Chủ tịch Hạ viện, Shwe Mann (giữa) công khai đối đầu với tổng thống Thein SeinReuters |
Đức Tâm(RFI) - Trong gần nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân sự, người dân Miến Điện không hề có thông tin về những cuộc tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ giới cầm quyền. Giờ đây, cùng với tiến trình cải cách, dân chủ hóa và sự ra đời các định chế chính trị, những cuộc đấu tranh nội bộ này đã lộ rõ trước bàn dân thiên hạ.
Đã qua rồi cái thời kỳ Miến Điện đặt dưới sự lãnh đạo của một nhóm tướng lĩnh, quyền lực tập trung trong tay một người, cái thời mà người dân chỉ biết là đã có các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ, sau khi một viên tướng nào đó đột ngột bị hạ bệ, bị bắt hoặc một nhóm tướng lĩnh khác lên thay.
Kể từ tháng Ba năm 2011, Miến Điện có một chính phủ « dân sự » bao gồm chủ yếu là các cựu tướng lĩnh, chủ trương đẩy mạnh cải tổ, trong bối cảnh hoàn toàn mới mẻ : Theo bản Hiến pháp được thông qua từ năm 2008, cơ quan lập pháp của Miến Điện có hai viện.
Chính trong khuôn khổ bản Hiến pháp này mà tổng thống Thein Sein và chủ tịch Hạ viện Shwe Mann đã công khai đối đầu với nhau. Nhân vật này không hề dấu diếm tham vọng dành được chiếc ghế tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2015.
Một nhà ngoại giao nước ngoài làm việc tại Miến Điện, nhận định là cả hai nhân vật này dường như vẫn giữ lại phản xạ có từ thời giới tướng lãnh cầm quyền. Thế nhưng, hiện nay, thách thức chính là vấn đề dân chủ hóa. Trong cuộc đấu đá này, cả hai vị đều muốn chứng tỏ mình là một nhà dân chủ nhất.
Dường như quan hệ giữa hai người đã xấu đi trước khi chế độ quân sự giải thể, chuyển quyền lực cho chính phủ dân sự. Nhiều nguồn thạo tin cho AFP biết là trong chế độ quân sự độc tài, ông Shwe Mann có vị trí cao hơn ông Thein Sein. Thế nhưng, điều bất ngờ là ông Thein Sein lại được chỉ định làm tổng thống còn ông Shwe Mann chỉ giữ chức chủ tịch Hạ viện.
Từ đó đến nay, hai nhân vật này không ngừng ganh đua với nhau. Nếu như trước đây, những vị này không quan tâm đến báo chí, thì giờ đây, họ tổ chức liên tiếp các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn. Nếu người này ngăn chặn một dự luật của người kia thì ngay lập tức sẽ có đòn trả đũa. Một ví dụ cụ thể : Sau khi tổng thống Thein Sein đề nghị Tòa Bảo Hiến xem xét quyền hạn của các dân biểu, vào tháng Hai vừa qua, các thẩm phán của Tòa đã ra phán quyết cho rằng các ủy ban và tiểu ban của nghị viện không có quyền triệu tập các thành viên chính phủ ra điều trần. Hôm thứ Năm, 06/09, ông Shwe Mann phản công : Hạ viện Miến Điện bỏ phiếu phế truất 9 thẩm phán của Tòa Bảo Hiến.
Cuộc đọ sức này đã làm Miến Điện gần như rơi vào khủng hoảng chinh trị và có thể còn tiếp diễn.
Ông Zaw Htet Htwe, một nhà báo vừa được trả tự do hồi tháng Giêng cho rằng « đây là một cuộc đấu đá cá nhân ». Một nhà phân tích ngoại quốc làm việc tại Rangoon khẳng định là ông Shwe Mann đã hành động một cách mạo hiểm, khi công khai đối đầu với bên hành pháp, bởi vì điều này này làm tổn hại hình ảnh và uy tín của tất cả mọi người, kể cả những nhân vật thuộc phe bảo thủ, của tổng thống Thein Sein và giới thẩm phán.
Một số chuyên gia lo ngại là quân đội, về lý thuyết là đứng trung lập, sẽ không còn kiên nhẫn, lại can thiệp vào chính trường. Có người cho rằng cuộc tranh giành ảnh hưởng làm chậm lại tiến độ cải cách kích tế và lịch trình thông qua các đạo luật mới.
Thế nhưng, ông Aung Tun Htet, một trí thức có tên tuổi và được trọng nể tại Miến Điện, lại giảm nhẹ tầm mức cuộc đấu đá giữa các cá nhân và coi đây là một sự tập dượt, xây dựng nền dân chủ. Ông nói : « Chúng tôi vừa đóng thuyền, vừa chèo thuyền ». Đồng thời, ông cảnh báo, cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai nhân vật này không được làm chậm trễ lịch trình cải tổ. Vấn đề chính là phải nhanh chóng đạt được các kết quả, tiếp tục hướng tới các mục tiêu cuối cùng. Nếu không, họ sẽ làm mất lòng tin. Đây là một thách thức và cũng là một trắc nghiệm đối với giới lãnh đạo Miến Điện.
Không có nhận xét nào: