Trong Chúa Kitô, hãy ngắm nhìn khuôn mặt bạn - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 9, 2012

Trong Chúa Kitô, hãy ngắm nhìn khuôn mặt bạn

Trong Chúa Kitô, hãy ngắm nhìn khuôn mặt bạn
(Catechesi in preparazione dell’EUROFRAME 2012)

ĐỐI DIỆN CUỘC SỐNG: TỪ KINH NGẠC ĐẾN TÌM KIẾM

Khó khăn lắm chúng ta mới được sinh ra đời, một khi chúng ta mở mắt chào đời và nhìn vào thế giới với ánh mắt kinh ngạc. Lớn lên, chúng ta lại khám phá hình ảnh các sự vật và khuôn mặt của nhiều người, bằng một cuộc phiêu lưu liên tục đầy tính hiếu kỳ. Mỗi người trong chúng ta khám phá ra rằng: cuộc sống là một mối tương quan và chúng ta bị cột chặt vào mọi sinh vật thể khác bởi một ảnh hưởng hỗ tương huyền nhiệm. Thậm chí ngay cả khi cảm nghiệm được sự độc lập của mình, chúng ta vẫn nhận thấy rằng: mọi thứ đều gây ảnh hưởng trên chúng ta và đến lượt chúng ta, chúng ta lại thi thố một sức mạnh nào đó trên các sự vật và trên cuộc sống những người khác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn giữ được sự tự do lạ lùng trong cách mình suy biết và nhận thức đó làm cho chúng ta trở thành độc nhất và khác biệt với mọi người.

Đến tuổi thanh xuân, không còn hài lòng với những cảm xúc hoặc những phản ứng tự nhiên theo bản năng nữa, chúng ta bắt đầu tự chất vấn bản thân khi đứng trước những thôi thúc của cuộc đời. Chúng ta muốn tìm hiểu tại sao cuộc sống vẫn cứ thế mà chẳng có gì khác hơn nữa, tại sao có những chuyện làm chúng ta hạnh phúc, rồi lại có những chuyện khác làm chúng ta đau khổ. Vẻ đẹp chúng ta nhìn thấy ở chung quanh và làm chúng ta bị mê hoặc tới độ yêu say đắm, dường như lại quá mong manh và không an toàn đối với chúng ta. Rủi hơn nữa, khi một người chúng ta yêu thương qua đời, tự nhiên chúng ta cảm thấy nổi loạn, tựa như phải đối diện với một điều bất công. Vả lại hạnh phúc mà chúng ta vẫn hằng trông mong ấy, phải chăng lại là một điều gì đó phù du hoặc hạnh phúc có thực sự trở thành một vật sở hữu chắc chắn không? Và vì thế, chúng ta khởi sự đi tìm một nguồn sống sẽ đem lại cho chúng ta sự vững chắc trong cuộc hành trình. Chúng ta muốn tìm cho biết: phải chăng có một điều gì đó bí mật hoặc hợp lý tàng ẩn bên dưới hết thảy mọi sự vật. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ muốn tìm gặp được một sức mạnh vô danh và vô chủ, một định mệnh mù quáng và điếc lác. Trong sâu thẳm cuộc sống của mình, chúng ta muốn tìm gặp được một Ai đó, một Tình yêu có ngôi vị, để trở thành nguồn mạch tinh trong của mọi thứ tình yêu và của mọi niềm hy vọng. Đức tin nói với chúng ta rằng: Chính Thiên Chúa mới là Đấng chuyển thông vào con tim chúng ta niềm khát vọng đi tìm kiếm Ngài và cho chúng ta gặp được Ngài, mới gieo vào tâm hồn chúng ta một nỗi khắc khoải thánh thiêng, một nỗi khắc khoải chỉ tìm thấy được sự an nghỉ trong hiệp thông với Ngài. Chỉ sau đó, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa đời sống của mình. Chúng ta mới chỉ được mãn nguyện, một khi gặp gỡ Thiên Chúa.

TRONG KINH THÁNH: MỘT KHUÔN MẶT, MỘT CUỘC GẶP GỠ

Trong kinh nghiệm và trong ngôn ngữ Kinh Thánh, khuôn mặt là phản ánh của tâm hồn, hoặc đúng hơn là phản ánh chính bản chất mỗi người. Khuôn mặt biểu lộ tâm hồn và mở ra hiệp thông:“Nước phản chiếu khuôn mặt, tâm tư phản ánh con người” (Cn 27, 19). Một cuộc gặp gỡ mặt đối mặt mới gợi lên được sự nhận biết sâu sa nhất tâm hồn của một người khác, nghĩa là nói tới sự nhận biết hỗ tương giữa con người với con người.

Nếu chúng ta sống cô lập, không bao giờ chúng ta biết được nhau. Chỉ bằng cách đối chiếu mình với những người khác, chúng ta mới đạt tới chỗ biết mình là thế nào. Chỉ bằng cách gặp gỡ khuôn mặt và tâm hồn Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự có thể hiểu được chính mình. Bài trình thuật về câu chuyện Tạo dựng được gởi đến cho chúng ta trong sách Sáng thế mạc khải cho chúng ta biết rằng: người nam và người nữ được sáng tạo theo hình ảnh giống với Thiên Chúa; do đó, ngay cả sau khi phạm tội, con người vẫn chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta cháy bỏng niềm khao khát được nhìn thấy khuôn mặt Thiên Chúa, được biết Ngài và được đi vào hiệp thông sâu sa với Ngài!

Việc chiêm ngắm thiên nhiên (Thánh vịnh 8) và kinh nghiệm về một vị Thiên Chúa, Đấng ban ơn cứu độ qua những biến cố lịch sử (sách Xuất hành), khơi dậy trong tâm hồn các kẻ tin niềm khao khát khôn nguôi được tham dự trọn vẹn vào sự sống của Thiên Chúa, hầu như tới mức được xuyên thủng mầu nhiệm che khuất Ngài.

Lời cầu nguyện diễn tả nỗi khát vọng ray rức đọc thấy trên khuôn mặt Thiên Chúa sự hờn giận, tình yêu, những kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta.

Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.

Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài,

xin Ngài đừng ẩn mặt.

Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,

chính Ngài là Đấng phù trợ con.

Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,

lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con (Tv 27, 8-9)

Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan? (Tv 42, 2)

Nhưng nỗi khát mong được gặp gỡ Thiên Chúa về phía con người, dường như vẫn là một tham vọng ê chề, thậm chí đối với các vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong thời Cựu Ước, là những người đã được Thiên Chúa ở lại giống như ở lại với các bạn hữu. Sách Xuất hành nói với chúng ta rằng: khi ông Mô-sê từ trên Núi Si-nai đi xuống, sau khi đã đón nhận luật được khắc trên hai bia đá,“khuôn mặt ông trở nên chói sáng”, vì ông được trò chuyện với Thiên Chúa, đến nỗi ông đã phải lấy một tấm mạng che mặt mình (Xh 34, 29-35). Nhưng khi ông Mô-sê xin Thiên Chúa cho phép được nhìn thấy vinh quang Ngài, thì Đức Chúa đã đặt ông trong một cái hang sâu và che mặt ông lại cho tới khi Ngài băng qua. Thiên Chúa chỉ cho phép ông nhìn thấy phía sau lưng Ngài, bởi vì con người không thể nào nhìn thấy tôn nhan Thiên Chúa (Xh 33, 18-22). Chỉ khi Con Thiên Chúa xuống nhập thể, thì chúng ta mới có thể có được một sự hiểu biết về Thiên Chúa một cách trọn vẹn và trực tiếp.

VINH QUANG THIÊN CHÚA NGỜI SÁNG TRÊN KHUÔN MẶT ĐỨC KITÔ VÀ CHIẾU SÁNG CUỘC SỐNG CHÚNG TA

Trên khuôn mặt Đức Kitô, vinh quang Chúa Cha thực sự phản chiếu. Trong Con Cha đã xuống thế làm người, mà Cha là Đấng vô hình, đã mang lấy một khuôn mặt để chúng ta có thể chiêm ngưỡng. Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta khuôn mặt ấy, khuôn mặt mà trước đó chưa từng một ai đã nhìn thấy (Ga 1, 18). Khi tông đồ Philipphê xin Chúa Giêsu tỏ cho các ông xem thấy Chúa Cha, thì Chúa Giêsu đã đáp lại: nơi bản tính nhân loại của Người, các tông đồ đã có thể biết Chúa Cha và cảm nghiệm được tác động của Chúa Cha:

Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Ðức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Ðấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy (Ga 14, 8-11).

Trong niềm tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa, giờ đây các tông đồ mới có thể đi vào hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha và thực hiện được các công việc của Chúa Cha, nối tiếp theo sau Chúa Giêsu, Đấng trong tư cách là thầy và là Chúa. Thánh Phaolô dạy chúng ta hãy lấy đức tin mà nhìn ngắm khuôn mặt Chúa Kitô, ngõ hầu chúng ta có thể phản ánh vinh quang của Người trong thế giới:

Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí (2Cr 3, 18).

Vì nơi khuôn mặt Chúa Kitô phản ánh dung nhan Chúa Cha, cũng thế nơi khuôn mặt các Kitô hữu – nghĩa là qua việc họ sống hiến thánh cho tình yêu – khuôn mặt hiển vinh của Đức Kitô phục sinh được phản chiếu.

THÁNH PHANXICÔ: PHÚC ÂM TRÊN KHUÔN MẶT CHÚA GIÊSU

Các môn đệ của Chúa, đi theo Người trên nẻo đường Phúc âm, luôn luôn xem Chúa Giêsu như là mẫu mực của đời sống nhằm noi gương bắt chước một cách trọn hảo, ngõ hầu tái khám phá chính mình và chung cuộc mọi khát vọng hạnh phúc của chúng ta mới đạt tới thành công. Công đồng Va-ti-căng II dạy rằng:

Bởi vậy, Giáo Hội đã biết rõ sứ điệp của mình phù hợp với những khát vọng thầm kín nhất của lòng người, khi Giáo Hội bênh vực thiên chức con người và do đó đem lại niềm hy vọng cho những ai đã thất vọng về vận mạng cao cả của mình. Sứ điệp của Giáo Hội chẳng những không làm suy giảm con người mà trái lại còn đổ tràn ánh sáng, sự sống và tự do để giúp con người tiến bộ. Ngoài sứ điệp đó không còn gì khác có thể thỏa mãn được lòng người. “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con để chúng con đến với Chúa, và tâm hồn chúng con còn thao thức cho tới khi được an nghỉ trong Chúa” (Thánh Âu-tinh). Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. … Chúa Kitô … trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ (MV 21-22).

Nhờ biết Chúa Kitô, các Thánh đã khám phá ra ơn gọi của các ngài và đã trở nên một hình ảnh đích thực của Thầy các ngài cho thế giới.

Thánh Phanxicô Átxidi, cho dù đã nhận được một nền giáo dục Kitô giáo, nhưng đúng hơn trong thời trai trẻ của mình, ngài đã bị các thú vui cuộc đời lôi cuốn và ngập đầy niềm khát vọng vinh quang trần thế. Môi trường xã hội của ngài, được xây dựng bởi những thương nhân và các quân nhân, đã xô đẩy ngài hướng tới một cuộc sống đầy tham vọng và thành công. Chỉ khi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa ngài với Chúa Kitô, cuộc gặp gỡ mới dần dà làm thay đổi tận gốc rễ cuộc sống của ngài, làm đảo ngược hoàn toàn thế giới các giá trị của ngài. Như Phanxicô đã thuật lại trong Di chúc của mình, Chúa đã kéo ngài ra khỏi cuộc đời tội lỗi và đã dùng ân sủng hướng dẫn ngài trên con đường hoán cải. Khi nghiên cứu cuộc hoán cải chậm rãi của Thánh Phanxicô, chúng ta mới thấy mình đối mặt với một câu chuyện thích hợp một cách đáng kinh ngạc cho ngày hôm nay. Ở đây, vấn đề không phải là một sự biến đổi chớp nhoáng, nhưng là một tác động tiệm tiến và bất khả kháng của Thánh Thần Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần từ từ chiếm hữu lấy đời sống của một con người.

Phanxicô trải nghiệm việc tìm kiếm khuôn mặt tàng ẩn của Thiên Chúa, ngài cảm thấy rằng: định mệnh cá nhân ngài được đong đưa trên tất cả mọi sự trong cuộc tìm kiếm không ngừng sự hiện diện của Thiên Chúa, mà đối với ngài cuộc tìm kiếm không ngưng nghỉ đó đã được thể hiện vượt trên hết mọi sự trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.

Khuôn mặt Chúa Kitô nơi người nghèo. Phanxicô dùng lời lẽ như sau để diễn tả cách thức Chúa đã đến gặp ngài và đã hướng dẫn ngài trên con đường hoán cải.

Khi còn sống trong tội lỗi, mỗi lần trông thấy người phung, tôi lấy làm ghê tởm lắm. Nhưng chính Chúa đã dẫn tôi đến với họ và tôi đã tỏ lòng thương xót họ. Khi xa cách họ, điều trước kia đối với tôi là ghê tởm đã trở thành ngọt ngào cho tôi trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác. Sau đó, tôi chờ đợi ít lâu và ra khỏi thế gian (DC 1-3).

Đối với chàng trai trẻ này, một thanh niên hoàn toàn bị cuốn hút vào hư danh và mộng hiệp sĩ, thì những người phung cùi sẽ khiến cho anh ta ghê tởm vì dáng vẻ bên ngoài xấu xí và khốn nạn của họ, cái duyên cớ đã làm cho họ bị loại trừ ra khỏi xã hội. Phanxicô được soi sáng cho biết nhận ra nơi những người phung cùi khuôn mặt của Chúa Kitô, Đấng vì chúng ta đã hóa thân trở nên nghèo khó và ghê tởm trong hiến tế thập giá. Vì thế, người nghèo đối với thánh nhân luôn luôn là một hình ảnh trung thực của Chúa Kitô: Nơi mỗi người và nơi hết thảy những người nghèo khó, Phanxicô đều nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô (ĐT III, VII). Đó là cách thánh nhân giải thích cho một người anh em rằng: anh phải nhìn người nghèo như thế nào:

Này anh, bất cứ khi nào trông thấy một người nghèo, đấy chính là lúc một tấm gương phản chiếu Chúa và Mẹ nghèo khó của Người được đặt trước mắt anh. Nơi những người yếu đau bệnh tật cũng vậy, anh hãy nhìn cho kỹ để thấy các tật nguyền mà Chúa đã gánh lấy vì chúng ta … Phanxicô luôn luôn chăm chú nhìn vào gương mặt Đấng Kitô của ngài. Luôn luôn ngài nhắc đến Con người Sầu khổ và quen hứng chịu hoạn nạn (2Cel 85).

Khuôn mặt Đấng chịu đóng đinh qua việc phục vụ Giáo hội. Sự thật cuộc gặp gỡ đó đã được xác nhận trong kinh nghiệm tại San Đamianô, một nhà nguyện nhỏ nơi thôn dã, được Chúa Thánh Thần dẫn đường chỉ lối, Phanxicô đã vào cầu nguyện. Tại đây, quỳ gối trước tượng Chúa chuộc tội, Phanxicô đã nhận được mạc khải cho biết cách thức để hiệp nhất với Đấng chịu đóng đinh, điều đó được thể hiện qua việc khiêm tốn phục vụ Hội Thánh Chúa.

Một ngày kia, chàng đi ngang qua nhà thờ Thánh Đamianô. Ngôi thánh đường hoang vắng và gần đổ nát. Được Thần Khí hướng dẫn, chàng bước vào trong cầu nguyện và sốt sắng quỳ xuống trước Tượng chịu nạn. Tâm hồn chàng rúng động vì những cảm nghiệm lạ thường và thấy mình khác hẳn khi chưa vào. Ngay khi chàng có cảm giác ấy – xảy ra một điều chưa từng nghe nói đến bao giờ – hình vẽ Chúa chịu đóng đinh mấp máy đôi môi, cất tiếng gọi tên chàng: “Phanxicô, con hãy đi xây lại nhà Ta đang đổ nát!” Phanxicô rất đỗi bàng hoàng run sợ, lắp bắp như người mất trí. Rồi chàng lấy lại tư thế để sẵn sàng vâng lời, tự trấn tĩnh để thi hành lệnh truyền (2Cel 10).

Như thế, khi chiêm ngưỡng khuôn mặt Chúa Kitô chịu đóng đinh, Phanxicô hiểu được vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không ngừng tự hiến mình như một lễ hy sinh để cứu độ chúng ta.

Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (1Ga 4, 10).

Phanxicô đã say mê yêu mến Hội Thánh, các linh mục và hết thảy mọi tín hữu trong Hội Thánh, với niềm xác tín sâu sa rằng: chỉ bằng cách đặt mình phục vụ những con người ấy, thì ngài mới đích thực trở nên tôi tớ và nên người noi gương bắt chước Chúa Kitô.

Khuôn mặt Chúa Kitô trong huynh đệ đoàn. Trong huynh đệ đoàn của mình, một quà tặng phát xuất từ Thiên Chúa, Phanxicô đã cảm nghiệm một cách đặc biệt cuộc gặp gỡ với Chúa.

Sau khi Chúa đã ban cho tôi một số anh em, không ai chỉ bảo cho tôi phải làm gì, nhưng chính Đấng tối cao đã mạc khải cho tôi biết phải sống theo mẫu mực thánh Phúc âm. Và tôi đã xin viết ra luật sống ấy một cách đơn sơ và ngắn gọn, và Đức Thánh Cha đã xác nhận cho tôi (DC 14-15).

Phanxicô đã muốn sống Phúc âm với các anh em hèn mọn của ngài, trong sự nghèo khó và đơn sơ, nhằm phục vụ Vương quốc Thiên Chúa. Tại đó, cuộc đời được sống dưới cái nhìn đại lượng của Chúa là Đấng đã dìu dẫn anh em nhờ Thánh Thần Người, Chúa Thánh Thần là Vị Bề trên đích thực của huynh đệ đoàn. Anh em hèn mọn phải trở nên những Kitô hữu hoàn toàn hiền ngoan vâng theo tác động của Chúa Thánh Thần là Đấng đã mạc khải Chúa Kitô cho chúng ta và dạy bảo chúng ta đường lối của Chúa. Vì lý do đó, Phanxicô khích lệ anh em phải hướng lòng trí lên cùng Chúa (Lksc 22, 19), ngõ hầu anh em mới được vẻ đẹp của Người ủ ấp và noi gương bắt chước được những gương sáng của Người.

Vì thế, trên Đỉnh La Véc-na, sau khi được lãnh nhận các Dấu Thánh trên thân thể biến thánh nhân trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Phanxicô đã chúc lành cho Anh Lê-ô bằng những lời chúc phúc của vị tư tế theo như Kinh Thánh:

Xin Chúa chúc lành và gìn giữ con;

Xin Người tỏ lộ dung nhan Người cho con và thương xót con.

Xin Người ngoảnh mặt lại nhìn con và ban cho con được bình an.

Sau 800 năm, kinh nghiệm Phan sinh vẫn duy trì được tất cả sự thật của mình: nghĩa là Phanxicô, đấng không ngừng chiêm ngưỡng khuôn mặt Chúa Kitô, sẽ vẫn mãi trở nên người noi gương bắt chước Chúa Kitô trung thành nhất.

THÁNH CLARA: CHIÊM NGƯỠNG KHUÔN MẶT CHÚA KITÔ CÓ SỨC BIẾN ĐỔI

Clara Átxidi là một môn đệ nhiệt thành và kiên trung của Phanxicô. Từ nơi Phanxicô, chị đã học hỏi đi theo Chúa Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh, để hoàn toàn thể hiện nơi con người chị Phúc âm của Chúa. Nơi Phanxicô, Clara không những đã tìm gặp được một nền giáo huấn trên bình diện lý thuyết, mà còn là một mẫu gương sống cụ thể, đã làm bừng cháy lên trong tâm hồn chị niềm vui bước đi theo Chúa Kitô. Chính chị ghi lại bài học sống động của Phanxicô, bài học được diễn tả trong sự noi gương bắt chước đầy yêu thương Con Thiên Chúa:

Con Thiên Chúa đã trở nên con đường cho chúng ta và Cha thánh Phanxicô chúng ta là người đã thực sự yêu mến và bắt chước Người, đã dùng lời nói và gương sáng chỉ dạy cho chúng ta biết con đường ấy (DC Cl 5).

Chúa Kitô là con đường để bước theo, từ máng cỏ Bê-lem cho đến đồi Can-vê, bằng việc tham dự trọn vẹn và quảng đại vào các mầu nhiệm cứu độ, như đã được Phúc âm tường thuật. Đức nghèo khó mà Clara vô cùng say mến, không mang chiều kích chính trị, mà là một sự thông phần vào đức nghèo khó mà Chúa đã sống. Đó là một quà tặng được lãnh nhận với tình yêu và với lòng đơn thành. Clara nhìn thấy con người Chúa Kitô như một tấm gương, trong đó chúng ta có thể gặp được hình ảnh lý tưởng được phản chiếu lại của chúng ta, và nhờ đó khám phá ra ơn gọi chúng ta, ơn gọi mà chúng ta sẽ sống nếu như chúng ta quảng đại bắt chước Chúa là mẫu mực cho chúng ta.

Tấm gương nầy phản chiếu đức nghèo toàn phúc, đức khiêm nhường thánh thiện và tình yêu khôn tả: đó là điều, nhờ ơn Chúa, con có thể chiêm ngắm trên toàn tấm gương. Hãy nhìn xem … đó là sự nghèo khó của Đấng được đặt nằm trong máng cỏ, mình bọc tã thô hèn. Ôi sự khiêm nhường thật kỳ diệu, sự nghèo khó thật lạ lùng! … con hãy nhìn xem lòng khiêm nhường, sự nghèo khó hồng phúc, bao nỗi nhọc nhằn và khổ nhục khôn tả Người đã chịu để cứu chuộc loài người. ở phần dưới tấm gương, con hãy chiêm ngưỡng tình yêu khôn tả khiến Người chịu khổ hình thập giá và chịu một cái chết nhục nhã nhất … Như thế, từ đây, ước gì Bà càng được ngọn lửa tình yêu nầy thiêu đốt, thưa hoàng hậu của Đức Vua thiên đình! (4T Ag. 18-32).

Hình ảnh Chúa Kitô được chiêm ngưỡng trở thành một ơn gọi được thể hiện ra nơi con người mình, trở thành một sức năng động làm biến đổi con người với sức mạnh của tình yêu và làm cho ơn gọi đó trở nên một sự tham dự vào đời sống Chúa Kitô. Khi chiêm ngưỡng khuôn mặt Chúa Kitô, Clara có thể sống lệnh truyền yêu thương trong Tin Mừng là tổng hợp mạc khải của Thiên Chúa:

Hãy đặt tâm trí Bà trước tấm gương vĩnh cửu! Hãy để tâm hồn Bà chìm vào trong ánh vinh quang huy hoàng! Hãy đặt con tim Bà trước hình ảnh của bản thể Thiên Chúa! Và nhờ chiêm niệm, hãy biến đổi trọn con người Bà trong hình ảnh của chính Thiên Chúa! Như thế, bà mới cảm thấy được điều mà chỉ các bạn của Người mới cảm thấy, khi Bà nếm được hương vị ngọt ngào ẩn dấu mà ngay từ khởi nguyên, chính Thiên Chúa đã cất dành cho những bạn tình của Người! (3T Ag. 12-14).

Đó là cốt tủy Phúc âm. Đó là câu đáp trả cho lời Chúa mời gọi, mời gọi chúng ta sống cùng một tình yêu ấy, là tình yêu đã làm nên nét đặc sắc trong sứ vụ của Người và cũng sẽ mang lại ý nghĩa cao cả nhất cho đời sống chúng ta.

“Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Chúa Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12, 28-31).

Lời Phúc âm tồn tại mãi và đợi chờ chúng ta đáp trả lại trong đức tin. Tương tự mọi thế hệ các kẻ tin, chúng ta cũng phải tập trung nhìn vào khuôn mặt Chúa Kitô, ngõ hầu hiểu biết được ơn gọi chúng ta và với Chúa Kitô, chúng ta cùng nhau mang bình an và tình thương vào trong thế giới.

Trên hết, các bạn trẻ hôm nay được kêu gọi dấn thân vào công cuộc tân Phúc âm hóa, với năng lực và lòng quảng đại. Đó là công cuộc tân Phúc âm hóa mà Hội Thánh đang kêu mời các bạn. Lòng nhiệt thành và năng lực của tuổi trẻ phải được đem ra phục vụ Tin Mừng, nhằm cống hiến một chứng từ khả tín cho thế giới. Chúng ta hãy đón nhận lời Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI mời gọi các bạn trẻ nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 26:

Các con cũng thế, nếu các con tin, nếu các con biết sống và làm chứng về niềm tin của các con mỗi ngày, các con sẽ trở thành những dụng cụ để giúp những người trẻ khác tìm lại được như các con ý nghĩa và niềm vui sống nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô!

(Fr. Carlo Serri OFM, Chủ tịch UFME)

(Bản Anh ngữ, Boniface Kruger OFM)

CÂU HỎI DÀNH CHO BẠN HOẶC HĐĐ SUY NGHĨ

1. Bạn có cảm thấy hài lòng về cuộc sống của bạn không? Đâu là những khát vọng lớn nhất của bạn trong tương lai?
2. Bạn có nghĩ là bạn biết Chúa Giêsu khá đầy đủ? Người là ai đối với bạn?
3. Bạn có đọc Phúc âm không, đọc riêng hoặc đọc chung trong cộng đồng, ngõ hầu để sống lời Chúa Giêsu dạy bảo?
4. Bạn sẽ phải thay đổi những gì trong đời sống bạn, để được trở nên giống Chúa hơn nữa?
5. Bạn có thể làm gì để chứng tỏ đức tin của bạn cho mọi người biết và góp phần làm cho thế giới được đổi thay?

(Chiều ofm chuyển ngữ)

(Nguồn: ofmvn.org)
Trong Chúa Kitô, hãy ngắm nhìn khuôn mặt bạn Reviewed by Admin on 9/12/2012 Rating: 5 Trong Chúa Kitô, hãy ngắm nhìn khuôn mặt bạn (Catechesi in preparazione dell’EUROFRAME 2012) ĐỐI DIỆN CUỘC SỐNG: TỪ KINH NGẠC ĐẾN ...

Không có nhận xét nào: