milanô, Đức Bênêđíctô XVI cũng đã nêu rõ với những lời sau đây: “Người ta thường dễ lầm tưởng cho rằng tình yêu thì tuyệt đối, nó phải trường tồn mãi mãi, nhưng sự thật thì không phải thế. Giai đoạn mới quen biết và yêu nhau là thời gian thơ mộng, nhưng lại không hoàn hảo trọn vẹn. Cảm xúc nơi con người thay đổi theo thời gian. Sự chuyển tiếp từ việc đính hôn cho tới hôn nhân là cả một quá trình diễn tiến những cảm nghiệm nội tâm. Cảm xúc của tình yêu cần phải được hướng dẫn bởi lý trí và ý chí.” Bởi vậy, trong khuôn khổ lễ nghi hôn phối, người ta không hề nói tới giai đoạn “bốc đồng” khi mới bắt đầu yêu nhau, nhưng là bày tỏ lòng mong ước và sự sẵn sàng chín chắn bước đi trên con đường do ý chí và lý trí cùng hướng dẫn. Ở đây, đề cập tới con người toàn diện qua lý trí và khả năng phán đoán của nó, vâng, đề cập tới chính cuộc sống con người. Tại tiệc cưới Cana, thứ rượu được đem hầu khách lần thứ hai thì tốt hơn thứ rượu đem hầu lần đầu. Cũng vậy, tình yêu phải luôn lớn lên và trở nên chín chắn hơn trong một diễn tiến bao gồm giáo xứ, Giáo Hội, bạn bè, sự sống chung đúng đắn với những người khác, tức với những gia đình có tín ngưỡng, những người cùng có chung một hoàn cảnh như nhau.”

Như vậy, sau ý chí và sự ưng thuận hôn nhân của đôi nam-nữ, một thực tại khác được nêu danh, mà đối với giáo huấn về hôn nhân cũng quan trọng tương tự, đó chính là cộng đoàn. Không thể có hôn nhân, nếu không có tương quan với cộng đoàn. Sự ưng thuận qua tiếng thưa “xin vâng” để bày tỏ sự ưng thuận của các đương sự khi cử hành hôn lễ cũng là lời hứa trước cộng đoàn. Chính trong những thời gian bị khủng hoảng khó khăn người ta nhận ra được một điều mà Đức Bênêđíctô XVI nêu lên trong tác phẩm “Chúa Giêsu thành Na-da-rét” của ngài: “Gia đình là trọng tâm của tất cả mọi trật tự xã hội” và hôn nhân là điều kiện cho sự ổn định bền vững của các gia đình, nên hôn nhân là trọng tâm của mọi trọng tâm. Theo giáo sư Ernst-Wolfgang Böckenförde, nhà luật học người Đức, thì hôn nhân và gia đình nằm trong số những điều kiện mà một nhà nước không thể tạo ra được, nhưng là những điều kiện giúp cho một nhà nước tồn tại. Nói cách khác, gia đình còn là nhà nước còn, gia đình tan vỡ là nhà nước bị tiêu diệt. Bởi vậy, trong bộ luật hình sự mỗi quốc gia đều ghi rõ điều khoản phải bảo vệ và thăng tiến hôn nhân và gia đình. (Điều ấy lại một lần nữa khẳng định rằng phong trào của một số người ngày nay sống phóng túng và tự do quá trớn chủ trương loại bỏ gia đình là một điều chủ quan và phản xã hội, cũng như chủ trương “tam vô” của chủ nghĩa cộng sản vô thần nguyên thủy – vô tôn giáo, vô tổ quốc và vô gia đình – là một ảo tưởng, là một điều sai lầm nguy hiểm.)

Hôn nhân mang lại lợi ích cho nhà nước

Qua những điều vừa nói trên, người ta nhìn thấy được rằng, chính nhà nước là đơn vị đầu tiên được hưởng thụ những lợi ích từ hôn nhân và gia đình. Cuộc sống thực tế đã minh chứng điều ấy một cách cụ thể, đó là khi những tương quan hôn nhân và gia đình bền vững thì sự giảm thiểu các mối đe dọa nguy hiểm, như sự nghèo đói, bệnh tật và sự bất ổn xã hội, và đồng thời nâng cao tình trạng an sinh, sự hài hòa an bình và sự thăng tiến cuộc sống mọi người trong xã hội, v.v… là một điều tất yếu. Và điều ấy không chỉ đối với cuộc sống hôn nhân gia đình mà còn đối với phúc lợi chung của toàn xã hội. Những tác dụng tích cực ngoại tại ấy được minh chứng một cách thực tiễn trong nhiều công trình khảo cứu. Vì thế, các nhà chuyên môn về hôn nhân đã gọi hôn nhân và gia đình là “vốn liếng văn hóa”. Và đối với các sinh hoạt xã hội và chính trị, vốn liếng văn hóa này mang một ý nghĩa hết sức quan trọng: Nó củng cố hệ thống xã hội và kinh tế. Trong các thời kỳ huê lợi hằng năm bất ổn và các mối đe dọa gia tăng do sự phát triển dân số thì hôn nhân và gia đình là một phương thức bảo hiểm sinh mệnh một cách đặc biệt và an toàn. Nó tạo nên một khuôn khổ mà trong đó không chỉ các cảm xúc của con người có thể phát huy, nhưng từ khuôn khổ ấy cả sự bền vững của cộng đồng cũng được củng cố và tăng trưởng.

Còn phía Kitô giáo luôn coi hôn nhân: một đàng là một giải đáp cho những đòi hỏi xã hội và một đàng khác là một giải đáp cho nỗi khao khát tình yêu, sự an toàn và tương lai của các cá nhân. Sự tương quan giữa một người nam và một người nữ trong hôn nhân luôn được coi là sự tương quan nhân bản chặt chẽ nhất, là sự tương quan nền tảng do chính Tạo Hóa thiết đặt nên. Và kết quả tất yếu của một mối tương quan nguyên thủy như thế là sự mật thiết giữa hai người, là không gian vô điều kiện mà trong đó chúng ta không thẩm định theo điều chúng ta tạo nên hay có được, nhưng là chính chúng ta, chính sự hiện hữu của mình. Trong cuộc gặp gỡ họ tại Milanô, Đức Bênêđíctô XVI đã kêu mời các gia đình đừng nghe theo lý lẽ của các của cải vật chất, những thứ mà các học thuyết tân thời về kinh tế và chính trị nhằm tới, nhưng lý lẽ của chính cuộc sống. Chính lý lẽ của cuộc sống sẽ dẫn tới một sự “cân bằng hài hòa” giữa gia đình, công việc làm ăn và lễ hội. Và thuộc về lý lẽ của cuộc sống là sự quan hệ mật thiết vợ chồng, vì nó là yếu tố nền tảng của cuộc sống hôn nhân.

Khuôn khổ sự tương quan mật thiết và sự tin tưởng cơ bản tự nhiên là mẫu mực nền tảng của đời sống hôn nhân và gia đình. Trong các từ điển toàn thư khổ lớn, ý niệm “mật thiết” (intimité) này được sử dụng để đề cập tới các sinh hoạt “phòng the”, các sinh hoạt vợ chồng. Nhưng trong thực tế, ý niệm “mật thiết” trong đời sống hôn nhân còn bao hàm một ý nghĩa bao quát hơn nhiều, vượt lên khỏi biên giới của phạm vi “sinh hoạt vợ chồng” theo nghĩa đen. Ý niệm “mật thiết” bao hàm toàn diện mọi sinh hoạt nội tâm của con người, gồm các tư tưởng và các cảm xúc, tức sự tin tưởng tuyệt đối, sự tin tưởng nền tảng nguyên thủy. Vì thế, người ta có thể nói rằng sự mật thiết là bộ mặt của nhân bản, là điểm hẹn để con người gặp gỡ được chính mình. Điều đó muốn nói rằng, sự mật thiết trước hết mang chiều kích tinh thần. Nó thuộc về chính cuộc sống con người. Nó chứa đựng trong mình chính bản ngã con người. Qua đó, nó là sự đảm bảo cho lời khẳng định mang tính cách nhân chủng học của Kinh Thánh khi dạy rằng, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27).

Và bởi vì sự gặp gỡ hôn nhân giữa hai người nam-nữ, giữa hai vợ chồng, trong một không gian hoàn toàn tự do, hoàn toàn vô điều kiện và hoàn toàn tự nhiên mang tính chất hiện sinh như thế, nên sự nối kết giữa họ cũng mang tính cách vĩnh viễn, bất khả tháo gỡ. Đó cũng là ý kiến của các nhà thần học thời danh của Giáo Hội. Trong tác phẩm thần học mang tính cách minh giáo “Contra Gentes: Chống Lại Lương Dân” của ngài, thánh Thomas Aquinô đã viết: “Một khi tình yêu càng to lớn, thì nó càng chắc chắn và bền vững. Nhưng tình yêu to lớn nhất phải là tình yêu giữa một người nam và một người nữ. Họ kết hợp với nhau không chỉ trong hành động liên kết về phần thể xác, (…), nhưng trong toàn diện cuộc sống chung của họ. Bằng chứng về điều ấy là người nam vì vợ mình mà xa lìa cha mẹ, đúng như Kinh Thánh đã dạy (x. St 2,24). Do đó, một điều đương nhiên là hôn nhân phải tuyệt đối bất khả tháo gỡ.”

Các Giáo Phụ khác, như Tertulian chẳng hạn, còn tỏ ra nhiệt tình hơn nữa khi các ngài bàn đến “tình yêu to lớn nhất” và tính chất bất khả tháo gỡ của nó. Các ngài tham chiếu – cũng như Đức Bênêđíctô XVI vừa làm trong cuộc gặp gỡ các gia đình tại Milanô – tình yêu hôn nhân được coi là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Theo Đức Bênêđíctô XVI, một gia đình được xây dựng trên nền tảng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ thì tượng trưng cho mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên con người gồm có nam có nữ với tất cả nhân phẩm như nhau. Tuy nhiên, họ lại có những tính chất đặc thù riêng và khác biệt nhau, nhưng không phải đối kháng hay nghịch lại nhau; trái lại, các tính chất đặc thù và khác biệt của họ lại bổ túc cho nhau. Mỗi người trong họ là quà tặng cho người kia. Họ nâng giá trị lẫn cho nhau. Họ cùng nhau hiện thực một cộng đồng tình yêu và cuộc sống!

Sự đổ vỡ của hôn nhân

Dĩ nhiên, hôn nhân cũng không tránh khỏi một thực tại tiêu cực đầy đau thương, đó là sự đổ vỡ của nó, là sự ly hôn, và hậu quả tất yếu kèm theo là sự đổ vỡ của cả một gia đình với bao bất hạnh khôn lường. Cách đây mười năm về trước, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã từng đề cập đến “não trạng ly hôn” trong các xã hội tân tiến ngày nay và đã phác họa lên một cách thẳng thắn và thực tiễn bức tranh của thời đại tân tiến qua những dòng sau đây: “Không một lục địa hay một xã hội nào có thể tránh khỏi được thực trạng đau buồn ấy, vâng, qua sự đổ vỡ của hôn nhân, toàn diện xã hội trở nên suy nhược. Khi “não trạng ly hôn” tăng trưởng và thống trị được con người, nó sẽ làm cho các đôi vợ chồng ra suy nhược, không đủ khả năng để nỗ lực vượt lên mọi thử thách và mọi khó khăn của đời sống hôn nhân của họ, và họ dễ dàng đầu hàng buông xuôi trước các thách đố của cuộc sống hôn nhân và gia đình. (…) “Sự ly hôn không chỉ là một vấn nạn thuộc pháp lý, không chỉ là một cơn khủng hoảng qua thời, nhưng nó đụng chạm đến chính bản thể con người. Sự tương quan hôn nhân bị xáo trộn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả mọi thành viên của gia đình và là nguyên nhân gây nên sự nghèo nàn trong mọi lãnh vực: kinh tế, xã hội, tình cảm và nhân bản.” Các gia đình liên hệ bị phân tán và chia rẽ, đặc biệt trong lãnh vực quyền lợi kinh tế và tài chính. Người ta sẽ quan niệm sai lệch về sự tự do, và tâm lý luôn trong tình trạng bất ổn, sợ hãi và mất tự tín trong các tương quan xã hội. Nếu họ chưa rời bỏ nhau, thì họ cũng chỉ sống chung với nhau như những người xa lạ và chỉ cho qua ngày, thế thôi. Mọi tương quan mật thiết, mọi sinh hoạt vợ chồng và mọi sự tin tưởng giữa họ đều hoàn toàn bị tiêu tan. Người ta luôn sống trong sự nghi kỵ và dè chừng nhau. Hoàn cảnh và tình trạng một cuộc sống hôn nhân và gia đình tiêu cực như thế sẽ gây nên nơi những người trong cuộc sự “hoài nghi về các giá trị cao cả và chân chính của hôn nhân và sẽ nhận định sai lạc khi cho rằng sự chung thủy hôn nhân cho đến chết là một điều bất khả.”

Một thực tại cụ thể quan trọng khác được ghi nhận từ năm 1990 đến năm 2008 tại CHLB Đức mà chúng ta không được bỏ qua, đó là theo thống kê chính thức của chính phủ Đức thì nguyên nhân chính của thảm trạng ly hôn, thảm trạng hôn nhân bị đổ vỡ, tăng cao là do tình trạng tục hóa và vô tôn giáo tại quốc gia này. Những đôi vợ chồng không sống đạo hẳn hoi thường dễ bỏ nhau hơn. (x. Joachim Eicken & Ansgar Schmitz-Veltin: Die Entwicklung der Kirchenmitglieder in Deutschland, trang 576-590, trong: Statistisches Bundesamt (Hrsg.): Wirtschaft und Statistik 6/2010, trang 587).

Cuộc sống đức tin của những người ly hôn lại tái kết hôn

Còn về vấn đề những người sau khi ly hôn lại tái kết hôn, Đức Thánh Cha đã phát biểu: “Vấn đề ly hôn và những người ly dị lại tái kết hôn là một trong những nỗi khổ tâm to lớn nhất của Giáo Hội ngày hôm nay. Và hiện tại vẫn chưa có những giải pháp toàn diện cho vấn đề. Đây quả thực là một sự đau đớn to lớn, và để giúp đỡ các giáo xứ và các cá nhân, chúng tôi chỉ có thể nói được rằng: Nhờ vào các biện pháp phòng ngừa thích đáng, sự đào sâu tình yêu lẫn nhau, sự đồng hành và giúp đỡ trong tương quan giữa hai vợ chồng cũng như trong suốt cuộc sống hôn nhân của họ, các gia đình sẽ không còn cảm thấy mình bị lẻ loi đơn độc, nhưng hằng ngày trong cuộc sống họ luôn cảm nhận được sự nâng đỡ của kẻ khác. Mặc dầu họ không được phép rước lễ, nhưng họ luôn cảm thấy mình được yêu thương và được đón nhận bởi tình yêu thương mà Giáo Hội dành cho họ. Họ cần ý thức rằng họ luôn là thành phần của Giáo Hội và vẫn có những tương quan thân tình với vị lãnh đạo tinh thần của giáo xứ, mặc dầu họ không được phép lãnh nhận Bí tích Cáo Giải. Họ có thể sống kết hiệp với Chúa Giêsu qua việc rước lễ thiêng liêng.”

Trên đây là toàn bộ kế hoạch dành cho các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội cũng như cho các Giáo Xứ. Đức Thánh Cha kêu mời tất cả các tín hữu từng bị thất bại trong cuộc sống hôn nhân, – những người “tuy phải gánh chịu những trải nghiệm đau xót về sự đổ vỡ và chia lìa, vẫn chia sẻ các giáo huấn của Giáo Hội về gia đình” – hãy sống liên kết và gắn bó với các Giáo Xứ của mình. Họ nên biết rằng Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội luôn nâng đỡ họ trong cuộc sống đầy thử thách khó khăn của họ. Sẽ có những hình thức mục vụ đặc biệt cho những hoàn cảnh như thế. Nhưng dĩ nhiên sẽ không bao giờ có sự thay đổi hay hủy bỏ sự thật về hôn nhân. Khi còn là Hồng Y, Đức Bênêđíctô XVI đã từng viết: “Một mình tình yêu chưa đủ, chỉ khi tình yêu và sự thật cùng hòa hợp với nhau, thì bấy giờ con người mới thực sự được tự do.” Và trong Thông điệp “Veritatis Splendor”: Sự huy hoàng của chân lý, Đức Gioan Phaolô II còn khẳng định: “Sự tự do của con người hoàn toàn phụ thuộc vào chân lý.”

Điều ấy cũng được áp dụng trong phạm vị hôn nhân. Nhưng có nhiều ký giả, và có cả một số các nhà thần học và nhất là các nhà chính trị lại nhìn vấn đề dưới một góc độ khác, và qua đó người ta nhận thấy họ hiểu và đánh giá sự tự do theo kiểu cách của những kẻ theo chủ nghĩa duy lợi ích hay của những kẻ theo chủ nghĩa hư vô. Họ quan niệm rằng tự do là “hoàn toàn được tự do, muốn làm gì tuỳ ý”, chứ không phải là tự do lựa chọn chân lý, là chấp nhận kẻ khác với ý thức đầy đủ trách nhiệm. Đây chính là trọng tâm của vấn đề. Bởi vậy, thiếu nó người ta không thể hiểu được hôn nhân Kitô giáo một cách chính xác. Hôn nhân không phải là “cơ cấu hình thức bên ngoài, là thành quả của luật pháp và của sự phê chuẩn của xã hội và là sự hạn chế của con người trong sự hiện thực chính mình một cách tự do” như lời nhận định của Đức Gioan Phaolô II vào năm 2004 trước các vị thẩm phán của Toà Thượng Thẩm (Romana Rota), những vị chịu trách nhiệm trong việc tuyên bố hủy bỏ hay công nhận tính hữu hiệu của hôn nhân. Và: “Người ta cần phải tái khám phá chân lý này là sự thiện hảo và vẻ kiều diễm của định chế hôn nhân mà qua bản tính con người và qua sự tự do của ý chí là một tuyệt tác của chính Thiên Chúa. Như vậy, định chế hôn nhân mãi mãi trở thành một thực tại cá nhân và bất khả tháo gỡ, là lãnh địa của sự công bằng và của tình yêu, luôn vẫn là một phần của chương trình cứu độ và trong thời viên mãn đã được nâng lên thành một Bí tích cao cả của Kitô giáo.”

Đây là một chân lý bất di dịch, không một vị Giáo Hoàng nào có thể nhân danh Giáo Hội để xóa bỏ hay tương đối hóa được, nếu không, các ngài đã dạy người ta yêu mến tội lỗi và khuyến khích những kẻ có tội tiếp tục sống trong sự sai lầm dối trá. Qua Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục, những vị thừa kế sứ mệnh các Thánh Tông Đồ, Giáo Hội có bổn phẩn phải rao giảng và bảo vệ mọi chân lý của Tin Mừng đã được chính Thiên Chúa mặc khải qua Con Một của Người là Đức Kitô, chứ Giáo Hội không có quyền hủy bỏ hay thêm bớt. Bởi vậy, tính chất bất khả tháo gỡ của hôn nhân Kitô giáo, một chân lý mặc khải của Tin Mừng, không ai có quyền loại bỏ hay sửa đổi. Chân lý ấy cũng đã được chính Chúa Giêsu khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly!” (Mc 10,9).

Lm Nguyễn Hữu Thy


Nguồn: Lamhong.org
Những sự thật về tình yêu và hôn nhân Reviewed by Admin on 8/22/2012 Rating: 5 Lamhong.org - ĐTC Bênêđíctô XVI và vấn đề những người ly hôn lại tái kết hôn. Cần phải hiểu đúng những lời phát biểu quan trọng của Đức Th...

Không có nhận xét nào: