Do khai thác không đúng kỹ thuật nên nhiều diện tích rừng thông của dân đã bị chết |
(Thanh tra)- Mặc dù vỡ lở đã lâu, nhưng cho đến nay việc một số cán bộ xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký để chiếm đoạt hàng nghìn ha rừng của dân vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết một cách triệt để.
Từ chuyện “giam” lâm bạ của dân…
Diễn Lợi là một xã miền núi nghèo của huyện Diễn Châu, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào rừng.
Năm 1994, hưởng ứng chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc của Đảng và Nhà nước, người dân Diễn Lợi đã nhận trồng hàng nghìn ha rừng thông.
Năm 2009, người dân nhận được thông tin về chương trình hỗ trợ vốn ODA của Chính phủ cho những hộ trồng rừng nên đã đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Diễn Châu để xin được vay vốn dự án. Nhưng, để vay được vốn, ngân hàng huyện yêu cầu các hộ dân phải có lâm bạ gốc.
Lúc này, người dân Diễn Lợi lần lượt kéo nhau về UBND xã để lấy lâm bạ, thì được ông Hoàng Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã trả lời: Lâm bạ chưa được cấp.
Khi lên Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu để hỏi, người dân nhận được câu trả lời là lâm bạ của họ đã được cấp trước đó nhiều năm và chuyển về xã từ lâu.
Sau khi biết chính quyền xã “giam” lâm bạ của mình, người dân đã nhiều lần viết đơn tố cáo và yêu cầu xã trả lại.
Trước sức ép của dư luận, ngày 1/7/2011, Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi mới chịu viết giấy mời các hộ dân lên để giao lại lâm bạ, nhưng cũng chỉ có 30/50 hộ được trả lại.
Từ đây, nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao xã lại “giam” lâm bạ của dân trong suốt hơn 10 năm? Và, 20 sổ lâm bạ còn lại hiện đang nằm ở đâu?
Sau khi nhận lâm bạ về, nhiều hộ dân đã viết đơn xin được khai thác nhựa thông, nhưng đều bị UBND xã Diễn Lợi từ chối mà không nói rõ lý do.
Lâm bạ bị chính quyền xã “giam” trong két sắt suốt 14 năm mà người dân không hay biết
Sau một thời gian tìm hiểu, người dân phát hiện xã đã ký hợp đồng cho Hợp tác xã Thương mại và Chế biến nông lâm Quỳnh Văn (HTX Quỳnh Văn), huyện Quỳnh Lưu khai thác nhựa trên toàn bộ diện tích rừng của mình với thời gian 5 năm.
Người dân rất bức xúc khi biết hàng nghìn ha rừng thông do mình trồng và chăm sóc bấy lâu nay đã bị chính quyền xã chiếm đoạt một cách trắng trợn.
“Chúng tôi đã phải mất rất nhiều công sức mới có được những cánh rừng bạt ngàn như thế này. Vậy nhưng, xã lại “giam” lâm bạ để rồi tự ký hợp đồng cho HTX Quỳnh Văn khai thác nhựa mà không hỏi ý kiến của dân như thế nào”, ông Thái Bá Quảng, xóm 9, xã Diễn Lợi nói.
… Đến cán bộ xã lập hồ sơ khống
Để ký được hợp đồng với HTX Quỳnh Văn, cán bộ xã Diễn Lợi đã lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký của người dân. Thậm chí, trong hợp đồng khai thác nhựa còn có chữ ký của nhiều cán bộ xã. Điều đặc biệt là, những vị cán bộ này lại không hề có rừng.
Trước những việc làm khuất tất của cán bộ xã Diễn Lợi, người dân tỏ ra rất bất bình và đã làm đơn khiếu nại gửi đi các cấp, nhưng cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đáng nói là, do quá trình khai thác không đúng kỹ thuật, nên hiện nay nhiều diện tích rừng thông đang lụi tàn dần, thậm chí nhiều cây bị chết. Đổ ra không biết bao nhiêu công sức, nhưng giờ đây người dân thu về chỉ là những khúc gỗ để làm củi…
Người dân rất bức xúc khi UBND xã lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký chiếm đoạt hàng ngàn ha rừng
Sau khi có hiện tượng thông chết hàng loạt, UBND huyện Diễn Châu đã có công văn yêu cầu xã Diễn Lợi dừng ngay mọi hoạt động khai thác nhựa. Nhưng, do có sự tiếp tay của một bộ phận cán bộ xã, nên cho đến nay, tình trạng khai thác nhựa thông vẫn lén lút diễn ra hàng ngày khiến người dân rất bức xúc.
Trao đổi với PV Báo Thanh tra về vấn đề này, bà Hoàng Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Việc cán bộ xã Diễn Lợi lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký của người dân là hoàn toàn đúng sự thật và chúng tôi đã có văn bản xử lý những trường hợp này. Còn về vấn đề thông chết hàng loạt là do khâu quản lý, giám sát của xã đối với HTX Quỳnh Văn trong quá trình khai thác nhựa còn nhiều hạn chế và yếu kém”.
Theo tìm hiểu của PV, những cán bộ lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký để chiếm đoạt hàng ngàn ha rừng của dân vẫn đang tại vị mà không hề phải nhận một hình thức xử lý kỷ luật nào.
Trần Quốc
Không có nhận xét nào: