Suy niệm phúc âm 16.09.2012 CN XXIV TN B - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
16 tháng 9, 2012

Suy niệm phúc âm 16.09.2012 CN XXIV TN B


Nguyễn Học Tập(TNCG)  - "THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ" 

SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 46); (16.09.2012); (Mc 8, 27-35) 

CHÚA NHẬT XXIV PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM B. 

Đoạn Phúc Âm hôm nay thuộc chương 8 Phúc Âm Thánh Marco, khởi sự phần thứ hai của Phúc Âm hay nói đúng hơn khởi sự bài giáo lý thứ hai mà Thánh Marco viết lại để huấn dạy những ai đọc Phúc Âm ngài, với chủ đề: Chúa Kitô là ai? 

Đoạn Phúc Âm được Thánh Bộ Phụng Vụ trích cho chúng ta có thể được chia làm ba phẩn: 

- phần đặt câu hỏi về căn cội của Chúa Giêsu và việc tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô (Mc 8, 27-30) 

* "Người ta nói thầy là ai?...Còn anh em, anh em cho Thầy là ai?" (Mc 8, 27.29), 

* "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 30). 

- phần loan báo cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh, cùng với phản ứng tiêu cực của Thánh Phêrô (Mc 8, 31-33): 

* "Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại" (Mc 8, 31). 

* "Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người" (Mc 8, 31.32b). 

- phần lời giảng dạy dân chúng điều kiện phải có để theo Chúa Giêsu(Mc 8, 34-35): 

* "Ai muôn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mc 8, 34).
1 - Trong phần đầu, câu hỏi của Chúa Giêsu dựa trên dư luận tản mác trong dân chúng và đặt câu hỏi đối với chính các môn đệ, những kẻ đã từng sống với Người,  để xem những hiểu biết và xác tín của các vị:
- "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác thì cho là tiên tri nào đó" (Mc 8, 28).
Câu trả lời vừa kể của các môn đệ, được Thánh Marcô lấy lại từ dư luận dân chúng bàn tán về Chúa Giêsu, được nghe các lời khôn ngoan Người giảng dạy, chứng kiến các phép lạ Người làm ở hai chương trước đó:
- "Có kẻ nói: Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cỏi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ. Kẻ khác nói: Đó là ông Êlia. Kẻ khác nữa nói: Đó là một tiên tri như một trong các tiên tri " (Mc 6, 14-15).
Ở đây cũng vậy, sau một thời gian, các Tông Đồ  nhân danh Chúa Giêsu ra đi rao giảng Phúc Âm và làm phép lạ, với những kết quả được các vị tường thuật lại:
- "Các Tông Đồ tựu quanh Chúa Giêsu, và kể lại cho Người mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy" (Mc 6, 30).
Và chính Chúa Giêsu cũng tiếp tục giảng dạy và làm phép lạ chữa bệnh tật:
- "Rồi Người đặt tay lên mắt anh, anh trong thầy rõ và khỏi hẳn: anh thấy tỏ tường mọi sự. Người cho anh về nhà và dặn: Anh đừng vào làng"  (Mc 8, 26).
Trải qua thời gian, với nhiều lời giảng dạy và phép lạ khác dân chúng được chứng kiến, nhưng các câu trả lời tựu trung vẫn như một. Điều đó cho thấy họ chưa hiểu gì về Chúa Giêsu.
Họ vẫn chưa có được một phán đoán đồng nhứt về Chúa Giêsu, nếu trước kia họ cho rằng "...kẻ thì Gioan Tẩy Giả, kẻ thì Elia, kẻ khác một tiên tri trong các tiên tri" (Mc 6, 14-15), thì trong hiện tại, ở đoạn Phúc Âm hôm nay: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Elia, kẻ khác lại cho là một tiên tri nào đó" (Mc 8, 28).
Dân chúng vẫn chưa biết được Chúa Giêsu, do đó Chúa Giêsu mới đặt câu hỏi với nhóm người thân tính của Người, với các Tông Đồ:
- "Còn anh em, anh em cho thầy là ai ?" (Mc 8, 29).
Thánh Phêrô, không những đứng ra trả lời cho chính xác tín của mình, mà còn đại diện cho các Tông Đồ, bởi lẽ Chúa Giêsu không đặt câu hỏi  riêng cho Ngài mà cho cả Nhóm Mười Hai, "còn anh em...". Và Phêrô đáp lại với xác tín:
- "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29).
Phêrô đã đạt đến sự hiểu biết chính xác và tin chắc "Thầy là Đấng Kitô", nghĩa là Đấng Cứu Thế, Đấng được Thiên Chúa xức dầu (Cristós) phong vương, Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Cũng trong câu trả lời vừa kể, Thánh Matthêu còn cho chúng ta biết được ý nghĩa cao cả hơn nữa:
- "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng ban sự sống" (Mt 16, 16).
Nêu lên sự khác biệt giữa ý kiến của dân chúng và câu trả lời xác tín của Phêrô, đại diện cho các Tông Đồ, về sự hiểu biết và đức tin vào Chúa Giêsu, Thánh Marco cũng có cho chúng ta thấy con đường phải có để sống đức tin.
Dân chúng nghe Chúa Giêsu giảng dạy, thấy các phép lạ Người làm, chỉ biết Người một cách mập mờ, lẫn lộn, "Gioan Tẩy Giả, Elia, một trong các tiên tri". 
Trong khi đó thì Thánh Phêrô không ngần ngại, Ngài cũng như các Tông Đồ, xác tín Chúa Giêsu
   - "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29), hay
   - "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng ban sự sống" (Mt 16, 16).
Đó chính vì các Tông Đồ không những "nghe" những gì Chúa Giêsu giảng dạy, "thấy" các phép lạ Người làm, mà còn "sống" với Chúa Giêsu, hay  "ở lại với Người":
- "Người lập Nhóm Mười Hai để các ông ở lại với Người và để Người sai các ông đi rao giảng" (Mc 3, 14).
"Ở lại với Người", "sống với Chúa",  các Tông Đồ mới biết được thực tại sâu thẩm và cao cả của Chúa Giêsu, "Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng ban sự sống".
Đức tin không thể tồn tại và triển nở chỉ bằng "nghe""thấy", mà còn bằng "sống thông hiệp với Chúa" trong suy niệm, cầu nguyện và trong Phép Thánh Thể.
2 - Ở phần hai, chúng ta có thể chú ý đến động từ "phải", nói lên điều cần thiết trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa trong câu 31 để suy niệm:
- "Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người "phải" chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại" (Mc 8, 31).
Như vậy cuộc Đau Khổ, Tử Nạn và Phục Sinh  sắp đến mà Chúa Giêsu tiên báo cho các Tông Đồ được đặt vào tiến trình " cần thiết phải thực hiện" trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.
Điều vừa kể cho thấy không phải con người là nhân vật chính quyết định của tiến trình, mà là được Thiên Chúa quyết định "phải" thực hiện.
Nói như vậy, không có nghĩa là hành động của "...các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ và giết chết" không có một trách nhiệm nào.
Viết lại như vậy, Thánh Marco chỉ có ý nhấn mạnh đến chương trình đã được Thiên Chúa muốn, "phải" được thực hiện như vậy.
Tư tưởng vừa kể, chắc chắn khi Chúa Giêsu báo cho các Tông Đồ, Người liên tưởng đến đoạn sách Cựu Ước, bởi lẽ Người cũng dùng chính cùng một động từ "loại bỏ" (Hy Lạp, apodokimazo): "các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ và giết chết...", như đã được dùng trong Thánh Vịnh 118:
" Tảng đá bị các thợ xây nhà loại bỏ (apodokimazo) lại trở nên tảng đá góc tường" (Tv 118. 22).
Đặt tiến trình cuộc Đau Khổ, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu dưới ánh sáng thánh ý của Thiên Chúa, như những gì được tiên báo trong Sách Thánh, không những Thánh Marco thấy Chúa Giêsu chịu đau khổ và tử nạn không phải như là Đấng Cứu Thế bị thất bại, mà là Đấng Cứu Thế hành động theo chương trình đã được Thiên Chúa thiết định trước và  cũng cho thấy căn cội của Chúa Giêsu là "Đấng Kitô", Đấng Thánh của Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đến để thực hiện.
Tư tưởng vừa kể càng biểu lộ rõ hơn nữa, nếu chúng ta đặt câu Phúc Âm Thánh Marco hôm nay, "...Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại" (Mc 8, 31), đối chiếu với câu của sách tiên tri Isaia mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhứt.
Trong sách tiên tri Isaia người đầy tớ của Chúa đứng ra không sợ sệt, chạm trán thẳng với các cơn bách hại, vì đặt mọi tin tưởng của mình vào Thiên Chúa:
- "Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Tôi có Thiên Chúa là Đấng Tối Cao phù trợ tôi" (Is 50, 6-7). 
Tư tưởng Chúa Giêsu sẽ yên tâm đứng ra chịu thử thách tiến trình Đau Khổ và Tử Nạn được tiên báo, còn được xác nhận hơn nữa, qua từ ngữ chỉ thời gian tính "sau ba ngày" trong câu Phúc Âm:

   - "...con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại".
Cách diễn tả thời gian tính vừa kể sẽ được hiểu rõ hơn, nếu chúng ta đọc câu Phúc Âm trong ý nghĩa của đoạn sách tiên tri Osea:
- "Nào chúng ta hãy trở về cùng Thiên Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương. Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người" (Os 6, 1-2).
Thời gian "sau ba ngày" không hẳn tiên báo thân xác Chúa Giêsu sẽ ở lại trong mồ ba ngày, cho bằng nói lên một sự thay đổi mới hoàn toàn, một trạng thái mới và tốt đẹp hơn những gì đã có trước, được lòng khoan dung và tình thương của Chúa ban cho, con người sẽ được có kinh nghiệm sống của thời kỳ cứu rỗi,
"...ngày thứ hai Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người".
3 - Tư tưởng kế đến chúng ta cũng có thể để ý suy niệm đó là sự tương phản giữa phần thứ nhứt (Mc 8, 27-30) và phần hai (Mc 8, 31-33), tương phản vì cử chỉ trái ngược của Thánh Phêrô.
Nếu ở phần thứ nhứt, chúng ta thấy Thánh Phêrô biết và và tin mãnh liệt vào Chúa Giêsu, là người tín hữu gương mẫu:
   - "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29), Đấng Thánh của Thiên Chúa, thì ở phần hai Phêrô biến thành " Satan", kẻ thù dịch của người công chính và của đức tin vào Thiên Chúa:
   - "Satan, lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mc 8, 33).
Đọc câu Phúc Âm Thánh Marcô, kể lại phản ứng của Phêrô trước những gì Chúa Giêsu tiên báo cho các Tông Đồ về cuộc Khổ Nạn của Người,
   - "Ông Phêrô liền kéo Người ra và bắt đầu trách Người" (Mc 8, 32),
cũng như câu Phúc Âm của Thánh Matthêu, kể lại chi tiếc hơn về nội dung các trách móc của Phêrô,
- "Ông Phêrô liền kéo Người ra và bắt đầu trách Người: Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp phải những chuyện ấy" (Mt 16, 22), chúng ta thường cho rằng Phêrô khó chấp nhận được những lời tiên báo của Chúa Giêsu về cuộc Tử Nạn sắp tới.
Như những người Do Thái khác, Phêrô khó mà chấp nhận một Đấng Cứu Thế, "Đấng Kitô của Thiên Chúa", "Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng ban sự sống", được sai đến để cứu độ và giải phóng dân tộc khỏi nô lệ ngoại bang lại có thể "bỏ vỡ công cuộc", bị "loại bỏ và bị giết chết"
Dĩ nhiên là thái độ đó của Phêrô và chắc chắn cũng của nhiều Tông Đồ khác, cũng như dân chúng, chính vì họ không để ý đến động từ "phải" của đồ án cứu rỗi của Thiên Chúa, mà chúng ta có dịp suy niệm ở trên.
Nhưng Phúc Âm Thánh Marco, ngoài ra ý nghĩa vừa kề, cho phép chúng ta chú giải theo một ý nghĩa khác:
   - "Người nói những điều đó không úp mở" (Mc 8, 32).
Câu văn vừa kể không có trong Phúc Âm Thánh Matthêu.
Như vậy cử chỉ "liền kéo Người ra và khiển trách Người" (Mc 8, 32) cho thấy Thánh Phêrô cho rằng lời nói "giữa thanh thiên bạch nhật", "nói không úp mở" của Chúa Giêsu là nói lên sự thật quá phủ phàng, có thể làm cho nhiều người và cả nhiều Môn Đệ cũng như Tông Đồ nãn lòng, không nên nói "sự thật phủ phàng", quá cứng rắn như vậy.
Đó cũng là những gì đã xảy ra được Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại:
- "Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: Lời nầy chướng tai quá! Ai mà nghe nổi" (Ga 6, 6).
Hiểu như vậy, Phêrô "liền kéo Người ra và khiển trách Người", có thể Phêrô muốn làm trung gian, làm dịu bớt mối căng thẳng giữa thánh ý Thiên Chúa và thái độ tứ chối của con người.
Nếu chú giải trong chiều hướng đó, chúng ta thấy Thánh Phêrô "kéo riêng Người ra và khiển trách Người" là cử chỉ nối lại mối liên hệ thân tình giữa Chúa Giêsu và các Môn Đệ cũng như Tông Đồ, đã bị rạn nứt trước đó, như đã xảy ra ở một trường hợp khác "từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa" (Ga 6, 60).
Có thể đây cũng là một cách chú giải để hiểu được tại sao Chúa Giêsu quay lại, nhìn Phêrô và trách ông:
- "Nhưng khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn các Môn Đệ, Người trách Phêrô..." (Mc 8, 33).
4 - Trong phần thứ ba, các lời giảng dạy của Chúa Giêsu, một lần nữa nói lên sự thật cứng rắn với đoàn lủ dân chúng , nói những gì Người phải nói.
Theo Chúa Giêsu, làm Môn Đệ Người không phải là bước đi trên đại lộ khải hoàn, dễ dàng, lợi lộc,  tiện nghi, mà con đường chật hẹp, khó nhọc, đầy chông gai và đau khỗ, kể cả sự chết, con đường thập giá:
- "Ai muốn theoTa, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mc 8, 34).
Phải sẵn sàng hy sinh mạng sống mình và chỉ khi nào chấp nhận thực trạng vừa kể, nhiều khi đau đớn không thể thiếu, mới có thể sống được niềm vui trọn vẹn được Chúa ban cho:
   - "...ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vi Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống đó" (Mc 8, 35).
Con đường theo Chúa Giêsu là con đường thập giá.
Chúa Giêsu đã vác thánh giá đi trước lên núi sọ và chết ở đó, thì các môn đệ Người, muốn đi theo Người, muốn gặp được Người, không có con đường nào khác hơn:
   - "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo" (Mc 8, 34).
Câu Phúc Âm đó của Thánh Marcô được thể hiện ngay từ lúc khởi đầu các Cộng Đồng Kitô Giáo tiên khởi.
Bao nhiêu tín hữu Chúa Kitô đã bị hành hạ, ngược đải và giết chết thời đế quốc Roma.
- tại trung tâm Roma Thánh Phêrô và Thánh Phaolổ chịu tử đạo, mộ các Ngài vẫn còn đó;
- hý trường Colosseo, nơi các tín hữu tiên khởi ở Roma bị đem ra làm mồi cho sư tử cắn xé, la thét, khóc lóc, rên siết,  để giúp vui cho hoàng đế và triều thần Roma cũng vẫn còn đó;
- các hang huyệt Catacombe, nơi các tín  hữu tiên khởi lẫn trốn để giữ vững đức tin, với hàng mấy chục cây số đường hầm ở ngoại ô Roma cũng vẫn còn.
Đứng lên chống lại Hitler, Stalin để giữ vững đức tin làm cho hàng bao nhiêu triệu người phải hy sinh ngã gục.
Cảnh tượng đó vẫn còn tiếp diển hiện nay trên nhiều phần đất trên thế giới, dưới hình thức nầy hay hình thức khác.
Động từ "phải" được Chúa Giêsu thốt lên trong đoạn Phúc Âm hôm nay, có thể còn bị đòi buộc ở nhiều phần đất khác nhau trên thế giới, kể cả trên đất nước thân yêu của chúng ta, người công giáo Việt Nam đã và đang có kinh nghiệm bản thân.
Nguyễn Học Tập(TNCG)
Suy niệm phúc âm 16.09.2012 CN XXIV TN B Reviewed by Admin on 9/16/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập(TNCG)  -  "THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ"  SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 46); (16.09.2012); (Mc 8, 27-35)  CHÚA NHẬT XXIV ...

Không có nhận xét nào: