Đinh Tấn Lực - “Lãnh đạo nào cũng kiệt xuất cả mà sao đất nước vẫn ăn mày?”
— Blogger Chung Do Kwan
Bà Nguyễn Thị Năm, còn được gọi là bà Cát Hanh Long, là người đã cất công che giấu và nuôi dưỡng các lãnh đạo Việt cộng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản… trong thời gian đảng CSVN còn hoạt động bí mật. Hai con trai của bà, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn Hanh đều theo Việt Minh từ trước 1945, từng là chính ủy trung đoàn và đại đội phó bộ đội thông tin khi phong trào Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) được phóng tay phát động long trời lở đất rập theo mô thức “thổ địa cải cách” củaTrung cộng.
Trong báo cáo trước Quốc hội kỳ 3 khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Phương châm của cải cách ruộng đất là phóng tay phát động quần chúng nông dân”. Phóng tay, theo lời giải thích của ông Nguyễn Văn Trấn, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá I, đại diện Sài Gòn-Chợ Lớn, có nghiã là lệnh cho phép “cứ việc làm mạnh thả cửa”. Nôm na cho các đội dễ hiểu là “đào tận gốc trốc tận rễ”.
Cộng thêm nhận định của cố vấn Trung cộng là “hổ đực hay hổ cái đều ăn thịt người cả”, bà Cát Hanh Long bị quy vào diện địa chủ/cường hào gian ác/bóc lột/phản quốc/có nợ máu, và là người đầu tiên bị xử bắn để làm bàn đạp đẩy mạnh phong trào đấu tố chia thực quả trên toàn quốc. Cả Chủ tịch Hồ Chí Minh lẫn Thủ tướng Phạm Văn Đồng bấy giờ đều ngoảnh mặt/im hơi/lặng tiếng.
Phong trào CCRĐ trắng xương ngập máu trong giai đoạn 1953-1956 khép lại bằng những vết thương không đời nào hàn miệng trong lòng dân Việt. Mọi lãnh đạo bấy giờ vẫn an nhiên, bởi Điều 50 của Hiến pháp 1946 có ghi: “Chủ tịch Nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc”. Lãnh đạo, bấy giờ, chỉ tùy tiện giết dân, chưa được coi là phản quốc. Vài năm sau đận CCRĐ, Phạm Văn Đồng mới ký công hàm công nhận chủ quyền của Trung cộng trên vùng biển đảo của VN.
Non hai thập niên sau bản án tử hình vị nữ ân nhân cách mạng Cát Hanh Long, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bấy giờ trong cương vị là lãnh đạo thủ phủ kinh tế miền Nam, cố tránh bước nhảy lăng ba chập chùng của người chủ tịch nước hay vị thủ tướng mù lòa trước đó, đã âm thầm dang tay cứu đỡ cho một vài người từng bao che cho cách mạng trong thời kỳ bưng biền, vào dịp Hà Nội phóng tay phát động chiến dịch tiêu diệt tư sản mại bản trong Nam, sau “thống nhất”. Ngay cả người thân cận của thủ tướng bị tù về tội tham nhũng trong dự án đường dây điện Bắc-Nam, cũng được ông Kiệt vào tận Chí Hòa thăm viếng/động viên.
Điều đó có thể được tuyên dương ở bề dày chữ “Nghĩa” của một nông dân Nam bộ, nhưng không thể được đánh giá cao ở góc cạnh pháp trị của một lãnh đạo đất nước hai miền vừa thống nhất: Suốt những năm dài từ vị trí đứng đầu thủ phủ miền Nam cho tới lúc bàn giao quyền thủ tướng chính phủ lại cho người kế nhiệm (là Phan Văn Khải), Ủy viên BCT Võ Văn Kiệt biết rõ hơn ai hết về các mối chằng chịt của hệ thống “lỗi cơ chế” đến mức trở thành tội ác có tổ chức, nhưng hiếm có lời phê phán hay hành động chỉnh đốn hệ thống lỗi cơ chế đó.
Cũng trong thời kỳ đó, hầu hết những thành quả được coi là ngoạn mục về mặt kinh tế (vươn lên từ chỉ số âm), đều bắt nguồn từ những cú “xé rào” các chính sách ngu xuẩn giết dân kiểu khác (hợp tác xã/kinh tế mới/ngăn sông cấm chợ…).
Ngược lại, về mặt chính trị, toàn bộ xã hội bị kềm hãm nghẹt thở bởi các loại hàng rào sắc lệnh/nghị quyết/nghị định. Nổi bật hàng đầu và vang danh cực độc là Nghị định 31/CP về “Quản chế Hành chính”, gồm 4 chương 28 điều, do chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành ngày 14-4-1997, dùng để bắt giam mọi đối tượng manh nha có ý tưởng “xé rào” cái quyết tâm độc tài của đảng, mà không cần lệnh bắt hay thời hạn giam giữ, cũng không cần chứng cứ hay quy trình xét xử.
Nếu hành động bao che cho một vài thương gia thoát nạn Tiêu diệt Tư sản Mại bản được coi là “ơn đền”, thì Nghị định 31/CP này chính là xưởng đẻ của chiến dịch “oán trả”. Bất kỳ mọi dị biệt giữa công dân với nhà nước, chưa cần đến mức xung khắc/đối đầu/hiềm khích… đều dẫn đến tù đày, lao cải và quản chế. Theo đó, chẳng những mỗi người dân là một người tù dự khuyết, mà mỗi căn hộ còn là một nhà tù xây sẵn.
“Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo kiệt xuất thời kỳ Đổi mới” là cách giật tít của VietnamNet một thời khốn khó vừa trải qua bấy giờ, với một số danh ngôn còn được truyền tụng hàng năm nhân ngày giỗ của ông. Thế nhưng, những điều phát biểu của ông Kiệt, dù có làm cho một vài trái tim thổn thức về một VN không của riêng ai hay đảng nào, hoặc một sự kiện khiến triệu người vui đồng thời làm triệu người buồn v.v…, nhưng ít ai thấy ra ông đã dám va chạm/cọ sát vào cốt lõi của nguồn gốc sự sai trái và đặc tính vô phương cứu chữa của hệ thống “lỗi cơ chế” đã thành tội ác có tổ chức nói trên, so với một số “nguyên” lãnh đạo khác, như ông Nguyễn Văn An, chẳng hạn. Và nói cho cùng thì, tiếc thay, cả hai ông, cùng với một số đồng chí khác nữa từng ở phẩm trật ủy viên TW hay ủy viên BCT, chỉ “mở miệng” khi đã về hưu.
Sau nhiệm kỳ của Phan Văn Khải là một lãnh đạo kiệt xuất khác: Nguyễn Tấn Dũng, có tên gọi thân mật là đồng chí 3Dũng, vang danh với những bài cậy đăng trên báo rác của Đức và Hàn, để tự PR. 3Dũng cũng nổi tiếng không kém về tiến trình gom tụ tất cả các Tổng Cty, ngân hàng và Tập đoàn kinh tế quy dưới trướng của phủ thủ tướng. Ở cuối nhiệm kỳ một của 3Dũng, hàng loạt tập đoàn kinh tế mệnh danh quả đấm thép liên tiếp hóa bùn, bong bóng bất động sản vỡ ran như pháo tép, nợ xấu nuốt gọn GDP, thị trường chứng khoán thủng đáy, chỉ số lạm phát thủng trần,… nhưng tay thủ tướng chính chủ vẫn vượt thoát trận càn của BCT và cả quốc hội ở đầu nhiệm kỳ 2.
Cũng trong triều đại này, thượng tầng đảng bị tách làm nhiều mảnh, chỉ còn lay lắt dính vào nhau ở mẫu số chung là thậm hèn với giặc, cực ác với dân. Cả bọn làm ngơ mặc cho lũ giặc bá quyền chiếm trọn Biển Đông và cả thị trường hàng hóa của ta. Đến mức bênh vực cho tàu giặc cắt cáp tàu ta là …(vô tình!) “Tàu cá Trung Quốc lại làm đứt cáp tàu Bình Minh 02”. Lại còn quay dáo về phóng tay trừng trị những công dân yêu nước xuống đường tuần hành phản đối chủ trương lấn chiếm và hành động hung hãn của giặc Bắc.
Tổng bí thư đảng thì làm dáng, vừa trách cứ thanh niên vô cảm đối với tình hình đất nước, lại vừa chỉ đạo tống người yêu nước vào các trại phục hồi nhân phẩm, bắt giam hàng loạt thanh niên Công giáo, tùy tiện gia hạn án giam bloggers, áp án các luật sư hoạt động vì dân chủ/nhân quyền bằng các tội danh vu vơ, thậm chí,xúc phạm thân thể cả nữ blogger…
Chủ tịch nước, cùng phe với tổng bí thư đảng, không điều động nổi BCT để kỷ luật đối thủ, cũng chẳng dám nêu tên thật của hắn mà chỉ dám xách mé là “đồng chí X”, rồi núp bóng bên dưới lời kêu gọi nhân dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng, hoặc xúi giới luật sư góp ý về một rừng luật sai trái hiện hành… Nhưng chẳng dám đề cập đến việc cải sửa hiến pháp, lại trốn biệt tăm khi dân oan khiếu kiện đòi công lý…
*
Toàn bộ non thế kỷ đất nước sang tay lãnh đạo, từ triều đại Phạm Văn Đồng tới Nguyễn Tấn Dũng, đã (vô tình?) nảy bật ra những điểm mấu chốt vô phương che đậy:
XHCN là một hệ tư tưởng lạc hậu đầy sai lầm. Định hướng XHCN là mũi tên chỉ xuống vực thẳm. Nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là sân sau của đại gia tư bản đỏ.
Dàn lãnh đạo “kiệt xuất” dẫn nhau đi thụt lùi và đưa đất nước vào thảm họa kinh tế và gông cùm nô lệ, hết Liên Xô rồi tới Trung cộng, nhân danh công trạng chiến thắng Mỹ-Ngụy.
Mọi biện pháp “đổi mới” đều mang tính chắp vá, đối phó tình thế và mị dân. Hệ quả là một nền sản xuất gia công của một dân tộc bị đày làm mọi thiên hạ.
Mọi thất bại kinh tế, vĩ mô lẫn vi mô, dù nhấn chìm nhân dân vào rá gạo bó rau và nợ phải trả, đều được bình thường hóa như tin thời tiết, và không một ai chịu trách nhiệm.
Quân đội, dưới cây gậy chỉ huy của nền chính trị tay sai, không còn khả năng bảo vệ cương thổ nước nhà, lại có nhiều xác suất trở thành công cụ đàn áp nhân dân.
Công an, công khai và chính thức trở thành lực lượng khủng bố đỏ, sẵn sàng giết dân bằng mọi giá và mọi sở trường khủng bố mệnh danh là “nghiệp vụ”.
Đảng viên các cấp, từ xã ấp lên tới TW, đều thể hiện tính độc lập với nhau và ngày càng dày đặc những phát biểu cực kỳ ấn tượng, nổi tiếng nhất là định nghĩa mới về tự do…
Biện pháp phê và tự phê đã trở thành trò sơn đông thuốc dán ngoài chợ. Điểm tựa Hồ Chí Minh gãy vụn. Các hội nghị quán triệt nghị quyết là những dịp nhậu miễn phí.
Mọi chức vụ, cả bên đảng, chính phủ lẫn MTTQ, đều có giá biểu. Cả ba hệ thống tròng chéo này hoạt động tương tự nhưng kém hiệu quả hơn cả siêu thị Big-C.
Sinh hoạt nổi cộm/rôm rả nhất của Tuyên giáo TW là quy trách nhiệm thoái hóa mọi mặt của đảng cho thế lực thù địch. Sự lúng túng càng cao thì việc bắt người càng nhặt.
Ngay tại thượng tầng, mức độ phân rã lãnh đạo đã rõ ràng trên từng nét mặt, từng lời nói, từng cơ hội… với động lực đấu đá từ những “Nhóm lợi ích nhân danh ổn định chính trị”.
Cốt lõi của mọi cốt lõi, chính bởi cái “lỗi hệ thống” không thể chỉnh sửa, vì nó bị phủ trùm bởi các biện pháp kinh tế vá víu nhân danh giữ gìn nguyên trạng chính trị nuôi lỗi.
Không chỉ nhân dân, chính những đảng viên các phe các phái cũng đã thấy ra những điểm mấu chốt đó, và đã có hiện tượng lời nói đi đôi với hành động, ngay khi còn tại chức.
*
Cựu ủy viên BCT Nguyễn Văn An, khi về hưu, đã trả lời phỏng vấn đài ngoại rằng lãnh đạo CSVN cần: “đổi mới tư duy toàn diện và triệt để, cả kinh tế và chính trị, thì chúng ta mới khắc phục được lỗi hệ thống”… Bằng không, đảng sẽ nhận lãnh hệ quả khó lường của một cuộc thay đổi quy mô từ bên trong: “Những người cộng sản phá Đảng không phải chỉ là những người cộng sản phản bội Đảng, những người cộng sản bị kẻ thù mua chuộc, bị diễn biến hòa bình,… Mà phần nhiều lại chính là những người cộng sản chân chính, những người cộng sản không muốn bảo vệ Đảng của mình nữa, vì thực tế Đảng của mình đã thoái hóa biến chất mất rồi, nhất là vì Đảng của mình đã phạm sai lầm có tính hệ thống mà không nhận ra được và không khắc phục được. Đảng đã trở thành lực lượng cản trợ dân chủ, tự do, cản trợ sự phát triển của xã hội. Đảng đã trở thành ông Vua tập thể, đã trở thành Đảng trị mất rồi”.
Còn theo Tướng Trần Độ, giải pháp cho VN là: “Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng, trừ bỏ ‘hiệp thương’ mà thực chất là gò ép”.
Nhiều năm trước đó nữa, trước cả Đại hội VII, khi còn tại chức, cựu ủy viên BCT Trần Xuân Bách đã khuyến cáo: “Tất cả các nước XHCN đều nằm trong sự vận động để tiến lên, đều có những mâu thuẫn lớn, đều phải phá vỡ sức đè nén của những cái cũ, không anh nào có thể yên trí mình ổn định được. Có khi tuần này còn huênh hoang, tuần sau đã bị đảo lộn”.
Ông nhấn mạnh: “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát – do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại…”.
Sau cùng, ông kết luận: “Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, tổng thể, cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị”.
Cái “lúc này” mà ông nói đó là ngày 13-12-1989, tức là cách nay gần 2 con giáp. Bài phát biểu Những vấn đề Việt Nam của ông Trần Xuân Bách vừa được trích đoạn là do Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ quay ronéo và phổ biến, được nxb Trăm Hoa ở California in lại năm 1992.
*
Gần gạnh với các chiến hữu trong Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ, là những người từng phát động hoặc tham dự các cuộc biểu tình chống chính phủ Sài Gòn từ trước năm 1975.
So với tay tổng bí thư đảng hay chủ tịch nước ấm ớ nói trên, thì nay, chính các chiến hữu đó là những người thấy ra rõ nhất sự chính xác đến mức chuẩn trong những nhận định ngay vào lúc còn tại chức của ông Trần Xuân Bách. Và, ngay cả khi đang còn đương chức, ông Hồ Ngọc Nhuận đã cùng các chiến hữu một thời (Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Tương Lai, Hồ Cương Quyết…) hiển thị những hành xử đúng theo lương tâm và đòi hỏi không ít lòng can đảm và tự trọng.
Có phải vì chính họ thấy ra bản thân mình từng “phóng lao” bằng lý tưởng trong sáng của một thời tuổi trẻ, rồi mất nhiều thập niên gặm nhấm nỗi đau đưa đất nước vào cõi ăn mày, nhưng nhất định là không “theo lao” để lãnh sổ hưu?
Có khiên cưỡng lắm không để bảo là từ “thù lao” có một nghĩa khác thường? Hay “giải lao” là giải phóng nỗi lao đao của dân tộc?
Không ai chắc. Người ta chỉ có thể mường tượng ra một tương lai gần, trong đó, những kẻ ám hại trù úm một người có tầm nhìn xa và đi trước thời cuộc như ông Trần Xuân Bách, đặc biệt là Đỗ Mười, đã chìm mất tăm dưới lớp bùn nhơ lịch sử có tên là XHCN.
Cái lóng lánh còn lại, chính là ý nghĩa cặp đối của Hà Sĩ Phu tiên sinh:
“Đường XUÂN đã hướng đa nguyên, sao để ước mơ về Chín suối?
Chiếc BÁCH giữa dòng đơn độc, âu đành duyên nợ với Ba sinh!”
01-01-2013 – Kỷ niệm 7 năm ngày mất cựu UV/BCT Trần Xuân Bách.
Không có nhận xét nào: