Một "kiểu mẫu huynh đệ mới" ở tầm vóc toàn cầu - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 9, 2012

Một "kiểu mẫu huynh đệ mới" ở tầm vóc toàn cầu

Với ĐGH, sự hài hòa xã hội đòi hỏi tôn trọng mọi người.



A. Bourdin - Mạc Khải(TNCG) phỏng dịch




Rôma, 15.09.2012 (ZENIT.org) – ĐGH Bênêđitô nhận thấy có một "tình huynh đệ kiểu mới" không chỉ ở Li Băng hay ở Trung Đông, mà ở "tầm vóc hành tinh": "Nơi đó, ngài nói, có con đường hòa bình!" Và điều này phải trải qua" sự tôn trọng phẩm giá của mỗi con người", của mỗi "gia đình" và của sự "tự do tôn giáo" mang theo một tầm vóc xã hội và chính trị, ĐGH nhấn mạnh.  


Tầm quan trọng của mọi con người



Ngày 05.09.2012, ĐGH đã diện kiến Tổng Thống M. Michel Sleiman, và các giới chức trong chính quyền quốc gia cũng như các vị lãnh đạo các cộng đồng Hồi Giáo ở Dinh Tổng Thống tại Beyruth. ĐGH đã trồng một cây thông bá hương ở hoa viên trong dinh.



Đoạn ngài cũng đã cùng đoàn tùy tùng và các vị đại diện Giáo Hội Công Giáo địa phương, tiếp kiến trong Đại Sảnh "25 tháng 5" các giới thẩm quyền Quốc Hội và các thành viên trong chính phủ, Ngoại Giao đoàn, các vị lãnh đạo tôn giáo, các vị đại diện giới văn hóa,



"Ngày hôm nay, ĐGH tuyên bố, những khó khăn văn hóa, xã hội, tôn giáo, phải dẫn đến trải nghiệm một kiểu mẫu mới của tình huynh đệ, nơi đó, chất keo sơn là quan niệm chung về tính vĩ đại của mọi con người, và sự cống hiến cho con người và cho toàn nhân loại. Nơi đó có con đường hòa bình ! Nơi đó chúng ta được yêu cầu phải dấn thân ! Nơi đó là phương hướng chỉ đạo các sự lựa chọn chính trị và kinh tế, ở mỗi tầng cấp và trên quy mô hành tinh !"



Theo ĐGH thì "sự hài hòa của xã hội được bảo đảm bởi việc luôn luôn tôn trọng phẩm giá của mỗi con người và sự tham gia có trách nhiệm của mỗi người tùy theo khả năng bằng cách đầu tư những gì là tốt nhất của mình".



Bảo vệ gia đình và sự sống con người



"Nhằm bảo đảm tính năng động cần thiết để xây dựng và củng cố hòa bình, cần phải không ngừng trở lại những nền móng của con người, ĐGH nhấn mạnh. Phẩm giá của con người không thể tách rời tính cách thánh thiêng của sự sống do Đấng Tạo Hóa ban cho. Trong chương trình của Thiên Chúa, mỗi con người là độc nhất và không thể thay thế. Con người sinh ra trên đời trong một gia đình, là nơi nhân bản hóa đầu tiên của mình, và nhất là nơi giáo dục đầu tiên về hòa bình".



ĐGH biện hộ cho gia đình và sự sống con người: "Để xây dựng hòa bình, sự quan tâm của chúng ta phải hướng về gia đình hầu tạo thuận lợi cho nhiệm vụ của nó, để có thể hỗ trợ cho nó và từ đó cổ vũ khắp nơi một nền văn hóa của sự sống. Sự hữu hiệu của việc dấn thân cho hòa bình tùy thuộc vào quan niệm rằng thế giới có thể có sự sống của con người. Nếu chúng ta muốn có hòa bình, hãy bảo vệ sự sống !"



Trong những vụ gây tổn hại « đến sự toàn vẹn và sự sống con người », ĐGH kể đến : các cuộc xung đột võ trang – « các cuộc chiến tranh tràn đầy kiêu căng và khủng khiếp » -, nhưng cũng là « nạn thất nghiệp, nghèo túng, tham nhũng, nghiện ngập, bóc lột, mua bán bất chính và nạn khủng bố đã dẫn tới, cùng với sự đau khổ không thể chấp nhận được của các nạn nhân, một sự suy yếu của tiềm năng con người », và còn cái « lôgíc kinh tế, tài chánh không ngừng muốn áp đặt lên chúng ta cái ách của nó chủ trương đặt sự giầu có lên trên sự hiện hữu ! »  



Ngài lấy làm tiếc rằng "có những chủ thuyết, đã vì trực tiếp hay gián tiếp, đôi khi viện cả luật pháp, đặt lại vấn đề về tính bất khả xâm phạm của mọi con người và căn bản tự nhiên của gia đình, mà đã phá vỡ nền móng của xã hội".

Tư tưởng, lời nói, hành động hòa bình



ĐGH khuyên chú ý đến mối lo ngại của các thế hệ mới: "Để mở ra cho các thế hệ mai hậu một tương lai hòa bình, nhiệm vụ thứ nhất là phải giáo dục về hòa bình để xây dựng một nền văn hóa hòa bình". Một nền giáo dục "về các giá trị tinh thần có khả năng truyền lại kiến thức và những truyền thống của một nền văn hóa, ý nghĩa và sức mạnh của chúng".



"Đương nhiên cần phải loại bỏ, ĐGH nhắc nhở, bạo lực bằng lời nói và thể chất. Bạo lực luôn làm tổn hại đến phẩm giá con người, phẩm giá của kẻ bạo hành cũng như phẩm giá của các nạn nhân".



ĐGH cho biết, sống hòa bình là một nghệ thuật: "Tư tưởng hòa bình, lời nói hòa bình và hành động hòa bình tạo một bầu khí tôn trọng, lương thiện và thân tình, nơi đó các lỗi lầm và các xúc phạm thực ra có thể được công nhận để cùng tiến đến sự hòa giải. Chớ gì những người lãnh đạo quốc gia và những lãnh tụ tôn giáo suy nghĩ về điều này !".



Hơn nữa, ĐGH vạch mặt nguồn gốc sự ác đang tìm cách lôi kéo tự do con người : "Sự ác hay ma quỷ lọt qua nhờ sự tự do con người, nhờ sự sử dụng tự do của chúng ta. Nó tìm một đồng minh, đó là con người. Sự ác cần có con người để tung hoành. Chính như thế mà sau khi xúc phạm điều răn thứ nhất, yêu mến Thiên Chúa, nó đã đi đến việc làm tổn hại đến điều răn thứ nhì, yêu mến tha nhân. Với nó, tình yêu đối với tha nhân sẽ tan biến nhường chỗ cho gian dối, ham muốn, hận thù và cái chết".



Nhưng ĐGH cũng chỉ ra phương thuốc hóa giải để xã hội có thể thay đổi: "Có thể không để bị thua với sự ác và chiến thắng sự ác bằng sự thiện. Chính là chúng ta đã được mời gọi làm  một cuộc trở lại của tâm hồn. Không có sự trở lại này, các cuộc « giải phóng » con người từng được mong đợi đều trở nên vô vọng (…). Sự thay đổi từ sâu thẳm linh hồn và trái tim là cần thiết để tìm lại một sự sáng suốt và một sự vô tư nào đó, ý nghĩa sâu xa của công bằng và của công ích".

Tầm vóc xã hội và chính trị của tự do tôn giáo



Con đường hòa bình đòi hỏi, ĐGH nói tiếp, phải « nói không với sự trả thù, công nhận lỗi lầm của mình, chấp nhận những lời xin lỗi trong lúc không đi tìm lời xin lỗi, và cuối cùng là tha thứ. Vì chỉ có sự tha thứ cho đi và nhận lấy, mới đặt những nền móng lâu dài cho sự hòa giải và hòa bình cho tất cả ».



ĐGH áp dụng nguyên tắc sống chung này trong xã hội: "Một xã hội đa diện chỉ có thể hiện hữu bởi vì sự tương kính, bởi sự mong muốn hiểu biết tha nhân và đối thoại liên tục. Cuộc đối thoại này giữa những con người chỉ có thể thực hiện được trong nhận thức là có những giá trị chung giữa các nền văn hóa lớn, bởi vì các giá trị này bắt nguồn trong bản chất của con người".



Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng "tự do tôn giáo là quyền cơ bản từ đó xuất phát ra nhiều quyền khác » và rằng « tuyên xưng và sống tôn giáo của mình cách tự do trong lúc không gây nguy hiểm cho đời sống và sự tự do của mình là điều có thể đối với bất cứ ai », vì « tự do tôn giáo có một tầm vóc xã hội và chính trị không thể thiếu đối với hòa bình".



Mạc Khải(TNCG) phỏng dịch
Một "kiểu mẫu huynh đệ mới" ở tầm vóc toàn cầu Reviewed by Admin on 9/17/2012 Rating: 5 Với ĐGH, sự hài hòa xã hội đòi hỏi tôn trọng mọi người. A. Bourdin - Mạc Khải(TNCG) phỏng dịch Rôma, 15.09.2012 (ZENIT.or...

Không có nhận xét nào: