Nguyễn Quang Duy - Khai mạc Hội nghị Công an Toàn quốc, tháng 12-2012, Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố lực lượng công an cần phải cương quyết đấu tranh không để hình thành “các tổ chức chính trị đối lập”. Đây lần đầu tiên, một giới chức cao cấp cộng sản chính thức sử dụng hai từ “đối lập” thay vì các cụm từ khác như bọn xấu, bọn phản động, kẻ thù, thế lực thù địch,… để gán ghép cho các tổ chức đấu tranh, bởi thế ông Dũng tạo không ít ngạc nhiên cho những người quan tâm thời cuộc.
Bài viết này xin bình luận về hai chữ đối lập, để thấy đối lập là bản chất của thể chế tự do và khi chưa có tự do sẽ không có đối lập.
Đối lập kinh tế
Một sản phẩm khi mới bắt đầu xuất hiện trên thị trường giá thành rất cao, nhu cầu chưa có vì vậy sản lượng sản xuất cũng ít. Nhưng chỉ sau một thời gian số cung sẽ nhiều hơn, giá thành sẽ giảm xuống và số người tiêu thụ sẽ cao hơn. Đến một lúc nào đó hai lực cung và cầu sẽ cân bằng, thị trường sẽ ổn định tiến đến bão hòa.
Mặc dù hai lực cung và cầu đối lập nhau, nhưng trên thương trường cả người bán lẫn người mua đều gắn bó với nhau. Lực cung do người bán quyết định còn lực cầu là từ phía người mua để đạt đồng thuận giá cả của món hàng. Về mặt cầu, mỗi sản phẩm phải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, từ lợi tức và khả năng của người tiêu thụ đến phẩm chất và hình thức quảng cáo món hàng. Về mặt cung, mỗi sản phẩm phải chịu ảnh hưởng của nhiều lực đẩy khác nhau, từ giá cả của nguyên nhiên vật liệu đến năng suất lao động sản xuất mặt hàng. Cùng một sản phẩm lại có nhiều nhà cung cấp khác nhau cạnh tranh ráo riết từ giá cả đến việc quảng cáo để thu hút người mua.
Mỗi sản phẩm lại có nhiều các sản phẩm khác có chung một công dụng và có thể thay thế cho nhau. Thí dụ việc du lịch xuyên tỉnh, cũng để đến một nơi chúng ta có thể đi xe nhà, có thể mướn xe, đi taxi, đi phi cơ, đi xe lửa, đi xe bus. Các nhà cung cấp vì vậy phải cạnh tranh ráo riết để bán sản phẩm của mình hầu phục vụ người mua một cách hữu hiệu và hiệu quả hơn với nhiều mặt hàng đa dạng hơn. Cuối cùng người tiêu thụ
chính là người được hưởng. Tại Úc, nhiều khi giá vé máy bay rẻ hơn giá các phương tiện phục vụ khác rất nhiều. Khi nhắc đến kinh tế tự do, chúng ta thường nhắc đến bàn tay vô hình với hai lực đối lập, lực cung và lực cầu luôn điều chỉnh thị trường tiến đến trạng thái cân bằng và ổn định. Nền kinh tế tự do là một nền kinh tế của dân, do dân và vì dân, trên lý thuyết hai lực đối lập cung và cầu tự nó sẽ đưa đến phát triển, công bình, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc.
Kinh Tế và Chính Trị
Trên thực tế cá nhân thường ích kỷ, thiếu sáng suốt, hành động không nghĩ đến, hay không thể nghĩ đến nhân quần xã hội, đến thế hệ tương lai, tạo không ít những rủi ro cho xã hội. Dẫn đến thất bại của kinh tế tự do. Thất bại điển hình nhất là khỏang chênh lệch giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng mở rộng. Sinh ra nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Từ thất bại này phát sinh hai khuynh hướng đối lập nhau: khuynh hướng tự do và khuynh hướng xã hội. Những người theo hai khuynh hướng trên xây dựng lý luận và hình thành hệ thống chính trị trực tiếp can thiệp vào kinh tế tự do điều chỉnh những rủi ro mà kinh tế tự do không thể tự nó điều chỉnh.
Đảng Cộng sản lợi dụng sinh họat tự do và ý thức xã hội, lấy đấu tranh giai cấp quy tụ dân nghèo vô sản tiêu diệt dân giàu tư sản. Khi cướp được chính quyền, cộng sản cho xây dựng một thể chế tòan trị, triệt tiêu tự do, tiêu diệt đối lập và tiêu diệt mọi động năng đối lập. Khi động năng đối lập đã bị tiêu diệt, cả hệ thống chính trị bị đình trệ, suy thóai, lao vào khủng hỏang, rồi sụp đổ.
Trước ngày guồng máy cộng sản Liên Xô sụp đổ, ông Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ Chính trị, đã công khai quan điểm chính trị như sau: “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng). Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại.”
Từ đó ông Bách đề ra một phương hướng cho đảng Cộng sản thay đổi để sống còn như sau: “Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.”
Năm 1990, “Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” Liên Xô hòan tòan sụp đổ. Sợ hãi tư tưởng đa nguyên chính trị do ông Trần xuân Bách đề xướng, đảng Cộng sản Việt Nam xoay qua bám lấy Trung cộng và sao chép mô hình “phát triển” Trung cộng. Theo mô hình này đảng Cộng sản cho “cởi trói” một phần của nền kinh tế, nhưng tiếp tục tiêu diệt đối lập chính trị. Do chọn sai con đường họ đã đưa đất nước vào cơn khủng hỏang tòan diện. Ông Bách bị khai trừ và bị đuổi khỏi Bộ Chính Trị.
Đa Nguyên
Thật ra ông Trần Xuân Bách đã được đảng giao cho công việc nghiên cứu tìm hiểu và chỉ dám đề nghị đổi mới chính trị bằng đa nguyên chính trị. Đa nguyên là khác biệt ý kiến, tư tưởng, nhận thức và phương cách giải quyết vấn đề. Đa nguyên chấp nhận sự khác biệt, bằng phương tiện đối thoại để dung hòa sự khác biệt, để nhường nhịn cùng chung sống, cùng phát triển không cần phải tiêu diệt người khác chính kiến. Những ý kiến, những tư tưởng được đa số công nhận sẽ trở thành quy ước chung. Các ý kiến các tư tưởng chưa được đa số chấp nhận thường có nhiều cơ hội để được mang ra tái cứu xét. Đó chính là căn bản của sinh họat dân chủ và đối thọai chính là phương tiện để thực hiện đa nguyên dân chủ.
Trong vòng tháng qua, cộng đồng mạng không ngừng bàn cãi về nội dung quyển “Bên Thắng Cuộc” do Huy Đức một nhà báo được đào tạo trong chế độ cộng sản, thu nhặt tài liệu, viết và phổ biến. Hằng trăm bài bình luận quyển sách, mỗi bài nhìn một góc cạnh khác nhau. Hằng ngàn ý kiến và tuyên bố về quyển sách, về các bài bình luận, mỗi ý kiến mỗi tuyên bố biểu lộ chính kiến khác nhau.
Hiện tượng “Bên Thắng Cuộc” có thể xem là một hiện tượng đa nguyên chưa từng có trong sinh họat chính trị Việt Nam. Ít người nhận ra rằng nếu không có một không gian mạng tự do sẽ không có hiện tượng này. Có tự do, mới có đa nguyên và cuối cùng chính người đọc là người phán xét.
Trong khi ấy chế độ cộng sản vẫn tiếp tục muốn duy trì độc quyền tư tưởng chính trị, hiện tượng Huy Đức “đi tìm sự thật” là hiện tượng bị họ khép cho những cụm từ tự diễn biến, tự chuyển hóa, trong diễn biến hòa bình. Diễn biến hòa bình là nỗi lo sợ nặng nề nhất đang đè trên đầu giới cầm quyền cộng sản, khi sự thật đã được phơi bày đảng Cộng sản trần truồng là một tổ chức côn đồ đầy tội ác.
Thực tế chứng minh đảng Cộng sản Việt Nam thiếu khả năng điều hành đất nước và càng ngày càng lệ thuộc vào đảng Cộng sản Tầu. Đứng trước tình trạng sụp đổ đảng Cộng sản tìm mọi cách trì hõan tình thế để tồn tại. Trong kế họach trì hõan sụp đổ có thể có việc thành hình thành phần “đối lập hình thức” tạo một bầu không khí sinh họat
dân chủ giả tạo.
Đa Đảng Hình Thức Đa nguyên thường đi đôi với đa đảng. Tuy vậy chúng ta cần phân biệt đa đảng hình thức và đa đảng đối lập. Trước năm 1986, tại Việt Nam ngòai đảng Cộng sản còn có hai đảng khác là đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội. Hai đảng này được đảng Cộng sản lập ra và cho phép tồn tại chỉ nhằm tô điểm cho chế độ độc tài cộng sản mang bộ áo đa đảng hình thức. Khi đảng Cộng sản phải đổi mới kinh tế và đứng trước đòi hỏi đa nguyên, hai đảng này trở nên nỗi đe dọa cho giới chức cầm quyền nên bị giải tán ngay sau đó. Đảng Cộng sản Tầu tự tin hơn đảng Cộng sản Việt nên hiện thời vẫn giữ lại 8 đảng và tổ chức “chính trị” tại Trung Hoa. Các tổ chức này không giữ vai trò đối lập mà chỉ sinh họat hình thức, không khác gì các tổ chức trong cái gọi là “Mặt Trận Tổ Quốc” tại Việt Nam. Vai trò của các tổ chức này là góp ý cho đường lối đảng Cộng sản đề ra, ý kiến của họ phải tự kiểm duyệt để không làm mất lòng giới chức cầm quyền cộng sản, thậm chí phải ca ngợi đường lối của đảng Cộng sản.
Đa Đảng Đối Lập
Theo Giáo sư Nguyễn văn Bông đối lập chính trị cần có ba đặc điểm: thứ nhất là phải có sự bất đồng về chính trị, thứ hai là phải có tính cách tập thể và thứ ba là phải hợp pháp. Xin được tóm tắt và diễn giải ba đặc điểm Giáo sư Bông đề ra:
1. Trước nhất, đối lập phải có sự bất đồng về chính trị.
Thực chất đối lập chỉ có, khi nào những kẻ chống đối có thể tổng hợp lại tất cả những vấn đề được đặt ra, đưa những vấn đề ấy lên một mực độ đại cương và phán đoán theo một tiêu chuẩn chính trị. Nghĩa là phải có chiến lược và chính sách đối lập.
2. Đối lập chỉ có khi nào sự bất đồng chính kiến mang tính cách tập thể, biểu hiện hành động có tổ chức của những người đối lập. Nói đến hành động có tổ chức là nghĩ ngay đến chính đảng. Chỉ có đối lập khi nào có chính đảng đối lập.
3. Có thể vì một lý do gì đó một đoàn thể phải dùng võ lực chống lại chính quyền hay một chính đảng, phải hoạt động âm thầm trong bóng tối. Những hành động ấy, cho dù có tính cách tập thể và do bất đồng chính kiến, nhưng không được xem là đối lập. Vì đối lập phải hoạt động trong vòng pháp luật cho nên những hành động ấy chỉ được xem là những hành động đối kháng hay kháng chiến.
Dựa trên 3 đặc điểm vừa nêu ra Giáo sư Bông giải thích: “…đối lập phát sinh ở sự thực hành chính trị và liên quan đến lịch trình biến chuyển của chế độ Đại Nghị. Nói đến đối lập tức là nói đến cái gì ở ngoài đa số, ngoài chính phủ. Đối lập là khía cạnh nghị viện của vấn đề…”
Nói một cách rõ hơn, dưới chế độ cộng sản Việt Nam chỉ có những cá nhân bất đồng chính kiến, các đảng và tổ chức đấu tranh chính trị giải thể cộng sản. Và khi cộng sản còn tồn tại sẽ không và không bao giờ có thể hình thành được đối lập. Việc Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố lực lượng công an cần phải cương quyết đấu tranh không để hình thành “các tổ chức chính trị đối lập”, không khác gì việc Nguyễn tấn Dũng ra lệnh lực lượng công an gia tăng trấn áp Phong Trào Dân Chủ Việt Nam.
Trò chơi mới con cờ mới.
Chỉ một năm về trước Nguyễn Phú Trọng còn ảo tưởng sử dụng “phê và tự phê” để đánh tham nhũng, trong sạch hóa guồng máy cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Hội Nghị 6, giữa tháng 10-2012, ông Trọng vừa mếu máo, vừa nức nở xin các đồng chí Ủy Viên Trung Ương Đảng thứ lỗi. Ông cho biết việc “phê và tự phê” đã thất bại ông không làm gì được “một” đồng chí trong Bộ Chính Trị. Kết quả còn cho thấy quyết định “dân chủ” trong một tập thể Ủy viên tham nhũng chỉ là sự bao che cho đồng chí trong Bộ Chính Trị tiếp tục tham nhũng.
Đến cuối năm khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng lại phát biểu “đã sinh ra quyền lực thì phải có các cơ quan kiểm soát quyền lực” và ông ra quyết định thành lập lại ban Nội chính và ban Kinh tế Trung ương nhằm thực hiện việc “Kiểm soát quyền lực”.
Đầu năm nay, Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính, được giao Trưởng Ban Kinh tế nhằm thẩm định các đề án về kinh tế - xã hội quan trọng trước khi đưa lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng Cộng sản. Thực chất vai trò của Ban này cũng chỉ là góp ý theo đường lối đảng Cộng sản đã đề ra. Các đường lối lại đều dựa trên nguyên tắc giữ vững con đường của chủ nghĩa xã hội và duy trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Con đường đã bị nhân lọai đào thải.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, Nguyễn Bá Thanh thì được bổ nhiệm làm Trưởng ban Nội chính, lo việc bài trừ tham nhũng. Ông Thanh một người biết “ăn” và biết “nói”, nhưng khả năng ăn nói của ông chỉ giúp “ngụy biện” cho sự thối nát từ bên trong và bên trên đảng Cộng sản Việt Nam. Thực quyền của ông chưa có, ông cũng nổi tiếng tham nhũng, thậm chí có dư luận cho rằng ông là người thân của Nguyễn Tấn Dũng, người đang nắm thực quyền.
Nói rõ ra khi mà đảng và nhà nước vẫn chỉ là một, thì không thể có những cơ quan kiểm sóat quyền lực của đảng và nhà nước thối nát này. Và nói tóm lại hai ban Nội chính và Kinh tế đựơc dựng lại chỉ nhằm trì hõan con đường tiến đến tự do dân chủ cho Việt Nam.
Đối Lập Chính Trị
Giáo sư Nguyễn văn Bông cho rằng: “Nếu tinh túy của dân chủ là lòng độ lượng, khoan dung và tự do chính trị, thì lẽ tất nhiên lòng độ lượng, khoan dung và tự do chính trị ấy được thể hiện trên bình diện chính trị, qua những quyền của đối lập và sự hiện diện của đối lập chỉ là kết quả của sự thừa nhận tự do chính trị.” Dưới đây là một số nhu cầu để có được đối lập lành mạnh.
Sự hiện diện của tự do chính trị và đối lập lành mạnh chính là để hạn chế và kiểm sóat quyền lực của chính quyền. Đối lập một mặt giúp chính quyền bỏ bớt những tư tưởng hẹp hòi, thái độ cứng rắn, những chương trình mỵ dân, những hứa hẹn hão huyền, bám sát với thực tế quốc gia.
Đối lập cũng bảo đảm tính cách chích xác và công khai của những quyết định của nhà nước. Qua tự do phát biểu ý kiến, đối lập bắt buộc chính phủ phải tiết lộ mọi ý định của họ, những lý do đẫn đến quyết định một chính sách. Và như thế, đối lập bảo đảm rằng, khi một biện pháp hay chính sách được chấp thuận, những lý lẽ chống đối hay bênh vực biện pháp, chính sách ấy, đều được công khai đưa ra dư luận.
Qua những cuộc tranh luận, những câu hỏi được đặt ra trước Quốc Hội đối lập sẽ kiểm sóat để chính phủ và các cơ quan hành chính không được lạm dụng quyền lực, hạn chế tham nhũng, tránh được những phí phạm không thực sự mang lợi ích cho người dân.
Đối lập từ hai khuynh hướng tự do và xã hội sẽ đưa đất nước phát triển, công bình, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc.
Đối lập cũng bảo đảm các cơ quan hành chính phải độc lập với chính đảng cầm quyền.
Đối lập sẽ ngăn chận mọi hành vi chính đảng cầm quyền cấu kết với ngọai bang bán đứng Tổ Quốc như đảng Cộng sản đã đang làm và sẽ tiếp tục làm.
Đối lập cũng đưa ra những chiến lược những chính sách có thể thay thế chính phủ đương nhiệm, nếu được đa số ủng hộ qua những cuộc bầu cử tự do đối lập sẽ trở thành chính phủ chính danh.
Và quan trọng nhất đối lập là cơ hội để học nghề quản lý quốc gia. Khi người dân đã chán ngán một chính phủ, người dân sẽ dồn phiếu tạo cơ hội đối lập nắm chính quyền.
Nhờ thế các thể chế dân chủ đa đảng đối lập thường ít xẩy ra bạo lọan và luôn trên đà phát triển.
Kết Luận
Khi đảng cộng sản còn cai trị Việt Nam, nếu có đối lập cũng chỉ là hình thức không thực chất. Việc giải thể chế độ cộng sản chính là để xây dựng một thể chế đa đảng đối lập. Có đa đảng đối lập mới có thể giảm thiểu nạn tham nhũng, có thể đề ra một con đường, đưa ra những chính sách đưa Việt Nam phát triển, mang tự do, dân chủ, công bằng thịnh vượng đến cho người dân.
Bài viết này tập trung thảo luận tiền đề có tự do mới có đa nguyên đa đảng đối lập. Điều này không có nghĩa là có tự do là đương nhiên có đối lập lành mạnh, để có thể xây dựng một Việt Nam tự do trong dịp khác người viết sẽ thảo luận về các khuynh hướng tự do và xã hội, về thực tiễn tòan dân chính trị, về lưỡng đảng đối lập, về xây dựng định chế, về hiến định và luật định đối lập chính trị.
Không đối lập chính trị lành mạnh, Việt Nam không thể phát triển để hòa nhập vào thế giới văn minh hiện đại.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
Tài liệu tham khảo
Giáo sư Nguyễn Văn Bông, “Đối Lập Chính Trị”
Không có nhận xét nào: