Chống tiêu cực + “hồn nhiên” = “Tiêu” và “Cực” - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
28 tháng 10, 2012

Chống tiêu cực + “hồn nhiên” = “Tiêu” và “Cực”

Thanh Tùng - Mới đây, vào ngày 18/10/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói với cử tri Quận 4 TP HCM về những vấn đề mà các cử tri quan tâm, đặc biệt là tham nhũng, trong đó có câu: “Tôi đề nghị cô bác, anh chị nào phát hiện thì chỉ cho chúng tôi những vụ tham nhũng lớn, những cán bộ nào to liên quan đến cấp Trung ương tham nhũng… Những vụ tham nhũng đã xử rồi mà thấy chưa thỏa đáng thì cũng nên bày tỏ chính kiến”.

Việc các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước làm công tác “an dân” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, câu nói trên của Chủ tịch nước cứ làm tôi trăn trở hoài, bởi sự “hồn nhiên” đến “dễ thương” của một vị nguyên thủ quốc gia. Mà, sự hồn nhiên là thuộc về một thời thơ trẻ của mỗi người, cùng lắm là của những “đứa trẻ sống lâu năm” mang “chức danh Nhân dân đã trưởng thành” khi hăng hái đấu tranh chống tiêu cực…


Cử tri: Phải làm sao để dân tin vào quyết tâm chống tham nhũng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 4, TP.HCM. Ảnh: Tá Lâm (VNN)

“Cô bác, anh chị” phát hiện tham nhũng lớn của cấp Trung ương bằng cách nào?

“Tôi đề nghị cô bác, anh chị nào phát hiện thì chỉ cho chúng tôi những vụ tham nhũng lớn, những cán bộ nào to liên quan đến cấp Trung ương tham nhũng… Những vụ tham nhũng đã xử rồi mà thấy chưa thỏa đáng thì cũng nên bày tỏ chính kiến” – đích thân Chủ tịch nước nói thế, ai nghe chả sướng, trong khi hiện nay người người bức xúc về nạn tham nhũng, nhà nhà bức xúc về nạn tham nhũng. Có lẽ vì “sướng” quá nên không có “cô bác, anh chị nào” kịp nghĩ ra việc hỏi kinh nghiệm của Chủ tịch nước để “phát hiện những vụ tham nhũng lớn, những cán bộ nào to liên quan đến cấp Trung ương tham nhũng…” để mà “chỉ cho Chủ tịch nước và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước”?

Theo thống kê chưa đầy đủ của báo Đại đoàn kết, trong suốt những năm từ 2006 đến 2009, ở Vinashin đã có ít nhất 11 cuộc thanh tra, kiểm tra các loại của đủ các đoàn kiểm tra, thanh tra của các cấp: Bộ Tài chính, Kiểm toán quốc tế KPMG, Bộ Xây dựng, Kiểm toán quốc tế KPMG, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thanh tra Chính phủ… Câu hỏi được đặt ra, là tại sao có tới 11 cuộc thanh tra, kiểm tra các loại trong suốt 4 năm trời nhưng không hề phát hiện ra tiêu cực của Vinashin?

Qua thông tin trên mới thấy việc phát hiện tham nhũng khó khăn tới cỡ nào. Đến các cơ quan chức năng có đầy đủ thẩm quyền và quyền lực trong tay mà thanh tra tới 11 lần còn không phát hiện ra tham nhũng, thì thử hỏi làm sao và bằng cách nào để “cô bác, anh chị nào” phát hiện được “tham nhũng to liên quan đến cấp Trung ương…” mà chỉ cho Chủ tịch nước?

Chống tiêu cực + “hồn nhiên” = “Tiêu” và “Cực”

Có lẽ cũng vì “quá sướng” nên không có “cô bác, anh chị nào” kịp nghĩ ra để hỏi là Chủ tịch nước có “biện pháp an toàn” nào bảo vệ mình sau khi chỉ cho Chủ tịch nước biết cái bọn tham nhũng to liên quan đến cấp Trung ương.

Bởi trên thực tế đã có không ít trường hợp cán bộ cũng như người dân hưởng ứng lời kêu gọi “chống tiêu cực, tham nhũng” của các vị lãnh đạo từ T.Ư xuống cơ sở, nên dấn thân, hăng hái đấu tranh. Nhưng kết cục, số phận của những người dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, nếu không “tiêu” thì rồi cũng “cực”.

“Đấu tranh - tránh đâu” đã và đang phản ánh một sự thật là nhiều người hăng hái đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng đã bị những kẻ lạm quyền trù dập, thậm chí có người bị sát hại. Điển hình là gương anh Đặng Vũ Thắng, sinh năm 1965, ngụ tại số 269/9 Lý Thường Kiệt (P.15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), phó phòng Kế toán - Tài vụ Thảo cầm viên Sài Gòn, đã bị sát hại chiều 22/8/2001, vì dám “chống tiêu cực, tham nhũng”: tố cáo tiêu cực của lãnh đạo Thảo cầm viên Sài Gòn.

Thầy Đỗ Việt Khoa (nguồn: GDVN)

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa - “Người đương thời” - Trường THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội) cũng đã phải xin nghỉ dạy vào tháng 7/2010, sau khi đấu tranh chống tiêu cực tại trường này vào năm 2006, vì không chịu được… “cực”.

“Tôi còn giữ tất cả các hóa đơn bưu điện chuyển phát: Hàng chục lá đơn gửi Giám đốc Sở GD & ĐT Nguyễn Hữu Độ đều rơi vào im lặng. Tôi đã gọi hàng chục cuộc điện thoại, nhắn tin vào máy của ông Giám đốc, nhưng không bao giờ trả lời. Đăng ký gặp ông ấy, chặn ông ấy ở cổng Sở vài lần xin gặp cũng không được. Công bộc của dân là thế đấy” - thầy Đỗ Việt Khoa bức xúc.

Hai Chi (giữa) bị bắt.

Khủng khiếp hơn là vụ án “Hai Chi” xảy ra tại Hàm Tân (Bình Thuận). Từ những lá đơn kêu cứu của công dân, trinh sát C14 đã điều tra làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của băng nhóm tội phạm này. Cụ thể, chúng bảo kê mại dâm, cho vay lãi nặng, bắt giữ người trái pháp luật, gây ra gần 60 vụ án cố ý gây thương tích, giết người, lập hiện trường giả, hiếp dâm, bắt, giữ và chống người thi hành công vụ, đánh bạc, môi giới hối lộ, cướp tài sản, che giấu tội phạm… Nhưng, điều khó hiểu là nguyên Phó trưởng Công an phụ trách cảnh sát, điều tra - Trung tá Hoàng Đình Loan lại cứ cho chìm xuồng hết. Báo Thanh Niên còn dẫn những chứng cứ đặc biệt quan trọng do Ban chuyên án thu thập, cho thấy “Hai Chi” và đồng bọn có quan hệ "trên mức bình thường" với nhiều cán bộ có thẩm quyền, đặc biệt có cả cán bộ công an, viện kiểm sát, kiểm lâm và cảnh sát giao thông ở huyện và tỉnh…

Viết đến đây, tôi đọc lại câu nói trên của Chủ tịch nước, bỗng nhiên tôi giật mình trộm nghĩ: Chủ tịch nước nói thế sẽ rất dễ bị “bọn phản động” lợi dụng để tuyên truyền là Chủ tịch dùng “Điệu hổ ly sơn” với… Nhân Dân, thì nguy to! Mong sao “bọn phản động” đừng phát hiện ra!






Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền:

VNN: Thứ Sáu, 28/05/2010

“Hiện nay, tôi thừa nhận chúng ta chưa có cơ chế nào đầy đủ, rõ ràng để bảo vệnhững người dám đứng ra tố cáo tham nhũng.

Mặc dù trong Luật khiếu nại tố cáo, cũng có quy định cấm các hành vi trả thù, trù dập, trả đũa hoặc thậm chí khống chế những người dám tố cáo nhưng thực tế vẫnrất khó khăn… Do đó, chúng ta phải thực hiện các Luật hiện có cho nghiêm trướcđã, rồi sau đó chúng ta mới bổ sung bằng những cơ chế tích cực hơn.

Các hành vi trả thù và trù dập hiện nay rất phức tạp, tinh vi cho nên cần có nhữngcơ chế quy định rõ ràng thời gian tới”.

Ông Nguyễn Đình Quyền (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội):

CHẲNG AI THÈM NGHE ĐẠI BIỂU


“… Tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XII (tức là cách đây năm năm, năm 2007), tôi đã phát biểu chúng ta phải tổng kết ngay và hoàn thiện ngay hành lang pháp lý cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Lúc đó, tôi cũng phản ánh rằng với một nền kinh tế như thế này mà chúng ta cho phép thành lập hàng trăm tổ chức tín dụng thì đó là điều bất bình thường. Do đó, phải có giải pháp loại bỏ ngay các tổ chức tín dụng yếu kém. Nhưng đến hôm nay các giải pháp khắc phục những hạn chế trên vẫn mới chỉ nằm trên bàn của các đề án.

Ngoài ra, trong năm đó, đại biểu QH cũng nói việc các đơn vị đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành rất nghiêm trọng cần phải chấn chỉnh nhưng cũng không được xem xét.

Tương tự, công tác phòng, chống tham nhũng cũng đã được phản ánh là rất hình thức. Nhưng các phản ánh, góp ý đó không đi đến đâu cả.

Chúng ta thảo luận như thế này, huy động trí tuệ của các đại biểu QH, cùng với Chính phủ, các cơ quan nhà nước hiến kế tìm ra những hạn chế, giải pháp trên phương diện của mỗi đại biểu, mỗi người, góc độ công tác để cùng góp sức. Nhưng sự góp sức đó lại không đi đến được các cơ quan thực hiện, cứ bay vào không khí, chẳng ai lắng nghe, chẳng ai muốn sửa chữa. Điều này khiến tôi thấy bức xúc. Tôi nói rằng phải chăng các đại biểu QH của Việt Nam quá bé nên chẳng ai muốn nghe cả…”.

THÀNH VĂN ghi

Nguồn: trích từ bài “Lời nói để gió cuốn đi”* (phapluattp.vn).

Chống tiêu cực + “hồn nhiên” = “Tiêu” và “Cực” Reviewed by Admin on 10/28/2012 Rating: 5 Thanh Tùng - Mới đây, vào ngày 18/10/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói với cử tri Quận 4 TP HCM về những vấn đề mà các cử tri quan...

Không có nhận xét nào: