Lamhong.org - Tiếng trống khai trường đã điểm, năm học mới bắt đầu. Khai giảng niên học cũng là khởi đầu trách nhiệm mới, trách nhiệm của học sinh và sinh viên, trách nhiệm của quý thầy cô và quý phụ huynh.
Tuy nhiên, ngày 3-8-2012, báo Tuổi Trẻ đưa tin: “40% giáo viên cho rằng nếu được chọn lại nghề, họ sẽ không theo nghề sư phạm”. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát đã được nêu lên trong cuộc hội thảo khoa học, với chủ đề “Cải Cách Công Tác Đào Tạo Giáo Viên Phổ Thông”, diễn ra tại trường Đại học Sư phạm Saigon. Tin đó cho thấy một thực tế buồn!
VỀ VẤN ĐỀ THẾ NÀO?
Như mọi người đều biết rằng ngày tựu trường là ngày khai giảng, ngày nhập học sau những tháng ngày hè. Nói đầy đủ và đơn giản là “bắt đầu năm học mới”. Cái háo hức đậm “chất học trò”, nhất là những em lần đầu bước chân vào sân trường, chính thức là học sinh. Ai cũng có một thời ngồi ghế nhà trường, trung bình là 12 năm, như vậy ai cũng được học với nhiều thầy, cô.
Cái gì bắt đầu cũng quan trọng, vì “đầu xuôi” thì “đuôi lọt”. Các công ty và các cơ sở kinh doanh chọn ngày tốt để khai trương, những người buôn bán cũng coi trọng ngày khai trương sau kỳ nghỉ Tết dài. Chắc chắn ngày tựu trường cũng là sự kiện quan trọng, quan trọng không chỉ với học sinh, sinh viên, mà còn quan trọng với thầy cô và cha mẹ. Nhà văn Thanh Tịnh đã mô tả sự háo hức của một cậu học trò nhỏ lần đầu tiên đi học trong truyện “Tôi Đi Học” rất nổi tiếng của ông.
Có một thời người ta khôi hài định nghĩa thế này: “Sư phạm là ăn như (nhà) sư và ở như phạm (nhân)”. Ý nói tới cảnh khổ của sinh viên học ngành sư phạm và các giáo viên. Học sinh là tương lai của một quốc gia, có thể nói rằng quốc gia đó hưng thịnh hay yếu kém là một phần do lớp trẻ đó. Văn là người. Giáo dục tạo tính cách. Tính cách của một người có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh, thậm chí tính cách còn có thể tạo nên số phận con người.
Ca dao nói: “Ai ơi, đừng lấy học trò – Dài lưng, tốn vải, ăn no lại nằm”. Ôi chao, sao mà “tệ” vậy! Chẳng lẽ “cái học” ngày nay đã “hỏng” rồi chăng? Người ta không còn muốn “cái chữ” chất đầy “cái bụng” rồi ư?
Thầy cô là những người giáo dục, mệnh danh là nhà mô phạm, gọi chung là “người thầy”, rất cần thiết đối với xã hội và đất nước. Người Việt chúng ta thường nói: “Thầy nào, trò nấy”. Thầy đàng hoàng thì trò lễ phép, thầy giỏi thì trò khá. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là điều tất yếu. Có “lương sư” thì mới có “hưng quốc”. Người thầy cần như vậy mà ngày nay không được coi trọng. Tiền bạc không là gì, nhưng đó là cái cơ bản nhất để người thầy sinh sống, thế mà lương không đủ sống thì làm sao còn tâm trí mà chuyên tâm giáo dục?
Hồi học lớp Năm (ngày xưa gọi là lớp Nhất), người thầy của tôi chỉ dạy tiểu học mà có thể lo đầy đủ cho vợ và 10 đứa con, con lớn của ông còn trở thành bác sĩ. Điều đó cho thấy gia đình ông đủ sống nhờ đồng lương của ông, và ông cũng thoải mái mà lo việc dạy học. Còn ngày nay, chúng ta đừng e ngại hoặc che giấu sự thật, mà phải can đảm chấp nhận một thực tế phũ phàng là “40% giáo viên cho rằng nếu được chọn lại nghề, họ sẽ không theo nghề sư phạm”, như báo Tuổi Trẻ cho biết. Có vậy thì chúng ta mới có thể vực dậy nền giáo dục của nước nhà. Dục Tử nói chí lý:“Biết đúng mà không theo là dại, biết sai mà không sửa là mê”. Cái “mê” nguy hiểm hơn cái “sai”. Còn Khổng Tử xác định: “Có lỗi mà không sửa mới thành ra có lỗi”.
LÀM SAO ĐỂ NGƯỜI THẦY YÊU NGHỀ GIÁO?
Một câu hỏi vừa dễ vừa khó! Thiết tưởng, trước tiên người thầy phải có “cái tâm”, tức là yêu nghề và quan tâm vấn đề “hoàn thiện con người” như Chúa Giêsu dạy: “Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Con người càng ngày càng lương thiện thì tội phạm cũng giảm theo. Nghề gì cũng vậy, không thích thì không thể tận tụy với nghề, muốn thích thì phải hiểu biết tường tận: “Vô tri bất mộ”.
Cũng vậy, người thầy không yêu nghề và không muốn truyền đạt cho thế hệ sau những điều tốt – cả kiến thức và đạo đức, thì đó chỉ là người thầy giả danh. Song song với điều này, người thầy còn cần an tâm về mức lương, không phải đắn đo việc “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ”, không phải dạy phụ đạo hoặc dạy thêm, không phải chạy theo thành tích, không bị so sánh trong việc dạy trường bình thường hoặc dạy trường điểm, trường chuyên.
Nghề giáo là nghề cao cả vì được gọi là “kỹ sư tâm hồn”. Người thầy muốn bỏ nghề vì bị nhiều áp lực, kể cả việc không còn “tôn sư trọng đạo”, vì không vững lập trường, và bị tác động quá nhiều bởi ngoại tại. Người thầy mà thiếu lập trường, không có quan điểm rõ ràng thì làm sao có thể dạy học trò thành tài, chứ đừng nói thành nhân? Mà “thành nhân” quan trọng hơn “thành tài”. Thiết tưởng, muốn yêu nghề giáo thì người thầy phải tự kiểm điểm bản thân, tái củng cố lập trường và có lòng yêu thương thực sự.
PHỤ HUYNH CÓ NÊN GIÚP NGƯỜI THẦY YÊU NGHỀ GIÁO?
Lại một vấn đề nan giải hơn! Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của mỗi con người, nhất là người mẹ. Chắc hẳn cha mẹ cũng có chút kinh nghiệm trong việc giáo dục. Tuy nhiên, việc giúp quý thầy cô yêu nghề là điều không đơn giản, thậm chí còn nhiêu khê!
Dù không có kinh nghiệm trong việc giáo dục con cái, nhưng theo thiển ý của tôi, trước tiên phụ huynh phải tôn trọng thầy cô để con cái nhận thức đúng về việc “tôn sư trọng đạo”. Học nhiều hay ít, học giỏi hay kém thì vẫn phải học đạo làm người, vì tục ngữ phân định: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cái “lễ” vẫn quan trọng hơn cái “văn”. Nhưng có lẽ người ta đã quá coi trọng bằng cấp, coi trọng bề ngoài, coi trọng cái “lượng” hơn cái “phẩm”, như người “tham đó, bỏ đăng”, thế nên hậu quả đã và đang xảy ra “nhãn tiền” khi ai cũng than phiền là “đạo đức xuống cấp!
Được phụ huynh thương, được học trò yêu, người thầy có thể như được tiếp sức mạnh để quyết định “tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhưng cũng phải nói thẳng rằng “thầy phải ra thầy”, thầy không ra thầy thì không thể trách người khác không tôn trọng mình. “Lương sư hưng quốc” nghĩa là người thầy phải lương thiện và chân chính thì mới khả dĩ giáo dục thế hệ con em trở thành những công dân tốt, nhờ có những công dân tốt thì đất nước mới hưng thịnh. Công dân tốt cũng là Kitô hữu tốt, và Kitô hữu tốt cũng là công dân tốt, nhờ đó mà Giáo hội càng ngày càng tốt đẹp và thánh thiện theo đúng ý Đức Kitô.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên thường xuyên trao đổi tâm sự và chia sẻ với giáo viên như những người bạn, để có thể thông cảm lẫn nhau và nâng đỡ nhau khi gặp khó khăn trong việc giáo dục, nhất là đối với những “ngựa chứng trong sân trường”. Có nhiều dịp bàn luận và rút ra được kinh nghiệm nào là ưu điểm hoặc khuyết điểm, rồi cùng nhau hành động tốt hơn hoặc kịp thời chấn chỉnh. Hai bên không nên “đùn đẩy” hoặc giao “trọn gói” cho nhau. Mỗi bên đều có trách nhiệm giáo dục chung.
VĨ NGÔN
Cuộc đời ai cũng phải học nhiều thứ, học không ngừng. Người thầy không chỉ dạy về kiến thức, mà quan trọng hơn phải là dạy làm người, nghĩa là cách sống nhân bản, tích cực sống đạo đức của một con người. Chúng ta không chỉ học ở trường học, mà còn phải học thêm nhiều ở trường đời, đặc biệt là trường tâm linh. Chúa Giêsu là Đại Giáo Sư của Trường Tâm Linh. Bài học của Ngài dễ học và dễ thuộc, nhưng không dễ thực hành: Yêu thương. Học đến chết vẫn chưa thông suốt “bài học yêu”. Muốn thông suốt thì chỉ có nước theo cách thức của Chúa Giêsu dạy: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29).
Chúc các học sinh và sinh viên biết nỗ lực học tập để hữu ích trước tiên cho bản thân, cho gia đình, sau đó là cho xã hội, cho đất nước, cho Giáo hội. Chúc quý thầy, cô biết tận tụy với công việc cao quý nhưng cũng đầy trách nhiệm, và chúc quý phụ huynh tích cực cộng tác giáo dục con em thành nhân.
Kha Đông Anh
Không có nhận xét nào: