Phương Bích - Nhìn ảnh chụp bà cụ Nhung nằm trên đất, trên dưới thi thể bà là những tấm khẩu hiệu kêu oan như một thứ vải liệm, chết mà mắt vẫn mở... tôi tin rằng chẳng ai có thể đành lòng, kể cả những kẻ vô tình hay vì tắc trách đã đẩy bà đến cái chết thương tâm này. Cái chết đó có thể chấm dứt những chuỗi ngày gian khổ, kể cả về tinh thần lẫn thể xác cho bản thân bà, nhưng nó lại khoét sâu thêm vào lòng căm phẫn của những người còn sống. Sao xã hội ngày nay lại nhiều cái chết oan trái đến vậy? Tôi tin là đều có câu trả lời trong lòng mỗi người. Chỉ là họ không nói ra, hoặc có nói ra thì kẻ cần nghe cũng không nghe...
*
Tin tức về cái chết của bà cụ Nhung nóng trên mạng ngay từ đầu giờ sáng hôm qua, rằng người ta phát hiện ra bà chết trong khi các lực lượng chức năng gồm công an, bảo vệ và dân phòng đi xua đuổi bà con dân oan ra khỏi vườn hoa Lý Tự Trọng. Đương nhiên là trước đó bà vẫn trong trạng thái bình thường, cùng với những người dân oan khác tại vườn hoa lúc bấy giờ.
Tôi không biết nói gì, cứ ngồi ngẫm nghĩ, tưởng tượng về hành trình của một người phụ nữ quê mùa, lặn lội từ Thanh Hóa ra Hà Nội đi khiếu kiện.
Thân già lận đận, biết đường nào mà đi, đến cửa nào mà kêu? Hẳn bà cũng như dân chúng tôi, đã từng gõ mọi cánh cửa có thể gõ. Nhưng cửa quan kín cổng cao tường quá, gõ mãi không thấu. Đến như dân chúng tôi đây, dẫu cũng là dân oan nhưng còn được ở ngay Hà Nội này, còn có chốn nương thân chứ không vật vờ mưa nắng ngoài vườn hoa, vỉa hè như bà và những người dân oan ngoại tỉnh khác. Và còn bao nhiêu nỗi cực nhọc khác mà người dân quê phải chịu đựng trên con đường đi tìm công lý cho họ, dân thành thị mấy ai thấu?
Tôi cũng không tin chỉ vì giằng co, xô xát mà có thể làm chết người. Nhưng cái giằng co xô xát ấy, hoàn toàn có thể khiến trong một khoảnh khắc xúc động dâng trào, khiến một người có thể đột tử ngay tức thì. Chuyện này tôi có nghe kể lại, trong vụ cưỡng chế nhà D2 Giảng Võ, một người đàn ông cũng đã đột tử ngay tại bàn làm việc, khi nghe người nhà báo tin chính quyền phường đang cưỡng chế nhà ông.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết. Nhưng điều không thể chối bỏ và lẩn tránh, đó là những nguyên nhân gián tiếp đã đẩy con người ta đến gần hơn với cái chết, và rồi kết thúc một đời người oan ức và cay đắng đến mức chết mà không nhắm được mắt.
Hai hôm nay, đâu đâu trên mạng cũng nghe thấy cái câu- chết không nhắm được mắt! Tôi chẳng muốn lạm dụng cái từ này quá, như một kiểu đổ thêm dầu vào lửa. Nhưng sự thực nó là thế, chả cần la lối um sùm, mà vốn dĩ một hình ảnh có thể thay cả ngàn lời nói. Nhìn ảnh chụp bà cụ Nhung nằm trên đất, trên dưới thi thể bà là những tấm khẩu hiệu kêu oan như một thứ vải liệm, chết mà mắt vẫn mở.... tôi tin rằng chẳng ai có thể đành lòng, kể cả những kẻ vô tình hay vì tắc trách đã đẩy bà đến cái chết thương tâm này. Cái chết đó có thể chấm dứt những chuỗi ngày gian khổ, kể cả về tinh thần lẫn thể xác cho bản thân bà, nhưng nó lại khoét sâu thêm vào lòng căm phẫn của những người còn sống. Sao xã hội ngày nay lại nhiều cái chết oan trái đến vậy? Tôi tin là đều có câu trả lời trong lòng mỗi người. Chỉ là họ không nói ra, hoặc có nói ra thì kẻ cần nghe cũng không nghe.
Xem ra ngày nay không công khai bằng ngày xưa. Cửa quan ngày nay không có trống và dùi, để dân đánh trống kêu oan, đỡ hẳn cái cảnh khẩu hiệu hay áo đỏ làm gì cho xấu hình ảnh của thủ đô như lời ông Nguyễn Thế Thảo phàn nàn. Thêm nữa cũng để các vị chức trách không ỉm đi hồ sơ kêu oan của dân chúng, khiến cho thiên hạ cứ tưởng xã hội vẫn hết sức bình yên và ổn định. Nhưng dám chắc nếu có cái trống đặt ở cửa tòa, thì thủ đô ta sẽ chẳng được phút nào bình yên vì tiếng trống kêu oan.
Không có nhận xét nào: