Lamhong.org - Chiều ngày 16/08/2012, trong khuôn khổ Tuần văn hóa Phật Giáo tại Nghệ An (12-18/8), ông Cao Huy Thuần, Giáo sư ngành Chính trị học tại Đại học Picardi, Pháp; GS. Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức, nguyên Thứ trưởng bộ Khoa học Công nghệ; GS. Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa minh triết, nguyên vụ trưởng Vụ dân vận trung ương; TS Đinh Hoàng Thắng, Phó viện trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin và hợp tác quốc tế, nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan và các thành viên trong đoàn đã về làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cùng với Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, thắp hương kính viếng cụ Nguyễn Trường Tộ – một tín hữu Công giáo, một chí sĩ, danh sĩ, kiến trúc sư luôn thao thức với vận mệnh của dân tộc.
Đây là một việc làm thể hiện lòng biết ơn đối với một danh nhân Công giáo đã từng có nhiều cống hiến quý báu cho vận mệnh của dân tộc. Trong khuôn khổ những hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa Phật giáo tại Nghệ An, nén hương dâng lên cụ Nguyễn Trường Tộ chiều ngày 16/8 vừa qua do các nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước đã nói lên tâm nguyện sát cánh cùng vị tiền bối để góp phần mình vào việc tìm một hướng đi cho quê hương Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay, đồng thời là việc làm biểu tỏ sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, không phân biệt tôn giáo, thành phần dân tộc…, trong việc tìm những giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho quê hương đất nước trong giai đoạn có nhiều biến động phức tạp trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế.
Sau những thời khắc ngắn ngủi nhưng đượm vẻ linh thiêng, sau phút nghiêng mình kính cẩn trước phần mộ của nhà chí sĩ Công giáo, đoàn trở lại Tòa giám mục Xã Đoài và có một cuộc tọa đàm tại quán café Lam Hồng. Những câu chuyện về lịch sử văn chương từ giai đoạn Song An Hoàng Ngọc Phách viết tiểu thuyết Tố Tâm đến vụ án Nhân văn Giai phẩm và câu chuyện về chế độ nhà tù ở Việt Nam giai đoạn những năm 60 thế kỷ trước mà Bùi Ngọc Tấn đã khắc họa rõ nét trongTruyện kể năm 2000 được giới phê bình ví như một Les Misérables (Những người khốn khổ)ở Việt Nam, những câu chuyện về hiện tình đất nước… được đề cập đến bên ly café, tách trà dưới mái lá cọ của quán café Lam Hồng đơn sơ nhưng ấm tình người.
GS. Cao Huy Thuần tại quán café Lam Hồng chiều 16/8/2012
Đọc lại những lời cổ súy cho giá trị văn hóa Phật giáo trong tham luận Hãy bay với hai cánh vào hiện đại của GS. Cao Huy Thuần tại nhà Văn hóa Lao Động tỉnh Nghệ An, đề tài “Tại sao Phật giáo ảnh hưởng ở Phương Tây” được ông triển khai theo định hướng: “Phật giáo là tôn giáo duy nhất thích ứng với khoa học hiện đại” (Einstein), “trí tuệ và lòng tin phải cùng bay với nhau như hai cánh của con đại bàng”, “Hãy bay với hai cánh vào hiện đại”, khiến tôi không khỏi liên hệ đến câu nói của Đức chân phước Gioan Phaolô II trong Thông điệp Đức tin và Lý trí: “Đức tin và Lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã in đặt nơi tâm khảm con người ước vọng tìm biết chân lý để cuối cùng con người được nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ nhận biết và yêu mến Người, con người sẽ đạt thấu được sự thật về mình cách đầy đủ”. Bởi vậy, khi nói người Tây phương ngưỡng mộ Phật giáo và xa dần với Kitô giáo, muốn rủ bỏ sự bảo hộ của Thượng Đế để tự đứng dậy bước đi dưới sự dẫn đường của trí tuệ, vì Phật giáo từ chối lòng tin nếu không đặt cơ sở trên trí tuệ, vì Phật giáo là tôn giáo duy nhất thích ứng với khoa học hiện đại, thì không thật sự khách quan và đúng với thực tế của vấn đề, vì, ít ra là ở khía cạnh tôn trọng lý trí và không coi đức tin và khoa học mâu thuẫn nhau, Phật giáo và Kitô giáo đã có những nét tương đồng giao thoa.
Những việc làm của các nhân sĩ trí thức tại làng Bùi Chu và tại quán café Lam Hồng vào chiều ngày 16/8/2012, phần nào nói lên thiện chí của những người luôn muốn đem lại các giá trị tinh thần cao đẹp cho quê hương đất nước, khi mọi người biết nhận ra những điểm hạn chế và tích cực của nhau./.
Yên Mỹ
Không có nhận xét nào: