Người nói Không với Hitler - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 10, 2012

Người nói Không với Hitler

"Nhiều người trong họ tin nếu họ chỉ "hợp tác", thì những việc tàn ác và bất công vốn là cốt lõi của phong trào sẽ giảm bớt, và có thể thay đổi tốt hơn... họ không nhận thấy rằng họ chỉ có thể làm chúng diễn ra chậm lại, nhưng những việc tàn ác ấy rồi cũng sẽ xảy đến, chỉ có lẽ hơi chậm một chút." - Adolf Busch


Ông có thể bình an ở lại nước Đức Quốc Xã, nhưng ông ra đi để cứu tâm hồn mình. Ông thà lưu vong còn hơn mặc cả với quỷ. 


Adolf Busch, nghệ sĩ vĩ cầm lỗi lạc nhất thế kỷ 20, giờ đây chỉ được biết đến trong giới sưu tầm đĩa nhạc cổ điển vốn trân quý những đĩa nhạc 78 vòng du dương sâu lắng mà ông đã thu âm với Rudolf Serkin, người bạn song tấu và cũng là con rể ông, và với Busch Quartet, dàn nhạc thính phòng ông đã lãnh đạo trong ba thập niên. Nhưng ta có lý do khác để nhớ về ông, lý do mà về lâu dài có thể quan trọng không kém gì âm nhạc ông đã trình diễn: tên của ông Busch đứng ngay đầu danh sách chọn lọc những nghệ sĩ Đức không chịu quỳ lạy trước Adolf Hitler. Tình cảnh cuối đời ông được mô tả chi tiết trong tác phẩm của Tully Potter "Adolf Busch: Cuộc đời của một nghệ sĩ trung thực" (nhà xuất bản Toccata Press), lần đầu tiên tiểu sử đầy đủ về nghệ sĩ vĩ cầm này được ra mắt. Đây là câu chuyện khiến ta nức lòng ngay nhưng cũng là câu chuyện khiến ta nao lòng về sau. 

Tôi ngờ đa phần chúng ta đều thích nghĩ về nghệ sĩ như là những người cách biệt, giới của những người theo đuổi lý tưởng và tâm hồn họ đã trở nên cao quý nhờ tiếp xúc lâu dài với cái đẹp. Tuy nhiên, sự thật là họ cũng chỉ là con người như tất cả chúng ta, và nhiều kẻ trong họ là những kẻ cơ hội sống chỉ biết mình nên hoàn toàn chẳng muốn bận tâm đến cái ác miễn là những kẻ thủ ác để yên cho họ làm công việc của họ. Những nghệ sĩ Đức đã gần như hành xử như thế khi Quốc Xã lên nắm quyền vào năm 1939. Trong vòng chỉ vài ngày, Hitler và những tên đao phủ của y đã bắt đầu áp dụng chính sách trấn áp có hệ thống những người Do Thái gốc Đức. Rất nhiều những nghệ sĩ Do Thái, kể cả Bruno Walter, Otto Klemperer và Emanuel Feuermann, hoặc là bị buộc thôi việc hay bỏ việc để phản đối. 

Trong tháng Tư, chỉ vài tuần sau khi Hitler nắm được quyền bính, Busch Quartet quyết định ngưng trình diễn ở Đức. Ông Busch cũng hủy bỏ những buổi trình diễn song tấu còn lại với ông Serkin và ra tuyên bố này: "Vì các hành động chống lại những người Do Thái gốc Đức của những đồng bào Công giáo của tôi... tôi thấy cần thiết phải hủy bỏ chuyến lưu diễn hòa nhạc của tôi ở Đức." Hành động này rất có ý nghĩa vì ông Busch là nghệ sĩ nhạc cổ điển người Đức nổi tiếng không Do Thái duy nhất đã rời nước Đức để ra nước ngoài sinh sống chủ yếu vì nguyên tắc đạo lý- và là một trong số rất ít các nghệ sĩ người Âu không Do Thái, kể cả Arturo Toscanini và Pablo Casals, quyết định ngưng trình diễn ở Đức cũng cùng lý do. 

Hầu như tất cả những tên tuổi lớn trong dòng âm nhạc Áo-Đức, bao gồm Wilhelm Furtwängler, Walter Gieseking, Herbert von Karajan, Carl Orff và Richard Strauss, đều ở lại, kẻ vì họ là những người ủng hộ Hitler tích cực còn người khác vì họ nghĩ Quốc Xã sẽ lụi tàn tan biến. Ông Busch biết rõ hơn. Trong một lá thư mang tính tiên tri, ông viết, "Nhiều người trong họ tin nếu họ chỉ "hợp tác", thì những việc tàn ác và bất công vốn là cốt lõi của phong trào sẽ giảm bớt, và có thể thay đổi tốt hơn... họ không nhận thấy rằng họ chỉ có thể làm chúng diễn ra chậm lại, nhưng những việc tàn ác ấy rồi cũng sẽ xảy đến, chỉ có lẽ hơi chậm một chút." 

Nhiều người bạn thân thiết và đồng nghiệp của ông, kể cả ông Serkin và Karl Doktor, nghệ sĩ viola của Busch Quartet, là người Do Thái. Điều này phần nào quyết định đến lập trường kiên định dựa trên nguyên tắc của ông. Nhưng những người Quốc Xã, vốn ý thức sâu sắc về sức mạnh của công luận, sẵn sàng bỏ qua trước những chuyện như thế để cho những người Đức nổi tiếng không Do Thái không bỏ nước ra đi để phản đối. Cho đến tận năm 1937 họ còn kín đáo cho ông Busch biết nếu ông quay về, chính quyền Quốc Xã cũng sẽ cho phép ông Serkin trở về theo. Ông đáp, "Nếu các ông treo cổ Hitler ở giữa, với Goering bên trái và Goebbels bên phải, tôi sẽ trở về Đức." 

Adolf Busch
Khi các luật bài Do Thái lan ra trên khắp châu Âu lục địa, ông Busch phản ứng bằng cách cũng hủy bỏ các chuyến lưu diễn ở đấy, rồi cuối cùng vào năm 1939, ông, cùng với ông Serkin và các thành viên ban nhạc Busch Quartet di cư sang Mỹ. Chuyện xảy ra kế tiếp là bi kịch. Tuy ông Serkin có thể mau chóng thành danh như là nghệ sĩ độc tấu dương cầm hàng đầu, nhưng nước Mỹ vào thập niên 1940 lại có quá nhiều những nghệ sĩ vĩ cầm danh tiếng và thị hiếu về nhạc thính phòng còn hạn chế. Ông Busch tuy có thể sống lây lất, nhưng thời vang bóng vàng son của ông đã qua. Hơn nữa, ông tuyệt vọng trước những cảnh xảy ra trên quê hương yêu dấu của mình. Như lời ông Serkin hồi tưởng vào những năm về sau, "Ông ta quá yêu nước Đức... nên khi sự ô nhục đó xảy đến, ông cảm thấy dù sao cũng có phần trách nhiệm. Tôi nghĩ giá như ông là người Do Thái chắc đời ông sẽ thanh thản hơn." Ông qua đời trong cảnh buồn phiền và thất vọng. 

Câu chuyện của ông Busch có khích lệ lòng bạn? Nếu vậy, thì bạn hãy thử hỏi lòng mình: bạn có sẵn sàng chịu bao nhiêu điều bất tiện về vấn đề nguyên tắc đạo lý? Bạn có ký vào kiến nghị? Bạn có giúp bạn hữu đang bị trấn áp truy bức? Bạn có hy sinh nghề nghiệp mình? Hay bạn chỉ cúi đầu xuống mà hy vọng đồng bào bạn rồi chẳng sớm thì muộn cũng sẽ tỉnh ngộ? Adolf Busch đã trả giá quá đắt cho niềm tin của mình. Tất nhiên ông đã làm điều phải - thế còn bạn thì sao?


Bản tiếng Việt:


Người nói Không với Hitler Reviewed by Admin on 10/12/2012 Rating: 5 "Nhiều người trong họ tin nếu họ chỉ "hợp tác", thì những việc tàn ác và bất công vốn là cốt lõi của phong trào sẽ giảm ...

Không có nhận xét nào: