Nhìn Vào năm Tới - 2013 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
22 tháng 12, 2012

Nhìn Vào năm Tới - 2013

Những đườngbay vào vùng “lưỡi bò”.
Đoàn Nam Sinh - Chỉ mươi hôm nữa phải thay lịch. Nhìn quanh thấy người lo đón Noel, người lo chuyện Tết Tây nghỉ những 4 ngày, thị dân thì lo vật giá trượt ầm ào, nông dân sợ không có gì để ăn Tết... Trên Chính phủ cứ lòng vòng tự trọng với tự sướng, Nhà nước tìm những lời có cánh và Đảng quay qua trách cứ trẻ con vô tâm. Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản,… kéo nhau đổ như trò chơi domino. Thử nhìn vào năm tới – 2013 và dự đoán cái gì sẽ đến.

1. Trung Cộng sẽ làm gì ở biển Đông của ta:

Động thái quân sự hóa Ngư chính và Hải giám sẽ hỗ trợ cho việc xét tàu vào vùng lưỡi bò (do chúng vẽ ra) kể từ 01-01-2013, nhưng việc chính lại là bảo đảm cho việc thực thi tuyên bố không phận của cái gọi là Tam Sa bất hợp pháp sắp sửa ra đời. Như vậy, trên biển Đông ngư dân ta hết cơ hội tìm đất sống ngay trên ngư trường của tổ tiên bao đời. Tiếp đó toàn bộ vùng Trường Sa do Hải quân của ta trú đóng sẽ bị cô lập, thiếu thức ăn và nhu yếu phẩm,…

Công cuộc xây dựng căn cứ quân sự Tam Sa của Trung Cộng, xây kho nhiên liệu tại Hoàng Sa của ta và các cuộc diễn tập vượt rào, bắn thi, bắn đạn thật của bộ binh; tập bắn đêm của không quân; hợp đồng tác chiến với hải quân trên biển Đông cả tháng qua, đồng thời cũng là dịp chuyển quân, bố trí lực lượng,… chính là điều mà Tập Cân Bình mong muốn khởi đầu “cơ nghiệp quân vương” của mình khi xuất hành thăm Quảng Châu và Hải Nam: Bất ngờ dùng vũ lực bao vây và chiếm lĩnh toàn bộ các đảo cũng như bãi đá trong vùng nước nội thuộc đường 9 đoạn.

Sử dụng bài ruột cây roi và củ cà rốt, Trung Cộng đã xúc tác làm rệu rã khối ASEAN, lợi dụng tình trạng kinh tế đang suy thoái của Mỹ, Nhật Bản,… đồng thời tăng khả năng gây sự trên vùng Kashmir để kiềm chế Ấn Độ (Trong lúc Nga đã là đối tác chiến lược của Trung Cộng) thì thời cơ trong vòng nửa tháng – từ tuần cuối năm đến hết tuần đầu năm mới – đã chín muồi để “thu hồi lãnh thổ”, thực chất là ăn cướp nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” mà Hồ Cẩm Đào mong muốn trở thành cường quốc biển. Thời đoạn này các nước đồng minh cố cựu là Nhật và Hàn cũng đang bận lo việc củng cố nội các mới cùng với nước Mỹ đàn anh. Khối EU đang đối mặt với mùa đông kinh tế ảm đạm với dự kiến còn suy trầm cho đến 2015.

“Chuỗi ngọc trai” của Trung Cộng đã và đang xây dựng trải dài từ Maldive ngoài Ấn Độ Dương qua Srilanca vào tận nút cổ chai eo biển Malaca là Myanma nhằm bảo đảm cho việc vận chuyển nhiên liệu lâu dài về Bắc Kinh, đã khiến Ấn Độ và những nước ASEAN phải sớm ngổi lại với nhau bàn cách đối phó. Việt Nam muốn xây dựng đối tác chiến lược với Ấn Độ nhưng có vẻ không còn kịp nữa. Trung Cộng đã gián tiếp gây hoãn cuộc họp của 4 nước có tranh chấp biển đảo với họ trong những ngày gần đây là một ví dụ.

Trung Cộng đang hung hăng thực hiện kế hoạch “ngoại giao pháo hạm” đúng như kịch bản của Mỹ trước đây khi vươn lên mức siêu cường: Phủ sóng lên toàn Trung Mỹ và Nam Mỹ để xây dựng một sân sau vững chãi. Địa chính trị của Việt Nam với Trung Cộng hiện nay không khác gì Mỹ với Mexico thời ấy. Trong khi Mỹ tuyên bố tăng cường binh lực về Thái Bình Dương, xây dựng tam giác Đông Bắc Á, chọc vào Myanma,… nhưng tuyên bố không can dự gì vào các vụ việc tranh chấp biển đảo của các nước liên quan đến Trung Cộng, đúng với cam kết từ 1972: ta không đụng đến người thì người cũng không động đến ta.

Cuộc phân chia miếng bánh toàn cầu đã rõ như ban ngày. Mỹ mong muốn Trung Cộng hòa điệu vào kinh tế thế giới và phải bắt đầu gánh vác trách nhiệm siêu cường với cộng đồng quốc tế. Trung Cộng hiển nhiên đề kháng lại sự hòa nhập kinh tế chính trị theo truyền thống dân chủ Âu-Mỹ và muốn thiết lập trật tự thế giới mới theo xu thế riêng của mình: dùng đồng Nhân dân tệ khuynh loát tất cả. Người Hoa hải ngoại và đạo quân thứ 5 là những vọng gác tiền tiêu, là những mũi nhọn tiến quân thực hiện kế sách này.

Do đó, cuộc “cất vó” của Trung Cộng ở biển Đông tạo “cửa mở” xuống phía Nam lần này không loại trừ đảo Ba Bình mà Đài Loan đã cưỡng chiếm của ta ở vùng biển Trường Sa, trước nhất là thử thách thái độ của Mỹ và dập tắt mong muốn Mỹ bán vũ khí và trang cụ kiểm soát biển cho Đài Loan mà Mỹ lừng khừng không thể thực hiện từ bao lâu nay.

Như vậy , nếu kịch bản đánh chiếm hoàn thành, Trung Cộng sẽ thách thức toàn cầu và Việt Nam chính là nước chịu sự tổn thất ghê gớm nhất – trước khi Việt Nam kịp trang bị đủ thực lực khả dĩ tự vệ; Nga chưa vào Cam Ranh vì cam kết “tốt vàng” của “hai Đảng”; Mỹ chưa chịu bán vũ khí tấn công chiến lược vì chậm “cải thiện nhân quyền”; Ấn Độ hùng hổ tuyên bố nhưng chưa động binh,… – là mất trọn vẹn biển Đông.

2. Việt Nam chúng ta đang ở đâu và sẽ đi đến đâu trên tiến trình lịch sử:

Môn địa lý dạy cho ta biết mình đang ở đâu và địa chính trị, địa kinh tế - văn hóa,… cho thấy vai trò vị trí của đất nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Thế nhưng, Việt Nam đang tự đưa mình vào thế cô lập, không có đồng minh, khi các nước “anh em” thân thiết đang bị siết vào vòng kim cô phiên thuộc của ông lân quốc cựu thù truyền kiếp. Ông mảnh này đang dương gọng há mồm vơ cả phương Nam vào âm mưu đại bá mà các ông chủ nhỏ đang ngoan ngoãn tuân phục – siết cổ bất kể thần dân nào dám động đến dù chỉ sợi lông chân ông “bạn vàng”.

Môn sử học cũng dạy chúng ta ôn cố tri tân để biết được mình đang đi đến đâu và phải ứng xử hợp thời thế như thế nào với mọi người cũng tương tự như quốc gia với cộng đồng quốc tế. Thì ta đang thụt lùi về tất cả các mặt, trong lúc những nước trước đây vốn không hơn gì chúng ta mà chỉ mấy chục năm đã hóa rồng như Hàn, Mã hay Thái. Vì sao? Không thể nói gì khác hơn là do cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa trên toàn quốc thất bại đã phá hoại mọi tiềm lực của đất nước, của dân tộc. Nay “lãnh đạo” ta lại muốn làm một anh học trò tồi của Trung Quốc trong xây dựng thể chế, trong kiến thiết kinh tế dưới danh hiệu nửa vời – phe xã hội chủ nghĩa, mà thực chất chẳng ai – kể cả giảng viên chính trị cho đến đảng viên thường – mong muốn thành công vì ám ảnh bóng ma tội ác trong quá khứ của chính chế độ chính trị xã hội này đã gây ra từ Nga, Tàu cho tới nước Việt.

Kết cục, một vị Đại tá quân đội – PGS. TS. NGƯT. – mới đây đã nói toạc ra cho đội ngũ “máy cái” của nền giáo dục thủ đô một phiên bản: Bảo vệ tổ quốc XHCN thực chất là bảo vệ cái sổ hưu cho người đã và sẽ hưởng hưu bổng (Một dị bản còn đảng còn mình hay vinh thân phì gia, bàng quan tọa thị, vô cảm trước nỗi đau bị bắt làm nô lệ của nhân dân, nổi nhục bị vong thuộc của đất nước).

Những ngày tới, tàu biển của ta sẽ phải đi vòng quanh “lưỡi bò”, nếu không chịu nhượng bộ thêm và sẽ thêm nữa. Còn đường bay quốc nội và quốc tế, chiếm hơn phân nửa số phi vụ bay vào “không phận Tam Sa” sẽ bay như thế nào ?

Hồ Chí Minh khi kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã tóm gọn lại một quy luật:… ta càng nhân nhượng địch/ giặc càng lấn tới,… Thử hỏi chúng ta còn phải làm gì?

Dân đang rất nghèo khi sự phân cực giàu nghèo ngày càng cách biệt. Tiềm lực quốc gia đang cạn kiệt, các bộ ngành đang ra sức tận thu tận vét những đồng chinh tiết kiệm của đại bộ phận dân chúng vào kế sách nuôi bộ máy vốn kém hữu hiệu để thể chế tồn tại.

Chỉ có thể, một lần duy nhất và càng sớm càng tốt, những ai đó đang đại diện quốc gia nếu còn có chút lòng thành – nên long trọng tuyên bố: Nước chúng tôi từ bỏ những con đường không gắn bó được với độc lập dân tộc. Ngay lập tức, Việt Nam ta sẽ thêm bạn bớt thù, sẽ vững bước trên con đường độc lập tự do mà 3 thế hệ liền đã đổi cả xương máu để có được. Lúc ấy cũng sẽ có mọi nguồn lực đáng kể giúp cứu nguy cho đất nước – trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc mà bao lâu nay chúng ta chưa có được.

Sài Gòn, ngày 20/12/2012
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Nhìn Vào năm Tới - 2013 Reviewed by Unknown on 12/22/2012 Rating: 5 Những đườngbay vào vùng “lưỡi bò”. Đoàn Nam Sinh - Chỉ mươi hôm nữa phải thay lịch. Nhìn quanh thấy người lo đón Noel, người lo chuyện...

Không có nhận xét nào: