Một số điểm độc đáo của Công Đồng Vatican II - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 10, 2012

Một số điểm độc đáo của Công Đồng Vatican II

Giaolyductin.net - Các công đồng tự thân khác nhau và khác nhau cả trong các tương quan của chúng với Đức Thánh Cha, tám công đồng đầu tiên hoàn toàn tương phản với những công đồng sau đó. Ngay cả khi những khác biệt nơi một số công đồng, như ba công đồng đầu tiên tại Lateran (tổ chức tại Rôma vào những năm 1123, 1139 và 1179), như thể không lớn lắm, thì mỗi công đồng vẫn có những điểm độc đáo. Tuy nhiên, những điểm độc đáo của Công Đồng Vatican II đặc biệt đến độ đã khiến cho công đồng này khác hẳn với các công đồng trước, trở thành một loại công đồng khác biệt. Điểm rõ nhất trong những đặc điểm này, dĩ nhiên, đó là những quy mô, là tính quốc tế nổi bật về phạm vi và những vấn đề công đồng bàn thảo. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bề nổi của tảng băng thôi.

Việc quyết định chấp nhận các quan sát viên ngoài Công Giáo như một bộ phận toàn diện không chỉ là điểm độc đáo trong lịch sử của các công đồng đại kết thôi mà còn cho phép các học giả và giáo sĩ, những người không có chung những giả thiết căn bản về nền tảng của các tín điều và thực hành Công Giáo, xem xét những bàn thảo của công đồng nữa. Như các biến cố đã cho thấy, quyết định này đã thúc đẩy việc xem xét, nghiên cứu kỹ hơn những cuộc bàn thảo và quyết định, và điều quan trọng là quyết định ấy đã không cho phép công đồng tập trung vào những vấn đề chỉ liên quan tới Công Giáo – hoặc chỉ liên quan tới hàng giáo phẩm Công Giáo. Số quan sát viên hoặc khách mời thực sự hiện diện tại công đồng cho tới lúc kết thúc lên tới 182 người (Xem Andre Birmelé, “Le Concile Vatican II vu par les observateurs des autres traditions chrétienne” trong Dore, Volti di fine concilio, tr. 225 – 264; Thomas F. Stransky, “Paul VI and the Delegated Observers/Guests to Vatican Council II” trong Paolo VI e lecumenismo, tr. 118 – 158; Mauro Velati, “Gli osservatori del Consiglio ecumenico delle chiese al Vaticano II” trong Fattori, Evento e decisioni, tr. 189 – 257…).

Hơn nữa, các phương tiện truyền thông cũng có tầm quan trọng trong công đồng. Mãi cho tới công đồng Trentô, 1545 – 1563, các bàn thảo của công đồng hầu như chỉ là bận tâm của những ai tham dự công đồng thôi. Mấy ai biết hoặc quan tâm tới những gì đang xảy ra tại công đồng Lateran III, năm 1179? Quả thế, công đồng Constance, 1414 – 1418, đã giải quyết thành công cuộc Ly Khai, khi ba người cùng tuyên bố mình là giáo hoàng hợp pháp; công đồng này đã ảnh hưởng đến phần lớn dân chúng, nhưng đó chỉ là sáng kiến sau này của báo chí, làm thay đổi mối tương quan của quần chúng đối với các công đồng. Công Đồng Trentô và nhất là Công Đồng Vatican I đã phải miễn cưỡng hài lòng với việc chuyển giao thông tin và tuyên truyền nhanh chóng, hầu hết những điều công đồng không ủng hộ. Ngay cả trong trường hợp ấy, cũng chỉ một tỷ lệ ít ỏi dân số thế giới được biết những điều đang xảy ra. 

Tuy nhiên, vào thời Công Đồng Vatican II, truyền thanh và truyền hình đã chuyển tin tức khắp hoàn cầu vào chính lúc xảy ra bất cứ biến cố quan trọng nào. Một diễn biến nhỏ của Công Đồng Vatican II cũng được đưa lên báo chí dù chẳng liên quan gì tới những chuyện khác. Việc đặc biệt khâm phục Đức Gioan XXIII cả nơi những người Công Giáo và ngoài Công Giáo đã khiến người ta quan tâm tới “công đồng của ngài”. Tạp chí Time gọi đức Gioan là “người nổi bật nhất trong năm” 1962, năm khai mạc công đồng, và hình ngài xuất hiện trên trang bìa tờ báo ấy.

Một khi công đồng đã bắt đầu, thì các phương tiện truyền thông lẫn quần chúng đều bị lôi cuốn bởi hai hiện tượng đặc biệt: bí mật về các cuộc thảo luận đôi khi gay gắt và những cuộc đối đầu không được giữ kín tại công đồng; và sự xuất hiện khả năng có những thay đổi trong vị trí và thực hành chỉ mới được thiết lập ít tháng trước. Hội Thánh Công Giáo đã tự coi mình có tính vĩnh cửu và đã tỏ cho thế giới này biết mình như một Hội Thánh không thay đổi. Phải cẩn thận lắm mới chứng tỏ được một mặt trận thống nhất về mọi vấn đề và giải quyết nhanh gọn và kín đáo bất cứ chuyện gì xảy ra trong Hội Thánh, mà dường như có thể đưa ra những đề nghị trái ngược. Nhưng dù cố che đậy hoặc ngụy trang những chuyện ấy, thì các cuộc thảo luận và những bất đồng tại công đồng vẫn cứ đi vào trong công luận. Họ chán chuyện này, thích chuyện khác và nói cho mọi người biết rằng đạo Công Giáo không còn là một khối đá như họ vẫn tưởng. Ngay lúc ấy, Hội Thánh đã có một hình ảnh mới. 

Những hoạt động của công đồng đều được bàn luận và tranh cãi trong các phương tiện truyền thông, và các nhật báo như New York Times, Washington Post và những tờ báo tương đương trong các nước khác đều kiên trì đưa tin về những hoạt động của công đồng với một sự thông cảm chung (Xem mười hai đóng góp mô tả việc các báo đưa tin trong mười hai nước, trong Paolo VI, Problemi ecclesiologici, tr. 431 – 559. Để biết về các báo chí Hoa Kỳ, xem Gerard Fogarty, “American Journals and Paul VI at Vatican II”, ibid., tr. 547 – 59. Các trình thuật của Henri Fesquet trong tờ Le Mond (Paris) sau được in thành sách, rất uyên thâm và thành thạo Fesque, Drama.) Trong thế giới nói tiếng Anh, “Letters from Vatican City” Các thư từ thành Vatican (ctcdg). do Francis Xavier Murphy viết dưới bút hiệu Xavier Rynne và được đăng trong tờ The New Yorker, đã cung cấp một trình thuật rất nhiều chuyện khiến người ta phải quan tâm về những gì đang xảy ra. Tuy bị thành kiến rõ ràng và được sáng tác vội vã vì hết thời hạn, “Các Thư ấy” cũng đã kể lại câu chuyện căn bản cách trung thực. Đại bộ phận quần chúng đã đọc các thư ấy cách say sưa suốt bốn năm công đồng nhóm họp và các thư ấy có ảnh hưởng sâu sắc trong giải thích mà chúng cung cấp.

Chắc chắn cố gắng thỏa mãn một số ước vọng, chống đối và vấn đề do các phương tiện truyền thông khơi lên cũng ảnh hưởng đến đường hướng của công đồng và cũng đem lại sự khích lệ cho cánh cấp tiến của công đồng. Ngay cả trước khi khai mạc công đồng, Hans Kung, một thần học gia Thụy Sĩ trẻ, đã xuất bản quyển The Council, Reform and Reunion (1960) Công Đồng, Cải Cách Và Tái Hợp Nhất (ctcdg). Sách ấy, được dịch ra tám thứ tiếng, là một trong những sách có sức thuyết phục nhất trong những năm chuẩn bị, khi cố đưa dẫn trí tưởng tượng của con người vào trong những vấn đề lớn hơn công đồng có thể bàn tới và cố mở ra những khả năng vượt ra ngoài tình trạng muốn làm quấy quá cho xong, dường như hầu hết các giám mục đều nghĩ như thế. 

Với việc những phương tiện truyền thông mới này, các quyết định của Công Đồng Vatican II có thể được thực hiện cách nhanh chóng và trực tiếp, mà không một công đồng nào trước đây, dù có muốn mấy, cũng không thể có được. Kết quả là, một số quyết định đã có ảnh hưởng trực tiếp trên cuộc sống của các tín hữu bình thường. Đây cũng là điều độc đáo của Công Đồng Vatican II. Khi đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ vào ngày 29. 11. 1964, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, các tín hữu đã gặp được một cái gì đó khác hẳn với những gì họ đã kinh nghiệm suốt đời cho tới Chúa Nhật trước đó. Tuy vẫn còn đang nhóm họp, Công Đồng Vatican II đã tìm cách bắt đầu thực hiện những thay đổi đáng tin cậy trong Thánh Lễ, như việc sử dụng ngôn ngữ thường ngày tại nhiều nơi trên thế giới.

Suốt nhiều thế kỷ qua, người Công Giáo đã được căn dặn phải cẩn thận đối với việc đọc Kinh thánh (Xem Gigliola Fragnito, La Bibbia al rogo: La censura ecclesiastica e I volgarizzamenti della Scrittura, 1471 – 1605, Bologna: II Mulino, 1997). Tuy căn dặn ấy đã được giảm bớt vào những năm trước Công Đồng Vatican II, nhưng lúc này lời căn dặn ấy đã hoàn toàn biến mất khi người Công Giáo bị buộc phải đọc và nghiên cứu Kinh Thánh, kể cả đọc chung với anh em Tin Lành. Từ thế kỷ mười sáu, bị cấm tham dự đám tang và đám cưới trong các nhà thờ Tin Lành, nay người Công Giáo được khích lệ liên kết với những người khác đức tin vì nhiều lý do. Họ được khuyến khích “đối thoại” hoặc đàm thoại với những người ngoài Công Giáo, ngay cả về những vấn đề tôn giáo. 

Những quyết định của các công đồng khác hầu như đặc biệt nhắm đến hàng giáo sĩ; ngay cả khi có một ý nghĩa nào đó đối với cuộc sống của các Kitô hữu bình thường, thì những quyết định ấy vẫn bị trì trệ trong việc thực hiện và thường được áp dụng cách bừa bãi không thể hình dung được. Công Đồng Vatican II khác hẳn, và mọi người đều thấy “việc thực hiện công đồng” có vẻ hối hả trong các cộng đoàn Kitô hữu. Không một công đồng nào có thể so sánh với công đồng này về ảnh hưởng của công đồng ấy trên đời sống của mọi người Công Giáo và có thể so với những điều chỉnh đáng kể trong các thực hành Công Giáo và thái độ chung mà những thay đổi đó đòi hỏi.

Hơn nữa, đối với nhiều người Công Giáo, những điều chỉnh họ được yêu cầu thực hiện, như thể đang mang một sứ điệp mà các luật cũ không còn để ý đến nữa. Nhưng những điều chỉnh ấy là những điều chỉnh nào và điều chỉnh ở mức độ nào? Người ta không chỉ bàn về những thắc mắc, tự nó làm nhiều người hoang mang này, nhất là những người mang ý tưởng rằng Hội Thánh không thay đổi, trong các lớp học, các phòng giáo sư thôi mà cả trong bàn ăn của các gia đình lao động. Trong khi “cải cách”, theo truyền thống là một bộ luật để duy trì kỷ luật cách nghiêm túc và chính xác hơn, thì Công Đồng Vatican II lại như thể nhắm tới việc nới lỏng những gì đã trở nên quá cứng nhắc. 

Những dữ kiện này, cộng thêm với những mục đích trước đây còn mù mờ của công đồng đã góp phần cho những đặc điểm quan trọng và đặc trưng nhất của Công Đồng Vatican II: một phạm vi quan tâm rộng lớn. Công đồng ao ước “nói với hết mọi người”, như hiến chế về Hội Thánh trong Thế Giới Hôm Nay bày tỏ cách cô đọng. Công Đồng Vatican II quan tâm đến thế giới chung quanh mình hơn bất cứ công đồng nào khác, và công đồng coi việc đối thoại với thế giới này là một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình. Như thế, những quan tâm của công đồng đã được mở rộng ra, vượt quá các giới hạn của Hội Thánh Công Giáo nhiều, một sự vượt quá chưa hề có tiền lệ trong các công đồng trước. 




Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông
Trích trong quyển What Happened At Vatican II
By John W. OMaley
Printed in the United States of America in 2008. 

Một số điểm độc đáo của Công Đồng Vatican II Reviewed by Admin on 10/12/2012 Rating: 5 Giaolyductin.net - Các công đồng tự thân khác nhau và khác nhau cả trong các tương quan của chúng với Đức Thánh Cha, tám công đồng đầu ti...

Không có nhận xét nào: