Thính phòng Phaolồ VI, buổi yết kiến ngày thứ tư, 02.01.2013.
ĐƯỢC CƯU MANG BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN.
ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI
Lễ Giáng Sinh của Chúa một lần nữa, với ánh sáng, chiếu rọi những tâm tối thường bao trùm lấy
thế giới và con tim chúng ta, đem đến hy vọng và vui mừng.
Từ hang đá Bethlem, nơi mà các mục đồng “gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi được đặt
nằm trong máng cỏ”(Lc 2, 16).
Đứng trước Thánh Gia Thất nầy, nẩy ra một câu hỏi khác sâu đậm hơn: làm sao mà Hài Nhi bé
nhỏ và yếu đuối đó đã có thể đem đến một điều mới mẻ tận gốc rể như vậy cho thế giới để thay đổi dòng lịch sử?
Không có một cái gì đó bí nhiệm trong căn nguyên của Hài Nhi vượt cả ra bên ngoài hang đá đó sao?
1 - Luôn luôn một lần nữa nảy sinh ra câu hỏi như vậy về nguồn gốc của Chúa Giêsu, đó cũng là câu hỏi mà Tổng Trấn Ponzio Pilato đặt ra trong phiên án:
- “Ông từ đâu mà đến ?” (Lc 19, 8).
Mặc dầu đó là một vấn đề căn nguyên thật rõ ràng. Trong Phúc Âm Thánh Gioan, khi Chúa Giêsu xác nhận:
. “Ta là bánh từ trời xuống”,
các người Do Thái lẩm bẩm với nhau :
- “Ông nầy chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống ?” (Ga 6, 42).
Và một ít lâu sau đó, dân chúng Giêrusalem mãnh liệt phản đối trước thái độ cho mình là Đấng Cứu Độ của Chúa Giêsu, bằng cách xác quyết rằng
- “Đấng Kitô, khi Người đến, thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu” (Ga 7, 27).
Chính Chúa Giêsu cũng cho biết kỳ vọng của họ không đủ lý chứng để biết được nguồn gốc xuất xứ của Người, và với điều lưu ý đó, Người đã cho họ một định hướng để biết được Người từ đâu đến:
- “Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Còn các ông, các ông không biết Người” (Ga 7, 28).
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu xuất thân từ Nazareth, được sinh ra ở Bethlem, nhưng chúng ta biết được gì về nguồn gốc đích thực của Người ?
Trong bốn quyển Phúc Âm, thể hiện một cách rõ rệt câu trả lời cho lời chất vấn «từ đâu” Chúa Giêsu đến: nguyên cội đích thực của Người là từ Chúa Cha. là Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hoàn toàn đến từ Chúa Cha, nhưng theo một thể thức khác biệt đối với bất cứ ngôn sứ nào hay vị được nào được Chúa sai đi, đến trước Chúa Giêsu.
Nguyên cội nầy từ mầu nhiệm Thiên Chúa, “không ai biết được”, đã được chứa đựng trong các đoạn tường thuật về thời niên thiếu Chúa Giêsu của Phúc Âm Thánh Luca, mà chúng ta đang đọc trong mùa giáng sinh nầy.
- “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà . vì vậy, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35).
Chúng ta lập lại những lời vừa kể, mỗi khi chúng ta đọc lên Kinh Tin Kính, Lời Tuyên Xưng đức
tin:
- “et incrnatus est de Spiritu Santo, ex maria Vergine” (bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, đã ngụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria).
Đến câu vừa đọc, chúng ta đều qùy gối xuống, bởi vì màn che giấu Thiên Chúa, được, chúng ta có thể nói như vậy, mở ra và mầu nhiệm không thể đo lường và không ai có thể hiểu được, đụng chạm liên hệ với chúng ta: Thiên Chúa trở thành Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Khi chúng ta nghe nhạc trong Thánh Lễ, được các đại nhạc sĩ về thánh nhạc sáng tạo ra, tôi nghĩ ví dụ như Thánh Lễ tôn vương của Mozart chẳng hạn, chúng ta nhận thức được ngay rằng các ngài dừng lại một cách đặc biệt trên câu vừa kể, như thể là các ngài đang tìm cách nói lên bằng ngôn ngữ phổ quát âm nhạc, điều mà ngôn từ thường nhật không thể nói lên được: mầu nhiệm cả thể của Thiên Chúa nhập thể, trở nên con người.
2 - Nếu chúng ta để ý đến thể thức diễn tả “bởi phép Chúa Thánh Thần, được thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria”, chúng ta thấy được có bốn chủ từ tác động trong đó.
Một cách minh nhiên Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria được nhắc đến, nhưng được hiểu ngầm rằng “Người”, tức là Chúa Con, được nhập thể trong lòng Trinh Nữ.
Trong Lời Tuyên Xưng đức tin, Kinh Tin Kính, Chúa Giêsu được định nghĩa bằng những cách xưng hô khác biệt nhau:
- “Chúa,...Kitô, Con Một Thiên Chúa...Thiên Chúa từ Thiên Chúa, Ánh Sáng từ Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa Thật...cùng bản tính với Đức Chúa Cha” (Credo niceno - constantinopolitano).
Như vậy, chúng ta thấy từ ngữ «Người” (Chúa Con) làm cho chúng ta liên tưởng đến một ngôi
Như vậy chủ thể đầu tiên của Lời Tuyên Xưng đức tin vừa kể là Chúa Cha, Đấng cùng với Ngôi Chúa Con và Ngôi Chúa Thánh Thần, là một Thiên Chúa duy nhứt.
Lời xác nhận Kinh Tin Kính không nói về thực thể vĩnh cữu của Thiên Chúa, mà đúng hơn là diễn tả động tác mà Ba Ngôi Thiên Chúa tham dự và được thể hiện “ex Maria Vergine” (từ nơi Trinh Nữ Maria).
Không có Mẹ, cuộc hội nhập củă Thiên Chúa vào dòng lịch sử nhân loại có lẽ không thực hiện đươc đến cùng và những gì trung tâm điểm đức tin của chúng ta cũng không có: Chúa là một Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Như vậy Mẹ Maria liên hệ một cách không thể chối cải được với đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng tác động, Đấng hội nhập vào trong lịch sử.
Mẹ dâng hiến cả con người của Mẹ, “chấp nhận” mình trở thành nơi cư ngụ củă Thiên Chúa.
Một đôi khi trong cuộc hành trình và trong đời sống đức tin chúng ta có thể cảm nhận được trạng thái nghèo nàn, mức độ không tương xứng để nhân chứng cho thế giới. Nhưng Thiên Chúa đã chọn chính một phụ nữ khiêm tốn, trong một làng mạc ít được ai biết đến, ở một trong những tỉnh xa xôi của đế quốc Roma.
Luôn luôn giữa những khó khăn điêu đứng nhứt cần phải đương dầu, chúng ta phải có lòng tin cậy vào Chúa, canh tân lại đức tin vào sự hiện diện và tác động của Người trong lịch sử chúng ta, như đức tin của Mẹ Maria.
Không có gì mà Thiên Chúa không làm được !
- cuộc sống chúng ta luôn luôn bước đi trên một vùng đất vững chắc
- và được mở ra cho tương lai của hy vọng chắc chắn.
3 -Trong khi tuyên xưng trong Kinh Tin Kính “bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria”, chúng ta xác nhận rằng Chúa Thánh Thần, như là sức mạnh của Đấng Tối Cao, đã tác động một cách bí nhiệm trong Trinh Nữ Maria việc mang thai Con Thiên Chúa. Thánh Luca ghi lại lời của thiên sứ Gabriel:
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, sức mạnh của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1, 35).
Câu Phúc Âm trên nhắc lại hai điều rõ rệt:
- Điều thứ nhứt, đó là lúc tạo dựng. Khởi đầu Sách Sáng Thể Ký chúng ta đọc được rằng:
* “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 2).
Chính Thánh Thần sáng tạo đã ban sự sống cho mọi tạo vật và cho dòng giống nhân loại. Đó cũng là điều xảy ra nơi Mẹ Maria, nhờ tác động của chính Chúa Thánh Thần, một cuộc tạo dựng mới được thể hiện:
- Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi Mẹ Maria từ hư không,
- với công cuộc nhập thể Người ban sự sống cho một thế hệ nhân loại mới.
Các Giáo Phụ nhiều lần đã nói về Chúa Kitô như là một Adong mới, để nhấn mạnh công trình sáng tạo mới từ việc Con Thiên Chúa được sinh ra trong lòng Trinh Nữ Maria..
Điều vừa kể làm cho chúng ta suy nghĩ thế nào đức tin nơi chúng ta cũng là một điều mới mẻ mãnh liệt đến nỗi làm sinh ra một cuộc sinh nở thứ hai.
Thật vậy, khởi đầu của đời sống Kitô hữu có Phép Rửa,
- làm cho chúng ta tái sinh lại thành con cái Thiên Chúa ,
- làm cho chúng ta tham dự vào mối liên hệ con cái mà Chúa Giêsu liên hệ với Chúa Cha.
Tôi muốn được lưu ý thế nào Phép Rửa được đón nhận, chúng ta “được rửa tội”, đó là một hình
thức thụ động - bởi vì không ai trong chúng ta có thể tự mình làm cho mình, biến thành con cái
Thiên Chúa, đó là một ơn được ban cho một cách nhưng không.
Thánh Phaolồ nhắc lại tình nghĩa tử nầy của các tín hữu Chúa Kitô, ở một đoạn trung tâm điểm của Thư gởi các tín hữu Roma, nơi ngài viết:
- “Ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thánh Thần khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thánh Thần làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên “Abba, Cha ơi”. Chính Thánh Thần chứng thực cho tâm trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”(Rom 8, 14-16), chớ không phải nô lệ.
- Chỉ khi nào chúng ta rộng mở chúng ta ra cho động tác của Thiên Chúa, như Mẹ Maria. chỉ khi nào chúng ta phó thác mạng sống chúng ta cho Chúa, như cho một người bạn mà chúng ta hoàn toàn tin cậy, tất cả sẽ thay đổi.
Đời sống chúng ta có được một ý nghĩa mới và một khuôn diện mới, khuôn diện những đứa con của một Người Cha yêu thương chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Chúng ta đã nói về hai yếu tố:
- yếu tố thứ nhứt là Chúa Thánh Thần trên nước, Thánh Thần Tạo Dựng;
- nhưng còn có một yếu tố khác nữa trong các lời của biến cố Truyền Tin. Thiên sứ nói với Trinh Nữ Maria:
- “Quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”.
Đó là lời nói nhắc lại đám mây thánh , trong chuyến hành trình xuất hành, đám mây dừng lại trên lều hội ngộ, trên hòm bia giao ước, mà dân Israel mang theo mình, chứng tỏ sự hiện diện của Chúa (cfr. Ex 40, 34-38).
Như vậy Mẹ Maria là lều thánh mới, là hòm bia mới của giao ước, qua lời “xin vâng” của Mẹ đối với các lời của tổng lãnh thiên thần, Thiên Chúa nhận được một nơi cư ngụ trong thế giới nầy.
Đấng mà vũ trụ không thể chứa hết được, nhận lấy nơi cư ngụ trong dạ một trinh nữ.
Trở lại vấn đề. mà từ đó chúng ta đã khởi hành, đó là vấn đề căn nguyên của Chúa Giêsu, được tóm kết một cách ngắn gọn trong câu hỏi của Pilato:
- “Căn nguyên của ông ở đâu ?”.
Từ những suy tư của chúng ta, chúng ta thẩy thể hiện rõ, từ lúc khởi đầu của các Phúc Âm, đâu là nguồn gốc của Chúa Giêsu: Người là Con Duy Nhứt của Chúa Cha, từ Chúa Cha mà đến.
Chúng ta đang đứng trước một mầu nhiệm cao cả và liên kết chặt chẽ khó hiểu, mà chúng ta đang cử hành trong thời gian Giáng Sinh nầy: Con Thiên Chúa, qua động tác quyền phép Chúa Thánh
Thần, đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria.
Điều loan báo đó vang lên luôn luôn mới mẻ và mang nơi mình hy vọng và niềm vui sướng hân hoan cho tâm hồn chúng ta, bởi vì lời loan báo đó ban cho chúng ta mỗi lần một sự vững chắc, mặc dầu thường xuyên chúng ta cảm nhận thấy mình yếu đuối, khó nghèo, không có khả năng trước những khó khăn và sự dữ của thế gian, chúng ta vẫn chắc chắn rằng quyền năng của Thiên Chúa luôn luôn hành động và tác động những kỳ diệu trong sự yếu hèn.
Ơn của Người là sức mạnh của chúng ta:
- “Ơn của Thầy đã đủ cho anh em, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào về sự yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Chúa Kitô. Vì chính khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cor 12, 9-10).
Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập.
(Thông tấn www.vatican.va, 02.01.2013).
Không có nhận xét nào: