SOS Cầu nguyện cho những người cầm quyền chính trị - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
2 tháng 9, 2012

SOS Cầu nguyện cho những người cầm quyền chính trị

Ý chỉ cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong tháng 9/2012

P. Frédéric Fornos - Mạc Khải(TNCG) phỏng dịch - Rôma, 31.08.2012 (ZENIT.org) – “Những người cầm quyền chính trị là những người chúng ta làm ra. Thay vì nuôi dưỡng sự mất uy tín của họ, bằng lời nói và việc làm của chúng ta, hãy giúp đỡ để họ trở thành những người nam, nữ mà chúng ta muốn có”, linh mục Frédéric Fornos, dòng Tên, Điều hợp viên của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện tại Châu Âu, đã ghi nhận trong một bài bình luận về ý chỉ “Lời nguyện giáo dân” của Đức Bênêđictô XVI trong tháng 9/2012.

Quả vậy, mỗi tháng ĐGH Bênêđictô XVI gửi đến giáo dân hai ý chỉ cầu nguyện, hai thách thức mà ngài nhận thấy đối với thế giới và cho sứ mạng của Giáo Hội.

Ý chỉ lời nguyện giáo dân của ĐGH cho tháng 9/2012 liên quan đến “những người đã bước vào con đường chính trị”, để cho “những người cầm quyền chính trị luôn hành động với lòng lương thiện, thanh liêm và yêu chuộng sự thật”.

Ý chỉ cầu nguyện thừa sai nhằm vào “sự giúp đỡ các Giáo Hộc tại những quốc gia nghèo” : “Để cho các cộng đoàn tín hữu sẵn sàng gửi đi các vị thừa sai, linh mục, giáo dân, và gia tăng sự yểm trợ cụ thể của họ cho những Giáo Hội nghèo nàn nhất”.

SOS Cầu nguyện cho những người cầm quyền chính trị


Liệu người ta có thể vừa là người cầm quyền chính trị vừa lương thiện không ? Rất nhiều người ngày hôm nay nghĩ rằng điều này không đương nhiên và có khi không thể có được. Sự chiếm giữ chính quyền phải chăng đã trở nên quan trọng hơn sự dấn thân phục vụ một xã hội cần được xây dựng ? Và nếu thật như vậy ? Những người cầm quyền chính trị là những người chúng ta đã làm ra họ. Thay vì nuôi dưỡng sự mất uy tín của họ, bằng lời nói và việc làm của chúng ta, hãy giúp đỡ để họ trở thành những người nam cũng như nữ mà chúng ta muốn có.

Cầu nguyện cho những người cầm quyền chính trị, liệu chúng ta có chịu dành thời giờ quý giá của chúng ta vào việc này hay không ? Có, họ cần lời cầu nguyện của chúng ta. Bởi vì họ phải can đảm biết bao để ở trên địa vị mà họ đang đảm nhiệm và để sống tại đó một cách liêm khiết ! Họ đã dấn thân toàn diện : thời gian, đời sống gia đình, khả năng, sức khỏe thể chất, tiếng tăm của họ. Chúng ta có thể dễ dàng nghĩ rằng : “đây chính là món mồi lợi nhuận, quyền lực, tiền bạc, danh vọng”. Và đôi khi cũng đúng. Nhưng có không ít người đã dốc toàn lực để phục vụ công ích. Và chúng ta ? Chúng ta đã làm gì ? Chúng ta sẽ làm gì nếu ở địa vị của họ ? Ai trong chúng ta đã lựa chọn hiến thân để bước vào đấu trường ?

Nhiều người trong chúng ta đã dấn thân vào các hoạt động nhân đạo, vào các hội đoàn, vv… Trái lại, ngay cả trong việc quản lý xã hội, chúng ta cũng không muốn “bẩn tay”. Bởi vì dấn thân cũng có nghĩa “ngậm bồ hòn làm ngọt”, làm thế nào khác hơn được ? Thế giới ngày nay rất là phức tạp. Các lựa chọn đôi khi cũng cần có những lượng giá không phải lúc nào cũng tụ hội, cũng như các tài phán và thỏa hiệp có thể tạo cơ hội tìm kiếm sự công nhận, quyền lực và nhiều những lợi nhuận khác. Điều này hiện hữu trong mọi thể chế quan trọng. Khi mà chúng ta tham gia “vào đời sống, vào các cuộc đấu tranh, và vào các thử thách của Nhiệm Thể thực tế và mầu nhiệm là Giáo Hội”, chúng ta cũng làm cuộc thí nghiệm về chuyện này, mặc dù nguyện vọng tha thiết của chúng ta là trung thành với Đức Kitô. Như Đức Cha Claude Dagens đã nói : “đau khổ vì Giáo Hội và nhờ Giáo Hội là thành phần của sự dấn thân tông đồ”.

Cầu nguyện cho những người cầm quyền chính trị ?
Họ cần chúng ta cầu nguyện cho họ, nhưng chính chúng ta nữa, nhất là chúng ta, cũng được kêu gọi trở lại trong lời cầu nguyện này. Chúng ta thường không nghĩ rằng họ có thể lương thiện, thanh liêm và yêu chuộng sự thật. Chúng ta không ủng hộ họ, chúng ta chiến đấu với họ. Khi chúng ta là những người đấu tranh, chúng ta ủng hộ một người trong bọn họ và chúng ta đả phá một người khác. Khi xảy ra việc mà người hùng của chúng ta thất cử, chúng ta đả kích kẻ đối thủ, không cần lý lẽ. Cầu nguyện cho họ có nghĩa là đi vào lòng khoan dung và lòng tin cậy. Đó là công nhận kẻ khác đã làm tốt, làm thiện, dù là người đó không cùng xu hướng chính trị với mình. Đừng quên rằng những chính trị gia thật ra cũng là những người chúng ta đã làm ra họ. Họ nói đến các đề tài chúng ta ưu tư. Họ có những thái độ và ngôn ngữ khiến chúng ta an lòng.

Đúng, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, như thánh Luca đề nghị trong chứng từ của tháng này, vì lời cầu nguyện này có thể thay đổi tấm lòng, cái nhìn của chúng ta, và đưa chúng ta ra khỏi tình trạng chỉ biết chỉ trích. Chúng ta sẽ có những chính trị gia với lòng thanh liêm mà chúng ta kỳ vọng.

Đức Bênêđictô XVI nói với chúng ta : “chính trị là một nghệ thuật phức tạp ở thế cân bằng giữa các chủ thuyết và các quyền lợi, nhưng không bao giờ quên rằng sự đóng góp của các tín hữu chỉ mang tính quyết định nếu sự thông minh của Đức Tin trở thành sự thông minh của thực tế, chìa khóa của xét đoán và thay đổi. Một ‘cuộc cách mạng tình yêu’ đích thực là cần thiết”.

Chúng ta cầu nguyện, như ĐGH đã mời gọi, để sự dấn thân của những người nam cũng như nữ vào chính trị được xây dựng “không phải trên chủ thuyết hay trên quyền lợi đảng phái, mà trên sự lựa chọn phục vụ con người và công ích, dưới ánh sáng Phúc Âm” (ĐGH Bênêđictô XVI).

Hội Tông Đồ Cầu Nguyện là dịch vụ chính thức của các ý chỉ cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng. www.apostolat-priere.org

SOS Cầu nguyện cho những người cầm quyền chính trị Reviewed by Admin on 9/02/2012 Rating: 5 Ý chỉ cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong tháng 9/2012 P. Frédéric Fornos - Mạc Khải(TNCG) phỏng dịc h - Rôma, 31.08.2012 ...

Không có nhận xét nào: