Lễ trọng thể kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa
Đức cha Jacques Perrier - Mạc Khải phỏng dịch
Rôma, ngày 30-12-2012 (Zenit.org).
Trong phụng vụ lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, ngày 1 tháng giêng, “chính
Chúa Giêsu và Mẹ Ngài đã gửi lời chúc mừng cho chúng ta,và đặc biệt là những lời
chúc bình an”, ĐC Perrier nhấn mạnh.
“Đức Mẹ Maria âu yếm nhìn xuống chúng ta, và với tấm lòng người từ mẫu, Mẹ biết
rằng con cái của Mẹ cần cái gì. Nếu chúng ta có một nguyện vọng cần được dâng
lên, Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria sẽ nhận lời ”, ngài nói thêm.
ĐC Jacques Perrier, cựu giám mục giáo phận Tarbes-Lourdes (Lộ Đức), đã dành
cho độc giả của Zenit một bài suy gẫm nhân ngày Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên
Chúa.
1 tháng Giêng
Lễ trọng thể kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Trong ngày lễ 1 tháng Giêng, có nhiều ý nghĩa đan nhau. Trong nhiều thế kỷ, ngày
này được dành để kính lễ Cắt Bì Chúa Giêsu. Điều này hợp lý bởi vì Phúc Âm nói
rõ nghi lễ Cắt Bì, căn bản trong Do Thái giáo, được thực hiện 8 ngày sau khi hài nhi
sinh ra. Đồng thời, hài nhi đã được đặt tên : Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria đã gọi
hài nhi là “Giêsu ”, thể theo lời chỉ dẫn của tổng lãnh thiên thân Gabriel. Với ngày 1
tháng Giêng cũng chấm dứt tuần bát nhật Giáng Sinh. Việc giữ tuần bát nhật, ngày
nay chỉ giới hạn cho hai lễ là lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, là một phương tiện để
chống lại tính cách phù du của ngày lễ. Thay vì bắt tay vào những công việc khác
ngay ngày hôm sau các lễ trọng như Giáng Sinh hay Phục Sinh, chúng ta được mời
gọi hãy « giữ gìn mọi chuyện này » trong thâm tâm mình. Hãy luôn giữ trong thâm
tâm mình. Nhưng, ở đây, ít là trong vòng một tuần lễ. Như Đức Mẹ Maria. Vì vậy lễ
nghi phụng vụ của tuần bát nhật trước đây đặc biệt hướng về Đức Mẹ. Ở Rôma, Lễ
trọng thể được cử hành tại đền thờ Đức Bà Cả và người ta sẽ mừng lễ Đức Maria
“Mẹ Thiên Chúa”.
Chính là tục lệ mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã muốn tiép tục. Vị giáo hoàng tiền
nhiệm của Đức Gioan Phaolô II, rất được ĐGH Biển Đức XVI quý trọng, đã rút ra
những kết luận thực tiễn của Công Đồng Vaticanô II liên quan đến Đức Mẹ Maria.
Ngày 2-2-1974, ngài đã ký một tông huấn nhan đề Marialis Cultus. Một trong những
mục tiêu của ĐGH Phaolô VI là đặt lại các lễ kính Đức Mẹ trong khuôn khổ năm
phụng vụ, thay vì để các ngày này trong một kiểu quy trình song song. Ngài nhận
thấy dễ dàng sự hợp lý khi mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Mùa Vọng.
Tiếp đó ngài quyết định nối lại với tập tục la-mã cổ là dành tuần bát nhật Giáng Sinh,
ngày 1 tháng Giêng, cho Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Số 5 của tông huấn đưa ra các lý do. Trước hết, thật là chính đáng, trước lễ Giáng
Sinh ít ngày, để “tôn kính phần đóng góp của Đức Mẹ Maria vào mầu nhiệm cứu độ
và để tán dương phẩm giá đặc biệt toát ra từ đó cho Mẹ rất thánh đã làm cho chúng
ta xứng đáng đón rước Đấng Ban Sự Sống”. Thêm vào đó có nguyên do thứ nhì :
Chúa Hài Đồng hiển linh.
Théotokos (Mẹ Thiên Chúa), từ khóa của đức tin Kitô giáo
Từ thời cổ đại, Đức Mẹ Maria đã được kêu cầu như “Mẹ Thiên Chúa”, Theotokos,
người Hy Lạp gọi như thế ; đối với họ danh xưng này là chìa khóa của toàn bộ đời
sống thiêng liêng tôn sùng Đức Mẹ. Kinh nguyện Đức Mẹ xưa nhất, thường được
cho là kinh tiếng latinh Sub tuum praesidium (Kinh trông cậy), cũng đã gọi Đức Mẹ là
Sancta Dei Genitrix (Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời). Một bản sao của thế kỷ thứ III
đã được tìm thấy năm 1017 ở Ai Cập.
Theotokos hay Dei Genitrix là những từ hết sức cụ thể, hầu như mang tính khiêu
khích. Đúng là sự đẻ con, sự sinh ra đứa con. Đúng là sự sinh đẻ trong nghĩa thực
tế nhất của từ ngữ này. Nhưng liệu có vẻ thiếu tôn kinh khi nói Mẹ Maria đẻ ra Thiên
Chúa không ? Ấy thế mà đó là điều chúng ta đã đọc trong kinh Tin Kính : “Người
xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh”. “Người” là ai vậy ? Đấng xứng đáng được
gọi là “Thiên Chúa” cũng như Chúa Cha và Chúa Thánh Linh. Cũng là kinh Tin Kính
đã biểu đạt cách rõ ràng hơn hết : “Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng
bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải
được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha”.
Để khôi phục tính trọng thể của “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa” trong tuần bát nhật
Giáng Sinh, lý do thứ nhì của ĐGH Phaolô VI là “nhắc lại sự tôn thờ Chúa Hài Đồng
của chúng ta”. “Bởi vì mục tiêu của Đức Giáo Hoàng, tiếp sau Công Đồng Vaticanô
II, là luôn luôn hướng tầm nhìn và đức tin của chúng ta tới Đức Kitô. Đức tin Kitô
giáo của chúng ta, đức tin của những công đồng đầu tiên, được thể hiện qua các từ
đơn giản này : Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Đấng mẹ đã cho ra đời,
quả thật là ” “Thiên Chúa” và, nơi Ngài, thiên tính và nhân tính không thể tách rời
được. Đức Maria không phải chỉ cho Thiên Chúa mượn thể xác của mình để Ngài có
thể xuất hiện. Mẹ đã cho cả nhân tính cho Con của Thiên Chúa xuống thế gian. Bởi
vì sự sinh đẻ không chỉ là sản xuất tế bào. Nó liên quan đến nhân vị : nhân vị người
mẹ, nhân vị người con.
“Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống từ trời cao”, đó lời ca của thánh
vịnh gia (Tv 84-85, 12). Ngôi Con Thiên Chúa thực sự đã sinh ra “bởi” Đức Trinh Nữ
Maria. Đúng là Đức Maria không phải là nguồn mạch thiên tính của Chúa Giêsu. Vì
vậy, nên nói là “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa” hơn là “Đức Maria đẻ ra Thiên Chúa” :
thành ngữ có thể gây ngộ nhận. Mừng lễ Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, chúng ta
hiểu tại sao bài đọc thứ hai của ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đã
trở thành con cái của Thiên Chúa. Nhờ Chúa Thánh Linh đã thụ thai Chúa Con trong
lòng Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta cũng có thể, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh,
trở thành con cái Thiên Chúa bởi vì chúng ta là anh chị em với Chúa Giêsu trong
nhân tính của Ngài. Lễ trọng thể ngày 1 tháng Giêng là sự diễn dịch phụng vụ của
Lời Tựa Tin Mừng theo thánh Gioan ; Ngôi Lời đã nhập thể để chúng ta trở thành
con cái Thiên Chúa (Thánh Lễ ngày lễ Giáng Sinh).
Trước mắt, Chúa Giêsu hãy còn là một hài nhi : chung quanh cái nôi của một hài
nhi, những lời chúc tụng đã được trao đổi, dành cho Ngài và cho mẹ Ngài. Do một
sự trùng hợp của niên lịch, tuần bát nhật lễ Giáng Sinh rơi vào ngày 1 tháng Giêng,
ngày của những chúc tụng. Nhưng, trong phụng vụ của ngày trọng thể này, hướng
chúc tụng đã đi ngược chiều. Chính Chúa Giêsu và Mẹ Ngài sẽ chúc tụng chúng ta
và đặc biệt là những lời chúc hòa bình. Hài nhi sẽ được gọi là “Giêsu”, “Thiên Chúa
cứu độ”. Ngài là “Vua Hòa Bình” và Mẹ Ngài, do một quyết định khác của ĐGH
Phaolô VI trong Công Đồng Vaticanô II, có thể được cầu khẩn như là “Mẹ của Giáo
Hội”, Đức Maria là người đàn bà đầu tiên đã được nhận lãnh vô bờ bến phép lành
của Thiên Chúa (Bài đọc thứ nhất Thánh Lễ). Đức Mẹ Maria âu yếm nhìn xuống
chúng ta, và với tấm lòng người từ mẫu, Mẹ biết rằng con cái của Mẹ cần cái gì. Nếu
chúng ta có một nguyện vọng cần được dâng lên, Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria sẽ
nhận lời
Nguồn : http://www.zenit.org/article-32993?l=french
Không có nhận xét nào: