Phạm Trần - Nếu Hội nghị 6 Trung ương đảng XI CSCSVN chưa để lại một vết “không sạch” nào cho việc thi hành Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì những hành động vuốt đuôi đồng lõa với quyết định “không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị” và những lời xin lỗi đãi môi của Ban Chấp hành Trung ương, của Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì không làm tròn nhiệm vụ với dân với nước đã không vớt lên được uy tín đảng từ dưới đáy tầng địa ngục.
Tại sao lại có chuyện tréo cẳng ngỗng này?
Tại vì nếu cứ làm hỏng, làm không được và liên tục gây ra thiệt hại cho dân và hoang phí không biết bao nhiêu công lao mồ hôi, nước mắt của dân rồi lại dửng dưng nhận lỗi, kiểm điểm và phê bình để phạm tội tiếp thì cháu bé lên 3 cũng làm được, cần chi phải đến lượt những người có quyền cao chức trọng trong đảng và nhà nước?
Những người lãnh đạo ngày nay cũng nên biết rằng từ năm 1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã xin lỗi toàn dân, xin kiểm điểm và phê bình trước đảng, trước Quốc hội về những thiếu sót của Hội đồng Chính phủ.
Từ đó về sau, có kỳ họp Đảng hay Quốc hội nào mà người dân không phải banh lỗ tai ra mà nghe những lời nhận lỗi, xin chấp hành nghiêm chỉnh những phê bình của đồng chí, của Đảng, của Quốc hội?
Nhưng rồi tật đâu vẫn hoàn đó, chứng nào vẫn thói ấy. Tham nhũng cứ tự do leo thang không ai ngăn chặn được. Lúc nào cũng chỉ “tiến được 1 bước” rồi lại “vẫn còn nghiêm trọng” nghe đến phát ngượng, phát chán đến tận mang tai!
Đến nỗi từ “một bộ phận” rồi leo thang lên “một bộ phận không nhỏ”, và bây giờ, theo lời cử tri Trần Minh Quang (phường Bến Thành, Sài Gòn) nói với Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, đã thành “tập đoàn”.
Ông Quang nói: “Nếu không giải quyết được vấn đề này thì rất nguy hiểm.” (Vietnamnet, 17/10/2012).
Chủ tịch Trương Tấn Sang đồng tình nhìn nhận: “Vấn nạn tham nhũng đã là sự thật không thể né tránh, mặc dù nói ra điều này hết sức đau lòng.”
Rồi ông còn nói với dân: “Tham nhũng đang là một vấn nạn nghiêm trọng. Ban đầu là một bộ phận, sau đó là một bộ phận không nhỏ, và giờ thì có đồng chí còn nói là cả một tập đoàn”.
Đau lòng lắm chứ, tại sao không? Nhưng nếu lãnh đạo đảng, cầm đầu nhà nước chỉ đau một tí để “làm cảnh” thì dân đau ngàn lần hơn vì dân là nạn nhân của tham nhũng do cán bộ và đảng viên gây ra chứ dân có “nặn” ra tham nhũng cho đảng phải gánh đâu?
Trước mắt dân, những lời nói thật như “bóc bánh” của ông Sang, người Long An ở trong Nam, quả đã thấm đến tận tim gan, nhưng nghe mãi những lời nói dù có rút ra từ tim óc của lãnh đạo cũng không bớt được tham nhũng mà phải giết nó đi.
Nhưng ai dám giết và giết bằng cách nào thì có ông Sang mách nước rằng: “Chúng tôi có lỗi lớn, nhưng cô bác anh chị cũng phải nghĩ về trách nhiệm của mình, cùng hệ thống chính trị đấu tranh chống tham nhũng. Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào? Người ta có thể trú úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này”.
Đúng như thế nhưng mà người dân không có súng và nhất là không có quyền để đi bắt kẻ tham nhũng, trong khi những kẻ phạm tội lại có quân quyền bảo vệ, bao che vòng trong vòng ngoài lúc nào cũng sẵn sàng ăn tươi nuốt sống người đi tố cáo thì có cho ăn vàng cũng không có anh dân nào dám ngo ngoe, nói chi đến chuyện dám gồng mình “cùng hệ thống chính trị đấu tranh chống tham nhũng” như kêu gọi mớm cơm của ông Sang?
Do đó mà tại sao trên 80 triệu dân đã không còn có tâm và có tầm để chống tham nhũng vì 3 triệu rưỡi đảng viên không thể “tự cai” và không muốn chống đồng chí, đồng đội của mình tham nhũng mà còn lấy tham nhũng làm phương tiện để mua quan, bán chức và tiến thân thì dân làm gì được?
Ngay đến những khuyết tật trên bảo dưới không nghe, bao che cho nhau, chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp, mua bằng giả, học dỏm, mánh mung, nói dối, suy đồi đạo đức, làm gương mù, nêu gương xấu của cán bộ, đảng viên cứ tha hồ mà tung hoành chả ai dám khuyên răn, mà có khuyên can có ai thèm nghe, có khi còn bị đánh cho bể mặt!
Vì vậy từ những hành động mất phẩm chất, đảo ngược luân thường đạo lý dân tộc, truyền thống gia phong của người lớn đã thuốc độc vào các thế hệ con cháu nên mới sản sinh ra những con người vô cảm, vào hùa kích động, vỗ tay khoái trá trước đám nữ sinh nắm tóc đánh nhau vỡ đầu sứt trán ngay trong lớp học và công khai lột quần đối phương giữa đường phố mà có ai dám nhảy vào can thiệp bảo vệ kẻ bị hại?
Những tội phạm ngoài xã hội cũng còn công khai và được tổ chức để xâm nhập vào học đường như các vụ thi gian, quay cóp, ném phao, mua bài, thi hộ, mua bằng có thầy cô tổ chức, ăn chia thì có ai bảo không có trách nhiệm của Chính phủ và của các đảng bộ ngành Giáo dục?
Nhận lỗi để phạm lỗi tiếp
Từ những chuyện xâm hại dân của cán bộ, đảng viên cỏn con ở đường phố, ngõ hẻm, tận mỗi thôn, bản, làng và gia đình của người dân cho đến cấp cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương đảng thì cũng chỉ xung quanh chuyện những kẻ có chức, có quyền bao giờ cũng được đặc quyền đặc lợi và quyền ăn trên ngồi trốc để hành dân đến lè lưỡi phải bỏ tiền ra mới chịu thôi.
Vì thế mà dân không ngạc nhiên khi phải nghe Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nói trước Ban Chấp hành Trung ương kỳ họp 6 ngày 15/10/2012: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Mặc dù nhiều khuyết điểm, hạn chế có từ các khóa trước, nhưng với trách nhiệm chính trị của cơ quan lãnh đạo hiện nay, Bộ Chính trị và từng Ủy viên Bộ Chính trị tự nhận thấy sâu sắc trách nhiệm chính trị của mình trước những khuyết điểm, hạn chế đó.”
Rồi Ban Chấp hành Trung ương cũng “tát nước theo mưa” khi nói rằng: “Ban Chấp hành Trung ương cũng tự kiểm điểm và nhận phần trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua. Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân, và sẽ cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục.”
Là người đã bị Bộ Chính trị đề nghị chịu một hình phạt kỷ luật cho những yếu kém của mình trong vai trò đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bắt chước công khai nhận lỗi.
Trong diễn văn đọc trước Quốc hội hôm 22/10/2012, ông Dũng cũng tỏ ra thành khẩn, dù không mếu máo như ông Trọng hôm 15/10/2012: “Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước.”
Đây là lần đầu tiên ông Dũng đã nhận lỗi trong hai vụ làm ăn thua lỗ nhiều trăm ngàn tỷ bạc của 2 Tập đoàn Vinashin và Vinalines, nhưng nhận lỗi không hốt lại được những giọt mồ hôi của người dân đã đổ ra để bây giờ trắng tay mà vẫn phải lao động đóng thuế cho nhà nước trả nợ thì có còn gì bất công và nhục nhã hơn không?
Rồi theo gót những người tiền nhiệm, ông Dũng lại thề: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc vì nhân dân, vì Đảng vì chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.”
Mẹ hát con khen hay
Trước những lời nhân lỗi rất muộn màng đá bùn sang ao của ông Dũng không được các nhà báo tự do và nhiều trí thức trong nước đồng tình thì Báo Quân đội Nhân dân lại giương cao cổ lên hát rằng: “Nhiều nhà nghiên cứu đã nói rằng: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng nước ta, người đứng đầu Chính phủ trực tiếp xin lỗi quốc dân đồng bào. Lời xin lỗi chân thành này nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các đại biểu Quốc hội trong hội trường và đông đảo người dân theo dõi kỳ họp qua truyền hình. (sai, vì ông Phạm Văn Đồng đã nhận lỗi từ năm 1976 - lời tác giả bài viết này).
Có lỗi thì dám nhận lỗi. Đó là hành động thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, một vấn đề được đề cập sâu sắc trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Tuy nhiên, điều cử tri cả nước quan tâm, trông đợi hiện nay là việc khắc phục những sai lầm, khuyết điểm đã được chỉ rõ trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua.” (Báo Quân đội Nhân dân, 23/10/2012)
Ban Biên tập báo Quân đội Nhân dân hãy lục lại hồ sơ những việc làm được và không làm được của ông Dũng từ khi ông thay Thủ tướng nghỉ hưu Phan Văn Khải từ năm 2006 xem đã bao nhiêu lần ông nhận lỗi rồi lại phạm lỗi nghiêm trọng hơn trước khi về hùa với cái “đấm ngực” ăn năn để có được tờ giấy “môn bài” đi buôn gánh hàng “phạm lỗi” tiếp thì “trách nhiệm” về ai sẽ rõ hơn.
Ngay đến Đại biểu Dương Trung Quốc của Tỉnh Đồng Nai, một Nhà sử học có uy tín trong nước cũng vội vã kết luận: “Với việc Thủ tướng nhận trách nhiệm của mình với tư cách cá nhân, một cán bộ cao cấp của Đảng, với tư cách Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ, tôi cho là làm sáng tỏ vấn đề Hội nghị TƯ 6 vừa đưa ra.
Thái độ thành khẩn của Thủ tướng làm an lòng dân. Tâm lý người dân đã nghe nhiều sự thành khẩn, thừa nhận khuyết điểm ở mức độ khác nhau của các thành viên Chính phủ, giờ đây là người đứng đầu Chính phủ, nên điều mong muốn là có hình thức giám sát để có thể đánh giá sự sửa chữa đó được thể hiện trong thực tiễn.” (Vietnamnet, 23/10/2012)
“Giám sát”, nhưng ai giám sát ai? Ngay cả Mặt trận Tổ Quốc có quyền giám sát; Quốc hội cũng có quyền giám sát và ngay cả Đại biểu Quốc hội cũng có quyền này mà đã bao giờ làm nên cơm cháo gì? Riêng ông Dương Trung Quốc đã “giám sát” được việc gì đem lại lợi ích cho dân cho nước chưa?
Bằng chứng như bốn chuyện tày trời còn sờ sờ trước mắt như Dự án để cho Trung Quốc nhảy vào khai thác Bauxite trên Tây Nguyên; cho các Công ty Tầu Bắc Kinh, Hồng Kông và Đài Loan thuê hàng ngàn mẫu đất rừng chiến lược dọc biên giới Việt-Trung trong 50 năm; và có ai biết có bao nhiều ngàn công nhân Tầu Bắc Kinh đang làm việc công khai không có giấy phép lao động hay có tay nghề “chuyên gia” giả còn nhởn nhơ, ẩn náu tại các cơ sở làm ăn của Công ty Tầu đã “trúng thầu rẻ” để cướp bát cơm của công nhân Việt Nam?
Và sau cùng đã có ai đi “giám sát” các phố Tầu đang mọc lên như nấm ở Việt Nam chưa? Còn chuyện “văn hóa” lồng đèn có cần phải “giám sát” không?
Vì vậy Đại biểu Dương Trung Quốc có nên “tái thẩm” thế nào là “an lòng dân” không, hay cứ làm ẩu, gây thiệt hại cho dân cho nước rồi “nhận lỗi” là huề cả làng để tiếp tục bắt tay nhau nói cười ngọt xớt trên sự đau khổ của dân?
Thế rồi đến phiên ông Đại tướng 90 tuổi về hưu Nguyễn Quyết cũng cố gắng chia phần khen ông Thủ tướng: “Trước hết tôi hoan nghênh Ban cán sự Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với trọng trách là Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị của người đứng đầu Chính phủ, công khai nhận lỗi trước Quốc dân đồng bào, việc đăng đàn của Thủ tướng Chính phủ nói riêng và BCH TƯ, Bộ Chính trị nói chung đã thể hiện một cách rất nghiêm túc. Đây là một điều tốt lành của Đảng ta… Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi cái hay nhất, tốt nhất là Thủ tướng đã thẳng thắn thành thật tự phê bình khuyết điểm, công khai nhận lỗi trước Đảng, Quốc hội và toàn thể nhân dân, đây là tính đẹp nhất của người đứng đầu Chính phủ.” (Báo Cựu Chiến Binh, 23/10/2012)
Tuy nhiên, trái với những tiếng nói phản ảnh quan điểm “mẹ hát con khen hay”, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Đức Kiên dứt khoát: “Lần đầu trên diễn đàn QH và trong một buổi truyền hình trực tiếp, người đứng đầu Chính phủ đã nhận lỗi, điều này so với các khóa Quốc hội trước là một sự đột phá. Và không phải tự nhiên lại có động tác này, đó là kết quả của những ngày Bộ Chính trị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) và thể hiện rõ ở báo cáo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị T.Ư 6 (khóa XI) vừa rồi. Chúng ta thấy rằng, Chính phủ đã nhận khuyết điểm, nhìn ra yếu kém nhưng điều mà nhân dân, đảng viên, cử tri cả nước mong chờ là hành động cụ thể. Như vậy, lời hứa phải đi kèm theo kế hoạch hành động nhất định và có chỉ tiêu, số liệu cụ thể để cử tri, đảng viên và nhân dân giám sát lại… Quốc Hội là đại diện cho quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Vậy hơn ai hết, Quốc Hội phải phản ánh được mong mỏi của người dân trong kỳ họp này, đối với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cần có trách nhiệm trong việc tiếp thu những mong mỏi của người dân để xây dựng.” (Đài Tiếng nói Việt Nam)
Có lẽ người dân trong nước cũng chỉ mong có thế. Không ai đang tâm đá người đã ngã ngựa, nhưng ông Dũng không có bản lĩnh xin từ chức để bảo vệ danh dự mà cứ cố bám lầy chiếc ghế dù có bị nhục thì uy tín của ông và đảng CSVN có còn giá bằng đồng xu trước nhân dân chăng?
(10/012)
Không có nhận xét nào: