Công Đồng Vaticanô II : "cái nhìn tích cực và vui mừng" của ĐHY Arinze - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 10, 2012

Công Đồng Vaticanô II : "cái nhìn tích cực và vui mừng" của ĐHY Arinze

"Đọc lại 16 tài liệu của Công Đồng trong một tinh thần cởi mở"

Sergio Mora thực hiện phỏng vấn 

Hélène Ginabat - Mạc Khải phỏng dịch - Rôma, ngày 22.10.2012 (ZENIT.org) – "Đọc lại 16 tài liệu của Công Đồng Vaticanô II với một tinh thần cởi mở tạo ra một cái nhìn tích cực và vui mừng" ĐHY Arinze khẳng định. 

Vị Hồng Y người Nigeria, sắp 80 tuổi, nguyên lão của Công Đồng Vaticanô II, mời gọi độc giả của Zenit khám phá một cách "không thành kiến" cái "gia sản vô tận" mà Công Đồng đã để lại cho Giáo Hội. 

Zenit Thưa Đức Hồng Y, ngài hồi đó là vị giám mục trẻ tuổi nhất Công Đồng, phải không ạ ? 

ĐHY Arinze – Tôi chỉ tham gia kỳ họp cuối cùng trong 4 kỳ họp của Công Đồng Vaticanô II. Lúc đó, tôi mới được tấn phong giám mục, vào tháng 8/1965. Với tôi, đó là thuở ban đầu rất ấn tượng, tôi không thể quên được. Tôi biết rõ Giáo Hội mang tính hoàn vũ, nhưng khi nhìn thấy hình ảnh hơn 2000 vị giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới, từ những vị tên tuổi như các ĐHY Alfredo Ottaviani, Léon-Joseph Suenens, Josef Frings, Bernard Jan Alfrink, Bernard Jan Doepfner, Giovanni Battista Montini và những người khác, ít được biết đến hơn, ai có thể ngờ được Đức Karol Wojtyla hay vị thần học gia trẻ tuổi Joseph Ratzinger một ngày kia sẽ trở thành Giáo Hoàng ? Chỉ có Chúa biết. 

Tôi là người trẻ tuổi nhất, tôi không phát biểu gì nhiều ; đối với tôi, quan trọng là lắng nghe các bậc trưởng thượng, hơn nữa theo văn hóa châu Phi, người trẻ không được nói leo khi những người lớn đang nói. 

Ngày nay, ngài thấy Công Đồng Vaticanô II như thế nào ? 

Công Đồng là một ân điển của Thiên Chúa ban cho toàn thể Giáo Hội, một gia sản bất tận, vì thế, năm mươi năm sau, chúng ta cũng vẫn chưa hiểu hết được tất cả những gì Công Đồng nói với chúng ta. 

Không lâu sau Công Đồng đã xảy ra biến cố : "tháng 5/1968", với cuộc cách mạng của sinh viên Đại Học Sorbonne và một cơn sóng thần tục hóa. Cái gì sẽ xảy ra nếu những biến cố này diễn ra trước Công Đồng Vaticanô II ? 

Chỉ có Thiên Chúa biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra. Có lẽ chúng ta có thể hình dung ra được. Chắc chắn Giáo Hội cũng đã có những khó khăn to lớn để chung sống với thế giới ngày hôm nay. Lịch sử không ngừng tiến bước, thế giới tiếp tục xoay chuyển với những gì nó mang theo là tích cực cũng như tiêu cực. 

Cuộc nổi loạn tháng 5/68 đã ảnh hưởng đến các trường Đại Học, và cả đến các linh mục và các chủng sinh, không chừa một ai. Đó là một cuộc thử thách cam go, kể cả đối với những cha mẹ có con cái nổi loạn. 

Công Đồng đã đóng góp như thế nào vào sự tăng trưởng của Giáo Hội ? 

Công Đồng đã cung cấp cho Giáo Hội nhiều khí cụ để giúp Giáo Hội đương đầu hay đúng hơn là gặp gỡ thế giới ngày nay, để nhìn thế giới, không như kẻ thù, mà như những khách hành hương trên đường đi gặp cuộc đời. Như người ta thấy trong tài liệu Công Đồng Gaudium et Spes, Giáo Hội muốn nuôi dưỡng hy vọng, Giáo Hội muốn giúp thế giới thực hiện những dự án có ý nghĩa và có giá trị. Chúng ta không phải là của thế giới, nhưng chúng ta sống trong thế giới. Đền Thờ Thánh Phêrô không phải chỉ là một thánh đường chứa đầy Kitô hữu ; các tín hữu Công Giáo phải ở khắp mọi nơi. Giáo Hội phải gặp gỡ thế giới ngày hôm nay, các dân tộc, các ngôn ngữ, các phong tục tập quán, dù là họ đi trong hay ngoài đường hướng Phúc Âm. Giáo Hội phải gặp gỡ các tôn giáo khác : Hồi Giáo, Phật Giáo, vv… Công Đồng đã giúp chúng ta đến với con người và giới trẻ với những vấn đề của họ. 

Những khó khăn gặp phải trong việc thực hiện những giáo huấn của công Đồng là gì? 

Khó khăn chính đến từ sự kiện có nhiều người đã và vẫn còn không đọc những tài liệu Công Đồng. Những người này nói vì họ "đã nghe nói" và họ tin vào bất cứ bình luận tiêu cực nào, thay vì đọc những tài liệu của Công Đồng. Điều này cả tôi cũng mắc phải vì tôi chỉ tham dự có phiên họp chót, khi mà phân nửa số tài liệu đã được thảo luận và thực hiện. Một trở ngại lớn nữa đến từ thành kiến. Có những người đã có định kiến và họ đưa ra một phán xét ngay trước khi đọc các tài liệu. Như vậy, vì không hiểu biết Công Đồng Vaticanô II, họ đã yêu cầu một Công Đồng Vaticanô III hay IV. 

Và những chỉ trích ? 

Có những kẻ đọc các tài liệu để tìm cách biện hộ cho chủ thuyết riêng mình. Nếu họ thấy một dòng không phù hợp với những khát vọng của họ, họ bỏ ngay và không muốn đọc thêm nữa vì sợ rằng phải đặt lại vấn đề cho luận cứ của họ. Đọc lại 16 tài liệu của Công Đồng với một tinh thần cởi mở sẽ tạo ra một nhãn quan tích cực và vui mừng. 

Ngày hôm nay, 50 năm sau, liệu mọi sự đã chín mùi chưa ? Liệu người ta có thể hiểu biết hơn không ? 

Có, có thể, miễn rằng người ta nhìn về Công Đồng không với định kiến và không sợ phải khám phá những gì được thực sự nói ra trong đó. Khi đọc các tài liệu của Công Đồng, người ta hiểu rằng Giáo Hội mang thiên tính và nhân tính, với những yếu tố thiên tính không thể sai lầm, và những yếu tố nhân tính có thể tiêu tan. Chúng ta không có tham vọng cho rằng Công Đồng Vaticanô II đã có thể giải quyết tất cả các vấn đề của nhân loại. Một ngày kia, rồi cũng sẽ có Công Đồng Vaticanô III. Đừng tưởng rằng có một Giáo Hội mới, khác với Giáo Hội trước Công Đồng. Chỉ là cùng một Giáo Hội đang tiến tới để hiểu rõ Phúc Âm và làm chứng cho Chúa Giêsu. 

Thưa Đức Hồng Y, có thể nói được rằng những người Công Giáo đang đòi hỏi một "Công Đồng Vaticanô III" là họ muốn "một Giáo Hội khác" hay không ? 

Chúng ta không thể không nghi ngờ chuyện này, nhưng chúng ta phải tin rằng những người này là lương thiện. Tôi muốn hỏi họ : "Mấy người đã đọc và đã tiêu hóa hết Công Đồng Vaticanô II chưa ? Hay có thể đã có điều gì khác mà mấy người muốn và vì Công Đồng Vaticanô II đã không nói đến, nên mấy người mới nghĩ tới một "Công Đồng Vaticanô III". Chúng ta không thể có mỗi tuần một Công Đồng. Đã có một Công Nghị các Giám Mục được triệu tập 3 năm một lần. 

Có điều gì mà Công Đồng không thay đổi được không ? 

Có, 10 điều răn Đức Chúa Trời chẳng hạn. 

Đức Hồng Y nhìn về tương lai như thế nào ? 

Công Đồng đã giúp Giáo Hội đối diện với thực tế thế giới ngày hôm nay. Chúng ta phải tìm thấy nơi Đức Kitô chìa khóa để làm chứng. Không phải chúng ta đã làm ra Giáo Hội, nhưng chính là Chúa Giêsu, và Công Đồng giúp chúng ta bằng nhiều cách để gặp gỡ người Kitô hữu khác, không phải là Công Giáo, người tín hữu khác hay người không tin gì cả. Sự cởi mở này rất quý giá, và không vì thế mà làm người ta nghi ngờ về Đức Tin của mình. Người hoài nghi Đức Tin vào Đức Kitô là người đã mất đi bản sắc Kitô hữu của mình, cũng giống như người công dân đã mất đi ý nghĩa về tổ quốc của mình và không thể làm đại sứ cho nước mình được. 

Công Đồng có cái nhìn như thế nào về Đức Mẹ Maria ? 

Công Đồng đã hướng dẫn chúng ta một cách rất rõ ràng để hiểu hơn về Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, trong bối cảnh của toàn Giáo Hội và đối với Đức Kitô :Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô và là hình ảnh của Giáo Hội. Và vì vậy mà Công Đồng đã không muốn thảo luận riêng rẽ thần học về Đức Maria và thần học về Giáo Hội. Công Đồng cũng đã khẳng định rằng không phải chúng ta đã làm cho Đức Maria thành cao cả, mà chính Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những chuyện vĩ đại. Sự tôn sùng Đức Mẹ chỉ là công nhận tính vĩ đại này vốn đã có từ trước rồi. 

Một Kitô hữu không tôn kính Đức Trinh Nữ Maria phải được mời gọi hãy đọc chương VIII của Hiến Chế Lumen Gentium và, nếu không đủ, nên đọc trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu và Thánh Luca, hai chương đầu hay chương XIX trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. 

Trong Công Nghị, đã nói nhiều đến bí tích hòa giải như khí cụ của Tân Phúc Âm Hóa… 

Làm thế nào mà chúng ta có thể làm chứng về Chúa Giêsu hay loan truyền về Ngài nếu chúng ta không trở lại ? Chính Ngài đã mời gọi chúng ta : "Hãy trở lại và hãy tin vào Phúc Âm", và Ngài đã nói với chúng ta "nếu anh em không làm việc đền tội, anh em không được cứu rỗi". Việc xưng tội không mang tính chất tùy nghi. Đây là Bí Tích vĩ đại của dân Chúa để hòa giải và được bình an. 

Đi xưng tội trước mặt Thiên Chúa, không phải như ra trước một tòa án nơi mà người bị cáo chổi bỏ mọi lời buộc tội hoặc nói rằng mình không có mặt tại hiện trường ngày hôm đó. Xưng tội là thú nhận rằng "lỗi tại tôi". Không phải lỗi tại chính phủ hay tại bà mẹ ghẻ của tôi ! Người bằng lòng thú nhận rằng mình là thủ phạm cũng là người bằng lòng thay đổi cách sống, và người đó trở về nhà trong sự bình an nội tâm. 

Đôi khi, những người không muốn đi xưng tội lại tìm đến một bác sĩ tâm thần, hay một nhà phân tích tâm lý, họ phải trả tiền rất đắt mà lại không nhận được sự tha thứ. 

Mạc Khải phỏng dịch 



Công Đồng Vaticanô II : "cái nhìn tích cực và vui mừng" của ĐHY Arinze Reviewed by Em Binh on 10/24/2012 Rating: 5 "Đọc lại 16 tài liệu của Công Đồng trong một tinh thần cởi mở" Sergio Mora thực hiện phỏng vấn  Hélène Ginabat - Mạc Kh...

Không có nhận xét nào: