VRNs (24.12.2012) - Hà Nội - Kính gửi
Anh chị em cộng đồng Thái Hà và quý thân hữu,
Ơn Chúa thương, chúng ta lại được cùng nhau hát lên những lời ánh sáng: “Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm và dưới đất bình an cho những người được Chúa đoái thương” (Lc 2, 13).
Khi Thiên Chúa đến với những con người đang khắc khoải giữa một cuộc sống còn nghèo cả vật chất, lẫn nghèo công lý, nghèo tình thương, thì Ngài đã không dùng những lời lẽ hay lý thuyết kỳ bí, nhưng đã dẫn các mục đồng đến chiêm ngắm một trẻ thơ mới sinh vất vưởng nơi máng cỏ hang lừa. Kể từ đó, người thế gian được biết “Lời làm người” (Gn 1,14), Thiên Chúa đồng hành với con người trong cuộc sống, trải qua mọi nông nỗi nhân sinh, vui mừng và đau đớn, bi ai và giải thoát, lầm than và hy vọng, để cuối cùng cho ta nhận ra dung nhan “Cha chúng ta ở trên trời, danh Cha cả sáng, Nước Cha đến, ý cha thành” (Mt 6,9-10). Đó là trải nghiệm của Dân Chúa hết đời này đến đời khác, cho đến chúng ta hôm nay và mai sau. Lễ Giáng sinh về, tự thâm tâm chúng ta lại có được niềm vui đón mừng mầu nhiệm ấy.
Đặc biệt, năm nay là Năm Đức Tin của Hội Thánh Công Giáo để kỷ niệm 50 năm Công Đồng Vatican II. Công Đồng là một thời điểm Hội Thánh toàn cầu cùng nhau về nguồn Đức Tin, nhìn lại những hoa trái của Đức Tin đã nẩy nở qua hai mươi thế kỷ lịch sử để chia sẻ kho báu tâm linh ấy cho thời hiện tại và tương lai. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI kêu gọi các tín hữu tái khám phá những sự phong phú và niềm vui thẳm sâu của Đức Tin trong cuộc đồng hành với Đức Kitô, “Lời Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta” ( Gn 1, 14). Chúng tôi xin cầu chúc toàn thể cộng đoàn và các thân hữu niềm vui khám phá đó. Về phần mình, và trong mức độ khả năng cho phép, Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà sẽ làm hết sức để chúng ta cùng nhau tìm đến nguồn Lời Chúa, chia sẻ và soi sáng lẫn cho nhau về những hồng ân tiềm tàng trong cuộc sống này. Chúng tôi rất mong và kỳ vọng nơi những dịp gặp gỡ của anh chị em cộng đoàn Thái Hà và các thân hữu.
Khi chúng tôi viết những hàng này, thì Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu vừa họp ở Giáo phận Xuân Lộc. Đây là lần đầu tiên Giáo Hội Việt Nam có thiện duyên được đón tiếp các vị lãnh đạo Dân Chúa đến từ toàn châu lục. Một biến cố như thế vào thời điểm này quả là rất giàu ý nghĩa.
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu là kết quả của tinh thần Vatican II. Chủ đề của Đại hội năm nay là: “Kỷ niệm con đường 40 năm qua của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu: đáp lại những thách đố tại châu Á”. Ngay từ khi thành lập, Giáo hội tại Á Châu đã muốn mở ra ba con đường, ba cuộc đối thoại bền bỉ: “Đối thoại với người nghèo, đối thoại với các nền văn hóa, đối thoại với các tôn giáo”. Ba định hướng ấy còn được long trọng xác nhận trong Năm Thánh 2000 và cho đến nay, Giáo Hội vẫn kiên trì theo đuổi. Bắc được ba nhịp cầu ấy chính là đáp lại được những thách thức mà Châu Á đang đặt ra trước Giáo Hội.
Cộng đoàn Thái Hà vốn chỉ là một thành phần nhỏ bé của Giáo hội trên đất nước Việt Nam và trên lục địa mênh mông; tuy vậy, chúng ta vẫn mong được chung phần với toàn thể Giáo hội để bắc ba nhịp cầu đó.
Trước tiên, xin nghĩ đến sự đồng hành với người nghèo. Đất nước chúng ta vẫn là một đất nước nghèo. Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm gần đây trên khắp thế giới lại thêm trầm trọng bi đát vì những khuyết tật vật chất và tinh thần của kinh tế Việt Nam.
Hậu quả đã nhãn tiền bởi đa số anh chị em chúng ta vẫn gặp nhau ở Thái Hà đều là người nghèo. Không cần phải là chuyên viên kinh tế, chúng ta cảm thấy cuộc khủng hoảng ấy ngay trong ngân quỹ, trong nếp sống, trong lo toan của từng gia đình, trong vật giá, trong bữa cơm hằng ngày. Chúng tôi nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, những bệnh nhân, những người mang công nợ, những người thất nghiệp, những anh chị em di dân đang lao đao kiếm sống, những em sinh viên đang thiếu thốn đủ bề kham khổ để theo đuổi việc học hành, những người già neo đơn thiếu thốn ở những vùng sâu vùng xa mà chúng tôi được gặp… Bao nhiêu hoàn cảnh là bấy nhiêu tâm sự...
Chúng tôi hết lòng tạ ơn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vì Người đã dùng ngôi đền đơn sơ ở Thái Hà làm nơi gặp gỡ cho anh chị em nghèo chúng ta. Thái Hà không hề có khả năng biến sự nghèo khổ túng bấn thành sung túc cho bao nhiêu người. Nhưng ơn Chúa thương, chúng ta đã nhiều lần cảm nhận được kinh nghiệm quý báu mà các thánh tông đồ Phêrô và Gioan truyền lại cho chúng ta khi các ngài nói với người tàn tật ăn xin: “Bạc vàng tôi không có, nhưng có gì thì tôi xin tặng anh, nhân danh Đức Giêsu Kitô, anh hãy đứng dậy mà đi” (Cv 3, 6). Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ngày nay vẫn nói với các bạn nghèo chúng ta những lời ấy. Ân huệ ấy phát xuất từ Chúa Giêsu, Đấng với năm chiếc bánh và hai con cá đã nuôi sống nhiều ngàn người. Tất cả những gì chúng ta cùng làm với nhau ở Thái Hà cũng chỉ là năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng ơn Chúa mới là nguồn sức sống bất tận.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh cảm nghiệm tâm linh này. Hội Thánh vẫn dạy và chúng ta vẫn biết rằng cái nghèo không chỉ là nghèo vật chất hay tiền bạc, nó có thể là sự bần cùng về tinh thần, sự cạn kiệt về đạo đức, sự héo tàn của tình yêu thương. Cái nghèo đó đưa đến bạo lực, bất nhân, đến sự chà đạp các giá trị tinh thần, đến những cơ cấu tội lỗi trong xã hội. Gần đây, Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam trong phúc trình ngày 1/11/2012 trình lên Giáo Hội đã phân tích những tệ nạn đang đầu độc cuộc sống vật chất và tinh thần của xã hội ta. Những tệ nạn ấy cho đến nay vẫn chưa chỉnh đốn được. Mỗi tệ nạn ấy là một dạng nghèo: nghèo công minh, nghèo nhân ái, nghèo tự do, nghèo nhân phẩm. Chúng tôi thiết nghĩ đó chính là những “thách thức” cho Dân Chúa ở Châu Á, và cho người Châu Á nói chung.
Chúng tôi nhắc tới hiện trạng này không phải để than thở đắng cay hay uất hận. Nhưng trong tinh thần “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, hãy đứng dậy mà đi”, chúng ta vẫn bất chấp những khó nghèo tù túng đó để quan tâm, săn sóc, tương trợ, yêu thương nhau trong nghịch cảnh. Nhờ Lời Chúa nâng đỡ, chúng ta cùng nhau vun trồng tinh thần vị tha, nhân ái, hòa bình. Đó chính là tinh thần Tám mối Phúc của Tin Mừng. Chúng tôi cảm thấy phấn khởi được cùng anh chị em và thân hữu khắp nơi chia sẻ và đồng hành trong tinh thần ấy.
Với tinh thần như vậy, nhịp cầu chia sẻ với người nghèo có thể cũng trở nên nhịp cầu chia sẻ về văn hóa và tôn giáo. Các Đức Giáo Hoàng từ hậu bán thế kỷ XX đến ngày nay bằng nhiều cách luôn kêu gọi chúng ta xây dựng một nền văn hóa của tình thương và sự sống để khắc phục cái ngụy văn hóa của bạo lực và sự chết. Nhiệm vụ này thật vô cùng khẩn thiết vào thời điểm toàn thể xã hội chúng ta đang lo âu về sự lan tràn của cuộc khủng hoảng tinh thần và đạo đức, về nền giáo dục xuống cấp và lạc hướng; bạo lực, tội ác, các tệ nạn gia tăng; kỹ năng sống giảm sút. Đối phó với thảm trạng đó, chúng ta hãy dựa vào tinh thần yêu thương và phục vụ sự sống của Hội Thánh, hãy tìm cảm hứng trong những thành tựu và thể hiện của Dân Chúa trong dòng lịch sử để hòa nhập vào những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc và tiếp thu những sáng tạo tiến bộ của thời đại.
Vẫn biết cuộc khủng hoảng hiện đại đang tạo ra nguy cơ xói mòn những giá trị truyền thống của dân tộc; vẫn biết nhiều ý kiến bi quan cho rằng giới trẻ ngày nay tiếp thu những cái hời hợt, cái tiêu cực, cái xấu dễ hơn và mau hơn là tiếp thu tinh hoa của thời đại. Nhưng chúng ta phấn khởi nhận ra rằng những chân giá trị vẫn luôn có một nội lực. Nội lực ấy đôi khi âm thầm và kín đáo, nhưng kiên trì, bền bỉ ở khắp nơi trong xã hội chúng ta, bất chấp những khác biệt về tư tưởng hay tôn giáo. Chính ở đây, chúng tôi kỳ vọng nhiều vào sự gặp gỡ, chia sẻ, cảm thông với các thân hữu ngoài Kitô giáo. Các vị là những người góp phần quan trọng để duy trì và phát huy ánh sáng văn hóa. Chúng tôi xin chia sẻ với các vị những ưu tư khắc khoải về xã hội, con người và thời đại; xin chia sẻ cả những gian nguy khó nhọc trong hoàn cảnh xã hội còn nhiều tiêu cực. Chúng tôi tiếp nhận với lòng quý mến và biết ơn những thành quả các vị đem lại cho toàn thể dân tộc và xã hội. Chúng tôi vui mừng được đóng góp phần nhỏ bé của mình vào những bước tiến chung đó. Sự thân tình quý vị dành cho chúng tôi; cũng như sự hiện diện của nhiều anh chị em chúng tôi bên quý vị trong những nỗ lực chung đã khơi lên niềm hy vọng về những hoa trái tinh thần mà ngôn ngữ Thánh Kinh gọi là “Men và muối” cho cuộc đời.
Sau nữa, nếu chúng ta đã gặp nhau trong lòng yêu mến, phục vụ người nghèo và nếu từ đó đã khơi nguồn cảm thông trong văn hóa, thì ta có hy vọng xây dựng được nhịp cầu tôn giáo. Trong ý hướng đối thoại tôn giáo, phải nhìn nhận ở Thái Hà, vì nhiều giới hạn về nhân lực cũng như hoàn cảnh, chúng ta chưa có được những trao đổi chuyên sâu. Nhưng chúng ta cũng có những cơ duyên quý báu, đó là những dịp tiếp xúc với nhau thường xuyên ở nhiều góc độ. Ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vẫn là nơi rộng mở cho mọi cuộc hội ngộ chân thành. Với tấm lòng thành ấy, dù là giữa người bình dân hay trí thức, các quan hệ sớm hay muộn đều mang tính văn hóa và tâm linh, với nhiều sắc thái khác nhau. Và như thế, sự thân thương giữa những người khác tín ngưỡng sẽ hướng ta về những chân trời siêu việt.
Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI, trong Sứ Điệp về ngày Hòa bình thế giới 1/1/2013 sắp tới, với chủ đề “Phúc thay ai gây dựng Hòa bình” có nói về “bản tính thật của người ta… có khả năng nội tại biết được sự thật và sự thiện”. Và do đó, “để thành những người thật sự gây dựng hòa bình, thì cần quan tâm đến chiều kích siêu việt”... Đó cũng là điều mà Thái Hà, trong giới hạn nhỏ bé của mình, nguyện bền tâm học đòi và đi theo.
Nay đã đến lễ Giáng Sinh và năm mới 2013 Quý Tị đang chờ đón chúng ta. Xin cầu nguyện cho tất cả chúng ta thu được nhiều hoa trái bình an và nhân ái. Xin kính chúc cộng đồng Thái Hà và các thân hữu lễ Giáng Sinh và năm mới hạnh phúc trong tâm hồn và trong đời sống, vì con đường Đức Tin chúng ta đi là con đường của Thiên Ân.
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà
Vũ Khởi Phụng
Không có nhận xét nào: