Ỷ Lan(RFA) - Hôm thứ sáu ngày 17/8 vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ David Shear đã đến vấn an Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện ở Sài Gòn.
Tự do tôn giáo
Ỷ Lan: Ngưỡng bạch Đức Tăng Thống, được tin hôm thứ sáu 17.8 vừa qua ông Đại sứ Hoa Kỳ David Shear đến Thanh Minh Thiền viện vấn an Đức Tăng Thống. Việc này có đúng không, kính xin Đức Tăng Thống hoan hỉ xác nhận?
Hòa thượng Thích Quảng Độ: Thưa cô Ỷ Lan và quý độc giả Đài RFA. Tin đó là chính xác. Hồi 3 giờ 30 chiều ngày thứ sáu ông Đại sứ Hoa Kỳ có đến Thanh Minh Thiền viện thăm tôi.
Ỷ Lan: Xin Đức Tăng Thống cho biết ông Đại sứ đi một mình hay có ai tháp tùng? Và nội dung cuộc trao đổi gồm những vấn đề gì?
Cuộc trao đổi giữa ông Đại sứ với tôi kéo dài trên một giờ đồng hồ. Nội dung có nhiều vấn đề nhưng thực sự chưa tiện nói ra.
HT Thích Quảng Độ
Hòa thượng Thích Quảng Độ: Phái đoàn gồm có ông Đại sứ, có thêm ông Nicholas Snyder là Trưởng Phòng Chính trị Tòa Tổng Lãnh sự và bà Katleen Peoples, Thám tán Chính trị Tòa Tổng Lãnh sự. Còn thêm một người thư ký nữa.
Cuộc trao đổi giữa ông Đại sứ với tôi kéo dài trên một giờ đồng hồ. Nội dung có nhiều vấn đề nhưng thực sự chưa tiện nói ra.
Vấn đề Giáo hội dĩ nhiên là vấn đề chính yếu. Trước hết là nói qua Phật giáo du nhập Việt Nam trong quá khứ, thế rồi thời Pháp thuộc. Trong thời Pháp thuộc Giáo hội Phật giáo không được tư cách như là một Giáo hội. Đạo Dụ số 10 về vấn đề tôn giáo, người Pháp đặt địa vị Giáo hội vào một hiệp hội mà thôi, cũng như hiệp hội trồng hoa, hiệp hội cây cảnh thế. Sau đó tình trạng ấy kéo dài suốt thời kỳ Pháp thuộc.
Vào tháng Giêng năm 1964 tất cả các tổ chức Phật giáo Việt Nam, từ Bắc cho đến Nam thành lập ra cái Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ngày nay. Thành từ đó Giáo hội mới được hưởng quy chế gọi là một Giáo hội từ 1963 đến giờ, mà không còn là một hiệp hội nữa.
Nhưng mà từ năm 1975 đến giờ tình hình nó lại khác hẳn đi. Đến 1981, Công sản họ có tổ chức một Đại hội Phật giáo mà gồm những người mà họ đã nắm được. Tức là họ đã chinh phục được chẳng hạn, hoàn toàn đã đầu phục họ. Họ dùng những vị đó để ra Hà Nội, gọi là đại diện cho Giáo hội Phật giáo miền Nam ra họp thống nhất Phật giáo cả nước dưới cái chế độ Cộng sản bây giờ. Đã hoàn thành vào năm 1981, thì họ gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chỉ khác cái Giáo hội trong này là không có chữ Thống nhất thôi. Họ coi cái Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Giáo hội Tay sai của Cộng sản lập ra. Dùng Giáo hội ấy mục đích để tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) còn cố gắng giữ nguyên vị tồn tại đấy.
Nhưng đã ba mươi mấy năm nay rồi, họ chưa thành công tiêu diệt GHPGVNTN hiện giờ. Cho đến nay họ chưa thành công, đã 37 năm qua họ chưa thành công. Nhưng cho đến giờ phút này họ vẫn chưa tha. Còn các chùa như Quảng Nam – Đà Nẵng đấy ở miền Trung bây giờ đang diễn ra. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã đưa đầy đủ tin tức, nhất là chùa Giác Minh. Bây giờ vẫn đang đàn áp khốc liệt.
Đại sứ Hoa Kỳ David Shear và Thượng tọa Thích Quảng Độ bắt tay sau cuộc thảo luận về tự do tôn giáo và nhân quyền tại TPHCM ngày 17/8. Courtesy US Embassy. |
Do đó cho nên GHPGVNTN phải chịu đựng cho đến khi nào mà thực sự Việt Nam có được nền dân chủ đa nguyên, nhân quyền được tôn trọng, thì lúc đó Giáo hội mới có thể hết nạn. Chứ còn Cộng sản, đang còn độc quyền như mấy chục năm nay, thì Giáo hội không có hy vọng gì thoát nạn đâu. Thành ra Giáo hội phải kiên nhẫn chờ đợi thôi. Cố mà duy trì cái pháp lý thôi. Làm sao bây giờ tất cả hoạt động trong ngoài nước, nhất là ngoài nước bây giờ có phương tiện để giúp hỗ trợ cho trong nước, để duy trì cái pháp lý của Giáo hội. Cái danh nghĩa là GHPGVNTN mình vẫn còn giữ được để chờ thời. Nhưng mà nếu pháp lý mất rồi thì mình không còn lý do tồn tại nữa đâu.
Chính nhờ ở sự hỗ trợ ở nước ngoài đó thông tin cho thế giới biết cái tình trạng trong nhà bị đàn áp như thế, mà Giáo hội trong nhà dù khó khăn nhưng vẫn tồn tại. Chứ nếu không có hoạt động của Văn phòng II, mà trong đó có Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế là hữu hiệu nhất để mà chống đỡ cho sự tồn tại của trong nước.
Thành tôi hy vọng rằng với thời gian Phật gọi là Vô thường, nó biến chuyển từng tích tắc một, từng sát na một. Thành ra cái sự biến chuyển như vậy, không có cái gì tồn tại. Không nói là vĩnh viễn nhưng mà lâu dài cũng khó, mà đó là quy luật tự nhiên rồi. Không ai có thể tránh khỏi. Chưa biết được. Tôi thường nói có khi đêm nay mình đi ngủ như thường, nhưng sáng mai mở mắt, cả thế giới thay đổi rồi. Biết đâu. Đấy là cái Phật gọi là Sát na vô thường. Nó chỉ trong tích tắc thôi. Cho nên Giáo hội Hải ngoại bây giờ trách nhiệm rất là quan trọng. Hết sức mà hỗ trợ, hoạt động để hỗ trợ cho trong nước có hoàn cảnh có đủ điều kiện duy trì cái pháp lý mà thôi.
Sự sinh tồn của Việt Nam
Ỷ Lan: Ngoài vấn đề Phật giáo, Đức Tăng Thống có đề cập tới vấn đề gì khác nữa không?
Hòa thượng Thích Quảng Độ: À vấn đề thời sự đang nóng bỏng đây, vấn đề Biển Đông liên hệ đến sự sinh tử, sinh tồn của cả Việt Nam chứ không riêng gì cái Biển Đông đâu. Biển Đông mà không còn giữ được nữa thì đất liền cũng không hy vọng gì.
Ngay trên đất liền này, bây giờ từ Bắc vào đến Nam, người ta đã có cơ sở hết rồi. Hàng chục mẫu rừng đầu nguồn coi như là họ nắm toàn bộ. Họ làm cái gì không ai biết. Việt Nam không được phép vào. Thế rồi Bô xít Tây nguyên mà Giáo hội đã từng lên tiếng cũng thế. Họ coi như là một lô cốt, bây giờ họ làm gì trong không ai biết.
Nếu như thực tế thì rất bi quan.
Khuyết điểm của họ là cố bám vào cái Đảng Cộng sản. Nếu họ buông cái đảng Cộng sản ra, họ tin tưởng vào lòng dân... Bây giờ lòng dân ai cũng muốn giữ nước hết, có ai muốn bán nước đâu?
Biển Đông mà không còn giữ được nữa thì đất liền cũng không hy vọng gì.
HT Thích Quảng Độ
Đấy những cuộc biểu tình tuy không thành. Họ đàn áp. Nhưng người ta cố gắng bằng cách này cách khác. Từng nhóm người một, người ta biểu lộ lòng yêu nước của người ta. Nếu họ muốn giữ nước thực sự, thì họ khai thác những cái đó, họ lợi dụng những cái đó. Họ không chủ trương, họ còn ngại về ngoại giao đối với Tàu gì đấy, họ không để cho dân tự phát tổ chức các cuộc biểu tình. Có lẽ nếu họ cho thế thì rất đông. Nhờ vào những áp lực như vậy thì họ có lý do để bảo vệ đất nước này. Nhưng mà họ quá sợ, họ sợ mất nước là một chuyện, nhưng họ sợ, có cái sợ quan trọng hơn mất nước, đó là mất Đảng. Những cái đó là họ sai lầm. Nếu không có dân tộc thì họ sống với ai? Mà bây giờ cứ cố mà giữ cái Đảng ấy, đàn áp cả một dân tộc chín mươi triệu dân. Khó lắm.
Ỷ Lan: Một câu hỏi chót là xin Đức Tăng Thống cho biết thái độ ông Đại sứ Hoa Kỳ như thế nào? Và hơn nữa, Đức Tăng Thống chờ đợi gì ở Hoa Kỳ trong tình trạng của Việt Nam hôm nay?
Hòa thượng Thích Quảng Độ: Tôi cũng nói với ông Đại sứ và ông cũng đồng ý vấn để Biển Đông. Bây giờ ngoài Hoa Kỳ ra thì không ai có khả năng đương đầu được với thế lực hung hăn của Trung quốc hiện giờ.
Nói cho đúng ra thì cũng có quyền lợi ở Biển Đông. Nếu Biển Đông mất thì cũng kẹt cho Hoa Kỳ. Sự lưu thông ở Biển Đông nhất định là sẽ trở ngại. Thành ra Hoa Kỳ có giúp Việt Nam thì cũng như tự giúp mình nữa thôi. Chứ không phải chỉ hoàn toàn giúp Việt Nam không.
Ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông nói trước đây có một vài con sâu, bây giờ có cả bầy sâu. Bây giờ để cho nó phát triển ra một đoàn sâu thì chết (cười). Như vậy là ông Chủ tịch nước đã thấy vấn đề, đã thấy vấn đề rồi chắc chắn cũng phải lo. Lo không cái gì hơn là thật sự bắt tay với Hoa Kỳ. Ngoài Hoa Kỳ ra không thể nhờ ai được đâu. Bây giờ thực sự muốn giao thiệp lâu dài, kết bạn lâu dài là phải Dân chủ hóa chứ không có con đường nào khác. Trước sau gì rồi cũng phải dân chủ hóa.
Tương lai nước Việt Nam sống bên cạnh nước khổng lồ, mà cái anh khổng lồ anh ấy chơi bẩn, anh bạn hàng xóm nhưng chơi xấu. Thành ra mình phải tìm ra người bạn nào mình tin tưởng được, có thể giúp mình, giữ được đất nước này trong lâu dài, thế hệ này sang thế hệ khác, thì đó là trách nhiệm của Đảng Cộng sản. Hiện họ đang nắm quyền, cho nên quyền lợi cá nhân, phe nhóm nó còn được tôn trọng, đề cao, hơn là quyền lợi dân tộc, đất nước. Đấy là cái khó của người Việt Nam. Khó ấy là do Đảng Cộng sản gây ra.
Ỷ Lan: Xin cám ơn Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã dành cuộc phỏng vấn cho Đài Á châu Tự do.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Paris.
Không có nhận xét nào: