Đừng Làm Tổn Thương, Méo Mó Và Tan Nát Những Tâm Hồn Trẻ Thơ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
5 tháng 1, 2013

Đừng Làm Tổn Thương, Méo Mó Và Tan Nát Những Tâm Hồn Trẻ Thơ

Tôi chẳng quen biết luật sư Lê Quốc Quân, chỉ biết anh là một người một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp. Công bằng mà nói, đọc những bài viết của anh tôi cảm phục, không có giọng điệu hằn học, cực đoan, rất ôn tồn nhưng không kém phần sắc sảo. Thế rồi đùng một cái anh bị bắt, trong một tình huống mà tôi nghĩ “thật đáng xấu hổ”, trên đường đưa con đi học với tội danh “trốn thuế”. Rõ ràng “không ai là có tội khi chưa có bản án cuối cùng có hiệu lực của tòa án” cả, chỉ mới là nghi phạm (nếu thực sự anh phạm tội danh trên). Ở mức tội danh này, cơ quan điều tra vẫn có thể điềm tĩnh hơn một chút, “nhân đạo” hơn một chút nếu đừng bắt anh trước mặt cô con gái bé nhỏ của anh. Cô bé đã bị đưa trả về gia đình trong buổi sáng hôm đó và bị mất một buổi học. Trẻ con là tương lai của đất nước, những câu chữ hay ho mà cô bé được học “trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” nó có còn nguyên văn giá trị hay không? Rõ ràng cô bé không đáng phải chứng kiến và bị đối xử như vậy, chắc chắn, sẽ là một cú chấn động tâm lý rất lớn trong một tâm hồn bé thơ. Hành động đó của chính quyền và những người ban hành lệnh bắt giam luật sư Lê Quốc Quân đã làm xấu đi ghê gớm hình ảnh của một nhà nước vốn đã có quá ít thiện cảm của các cơ quan công luận quốc tế về nhân quyền.

Tôi nhớ không lầm, ở Việt Nam đã có những bản án tử hình của những tử tù trong tội danh buôn lậu và vận chuyển ma túy có tổ chức và ở số lượng rất lớn, những kẻ được thoát chết trong gang tấc khi liên quan tới “mang thai và trẻ em”. Xin kể ra ba trường hợp.

- Nữ tử tù tên Trần Thị Hương vào tù vì phạm tội mua bán ma túy với số lượng lớn (gần 9 kg) và phạm tội của thị đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên sau 7 tháng ở tù Hương đã kịp mang thai. Vào ngày 16/6/2006 nữ can phạm sinh một bé trai. Trước diễn tiến không ngờ đó trong tình hình của bị cáo, TAND TP HCM buộc phải giảm hình phạt từ mức án tử hình dành cho bà mẹ này xuống còn mức án tù chung thân.

- TAND tỉnh Lạng Sơn đã xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo: Phạm Quốc Chung (SN 1960, trú quán xã Đồng Tân, Hữu Lũng, Lạng Sơn) và Lê Thị Huyền (SN 1972, La Hiên, Thái Nguyên) về tội buôn bán heroin (2 bánh heroin, tổng trọng lượng 677g). Sau một thời gian lẩn trốn khi bị bắt, tại phiên tòa bị cáo Lê Thị Huyền cũng đã có thai. Vào thời điểm xét xử phúc thẩm, xét thấy do có tình tiết mới, Huyền là lao động chính, đã ly dị chồng, phải nuôi 5 con trong đó 4 cháu chưa thành niên, lại đang tiếp tục mang thai nên tòa chấp nhận một phần đơn kháng cáo xin giảm án của Huyền.

- Một sự cố liệt vào dạng hi hữu xảy ra tại trại giam Công an tỉnh Hòa Bình, nhờ có sự “giúp đỡ” của hai cựu cán bộ tại đây mà một nam phạm nhân ở trại giam đã năm lần được vào phòng biệt giam quan hệ với tử tù Nguyễn Thị Oanh, dẫn đến tử tù này có thai và thoát án tử hình.

Những “kẻ hở” trong quản lý phạm nhân để có sự cố là “có thai đúng thời điểm” chẳng phải là vô tình. Thế nhưng tất cả các nữ tử tù kia, nhờ có thai và sinh con mà họ đều thóat án tử một cách “may mắn”. Điều đó thể hiện sư nhân đạo của luật pháp Việt Nam đối với những em bé có thân phận hết sức đặc biệt, các em không có tội dù rằng kẻ sinh ra các em là những kẻ gieo rắc bao nhiêu các chết trắng cho cộng đồng, là nguyên nhân đưa đến những hình thức tội phạm làm nhức nhối xã hội, băng hoại đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Dù có nhiều tranh cãi nhưng cũng phần nào thể hiện chính sách khoan hồng và nhân đạo của Đảng và nhà nước trong chăm lo cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
\
Tại điểm b Khoản 1 Điều 61, BLHS quy định về việc hoãn chấp hành phạt tù đối với: “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”; Tiếp đó tại Điểm b tiểu mục 7.3 mục 7 có quy định: “Người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi”

Thế nhưng, một người em họ của luật sư Lê Quốc Quân, tên là Lê Thị Oanh đang mang thai đã bị bắt trước đó cũng trong một bản án giống như luật sư Quân và em trai, Lê Đình Quản

Vậy sự “nhân đạo” trên có phải là “vô tình”, những em bé của các bà mẹ này có được đối xử bình đẳng hay không hay nó cũng còn “tùy từng đối tượng”? Lẽ nào tội danh trốn thuế lại nguy hiểm hơn tội phạm liên quan tới ma túy với mức hình phạt là tử hình?

Tình tiết bắt giam luật sư Quân có sự chứng kiến của cô con gái, ánh mắt của cô con út 11 tháng tuổi của anh mà tôi được nhìn trên các trang mạng đã làm tôi liên tưởng tới bộ phim “Jacquou, người nông dân nổi dậy”, một bộ phim sử thi của điện ảnh Pháp, sản xuất lần đầu vào năm 1967-1969, đã gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới và được xem một sự kiện quan trọng của năm. Ảnh hưởng lớn nhất của bộ phim khi công chiếu là các ngôi làng heo hút và khá nghèo nàn, ít ai biết đến hay bị quên lãng vùng Périgord thu hút rất đông du khách. Lần sản xuất thứ hai từ năm 2005, công chiếu năm 2007, dài 150 phút, được đề cử hai giải Cécar, điều đó cho thấy, tầm ảnh hưởng cũng như nội dung bộ phim lớn đến cỡ nào.

Bộ phim dựa theo tiểu thuyết Người Nông dân nổi dậy, (Jacquou le Croquant) của nhà văn Eugene Le Roy, xuất bản năm 1899 và lấy cảm hứng từ các sự kiện thực sự diễn ra trong các cuộc nổi dậy ở phía tây nam nước Pháp vào đầu thế kỷ XIX, câu chuyện diễn ra vào sau năm 1815 (cách đây gần 200 năm) trong vùng Perigord ở các công xã Fanlac và Rouffignac Cernin St. Phim phản ánh một giai đoạn quanh co trong lịch sử nước Pháp, sau khi triều đại Louis hồi phục.

Jacquou (Giắc-cu) là một cậu bé 9 tuổi (năm 1819), cha của Jacquou – một tá điền ở Chateau de l’Herm thuộc lãnh địa của bá tước Nansac – bị kết tội giết người. Do nghèo đói, bố của Jacquou đã đi săn trong khu rừng ở địa phương, nơi mà bá tước Nansac tuyên bố chủ quyền. Ông đã vô tình giết một quản gia của bá tước Nansac khi viên quản gia này tìm đến nhà đòi lại con thú mà ông săn được rồi đem bán để lấy tiền mua thực phẩm. Ông đã bắn kẻ định giết hại gia đình mình.

Một cảnh trong phim đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả, nó được đánh giá như “đoạn phượng hoàng*” của một vở cải lương, là nút thắt tình huống quan trọng nhất trong bộ phim, đó chính là cảnh người bố bị bắt đi, ngay trước mắt Jacquou, bị bắt trong tiếng gào thét tức tưởi của cậu “bố ơi, bố ơi”. Với bố, ngay từ giây phút đó, Jacquou đã là “một người đàn ông”, một cậu bé 9 tuổi đã được bố nhắn nhủ lại, hãy chăm sóc mẹ thay bố. Đó là lần cuối cùng bố con họ gặp nhau. Ánh mắt ấy, cái với tay chìa ra, tiếng gọi thất thanh khản giọng, nó lý giải tại sao Jacquou lại nung nấu và nuôi dưỡng lòng căm thù đến thế, để rồi hơn 15 năm sau, chính cậu làm một cuộc nổi dậy, cuộc trả thù đầy nhân đạo, chỉ đốt hết lâu đài của bá tước Nansac mà không giết một ai. Chính tình tiết đắt giá nhất của bộ phim giải thích diễn biến tâm lý nhân vật theo những cung bậc tình cảm, vạch trần sự tàn bạo, bất công của một thể chế chính trị mà sau đó đã phải sụp đổ. Và sự sụp đổ của nó như một quy luật tất yếu.
Có lẽ nào đã không có tiếng gọi bố đến nức nở hay những thảng thốt trên gương mặt đầy nước mắt của cô con gái luật sư Quân trong ngày “đáng nhớ” ấy? Và rồi những người thi hành cái lệnh bắt này, có bao giờ họ đặt mình, đặt con mình vào vị trí của hai bố con luật sư Quân hay không?

Dù trong hoàn cảnh nào, người lớn có làm gì đi nữa, tác giả chỉ mong muốn một điều:

Đừng làm tổn thương, méo mó và tan nát những tâm hồn trẻ thơ! Đó là một hành động phản giáo dục và vô nhân đạo
——————————————————————————————————————————————————————————-
* Đoạn Phượng hoàng thường là đoạn hay nhất trong vở cải lương mà chỉ thể hiện ở những cảnh diễn rất xúc động.

Có 3 bài bản có tên gọi nghe hơi giống nhau, nhưng đều khác biệt nhau. Đó là Phụng hoàng cải lương, Phụng hoàng lai nghi và Phụng cầu.
- Phụng hoàng cải lương: có 12 câu, trên sân khấu cải lương thường hay sử dụng có 8 câu. Ca vào bằng chữ (Xê) (hoặc có thể là Liu) và dứt câu là chữ (Xảng)
Vd: 1. Vậy thì kẻ này xin từ tạ để ra…đi (Xê)
Về một phương trời xa thẳm (Xảng)
(Trích tuồng Tâm sự loài chim biển)
- Phụng hoàng lai nghi (hay còn gọi Phụng hoàng cầu hay Phụng hoàng tài tử): có 48 câu (4 lớp), ca ở Dây Hò Tư – Nhịp 4 lơi. Ca vào bằng chữ (Liu) và dứt câu là chữ (Xàng)
Vd: 1. (——) …Ta (Liu)
…Ngẫng trông (liu) một dãy non mờ (Xàng)
(Trích tài liệu của TG Trần Ngọc Thạch)
- Phụng cầu (hay còn gọi Phụng cầu hoàng hay Phụng hoàng cầu duyên): có 40 câu (3 lớp), ca Nhịp tám. Ca vào bằng chữ (Xang) và dứt câu là chữ (Xư)
Vd: 1. (——) (——) (——) …Gió sương (Xang)
…Về trên (Xg) bãi chiến (Xể)____ đìu hiu (Xê)____ khóc cho thân phận (Xư)
(Trích tài liệu của TG Trần Ngọc Thạch)
Đừng Làm Tổn Thương, Méo Mó Và Tan Nát Những Tâm Hồn Trẻ Thơ Reviewed by Unknown on 1/05/2013 Rating: 5 Tôi chẳng quen biết luật sư Lê Quốc Quân, chỉ biết anh là một người một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp. Công bằng mà nói, đọc n...

Không có nhận xét nào: