Lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 9, 2012

Lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria

Lm Thêôphilê - I. Lịch sử Lễ Sinh nhật Trinh nữ Maria
Ngày lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ gắn liền với việc cung hiến một Đền thờ được xây cất tại Giêrusalem vào thế kỷ thứ V, nơi theo truyền thống cho là nhà của ông Gioan Kim và bà Anna, gần nơi hồ tắm Bethzatha (Ga 5,1-9). Tức là nơi các tín hữu cho là nhà Đức Mẹ được sinh ra. Từ thế kỷ thứ XII, ngôi đền thờ được gọi là Đền thờ thánh Anna, rồi sau đó được dâng kính cho ngày Sinh nhật của Đức Maria.

Lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ được bắt nguồn bên Đông phương ở thế kỷ thứ VI và được Đức Giáo Hoàng Serge I đưa vào cử hành tại Rôma, với cuộc rước kiệu đi từ thánh đường thánh Adrien gần Forum đi đến Đền Đức Bà Cả.

Ý lễ được lấy ra từ các Ngụy Thư như Tiền Tin Mừng thánh Giacôbê, Tin Mừng của Mátthêu mạo danh, và Tin Mừng về cuộc sinh hạ của Đứùc Maria mà người ta gán cho thánh Jérôme là tác giả.

Bên Đông phương lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ được cử hành đầu tháng 9 khai mạc năm Phụng vụ. Tại Rôma, lễ được cử hành dưới thời Giáo Hoàng Octave IV vào năm 1243 với tuần Bát nhật; rồi sau đó Đức Giáo Hoàng Grégoire XI còn thêm vào đêm Canh thúc vào năm 1378.

II. Phần suy niệm

Bài 1. Sinh nhật Đức Maria
Nguyễn Chính Kết

1. Ma-ri-a, một phụ nữ quan trọng trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại, ta thấy Thiên Chúa đã cho xuất hiện một người nữ đóng một vai trò rất quan trọng. Nhân vật quan trọng nhất là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, xuống thế làm người để chịu chết hầu chuộc lại lỗi lầm của cả nhân loại trước mặt Thiên Chúa. Ngài vừa là người mà cũng là Thiên Chúa. Nhân vật thứ hai, ít quan trọng hơn, nhưng vẫn quan trọng vào hàng thứ hai, đó là Đức Ma-ri-a, Mẹ của Đức Giê-su. Vì để sinh ra làm người, Đức Giê-su phải có một người mẹ, nghĩa là phải nhờ một phụ nữ cưu mang mình và sinh ra mình. Đức Ma-ri-a không phải chỉ là người sinh ra Đức Giê-su rồi thôi, mà còn là người cộng tác với Đức Giê-su một cách đắc lực trong việc cứu chuộc nhân loại. Và Mẹ có đầy đủ tư cách, nhân đức để xứng đáng đảm trách vai trò quan trọng ấy.

Tuy nhiên, để Đức Giê-su nhập thể thành người, Thiên Chúa đã chỉ nhờ một phụ nữ làm mẹ, chứ không nhờ một người nam làm cha ruột của mình. Do đó, Đức Giê-su có mẹ ruột, mà không có cha ruột. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy điều ấy, và như thế, thánh Giu-se chỉ là cha nuôi của Đức Giê-su. Đức Giê-su thụ thai trong lòng Mẹ Ma-ri-a bởi quyền năng Thánh Thần chứ không do một người nam nào cả. Hành động của Giu-se trong bài Tin Mừng hôm nay chứng tỏ điều ấy. Giu-se thấy Ma-ri-a mang thai nhưng không phải do mình, nên toan tính âm thầm từ bỏ Ma-ri-a. Nhưng khi biết thánh ý của Thiên Chúa muốn mình làm cha nuôi để bao bọc Đấng Cứu Thế, Giu-se đã sẵn sàng tuân theo. Như vậy, Mẹ Ma-ri-a chính là người thân thiết, ruột thịt duy nhất của Đức Giê-su. Do đó, vai trò của Mẹ Ma-ri-a là vai trò duy nhất và hết sức độc đáo trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

2. Phẩm giá người phụ nữ trong Ki-tô giáo

Tại Do Thái nói riêng, và nhân loại nói chung, đặc biệt tại châu Á, người phụ nữ thường phải đóng vai trò phụ thuộc, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nhưng trong một công việc quan trọng vào bậc nhất của nhân loại là việc cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa lại dùng Đức Ma-ri-a, là một phụ nữ, đóng vai trò hết sức quan trọng. Từ chức vị Mẹ Đức Giê-su, Đức Ma-ri-a đã trở thành Mẹ của Giáo Hội, vì Đức Giê-su là đầu của Giáo Hội, hay Giáo Hội là thân thể của Đức Giê-su. Nếu Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Đầu, tất cũng phải là Mẹ của Thân Thể. Do đó, Mẹ Ma-ri-a cũng là Mẹ của từng người và mọi người Ki-tô hữu.

Như thế, một cách nào đó, Thiên Chúa đã nâng phẩm giá của người phụ nữ lên rất cao. Thật là một cuộc cách mạng về vai trò và phẩm giá người phụ nữ! Chính vì thế, trong nền văn minh Ki-tô giáo, người phụ nữ luôn luôn được coi trọng hơn so với những nền văn minh phi Ki-tô giáo. Trong Ki-tô giáo, người phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với nam giới, vì cả hai đều là con cái Thiên Chúa, và đều là những giá trị rất cao đến nỗi Thiên Chúa đã sẵn sàng để cho Con của Ngài phải chết để cứu lấy họ. Thánh Phao-lô đã nói lên sự bình đẳng ấy trong Đức Giê-su: «Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô» (Gl 3, 26.28).

3. Hãy tôn trọng phẩm giá người phụ nữ

Mặc dù Ma-ri-a chỉ là một thôn nữ nghèo hèn, chẳng có một địa vị nào ngoài xã hội hay trong tôn giáo, nhưng ta thấy thiên sứ đã có một thái độ hết sức kính cẩn đối với Ma-ri-a. Chính Thiên Chúa cũng đã có thái độ rất tôn trọng tự do của Ma-ri-a trong việc mời gọi nàng làm Mẹ Đấng cứu Thế. Nếu Ma-ri-a không đồng ý, Thiên Chúa cũng sẽ tôn trọng và chấp nhận sự không đồng ý đó chứ không cưỡng ép. Sau khi Ma-ri-a đồng ý, nàng đã trở nên một nhân vật hết sức quan trọng trong việc cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa hơn bất kỳ một người đàn ông nào trên thế giới, ngoại trừ Đức Giê-su vốn là Con Thiên Chúa.

Điều đó cho thấy trước mặt Thiên Chúa, xét về mặt phẩm giá và khả năng hữu ích trước mặt Thiên Chúa, người nữ không thua kém gì người nam. Vì thế, là người Ki-tô hữu, chúng ta cần bắt chước Thiên Chúa trong quan niệm cũng như trong cách hành xử đối với phụ nữ. Nếu ta là người kính trọng và yêu mến Mẹ Ma-ri-a, ta cũng phải tỏ lòng kính trọng và yêu mến ấy qua cách đối xữ với mọi người phụ nữ ta gặp. Hãy tôn trọng họ vì họ là người nữ, vì họ hoàn toàn bình đẳng với người nam trước mặt Thiên Chúa. Càng ngày xã hội con người càng cảm thấy sự bình đẳng ấy là hợp lý. Ta thấy xã hội nào càng văn minh thì càng tôn trọng sự bình đẳng về phẩm giá của người phụ nữ hơn so với người nam.

4. Người phụ nữ hãy sống đúng với phẩm giá của mình

Trước mặt Thiên Chúa, người phụ nữ hoàn toàn bình đẳng đối với người nam. Vì thế, người phụ nữ cũng cần xóa bỏ mặc cảm tự ty trong gia đình, xã hội cũng như Giáo Hội. Họ cần chứng tỏ khả năng, tư cách, đạo đức, cách nhìn mọi sự không thua kém gì người nam. Nếu có thua người nam về một vài mặt này thì họ lại hơn người nam về một vài mặt khác. Cũng như Đức Ma-ri-a, Mẹ đã nổi bật về sự thánh thiện, lòng khiêm nhượng và tinh thần vâng phục thánh ý Thiên Chúa hơn bất kỳ ai khác. Vì thế, Mẹ cũng rất đáng được khâm phục và kính trọng. Người phụ nữ cũng cần nổi bật về sự dịu dàng, duyên dáng, dễ thương, kiên nhẫn… là những đức tính cần có của người phụ nữ, và làm cho người phụ nữ trở nên đáng yêu, đáng phục, đáng trọng.

Bài 2. SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Nguyễn Đức Tuyên


Hôm nay Giáo hội mừng kính sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria. Sự ra đời của Đức Maria đã được Thiên Chúa chuẩn bị cho công cuộc cứu chuộc loài người. Mẹ là người được chọn từ muôn thuở để trở nên nơi chốn mà Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy xác phàm. Là con người thứ nhất tràn đầy thần khí, Mẹ được ơn phúc vô nhiễm nguyên tội, và Mẹ mang đến cho chúng ta ơn tái sinh trong con Mẹ là Đức Giêsu Kitô.

Thánh Matthêu bắt đầu Tin Mừng bằng việc ghi lại gia phả của Đức Giêsu, đã lưu ý chúng ta về kế hoạch của Thiên Chúa chuẩn bị cho ngày giáng lâm của Con Ngài qua nhiều thế hệ, mà Đức Maria, trinh nữ thành Nazareth là người đuợc diễm phúc hoàn tất kế hoạch ấy.

Vai trò mà Thiên Chúa trao cho Đức Maria sâu xa đến nỗi làm choáng váng những suy tưởng bình thường. Ơn huệ Thiên Chúa dành cho Đức Maria vượt xa ơn huệ ban cho bất cứ thụ tạo nào khác. Nếu chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Maria vượt trội trên mọi người mà kinh nghiệm riêng tư của Mẹ hầu như không liên hệ tới chúng ta thì đó là một nhầm lẫn. Hơn nữa, Mẹ là người cao trọng nhất trong chúng ta, dầu vậy Mẹ lại là người ở giữa chúng ta.

Khuôn mẫu mà Thiên Chúa cư xử với Đức Maria là khuôn mẫu Ngài cư xử với mỗi người chúng ta. Chúa có kế hoạch cho cuộc đời Đức Maria, và Chúa cũng có kế hoạch cho cuộc đời chúng ta. Tâm điểm kế hoạch Ngài dành cho Đức Maria là ý định để Con Ngài sống trong Đức Maria và Mẹ đem Ngài vào thế giới loài người. Tự căn bản, đó là kế hoạch của Thiên Chúa cũng dành cho chúng ta.

Mỗi người chúng ta là món qùa độc nhất của Thiên Chúa. Tương xứng với sự độc nhất ấy, Thiên Chúa dành cho mỗi người một ơn gọi và sứ mạng đặc biệt. Ngài cho ta biết kế hoạch của Ngài bằng nhiều phương cách khác nhau: qua nhiều tình huống, qua bạn bè và gia đình, qua khả năng và cơ hội. Thiên Chúa không ép buộc chúng ta thực thi kế hoạch của Ngài trong đời sống của ta. Cũng như Ngài đã làm với Đức Maria, Ngài kêu mời chúng ta chấp nhận tiếng gọi của Ngài và theo Ngài. Cũng vậy, Chúa muốn Đức Maria đáp lời Ngài và thi hành một sứ mạng độc đáo Ngài dành cho Mẹ, Chúa cũng muốn ta chấp nhận sứ mạng độc đáo của ta và đem ra thực hành với tất cả cố gắng của mình.

Liệu hết thảy chúng ta có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi chân tình và tha thiết của Thiên Chúa với cùng một niềm hy vọng và tín thác mà Đức Maria đã làm hay chăng.

Lạy Thiên Chúa, này con đây, xin hãy chỉ rõ hơn nữa kế hoạch của Ngài dành cho con. Xin hãy thêm sức mạnh Chúa Thánh Thần cho con để con hoàn thành ơn gọi và sứ mạng mà Chúa muốn con thực thi.

Bài 3. Sinh nhật Đức Maria vô nhiễm: Bước đầu dẫn đến Giao-ước
H.Y Suenens [1]


Lễ sinh nhật Đức Maria (ngày 18 tháng 9) cống hiến cho chúng ta cơ hội để mừng hai giao ước:

- Giao ước đầu liên quan đến trời cao: dẫn đưa chúng ta vào chương trình cứu độ trần thế của Chúa.

- Giao ước thứ hai liên quan đến cuộc sống nhân trần: là gió mát lúc hừng đông, trong buổi sáng đầu tiên.

Nhìn từ trời cao

Đây là một lễ của Ba Ngôi Thiên Chúa; giây phút đầu chuẩn bị Giao-ước sẽ nối Đất – Trời.

- Maria là người con gái mến yêu của Chúa Cha, Đấng chuẩn bị cho Mẹ hoàn thành thân phận cao cả.

- Ngài sẽ là Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng sẽ chọn Mẹ làm nơi cư ngụ.

- Ngài là người sẽ nói tiếng “xin vâng” quyết định để đón Chúa Thánh Thần đến vào lúc Truyền tin.

Nhìn từ phía nhân trần

Chúng ta có thể làm cách nào để mừng lễ sinh nhật Đức Maria, ngày 8 tháng 9 theo niên lịch phụng vụ của chúng ta, một cách sốt sắng và ý thức hơn chăng? Vì chúng ta đã mừng lễ ấy mỗi năm, nhưng chưa đúng mức trong khuôn khổ nếp sống của người Kitô hữu.

Trước hết, mong sao Kitô hữu cố gắêng tham dự bí tích Thánh-Thể mà Giáo-hội cử hành trong ngày kỷ niệm sinh nhật Mẹ Thiên-đàng của mình, và lôi kéo thêm người khác cùng tham dự.

Giờ đây, chúng ta nên đi vào nội dung của lời kinh mà phụng vụ giúp chúng ta suy niệm trong ngày ấy:

“Lạy Chúa, bởi mầu nhiệm hiệp thông này, Chúa mang lại sinh lực cho Giáo-hội Chúa; xin Chúa làm cho Giáo-hội vui mừng, hân hoan vì Đức Trinh-nữ Maria được sinh ra, đem đến niềm hy vọng và bình minh ơn Cứu độ cho trần thế”.

Trên bình diện cuộc sống gia đình, nên chuẩn bị và mừng lễ này ở ngay trong nhà mình; có thể đặt mẫu hình sinh nhật Đức Maria trên bàn thờ trong nhà (ở Tây phương người ta hay dọn một nơi cầu nguyện ở góc nhà) (…)

Khi mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta chuyển những tình cảm hiếu thảo của mình trong ngày lễ các bà mẹ (thường rất phổ biến ngày nay) lên đến mức siêu nhiên.

Nhân loại có thể biết hay không biết, nhưng với con mắt đức tin, Maria là Mẹ của toàn nhân loại; Maria là Mẹ của tất cả các bà mẹ. Mẹ là Mẹ của Giáo-hội luôn mãi.

Do đó, lễ sinh nhật Đức Mẹ là một lễ hy vọng hướng đến việc canh tân Giáo-hội. Như Đức Hồng y Decourtray từng nói: “Giáo-hội phải tìm tuổi xanh của mình, bằng cách tìm cách gặp lại Mẹ mình”. Trong nỗ lực Phúc-âm hóa mới, việc làm đó đặc biệt cần thiết.

Thánh-bộ Nghi-lễ đã nêu lên một loạt những gợi ý thực tiễn và bổ ích giúp cho việc Mừng Năm Thánh Mẫu mang lại nhiều kết quả nơi các Giáo hội địa phương. Trong “Các hướng dẫn và đề nghị mừng năm Thánh Mẫu ” thánh bộ lưu ý đến bốn lễ mừng kính Đức Maria đang được phổ biến trong việc sùng kính của dân chúng. Trong những lễ cần phải tôn vinh lại, thánh bộ này đã nêu lên lễ Sinh nhật Đức Maria.

Thật vậy, tôi nghĩ là lễ Sinh nhật Đức Maria không được Kitô hữu lưu ý đúng mức. Lễ ấy qua đi không ai hay biết, hoặc cũng vì nó được xếp vào phụng vụ của một tuần lễ thường, hoặc vì bị các lễ trọng khác che mờ.

Sinh nhật Đức Maria đáng được Kitô hữu mến chuộng vì lễ ấy nhắc lại ơn huệ duy nhất là ơn vô-nhiễm nguyên tội, đánh dấu Đấng sẽ làm Mẹ Đấng Cứu-độ được sinh ra.

Dân chúng sùng mộ muốn chiêm ngắm Chúa Giêsu trong máng cỏ Giáng sinh; nhưng không lưu ý đến nôi của Maria, cứ như thể họ muốn để cho niềm vui này là niềm vui riêng tư của Thánh Gioakim và Thánh Anna.

Tại sao chúng ta không hiệp thông vào nỗi vui mừng ấy một cách nồng nhiệt hơn? Hãy mừng vui khi Mẹ chúng ta sinh ra: trong lúc thế giới phổ biến ngày càng rộng rãi “Ngày lễ các bà mẹ”,Kitô hữu chúng ta cũng nên mừng lễ sinh nhật của Mẹ chúng ta, Đấng đã giúp chúng ta được sinh ra trong ơn Cứu-độ, đặc biệt là trong khung cảnh gia đình chúng ta.

Chúng ta không bao giờ quên rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu-độ duy nhất, nhưng tại sao lại quên mừng mầu nhiệm dọn đường và chuẩn bị cho ơn Cứu-độ đó? Thánh Gioan Damascène hân hoan mời gọi thế này:

“Tất cả anh chị em hãy đến, hãy hân hoan mừng ngày sinh nhật, hãy vui niềm vui của toàn thế giới! Hôm nay, từ bản tính phàm trần, một trời mới đã được tạo thành trên trần thế. Hôm nay là khởi đầu ơn Cứu-độ cho nhân trần”.

Phụng vụ ngày nay cho chúng ta hay Đức Maria “đã mang đến nguồn hy vọng và bình minh ơn Cứu-độ cho trần thế”.

Khó mà thấy được cảnh trí nào của thiên nhiên gây xúc động hơn là giây phút đến trước lúc mặt trời mọc. Rạng đông cống hiến một luồng sáng và hơi ấm toả dần trên cảnh vật. Chào đón ngày sinh nhật Mẹ là đã nhìn nhận rạng đông của ngày Cứu độ là Chúa Giêsu. Chào đón Maria trong buổi Truyền tin là đã nhận Chúa Giêsu, mặt trời mang sự sống cho chúng ta.

Phụng vụ của lễ chế Byzantine, rất lưu ý đến lễ Sinh nhật Đức Maria, ca hát rằng: “Ngày này là bước đầu niềm vui cho mọi người. Trong ngày này các luồng gió báo tin cứu-độ bắt đầu thổi”.

Chúng ta cũng đón chào ngọn gió đầu Mùa Xuân của ơn phúc trong ngày Sinh nhật Mẹ (…)

Bài 4. TÌNH MẸ & CON
Bước Theo

Đức Maria, người thiếu nữ Sion, một thiếu nữ Nazaret, qua lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, ngày nay ai cũng biết Bà là Mẹ Đấng Cứu Thế! (Mt 1,18-23). Một sự kiện chấn động đất trời và lòng người, nhưng tiếc thay! Cho đến hôm nay,cũng còn nhiều người chưa đón nhận, hoặc chưa hay biết về Bà.

Một thiếu nữ nhỏ bé, đơn sơ, thành kính của làng Nazaret, được gọi là Thiếu Nữ Sion. Sion là một địa lý của Israel, địa danh Sion được chỉ cho một ngọn núi đẹp, vẻ đẹp của núi Sion vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, nơi đây còn chứng kiến nhiều sự kiện giữa Thiên Chúa và con người. Mọi vẻ đẹp thánh thiêng như một sự chắt lọc của thiên nhiên dành cho Sion, như một tiêu biểu cho sự thánh thiện. Nên chi, Sion được mệnh danh là núi thánh, nơi đây được hội tụ những kỳ công của Thiên Chúa đối với nhân loại, Sion được mục kích những trao đổi, giao tiếp của Thiên Chúa và con người.

Qua hình ảnh núi thánh Sion, cho thấy sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho con người ở một sự huyền nhiệm của tình thương đó là bản tính của Thiên Chúa.

Núi thánh Sion, tuy là tạo vật vô tri, nhưng Thiên Chúa còn trang điểm cho nó mỹ lệ, hùng vĩ, rực rỡ như một thiếu nữ xuân sắc, đến độ được gọi là thánh.

Nhưng thiên nhiên hùng vỹ và diễm lệ cũng chỉ là vô tri, là kiến trúc không mang hình ảnh của Thiên Chúa, nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Như vậy, phàm nhân chính là kiệt tác diệu kỳ của Thiên Chúa, nên chi Thiên Chúa phải yêu mến phàm nhân hơn mọi tạo vật, khi phàm nhân bất nghĩa, không trung thành với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi, dù người đời muôn ngàn lần bất xứng. Dù vậy, là thụ tạo, được dựng nên theo hình ảnh của Đấng Tạo thành, không tạo vật nào giống Thiên Chúa như phàm nhân.

Nên chi, Thiên Chúa vẫn có lý của Ngài khi yêu thương con người, nhưng trong kế hoạch cứu độ nhiệm mầu Ngài đi từng bước tiệm tiến như sau :

- Tiền định
- Kêu gọi
- Trở nên như Thiên Chúa (đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa)
- Làm cho nên công chính
- Hưởng phúc vinh quang

Công thức nầy có thể gọi là ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Trong nguyên lý ấy, Thiên Chúa đã kêu gọi, sau khi tiền định từ thưở đời đời, một thiếu nữ làng Nazaret, được gọi là thiếu nữ Sion. Nơi thiếu nữ ấy, là sự khiêm hạ và vâng phục tuyệt đối. Đây là điểm khác nhau giữa thụ tạo có linh hồn và thụ tạo vô tri. Dù vậy, Thiên Chúa không tạo nên Đức Maria như một khuôn mẫu đúc sẵn, nhất định, nếu như thế thì Đức Mẹ không đáng được ca ngợi và hơn ai hết Thiên Chúa không làm như vậy. Thiên Chúa không tạo thành Đức Mẹ như ngọn núi Sion. Mà Thiên Chúa tạo nên một thiếu nữ, tự tâm phát xuất sự khiêm hạ và vâng lời thẳm sâu.Đây là điều kiện để Thiên Chúa tiền định và kêu gọi. Vì vậy, dù núi thánh Sion có diễm lệ và hùng vỹ, mang dáng dấp thiêng liêng, thì cũng không sánh được với Đức Maria – Nữ vương Trời Đất. Vì sao? Thưa vì Mẹ đã trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa, Đấng đã làm Người, như vậy Mẹ đã đồng hình,đồng dạng với Thiên Chúa. Mẹ đã vâng lời Thiên Chúa cách tuyệt diệu trong sự khiêm hạ thẳm sâu là mặc nhiên Mẹ đã đồng hình,đồng dạng với Thiên Chúa. Sự đồng hình, đồng dạng với Thiên Chúa nơi Mẹ là một kỳ công của Kinh Thánh, là Lời của Thiên Chúa.

Ánh sáng Kinh Thánh đã chiếu tỏa linh hồn Mẹ, sưởi ấm trái tim Mẹ và cung lòng Thánh Khiết nguyên tuyền của Mẹ.Vì vậy, Mẹ đã toàn tâm, toàn ý (đồng hình, đồng dạng với Thiên Chúa). Kế đến, Thiên Chúa đã Ngự vào lòng Mẹ, Đấng cứu chuộc loài người, để chu toàn kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa là Cha toàn năng.

Như vậy, “tiếng xin vâng”, để đón nhận ơn Thiên Thai từ cung lòng thánh khiết của thiếu nữ Sion, làng Nazaret, là một sự vâng phục do tiền định và kêu gọi từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, về tính tự nhiên, Mẹ thật sự bối rối, vì hồng phúc vượt quá trí khôn của con người, với lòng khiêm hạ sâu xa, Mẹ không nghĩ mình được “gọi”.

Lời Thiên Sứ truyền tin là một “Lời mời gọi” từ Thiên Chúa dành cho Mẹ. Tự thẳm sâu tâm hồn,Mẹ không dám nghĩ đến đặc ân mình sẽ được lãnh nhận (thiên cơ). Nhưng Thiên Chúa thì biết Mẹ xứng đáng. Sự đồng hình,đồng dạng không chỉ là Mẹ cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế, mà còn là sự vâng phục Đấng toàn năng một cách khiêm hạ tuyệt đối.

Đồng hình, đồng dạng là họa lại sâu sắc Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa và bước theo không do dự. Đồng hình, đồng dạng là chu toàn Thánh Ý trong mọi nghịch cảnh. Đồng hình, đồng dạng là làm theo Ý Chúa, dù khổ đau, vất vả.

Như vậy, nhờ chiêm niệm Kinh thánh, Mẹ đã đồng hình đồng dạng với Con của Mẹ, đồng thời là Thiên Chúa toàn năng, Ngôi Hai Cứu Thế. Mẹ luôn rập nguyên khi hiểu rằng Đấng cứu Thế là Thiên Chúa, chứ không phải đơn thuần là con của Mẹ.Nhân đức vượt trội của Mẹ chính là điểm nầy, bởi vì trong quá trình đồng hình đồng dạng cùng Con Thiên Chúa nơi trần thế, mẹ đã chu toàn trách niệm làm Mẹ, vừa chu toàn bổn phận người tín hữu, người có niềm tin,trong khi bên ngoài chưa tin nhận Đấng Cứu Thế. Mẹ luôn mang một lúc hai tâm trạng, phụng thờ trung tín và trách nhiệm mẫu tử đối với Đấng Thiên Sai-Giêsu .Đồng hinh, đồng dạng là hiện thực một cách phó thác sự nhiệm mầu. Nói cách khác là không theo nhân ý mà theo Thánh Ý. Như vậy suốt đời Mẹ là một sự bước theo trung thành và đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa.Như vậy, các thánh suy tưởng tước hiệu Đồng Công của Mẹ là một điều hợp lẽ. Vì chương trình Cứu chuộc loài người của Thiên Chúa không thể không có công của Mẹ.

Đồng hình, đồng dạng với Thiên Chúa là một ân sũng vĩ đại nhưng không của Thiên Chúa đối với nhân thế, mà Mẹ là một chứng nhân đồng thời là một tấm gương đi trước. Mẹ xứng đáng là Mẫu Nghi thiên hạ quả không sai. Danh từ “MẪU” thật xứng đáng nơi Mẹ.

Không ai công chính bằng Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng toàn năng, vì vậy hiệu quả thánh thiện của việc tháp nhập vào Thiên Chúa là được trờ nên công chính như Thiên Chúa. Trở nên công chính như Thiên Chúa là trở nên Thánh thiện như Ngài, không những bằng hình hài mà còn là sự công chính của Thiên Chúa nữa, đó là sự Thánh Thiện và nhân hậu của Thiên Chúa.

Khi được trở nên công chính, thì mặc nhiên con người sẽ được chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa vô cùng tốt lành và thiện hảo, nên chi Thiên Chúa đã chia sẽ vinh quang cho con người, đó là mục đích Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người.

Như vậy, con người muốn được Thiên Chúa CHIA SẼ VINH QUANG thì họ phải trở nên đồng hình ,đồng dạng với Ngài. Đức Maria, một thiếu nữ Nazaret, thiếu nữ Sion, là một mẫu gương như vậy, Mẹ đã bước theo Thiên Chúa như vậy, bước theo một cách tiệm tiến và trung tín đến cùng trong tư tưởng và hơi thở của Mẹ. Để rồi Mẹ sẽ trở thành mẫu gương tuyệt vời cho nhân thế và cho người môn đệ của Đức Kitô về việc tuân phục Thiên Chúa. Vì vậy, Mẹ xứng đáng lãnh nhận vinh quang của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Không đặc ân nào lớn hơn đặc ân con người được chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa. Vì điều ấy đã làm cho kẻ thù địch phải hổ thẹn lớn lao.

Như vậy, được thông hưởng vinh quang với Thiên Chúa, là điều Thiên Chúa muốn dành cho con người, đó là tiêu chí nước Trời. Vì cùng đích của đau khổ, không phải là đau khổ, mà là vinh quang.

Lạy Mẹ Maria! Mẹ đã đồng hình, đồng dạng với Thiên Chúa, đồng thời là Con của Mẹ, trong hành trình cứu chuộc là cả một gian đoạn đau khổ, để trở nên hy lễ đền tội cho nhân gian, Mẹ đã Đồng Công Cứu Thế cùng với Con Của Mẹ, vì vậy Mẹ đã trở nên công chính, và hữu nhiên Mẹ được thông phúc vinh quang trên Thiên Quốc.

Xin Mẹ cầu cho chúng con. Amen./.

Bài 5. SINH NHẬT MẸ
JM. Lam Thy ĐVD.

Theo truyền thống dân tộc Việt Nam thì thời gian này (tháng 7ÂL) đang là mùa báo hiếu. Mọi người – không phân biệt tín ngưỡng – đều bày tỏ lòng biết ơn công đức sinh thành của cha mẹ. Ngoài ra, vào dịp sinh nhật song thân, con cháu thường tổ chức lễ mừng rất trang trọng. Bài hát phổ biến trong những dịp này là bài “Uống nước nhớ nguồn” (“ĐK: Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Ai ơi hãy nhớ năm xưa những ngày còn thơ, công ai nuôi dưỡng. Công đức sinh thành, người ơi đừng quên. Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.TK: Người ơi! Làm người ở trên đời, nhớ công người sinh dưỡng, ấy mới là hiền nhân. Nhờ đâu ta nên người hôm nay, hãy nhớ ơn sinh thành, vì ai mà có ta.”). Cũng vào những dịp này, nơi các Thánh đường có dâng lễ chúc thọ cha mẹ, những bài Thánh ca vô cùng cảm động cất lên (Vd: Bài “Cầu Cho Cha Mẹ – 1” – Phan-xi-cô: “TK: Xin Chúa (í a) chúc lành cho đời cha mẹ của con, công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời, và ơn cha mẹ suốt đời coi nhẹ khổ đau. ĐK: Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời, cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan.”; hoặc bài “Cầu Cho Cha Mẹ – 5” – Phan-xi-cô: “TK: Con ra đời có mẹ cha, Là trời cao biển lớn bao la. Từng ngày qua giữa tuổi ngọc ngà, con là nụ hoa bé nhỏ trong nhà. Nhờ công cha, nhờ nghĩa mẹ, con khôn lớn trong muôn lời ca. ĐK: Xin ơn trên đổ xuống muôn nhà, Giúp mẹ cha ngày tháng an hoà, Bao nhọc nhằn sinh trái đơm hoa. Xin cho con ở giữa gia đình, Sống làm sao đền đáp ân tình, Ơn biển trời ghi khắc trong tim.”)

Cũng trong mùa báo hiếu, còn có cả những lễ hội “Bông Hồng Cài Áo” hay “Bông Hồng tặng Mẹ” dành cho những người mẹ. Trong những ngày đó, người con thường cài trên áo một bông hoa hồng màu trắng nếu mẹ đã quá cố và màu hồng dành cho những ai còn mẹ. Không riêng gì ở Việt Nam, mà ở các nước trên thế giới cũng có những ngày để ca tụng công đức người mẹ và cũng là dịp để con cái bày tỏ lòng hiếu thảo (như ngày “Mother’s Day”, chẳng hạn). Không bút mực nào có thể diễn tả cho hết được công đức của những người mẹ từ khi cưu mang con trong bụng 9 tháng 10 ngày, đến khi sinh con, rồi nuôi con khôn lớn. Những hy sinh, vất vả của những người làm mẹ, những giọt mồ hôi được lau vội qua những tay áo, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim của biết bao bà mẹ, cũng chỉ vì “Thương con thao thức bao đêm trường, con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng xiết bao. Thương con mưa nắng bao tháng ngày, chẳng ngại gieo neo, nuôi con tới ngày lớn khôn…” (Y Vân – “Lòng Mẹ”).

Có thể nói, mẹ là tuyệt tác tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Không có mẹ, con cái đâu cảm được vị ngọt của “Tình mẹ như chuối ba hương,/ Như xôi nếp mật, như đường mía lau.” (ca dao). Nói về ngày sinh của mẹ trong mùa báo hiếu, kẻ viết bài này lại lẩn thẩn nhìn lại mình. Với những người ở tuổi “thất thập” như ngu mỗ, thường thì không biết rõ được ngày sinh của các đáng sinh thành (vì ngày xưa ở Việt Nam chưa làm giấy khai sinh), nên chỉ biết số tuổi của cha mẹ và nếu có tổ chức mừng sinh nhật các ngài thì thường để đến mùa báo hiếu cho tiện. Vì thế, cứ đến tháng 7âl thì tôi lại bồi hồi nhớ tới thân mẫu rất hiền thục đã được Chúa gọi về từ cách đây 37 năm. Và cứ theo thói quen, lại nhớ tới những người mẹ Việt Nam “hai sương một nắng bán mặt cho đát, bán lưng cho trời” thờ chồng nuôi con. Sự hoài nhớ, liên tưởng của tôi ngưng tụ ở một Người Mẹ độc nhất vô song: Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại.

Theo Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium” (số 63), thì người mẹ đầu tiên của loài người là Eva đã đặt niềm tin vào con rắn (ma quỷ) hơn là tin vào Thiên Chúa, vì thế mà làm cho con cháu phải sa vòng tục lụy, bị tội lỗi thống trị. Nhưng tình thương của Thiên Chúa vẫn không hề suy giảm, và vì vậy mà Người đã ban cho loài người một người mẹ mới, một Eva mới. Người Mẹ mới này đã tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa thay vì tin vào con rắn như Eva xưa. Vì thế Cựu Ước đã tiên báo người Mẹ mới sẽ đạp đầu con rắn, chiến thắng sự dữ, vì “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3, 15). Cũng chính Người Nữ ấy được đón nhận lời hứa của Thiên Chúa: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7, 14). Như vậy thì cũng có thể khẳng định Người Nữ ấy đã được Thiên Chúa chọn từ trước vô cùng, để đồng công cứu chuộc loài người.

Người Mẹ độc nhất vô song ấy chính là Đức Trinh Nữ Maria, mà năm nay Giáo Hội mừng ngày sinh của Người (8/9/2012, nhằm ngày 23/7 năm Nhâm Thìn) trùng vào mùa báo hiếu của dân tộc Việt Nam. Vâng, cách đây hơn 2.000 năm, vào đúng ngày mùng tám tháng chín, Thánh nữ Anna hiểu rằng bà sắp sinh Người Con bà hằng ước nguyện. Bà sấp mình cầu xin Thiên Chúa chúc phúc cho con mình. Thánh nữ Anna được gìn giữ khỏi mọi đau đớn thông thường nơi các bà mẹ sinh con, bà dâng lên Thiên Chúa lời nguyện: “Lạy Đấng Sáng Tạo muôn loài, con xin dâng Chúa người con mà con vừa được Chúa ban cho. Con xin cảm tạ Chúa. Xin Chúa định đoạt cho mẹ con con theo ý Chúa. Con xin chúc tụng Chúa muôn đời. Con là một kẻ bất xứng, xin dạy con biết cách nuôi nấng người con của Chúa”. Và Thiên Chúa soi lòng mở trí cho bà biết là bà cứ cư xử như mọi người mẹ cư xử với con mình,

Thánh Âu-tinh đã dạy thật chí lý: “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Người”. Chính vì thế, nên việc Thiên Chúa đến với con người thật sự cần đến một cộng tác viên cụ thể để làm cầu nối chuyển hồng ân cứu độ là chính Con Thiên Chúa bằng xương bằng thịt đến cho con người. Cộng tác viên đích thực ấy không ai khác hơn là Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm. Và ngày lễ hôm nay – mừng kỷ niệm sinh nhật của Người – chính là dạo khúc mở đầu, đồng thời cũng là chung kết mầu nhiệm hiệp nhất tiền định giữa Lời và xác thịt. Hôm nay là ngày vị Trinh Nữ vào đời, được chăm sóc và hình thành, sửa soạn cho vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Đấng là Vua vũ trụ.

Sự sang trọng quyền phép của Đức Maria thật cao vời khôn ví! Cứ nhìn vào gia thế và dòng tộc của Mẹ, đến mối liên kết mật thiết giữa Mẹ với Thiên Chúa thì đủ biết. Từ phẩm chức cao sang là Nữ Tử, Ái Thê, và Hiền Mẫu của Thiên Chúa, đến sự hiển vinh, cao trọng của tước vị Nữ Vương tuyệt đỉnh mà Mẹ đang nắm giữ trên mọi loài thụ tạo, kể cả các vị thiên thần phẩm tước cao cả nhất. Ấy cũng bởi vì Mẹ luôn kề cận Thiên Chúa, vì Mẹ là Mẹ Lời Chúa và là Mẹ Đức Tin (“Ở đây, ta thấy Đức Maria đã hoàn toàn thân thuộc ra sao đối với lời Chúa, ngài thoải mái vào ra lời ấy. Ngài nói và suy nghĩ bằng lời Chúa; lời Chúa trở thành lời ngài, và lời ngài phát xuất từ lời Chúa.” Ở đây, ta thấy tư tưởng của ngài hòa điệu ra sao đối với tư tưởng Thiên Chúa, ý chí của ngài là một với ý Chúa như thế nào. Vì Đức Maria hoàn toàn thấm nhuần lời Chúa, nên ngài có khả năng trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể” – T/H Lời Chúa, số 20). Mẹ chính là Nữ Vương trên mọi bậc vương tôn, và là Nữ Hoàng của toàn thể vũ trụ. Uy quyền của Mẹ không chỉ vượt trên những bậc bá vương quyền thế nhất trên địa cầu, mà còn trên cả những quyền thần cao sang nhất trên thiên quốc, kể cả những quỉ ma ngạo mạn nhất trong hỏa ngục. Tất cả đều phải quy phục trước tôn nhan Mẹ.

Xin được minh hoạ những điều phân giải ở trên, bằng việc Giáo Hội long trọng công bố những tín điều cùng với những tước hiệu dành cho Mẹ Diễm Phúc: 1- Tín điều “MẸ MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA” được Công Đồng Chung Ê-phê-sô tuyên tín năm 431; 2- Tín điều “MẸ MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH” được Công Đồng La-tê-ra-nô tuyên tín năm 649; 3- Tín điều “MẸ MARIA ĐẦU THAI VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI” được Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX long trọng công bố bằng sắc lệnh “Ineffabilis Deus” vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm, 8/12/1854; 4- Tín điều “MẸ MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI” được ĐGH Pi-ô XII long trọng tuyên tín bằng Tông hiến “Munificentissimus Deus” vào ngày Lễ Kính Các Thánh, 1/11/1950; 5- Tín điều “MẸ MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI” được ĐGH Phao-lô VI long trọng tuyên bố ngay trong buổi họp Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II (1962-1965) để ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (Anh Sáng Muôn Dân) vào ngày 21/11/1964; 6- Tước hiệu “MẸ NỮ VƯƠNG” được ĐTC Pi-ô XII thiết lập bằng Thông điệp “Ad Coeli Reginam” ban hành vào ngày lễ Đức Mẹ Thiên Chúa 11/10/1954. Ngoài ra, trong năm Phụng vụ, Giáo Hội còn ấn định 14 lễ kính Đức Mẹ: 1- Lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1); 2- Lễ Mẹ Dâng Con (2/2); 3- Lễ Mẹ Lộ Đức (11/2); 4- Lễ Truyền Tin Lời Nhập Thể cho Mẹ (25/3); 5- Lễ Mẹ Thăm Viếng (31/5); 6- Lễ Trái Tim Mẹ (sau Lễ Thánh Tâm trong tháng Sáu); 7- Lễ Mẹ Ca-mê-lô (16/7), 8- Lễ Mẹ Mông Triệu (15/8), 9- Lễ Mẹ Nữ Vương (22/8), 10- Lễ Sinh Nhật Mẹ (8/9), 11- Lễ Mẹ Sầu Bi (15/9), 12- Lễ Đức Mẹ Mân Côi (7/10), 13- Lễ Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thánh (21/11), 14- Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12).

Mừng sinh nhật Mẹ, người Ki-tô hữu hãy tuyên tín rằng Đức Maria là Mẹ thật của chúng ta, thật hơn cả người mẹ sinh ra phần xác của chúng ta nữa. Đức Ki-tô Thiên Chúa đã ban Mẹ cho chúng ta qua đại diện là môn đệ yêu dấu Gio-an trong hy tế thập giá. Vì là hiền mẫu, Mẹ Maria yêu thương chúng ta một cách trìu mến nhất; Mẹ bảo bọc và gìn giữ, lo liệu và giúp đỡ chúng ta trong mọi tình huống, cả tinh thần lẫn vật chất. Hãy thử nghĩ xem Thiên Chúa muốn con cái Người phải yêu một người mẹ như vậy với một tình yêu thế nào? Trong 10 điều răn Thiên Chúa đã truyền dạy, thì có 3 điều “mến Chúa” và 7 điều “yêu người”, và trong 7 giới răn “yêu người” thì điều răn đứng hàng đầu là “Hãy thảo kính cha mẹ”. Điều đó cho thấy Thiên Chúa muốn chúng ta phải yêu mến, kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ như thế nào. Với cha mẹ phần xác còn như vậy, huống hồ là đối với Người Mẹ trên hết các người mẹ ở thế gian này. Vì thế, hãy xác tín rằng Thánh ý Thiên Chúa muốn chúng ta hãy phụng sự, tôn vinh, và yêu mến Mẹ bằng tất cả tâm hồn, sức lực và trí khôn, đồng thời hãy học theo Mẹ sống đức tin bằng hai tiếng “xin vâng” đối với Thiên Chúa và bằng cả tấm lòng thương yêu với tất cả mọi người. Càng yêu mến Mẹ, chúng ta càng làm đẹp lòng Thiên Chúa, đó là điều tất yếu vậy.

Ôi! Mẹ tuyệt vời, Mẹ là kỳ công của sự cao sang, của sự vĩ đại, chúng con vui mừng biết bao vì Thiên Chúa đã cất nhắc Mẹ lên phẩm tước cao trọng nhường ấy! Mẹ thật xứng đáng được mọi thế hệ ca ngợi là người diễm phúc, mọi miệng lưỡi hoan ca chúc tụng, mọi thân thể phủ phục tung hô, và mọi dân nước mến yêu, kính trọng. Từ ngai tòa Nữ Vương cao sang Mẹ đang ngự trị, xin Mẹ ghé mắt nhân từ đoái thương cứu giúp đàn con nơi cõi trần chất ngất đau thương. Cúi xin Mẹ hãy bảo bọc, chở che, cứu giúp, đỡ nâng, và cầu bầu cùng Trưởng Tử Giê-su Ki-tô cho chúng con được hưởng nhờ những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, để chúng con đời sau cũng được vui hưởng ánh sáng huy hoàng của vinh quang Mẹ cho đến muôn muôn đời. Ôi! “ĐK: Mẹ Maria hiển vinh, xác hồn vẹn tuyền trọn lành. Mẹ sinh Con Thiên Chúa toàn năng, quyền uy cao sang vẻ vang. Nữ Vương trinh nguyên đẹp xinh, Mẹ là nguồn phúc ân Thiên đình. TK: Con dâng Mẹ trí năng, dâng thân xác đơn hèn, dâng con tim mênh mang bao nỗi ưu phiền. Mẹ yêu ơi! Xin đỡ nâng cho con luôn được kiên vững, luôn trung thành, mong đáp tình Chúa thương.” (TCCĐ “Mẹ Cao Sang”). Amen.

[1] Trích cuốn «Kitô Hữu Trước Thềm Thời Đại Mới», của H.Y. Suenens, xb Định Hướng, 2000

Lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria Reviewed by Admin on 9/06/2012 Rating: 5 Lm Thêôphilê - I. Lịch sử Lễ Sinh nhật Trinh nữ Maria Ngày lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ gắn liền với việc cung hiến một Đền thờ được xây c...

Không có nhận xét nào: