Canh cánh nỗi lo thất nghiệp, giảm lương - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
23 tháng 12, 2012

Canh cánh nỗi lo thất nghiệp, giảm lương

Nhật Minh, Ngọc Tuyên - Canh cánh nỗi lo thất nghiệp, giảm lương 

Nhật Minh - Ngọc Tuyên (VnExpress) - Trong gần 13.500 độc giả tham gia khảo sát của VnExpress, phần lớn cho biết mất việc, giảm thu nhập là vấn đề đáng lo nhất.

Cuộc khảo sát với chủ đề "Nỗi lo lớn nhất của bạn hiện nay là gì" được VnExpress.net tiến hành từ 7/12, thu hút gần 13.500 ý kiến tính đến chiều 21/12. Trong đó, mất việc, giảm lương dẫn đầu trong 5 mối lo của độc giả, với tỷ lệ lựa chọn lên tới 32,2%, vượt qua cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm phát hay bệnh tật, ốm đau...

Mối lo của độc giả khá trùng khớp với thực tế khó khăn của tình hình kinh tế hiện nay, khi số doanh nghiệp đóng cửa trong năm 2012 dự kiến đạt kỷ lục 55.000. 

Theo khảo sát chính thức về tình hình lao động 9 tháng đầu năm, vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tình trạng thất nghiệp có dấu hiệu bớt bi quan hơn so với năm 2011. Theo đó, trong số 52,6 triệu người đang ở độ tuổi lao động, số thất nghiệp chỉ ở mức 984.000, tức là tương đương khoảng 2%. Cả 2 con số này đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (giai đoạn 2006 - 2011, số thất nghiệp hàng năm thường dao động trong khoảng 1 - 1,2 triệu người). "Kinh tế 2012 rất khó khăn nhưng số liệu thất nghiệp lại không bi quan như nhận định", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Nguyễn Bích Lâm chia sẻ. 

Nhận định của đại diện ngành thống kê không sai nếu nhìn vào những con số. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc tỷ lệ thất nghiệp giảm là "khó hiểu". Chính vì vậy, câu chuyện đằng sau những con số mới là điều đáng quan tâm. "Số liệu thống kê lao động và việc làm tại Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, cả về tính chính xác lẫn ý nghĩa đối với nền kinh tế", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định. 

Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 
2006 - 2011. Nguồn: GSO

Trong khi tại nhiều nước, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, việc làm được xem là chỉ báo quan trọng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế thì tại Việt Nam, chỉ số này dường như chưa được quan tâm đúng mức: "Chỉ tiêu tạo việc làm mới vẫn đều đặn được báo cáo là hơn một triệu mỗi năm. Nhưng để chỉ ra những việc làm ấy ở đâu thì rất khó. Trong khi đó, các chỉ số thất nghiệp lại rất thiếu thực chất khi thống kê tại Việt Nam", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định. 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự "không thực chất" của chỉ số thất nghiệp, theo giới phân tích cũng như bản thân cơ quan thống kê là việc kinh tế Việt Nam đang sở hữu một khu vực lao động phi chính thức lớn và ngày một mở rộng. “Người làm nghề tự do cứ ngày một tăng. Năm 2010, con số này là 34,6% thì đến 2011 và 2012, con số này lần lượt tăng lên 35,8% và 36,6%”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết. 

Sự mở rộng của khu vực tự do này được cơ quan thống kê lý giải là do trình độ phát triển kinh tế còn thấp, đời sống chưa cao, an sinh xã hội chưa phát triển nên khi kinh tế khó khăn, số việc làm chính thức sụt giảm, người lao động thường không chịu cảnh thất nghiệp mà chấp nhận làm một số công việc tự do, với mức thu nhập thấp, bấp bênh để nuôi sống bản thân và gia đình. 

Việc làm này phần nào thể hiện nỗi lo thất nghiệp của người lao động, đồng thời cũng khiến cho các thống kê về việc làm ở khu vực chính thức trở nên kém ý nghĩa. “Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam, do đó chỉ phản ánh một phần sức khỏe của nền kinh tế, chứ không thể hiện rõ nét như đối với các quốc gia khác”, đại diện Tổng cục Thống kê nhận định. 

Nhiều người Việt chấp nhận công việc bấp bênh
 để có thu nhập. Ảnh: NYTimes
Một hệ quả khác của việc có nhiều lao động tự do là khiến cho các biện pháp khảo sát việc làm đang được áp dụng (chủ yếu là chọn mẫu - suy rộng) trở nên thiếu chính xác. Với cách chọn mẫu như vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, cơ quan thống kê có thể bỏ sót một lượng lớn người làm nông nghiệp, hoặc lao động trình độ thấp ở đô thị - những người được coi là thất nghiệp trá hình, tức là không có đủ thu nhập để duy trì cuộc sống. 

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng việc chưa thể có được con số thống kê chính xác về lao động, việc làm ở thời điểm hiện nay không phải là cái cớ để xem nhẹ chỉ báo này. Theo đó, việc cần làm trước hết là nâng cao chất lượng khảo sát bằng cách áp dụng các thông lệ quốc tế, nhưng phù hợp với thực tế của Việt Nam. “Ở Mỹ và một số nước, họ cũng tiến hành điều tra hàng tháng như Việt Nam. Nhưng họ đặt các trạm quan sát lao động ở từng vùng với số lượng phù hợp, căn cứ trên cung cầu lao động nên kết quả có được rất chính xác. Việt Nam, nếu có đủ nguồn lực, nên học theo mô hình này”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng gợi ý. 

Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, với điều kiện hiện nay, cơ quan thông kê chỉ nên áp dụng việc tính tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực chính thức. Còn ở nông nghiệp - nông thôn, chỉ nên áp dụng tỷ lệ thiếu việc làm. Ngoài ra, để đảm bảo tính chính xác và ý nghĩa của chỉ số thất nghiệp, Tiến sĩ Doanh cho rằng nhất thiết phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, qua đó tăng tỷ trọng lao động tại khu vực chính thức và biến đây trở thành động lực chủ yếu cho nền kinh tế. 



Canh cánh nỗi lo thất nghiệp, giảm lương Reviewed by Unknown on 12/23/2012 Rating: 5 Nhật Minh, Ngọc Tuyên - Canh cánh nỗi lo thất nghiệp, giảm lương  Nhật Minh - Ngọc Tuyên (VnExpress) - Trong gần 13.500 độc giả tham...

Không có nhận xét nào: