Những việc mà chính quyền quận Hoàng mai cưỡng chế đập nhà trái luật tại đường Tân mai ngày 28/12/2012 gây ra không ít hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, và làm tổn thương tới tâm hồn tuổi thơ. Dưới đây là bức thư của cháu gái học sinh lớp 9 gửi bà ngoại bị cưỡng chế nhà.
Tết này ông bà ăn tết ở đâu?
Hà nội ngày buồn…
Bà ơi, chuyện nhà mình… cháu biết hết rồi!
Những suy nghĩ của cháu về “chuyện ấy”… cháu không biết có giống như tâm trạng của bà lúc này không, nhưng cháu rất muốn nói với bà, ngay bây giờ!
Sáng hôm trước, cả bố và mẹ cháu đều ra khỏi nhà từ rất sớm. Mẹ chỉ dặn chị em cháu “Mẹ xuống nhà ông bà ngoại, mẹ nhờ bác xe ôm đưa đón các con rồi, hai chị em phải khẩn trương lên để kịp giờ đi học đấy!” Cháu thoáng có chút linh cảm, dường như một chuyện gì rất quan trọng đã và đang xảy ra với gia đình mình. Nghĩ lại mấy ngày hôm nay bố mẹ cháu không như mọi khi, trời lạnh như vậy mà hầu như tối nào bố mẹ cũng đi đâu đó “Việc người lớn đến tận khuya”.
Chiều, cậu đưa mẹ về, mắt mẹ đỏ hoe, sưng mọng lên, mẹ cháu đã khóc! Tất nhiên, mẹ chỉ khóc lén thôi! Mẹ cố gắng giấu những giọt nước mắt vào trong, cố ngăn nó trào ra, mẹ gượng cười. Cháu biết, đó không phải là nụ cười tươi tắn hàng ngày nở trên môi mẹ. Đó là nỗi khổ mà mẹ cố không để một đứa con gái hay suy nghĩ như cháu phải bận tâm. Thà rằng mẹ cứ khóc thật to, mẹ cứ kể cho cháu nghe chuyện gì đã xảy ra thì cháu sẽ đỡ day dứt hơn, phải không bà? Cháu không thể làm ngơ trước chuyện ấy, cháu muốn biết lý do tại sao mẹ buồn, cháu muốn chia sẻ với mẹ nữa! Và thế là, một thứ gì đó đã thôi thúc cháu, cháu lén tìm hiểu…
… Thứ đầu tiên cháu để ý đến sau suy nghĩ ấy là chiếc máy ảnh, cháu tự ý mở ra xem… Cuối cùng thì cháu cũng hiểu tại sao mẹ cháu lại như vậy. Điều cháu không thể ngờ đến là cháu cũng rơi vào tâm trạng của mẹ…
… Từng bức ảnh, từng thước phim hiện ra trên màn hình: Bà, bác, mợ - Ba người phụ nữ rơm rớm nước mắt chậm rãi đốt từng tờ vàng mã trong tiếng tụng niệm kinh A Di Đà. Quây xung quanh đó sao có nhiều người thế: Công an, dân phòng, lính cứu hỏa… Bên kia đường là hàng dài xe tải, xe cứu thương, xe cứu hỏa và cả máy xúc, máy đào nữa. Cháu nghe thấy tiếng loa vọng lại: “Đề nghị tất cả các lực lượng vào vị trí, sẵn sàng làm nhiệm vụ!”… Họ phá cửa nhà bà, khiêng đồ đạc ra ngoài… Chiếc máy xúc nâng cần lên, bổ nhát đầu tiên… Những mảng tường rơi xuống, vỡ vụn… Nhát thứ hai, thứ ba… Nhà bà… Bị phá rồi! Cháu thấy tim mình thắt lại, đau nhói! Trong tiếng máy xúc rít lên, cháu nghe thấy tiếng khóc thổn thức của bà, của bác, của mẹ… Cháu còn thấy những khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm của những người xung quanh. Tại sao họ không làm gì giúp bà? Sao họ không thể động viên bà một câu mà chỉ đứng nhìn trân trân, rồi cười, rồi nói?...
Trong chốc lát, căn nhà thân yêu của cháu đã thành đống hoang tàn và đổ nát… Cháu thấy choáng váng, rồi đến tủi thân và cháu đã khóc, khóc rất nhiều, rất lâu… Mờ đi trong nước mắt, tâm trí cháu dần hiện ra những chuỗi hình ảnh dài và đẹp về căn nhà cũ… Nơi đã nuôi dưỡng những kỷ niệm tuổi thơ của chị em cháu! Bố đóng quân xa nhà, mẹ đưa chị em cháu xuống ở với ông bà, không có bố ở bên thường xuyên, nhưng cháu đã có một tuổi thơ trọn vẹn, chính nơi ấy…
… Bà nhớ không, năm nào nhà mình cũng có cành đào rừng đón tết, chị em cháu rất thích cùng bác trang trí cành đào, được cùng ông chuẩn bị câu đối tết, háo hức xem và cùng bà gói bánh trưng, rất mong bà hứa: “ Chờ bố cháu về, cả nhà mình ăn tết lại, chỗ bố đóng quân không có đủ như thế này đâu!” Điều cháu mong nhất là được hai bác gọi ra thử quần áo mới, đứng trước gương to ngắm nghía và tưởng tượng mình là một nàng công chúa hạnh phúc nhất trên đời…
… Thế nhưng… Tất cả đã hết rồi! Cháu sợ lắm bà ạ, cháu sợ rằng tất cả những thứ đó sẽ không còn nữa. Cháu sợ bà sẽ không còn tâm trí để gói bánh trưng, sợ bác sẽ không còn tâm trí để may áo… Và sợ nhất là sự day dứt của bản thân cháu: Tết này chị em cháu có nhà mới – Tết này anh Bi, Chị Kẹo mất nhà, cũng là những đứa trẻ như nhau nhưng sao hoàn cảnh lại khác nhau đến thế!...
… Đúng vậy, hết thật rồi, chẳng còn gì nữa ! Nhà bà bị phá rồi, hoang tàn và đổ nát, cháu thấy rùng mình trước những mảng tường siêu vẹo, cháu thấy rùng mình trước những khoảng đất trông hoang, gạch, vữa lổn nhổn. Đó không phải là ngôi nhà cháu từng ở, lúc nào cũng đông vui, lúc nào cũng tưng bừng bởi tiếng cười, tiếng nói và khách khứa ra vào tấp nập…
Bà ơi, sao cái cảm giác này lại khác với lúc nhà cháu phá đến thế? À phải rồi: Nhà cháu phá đi để xây lại, còn nhà bà bị phá mà không được xây lại nữa – Bà mất nhà rồi cháu không biết tại sao những bức ảnh, đoạn phim mẹ cháu quay lại trở thành nỗi ám ảnh của cháu! Cháu không quên nổi ánh mắt tuyệt vọng và đau khổ của bà, của bác, cháu thấy bên tai lúc nào cũng văng vẳng những tiếng khóc , tiếng than, lời ai oán mà cháu chẳng thể hiểu hết!...
Cháu biết bà ạ, đau xót lắm chứ! Ngôi nhà đó là thành quả bao mồ hôi, công sức của ông bà, là nơi gắn bó của biết bao người, ông bà, hai bác, bố mẹ và cả chị em cháu nữa! Hơn hết, ngôi nhà đó là nơi mưu sinh của hai bác, có cửa hàng may, cả hai bác đều sống dựa vào đó… Mất căn nhà ấy, cháu lo sợ cuộc sống của mọi người sẽ xáo trộn, không còn yên ổn như trước nữa! Hai bác sẽ sống bằng nghề gì? Bệnh tim của bà, chứng tai biến của ông, liệu ông bà có vượt qua được cú xốc này không? Bà ạ! Bây giờ cháu mới thật hiểu câu nói của anh Bi:” anh thích học ở Language Linpc lắm, nhưng mẹ anh bảo chỉ học hết khóa này thôi!”…
… Cháu cũng đã hỏi mẹ tại sao lại phải phá nhà như vậy, mẹ cháu nói : "Vì làm đường con ạ, mọi người đều thích con đường ấy làm lại, nhưng không phải theo cách này. Bà ấm ức lắm nhưng bà chỉ là người dân thôi. Để sau này lớn lên con sẽ hiểu, mẹ mong con sau này sẽ làm người tốt, đừng như họ”… Bà ơi, phải làm sao để vẫn có những con đường đẹp mà không có nước mắt! phải làm sao để mọi người ra đi không ấm ức hả bà!...
Trước đây cháu rất thích đi trên con đường mới làm xong, nhưng giờ cháu không giám đi trên những con đường ấy nữa, bởi vì nó sẽ nhắc cháu nhớ tới bức ảnh, đoạn phim mẹ cháu đã quay, nhắc cháu nhớ đến những giọt nước mắt của bà, của bác và của mọi người…
Cháu không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu những chuyện phức tạp của người lớn, cháu chỉ thấy rất buồn là tại sao người lớn lại không thể nhân ái hơn, để cho nhau một cái tết an lành, không phải lo nơi ăn, chỗ ở, trong khi cái tết đã đến quá gần rồi? Tại sao người ta lại quá vội vã như vậy? Sao lại thấy khó khăn khi cho nhau chỉ một chút thời gian để kịp lưu giữ lại những ký ức, những hoài niệm đẹp, rồi sẽ luôn nhớ, luôn thương và cảm thấy thanh thản để ra đi!
Bà ơi! cháu luôn mơ ước trở thành một luật sư tài giỏi và cháu đã có thêm một động lực nữa để càng cố gắng thực hiện ước mơ của mình. Bà ơi! Cháu rất muốn gỡ bỏ những ấm ức cho bà và cháu tin nhất định mình sẽ làm được, bà hãy kiên cường lên và cố gắng chờ cháu nhé, cháu sẽ giúp bà.
Ngày 1 tháng 1 năm 2013.
TN
Không có nhận xét nào: