Vụ Con Cuông phơi bày thực trạng ‘tự do tôn giáo’ của Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 8, 2012

Vụ Con Cuông phơi bày thực trạng ‘tự do tôn giáo’ của Việt Nam

NVCL - Hôm nay 1/8 đánh dấu vụ Con Cuông tròn tháng. Vụ việc này có một chi tiết đáng chú ý. Đó là giống như Tam Tòa dưới thời Đức cha Cao Đình Thuyên, lần này khi chính quyền Nghệ An ra tay đàn áp linh mục và giáo dân Con Cuông cũng trùng vào lúc chủ chăn mới của giáo phận đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp vắng nhà.

Vụ Tam Tòa xảy ra hôm 20/7/2009 khi Đức cha Thuyên đang thăm viếng cộng đoàn Vinh tại Hoa Kỳ sau khi tham dự Ad Limina tại Rome (21/ – 04/07). Trong thư hiệp thông gởi về giáo phận Ngài viết “Dù xa cách về địa lý, nhưng lúc này cha đang hiệp thông và ở bên chúng con trong lời cầu nguyện tha thiết nhất…chia sẻ nổi đau của anh chị em giáo dân Tam Tòa”. Nay đến lượt Đức cha Hợp, Ngài đang trên đường sang Pháp sau khi dự hội nghị tại giáo triều Rome thì nhận được hung tin về Con Cuông.

Trả lời phỏng vấn thông tấn công giáo Eglises d’Asie – Paris về nguyên nhân đức cha Hợp cho rằng “…ở Việt Nam có những huyện gọi là những “huyện anh hùng” đưọc xem như là nôi của “phong trào Cộng sản”. Để bảo vệ vị thế “chủ nghĩa anh hùng” này, họ phải theo đuổi ba hoặc bốn tiêu chuẩn. Một trong những tiêu chuẩn này là sự vắng bóng tôn giáo và thực hành tôn giáo trong địa bàn huyện”

Nhận định này hẳn đã khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi lẽ đây là đầu tiên một chức sắc cao cấp của giáo hội (Đức cha Hợp còn là chủ tịch Uỷ Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc HĐGM-VN) thẳng thắn đưa ra nhận định phản bác lại những gì mà nhà nước VN khẳng định về quyền tự do tín ngưỡng. Chỉ tiếc là có thể vì những lý do tế nhị nào đó Đức cha đã chưa tiện kể ra hết mấy tiêu chuẩn khác còn lại ngoài sự ‘vắng bóng tôn giáo’ còn có thêm những ‘chuẩn mực’ nào khác để biết vì sao cả hai lần giáo phận Vinh bị đàn áp dù trên 2 địa bàn khác nhau Quảng Bình và Nghệ An nhưng tất cả cùng ở vào thời điểm chủ chăn vắng nhà?

‘Cháy nhà ra mặt chuột’

Trước kia khi cộng sản còn mạnh, dân chúng vì sợ hãi chẳng mấy ai dám công khai chống lại họ, bản chất xấu của chế độ nhờ vậy mà chưa có dịp phơi bày ra nhiều. Nhưng kể từ khi khối Đông Âu – Nga sụp đổ thời thế đã đẩy họ vào chân tường, các biểu hiện bất mãn trong dân chúng vì thế ngày càng tăng. Để tiếp tục cai trị CSVN buộc phải công khai trấn áp dân bất chấp luật lệ luân thường đạo lý, những chiếc mặt nạ họ đeo bấy lâu nay rơi rụng dần, cái sự ác ngày càng hiện ra rõ hơn.

Đối với giáo hội họ cũng vậy. Nhìn lại thái độ cách ứng xử của nhà cầm quyền trong vụ Thái Hà – Tòa Khâm với những gì vừa xảy ra gần đây tại giáo phận Vinh, chúng ta thấy tính chất bạo lực, công khai phạm tội chẳng cần che giấu của chính quyền đã trở nên rõ nét hơn, không chỉ với linh mục mà tượng thánh vốn được xem là biểu tượng tiêng liêng của tôn giáo họ cũng chẳng tha.

Trong tình hình như vậy, sự lên tiếng thẳng thắn của Đức cha Hợp tỏ ra rất kịp thời. Không những thế giáo phận Vinh do Ngài phụ trách cũng đã chính thức cáo buộc chính quyền Nghệ An ‘nhúng tay’ trong vụ Con Cuông bằng văn bản hẳn hoi “… việc đàn áp tôn giáo tại huyện Con Cuông là mang tính hệ thống và có tổ chức…” đằng sau ‘chính sách tự do tôn giáo’ của nhà nước VN luôn có những chủ trương chỉ đạo ngầm khác đi ngược lại khiến chính quyền phải luôn ‘nói một đàng làm một nẻo’ khác.

Tệ trạng chính quyền tùy tiện sách nhiễu đạo không chỉ xảy ra với đạo công giáo và tại giáo điểm Con Cuông. Những vi phạm tương tự vậy cũng xảy ra khá thường xuyên với đồng bào dân tộc theo Tin Lành tại các huyện Tây Nguyên thuộc tỉnh Pleiku, Darlak, tại các thị trấn hẻo lánh miền Bắc như vụ Mường Nhé và cả ở miền Tây v.v… cho thấy cáo buộc đàn áp “mang tính hệ thống và có tổ chức” của giáo phận Vinh chẳng phải vô căn cứ.

Căn cứ để chính quyền ra tay đàn áp tôn giáo là Nghị định 38/2005/NĐ-CP (cấm tụ tập từ 5 người trở lên không xin phép) cùng qui định chỉ cho phép giáo hội cử hành các nghi thức trong phạm vi các cơ sở tôn giáo. Chiếu theo đó bất cứ người có đạo nào cũng đều dễ dàng bị kết tội khi tham dự các nghi thức tại tư gia thân bằng quyến thuộc và việc này có xảy ra hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của chính quyền sở tại.

Tụ tập nhau tại tư gia để đọc kinh cầu nguyện thậm chí có linh mục đến cử hành thánh lễ cho người thân qua đời thì chính quyền ‘xí xóa’ cho dù gia chủ có ‘nổi hứng’ mướn pêđê về hát hò suốt đêm gây náo động cả khu phố như thường thấy tại Sàigòn cũng chẳng sao!!! Nhưng nếu ở vào cảnh ngộ giáo dân Con Cuông (hoặc đám ma đặc biệt tự thiêu phản đối chinh như của bà Đặng thi Kim Liêng thân mẫu chị Tạ Phong Tần) thì cho dù có yên lặng trật tự cỡ nào cũng rất dễ bị ‘hạch sách’ quấy rối!

Sở dĩ các địa phương dám ‘lộng hành’ với tôn giáo vì họ biết chắc sẽ luôn được che chở bởi cấp trên ‘vô thần’ cho dù có làm sai và ngoài ra còn có những ‘khe hở’ pháp lý làm lối thoát cho họ.

Như trong vụ Con Cuông, ngay cả khi giáo dân nơi này có đủ điều kiện và khả năng xây dựng nhà thờ chắc chắn cũng chẳng được. Nếu không bị ‘thẳng thừng’ bác đơn thì hồ sơ cũng bị giam vô thời hạn chỉ vìPháp Lệnh Tôn Giáo hiện nay của VN (15/11/2004) không hề có từ nào đề cập đến việc cho xây mới cơ sở tôn giáo, mà chỉ chăm chăm vào chuyện siết chặt quản lý các đạo. Cho nên chính quyền cho dù có công khai ngăn cản họ cũng chẳng bao giờ phạm luật. Ngược lại, khi “nhân dân có nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo” (trích dẫn từ pháp lệnh) nhưng vì chưa có nhà thờ họ tạm tụ tập nhau tại tư gia ai đó để cầu nguyện thì lập tức bị chính quyền gây khó dễ, mượn tay côn đồ đánh đập, thậm chí đến tượng thánh là biểu tượng thiêng liêng của đạo họ chẳng tha!

Về chuyện chính quyền Quảng Bình , Nghệ An nhân lúc chủ chiên vắng nhà ra tay trấn áp giáo dân Vinh thật ra chẳng phải là điều mới mẻ, mà vụ chiếm Tòa Khâm Sứ bằng thủ đoạn này đã xảy ra với tòa TGM Hà Nội từ năm 1959.

Trong quyển “Hồi Ức” Đức Cha Nguyễn Văn Sang có kể rằng “…Đến một ngày tất cả các thành phần trong Nhà Chung Hà Nội, từ Đức Giám Mục, các Linh Mục, nam nữ Tu Sĩ đều được chính quyền triệu tập ra trụ sở suốt từ sáng đến trưa. Khi các ngài về đến nhà vào khoảng 12 giờ trưa, đã thấy một bức tường cao ngăn giữa Tòa Giám Mục và Tòa Khâm Sứ được mọc lên, bên trên có gắn giây thép gai chỉ còn chừa lại một khoảng trống đủ để làm một lối nhỏ thông giữa Tòa Giám Mục với Tòa Khâm Sứ.”

Nhưng nay thời hạch sách tôn giáo đã qua. Thay vì sợ hãi giáo hội đang ngày càng có thêm nhiều vị chủ chăn dám công khai chỉ trích những việc làm sai trái của chính quyền, như các đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Phaolo Maria Cao Đình Thuyên, Micae Hoàng Đức Oánh, Phaolo Nguyễn Thái Hợp v.v…

Cùng với những nhận định của Đức cha Hợp, nếu giáo hội trưng ra được những bằng chứng về sự hiện diện của những chỉ thị ngầm chính sách ‘hai mặt’ đối với giáo hội mới mong chấm dứt hẳn tinh trạng sách nhiễu đạo vô cớ.

Cụ thể như trong vụ Con Cuông, nên chăng Ủy Ban Công lý và Hòa Bình cần tim hiểu xem ai và cơ quan nào đứng ra chỉ đạo và tổ chức cho lực lượng hàng trăm con người hung dữ đến uy hiếp vài chục giáo dân, chửi bới la hét quấy rối trong khi linh mục cử hành thánh lễ, đập phá tượng thánh gây thương tích cho giáo dân v.v…???

Còn nhớ có một dạo báo chí trong nước rất hay dùng từ ‘quần chúng tự phát’ để bào chữa cho những hành vi sai trái của chính quyền quấy phá các nhà thờ họ đạo, đặc biệt là với Thái Hà. Chỉ đến khi bị dư luận lên tiếng vạch mặt chỉ tên từng đứa một, họ mới thôi không dám đụng đến ngôn từ tráo trở này nữa.

Tương tự vậy, muốn cho những điều vừa xảy ra với giáo điểm Con Cuông chấm dứt, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình có lẽ cần phải lên tiếng để có ai đó cảm thấy bản thân họ đang bị buộc tội.

Sàigòn, 1/8/2012

Alf. Hoàng Gia Bảo
Vụ Con Cuông phơi bày thực trạng ‘tự do tôn giáo’ của Việt Nam Reviewed by Hoài An on 8/03/2012 Rating: 5 NVCL - Hôm nay 1/8 đánh dấu vụ Con Cuông tròn tháng. Vụ việc này có một chi tiết đáng chú ý. Đó là giống như Tam Tòa dưới thời Đức cha ...

Không có nhận xét nào: