Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn và những ai ai … - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 8, 2012

Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn và những ai ai …

VRNs (03.08.2012) - Minnesota, USA - NGÀY MAI Ở JÊRUSALEM

Tôi được đọc lá thư rất hay của Tạ Ph T từ trong tù gửi tới ba bạn trẻ mới gia nhập gia đình của Chúa. Còn đang cảm động và tạ ơn Chúa vì những ơn Chúa ban cho Tạ Phong Tần giữa những thử thách đen tối, thì bất ngờ một cơn sóng thần đen tối khác lại ập xuống cuộc đời chị. Tin người mẹ của chị tự thiêu chỉ trong ít phút đã râm ran khắp nơi. Thật là bàng hoàng! Sự dữ, và kèm với nó sự đau khổ, là một mầu nhiệm. Nghĩa là một cái gì ta không thể lý giải, nhưng phải chao đảo lần mò bám víu tìm ra một con đường đi xuyên qua để nhìn thấy một điểm đến, một bến bờ. Ta có thể hiệp thông với người đau khổ, nhưng xét cho cùng đi qua đau khổ là một quá trình tâm linh mà chỉ một mình đương sự trải nghiệm trước khi có cái gì khả dĩ chia sẻ với cuộc đời.

Khi Tạ Phong Tần bị bắt giam, chị có thể dày dạn về nhiều mặt trong cuộc sống, nhưng chị là một người còn ít tuổi trong đức tin. Nhìn theo bóng chị chìm vào cõi vừa ngục tù, vừa bất công, ta đã cầu nguyện và hiệp thông với chị; nhưng một mình chị đi vào là một vùng tối, ta không thể suy đoán cụ thể những gì sẽ nảy nở trong tâm hồn chị. Thế rồi lá thư chị viết cho ba bạn trẻ là một khoảnh khắc chị từ khoảng tối đi ra, và gửi cho mọi người một tín hiệu, một thông tin quý giá.

Chị viết cho ba bạn trẻ những lời như: “Trong ngục tối mà lòng chị sáng rực, trong hoàn cảnh con người lanh lùng với nhau mà lòng chị ấm áp, trong nỗi cô đơn buồn phiền mà lòng chị hân hoan…. Mỗi người trong chúng ta được gặp Chúa bằng nhiều cách khác nhau…. Tất cả chúng ta đều được gặp Chúa trong hành trình tìm kiếm chân lý, sự thật và công bằng…. Chúa xuất hiện mang lại niềm vui cho chị em mình cho dù chúng ta đã và sẽ còn phải đánh đổi rất nhiều thứ để có niềm vui đó. Chúa củng cố niềm tin cho chị em mình, Chúa ban cho chúng mình sức mạnh để đi tới…. Ngục tù không làm chị nản lòng, khổ đau không làm các em chậm chân bước. Sức mạnh của chúng ta là sự thật, là tình thương, là công lý. Chưa bao giờ chị hoảng sợ khi đối diện với sự gian tà và giả dối, chị luôn nhìn thấy Chúa mỉm cười gọi chị bước đi. Chúng ta cùng nhau cám ơn Chúa, cám ơn Ðức Mẹ, cám ơn Giáo Hội đã cho chúng ta niềm tin và sự sống…. Bất cứ ai tha thiết với công lý, sự thật và tình thương, đều có thể gặp được Chúa, qua kinh nghiệm của chúng ta. Chị tin như thế.”

Ðọc những câu như vậy thấy cả một ánh sáng bừng lên. Ta hiểu rằng chị đã đi được một đoạn đường trong lộ trình tâm linh rất dài của đời người. Lời lẽ trong bức thư có những âm hưởng mà trước đây ta không thấy trong các bài viết của Tạ Phong Tần. Ðó là một khích lệ lớn cho chúng ta.

Nhưng liền sau đó cơn sóng dữ là cái chết đau đớn của người mẹ của chị khiến cho ta vui với ánh sáng chưa được bao lâu, thì lại phải đối mặt với tăm tối mịt mù. Ðã ở tù mà lại còn một thảm họa cỡ đó trong gia đình, theo cách nói thông thường, là “họa vô đơn chí”. Nhưng còn trong đức tin thì nói sao đây? Một lần nữa ta lại xin cầu nguyện và hiệp thông, nhưng không biết gì mà nói thay cho Tạ Phong Tần, bao lâu chị chưa gửi cho ta một tín hiệu khác. Khi biết tin dữ tâm hồn chị sẽ ra sao? Và khi nào biết? Paulus Lê Sơn đó, đến ngày nay vẫn chưa biết tin đã mất mẹ! Lại một bà mẹ nữa đã chết mà không thấy mặt đứa con có cái tâm trong sáng, nhưng cái thân tù đày!

Tôi còn nhớ hồi cuối tháng tư vừa qua, một việc cuối cùng tôi làm trước khi đi Jêrusalem là dâng một Thánh Lễ cầu cho linh hồn bà mẹ của Lê Sơn vừa qua đời. Hôm ấy nhóm Học Hỏi về Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội, nhóm No-U Sàigòn và Truyền Thông Chúa Cứu Thế VRNs xin lễ và dự lễ sốt sắng. Ðó là tình hiệp thông cầu nguyện của Dân Chúa vào lúc Lê Sơn vẫn không biết gì! Hôm sau tôi lên đường đi Jêrusalem, tâm trí còn mang nặng nỗi đau của gia đình Lê Sơn. Khi tới Jêrusalem lại biết tin về các vụ bạo động mà bà con Văn Giang là nạn nhân. Mẹ con Lê Sơn hay Văn Giang thì cũng là những góc cạnh của một hiện tượng bạo lực đang vây phủ rất nhiều cuộc đời. Tất nhiên khi ấy không thể biết trước tấn thảm kịch hôm nay đổ xuống trên gia đình Tạ Phong Tần.

Với cái biết chung chung đó về các nạn nhân của bạo lực, tôi đã tìm đến Ðền Thờ Mồ Thánh ở Jêrusalem, mong hứng được một điều gì thuộc về linh khí của Ðức Kitô cũng từng là nạn nhân của bạo lực ngay trên mảnh đất thiêng đó, để cho tôi nối tiếp những điều đã chia sẻ với các bạn ở Sàigòn. Trong Thánh Lễ kính nhớ bà Maria Ðỗ Thị Tần hôm đó, tôi đã chia sẻ với các bạn: “Thế gian này, tự bản chất của nó, nó có một cái gì ác lắm; hễ thấy cái gì tốt đẹp, thấy cái gì là sự sống, thì nó sẽ đập, nó sẽ phá.” Và trong bầu khí phụng vụ của Mùa Phục Sinh, tôi đã cố gắng liên hệ cái hiện tượng “ác” đó với mầu nhiệm Chúa Giêsu chết và phục sinh. Hình ảnh một dòng sông bên lở bên bồi dẫn tôi vào mầu nhiệm đó: “không phải thế gian mới có hiện tượng bên lở bên bồi, mà giòng sông tâm linh cũng có hiện tượng đó. Cái chết trên cây thập giá của Chúa Giêsu, đó là bên lở; sự Phục sinh của Chúa là bên bồi. Con người Giêsu cô đọng trong mình tất cả những gì là chân, thiện, mỹ. Những tà lực đen tối ở thế gian phải tận diệt cho bằng được con người đó. Cho nên đấy là lở tuyệt đối. Ở đâu đó bờ bên kia, có một cõi bồi mà chúng ta mừng kính hôm nay…..”

Vậy tôi lên đường đi Jêrusalem mong hiểu thêm chút gì về mầu nhiệm bên lở bên bồi đó. Nghe nói người Do Thái, trong nỗi đau lưu lạc mất quê hương, mỗi khi từ giã nhau thường có một lời hẹn hò: “Sang năm, ở Jêrusalem”, ý họ muốn hướng về một niềm hy vọng bất diệt, một ngày mai cứu độ, một ngày mai thánh hiến, Thiên Chúa sẽ hồi phục những gì đã lở, đã mất. Kết lễ cầu nguyện cho mẹ của Lê Sơn, tôi về phòng riêng đóng cửa. Một ngày đã qua, lúc này cũng chả có ai để từ giã. Tôi hãy tự chào tôi: “Ngày mai, ở Jêrusalem….” (còn nữa) 

Vũ Khởi Phụng

Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn và những ai ai … Reviewed by Hoài An on 8/03/2012 Rating: 5 VRNs (03.08.2012) - Minnesota, USA - NGÀY MAI Ở JÊRUSALEM Tôi được đọc lá thư rất hay của Tạ Ph T từ trong tù gửi tới ba bạn trẻ mới...

Không có nhận xét nào: