Người Tín Hữu Giáo Dân Trong chương IV: Hiến Chế Lumen Gentium - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
5 tháng 2, 2013

Người Tín Hữu Giáo Dân Trong chương IV: Hiến Chế Lumen Gentium

Nguyễn Học Tập – 5.2.2013: "Dưới danh nghĩa người giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì đưọc Giáo Hôi công nhận, nghĩa là những kitô hữu được hiệp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ Phép Rửa, đã trở thành Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân kitô giáo trong Giáo Hội và giữa trần thế theo phận vụ riêng của mình" (LG, 30).

Sau khi đã đề cập đến Cộng Đồng Dân Chúa, gồm có tât cả các tín hữu đã nhận được Phép Rửa, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, tất cả đều hội nhập và là thành phần Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Công Đòng Vatican dành nguyên cả phần còn lại của chương IV Hiến Chế Lumen Gentium, nói về người tín hữu giáo dân.


Chương IV Hiến Chế Lumen Gentium.

a) Người tín hữu giáo dân là ai? (LG, 31).



- các tín hữu được hội nhập vào Chúa Kitô qua Phép Rửa,

- thành phần cộng đồng Dân Chúa,

- được trở thành những chủ thể tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô,

- hành xử, trong Giáo Hội, chính sứ mạng của cả cộng đồng dân Kitô giáo.

Và như vậy, nếu sứ mạng chính của hàng giáo phẩm là : Phận Vụ Thánh Vụ, sứ mạng của các tu sĩ là Nhân Chứng Giữa Thế Gian Tinh Thần của Tám Mối Phước Thật, thì sứ mạng của người tín hữu giáo dân là

- 1) tìm kiếm Nước Thiên Chúa,

* bằng cách hành xử trên các vật thể trần thế và xếp đặt chúng theo ý muốn của Thiên Chúa, nói cách khác, là tiếp tục công trình trạo dựng của Thiên Chúa, gìn giữ và làm cho công trình tạo dựng càng trở nên tốt đẹp hơn, đối với vật thể cũng như đối với xã hội con người (Gen 2, 14).

* thực hiện các bổn phận và động tác trần thế thường nhật trong gia đình, ngoài xã hội.

2) cộng tác từ trong nội bộ trần thế để thánh hoá, băng những hoạt động của mình, dưới sự hướng dẫn của Phúc Âm;

3) làm cho Chúa Kitô tỏ hiện trước mọi người bằng nhân chứng của mình, nhứt là bằng lời nói và động tác sáng lạng của hy vọng và đức bác ái;

4) chăm lo đến các sự việc trần thế


* để cho chúng được thành tựu và phát triển theo mẫu gương Chúa Kitô,

* khiến cho chúng trở thành những thực thể ngợi khen Đấng Tạo Hoá và Đấng Cứu Độ.

b) Phẩm giá người tín hữu giáo dân trong Cộng Đông Dân Chúa (LG, 32).

Giáo Hội được tổ chức và hướng dẫn một cách tuyệt vời:

- "Thật vậy, theo thể thức đó, trong một thân thể chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng , cũng vậy tất cả cùng chung nhau hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô, và một cách cá nhân, chúng ta là những thành phần người nầy thuộc về người kia" (Rom 12, 4-5)

* phẩm giá như nhau của các thành phần, nhờ việc tái sinh trong Chúa Kitô,

* ân sủng được trở thành nghĩa tử của Chúa như nhau,

* có được ơn gọi trở nên thánh thiện như nhau.

Mặc dầu có những phận vụ khác nhau, giữa các tín hữu với nhau, chúng ta đều có phẩm giá ngang nhau và đều có bổn phận xây dựng Thân Thể Chúa Kitô như nhau.

Sự khác biệt được Chúa thiết lập giữa các giáo sĩ thừ tác viên và người tín hữu giáo dân tự mình cho thấy sự hiệp nhứt, giữa các chủ chăn và các tín hữu, được liên kết với nhau trong một cộng đòng tương giao

* theo gương Chúa Kitô, các vị mục tử phục vụ cho nhau và phục vụ các tín hữu.

* về phần mình, các tín hữu giáo dân cùng cộng tác với các mục tử và các bậc sư phụ. Chúng ta gọi các linh mục bằng "Cha, Patre, Père, Father", bởi vì các Ngài tái sinh, tắm rửa và nuôi nấng và dạy dỗ chúng ta bằng các Lời Chúa và các Phép Bí Tích)

Như vậy tất cả đều là chứng nhân cho sự hợp nhứt tuyệt với của Thân Thể Chúa Kitô.

c) Phận vụ tông đồ của người tín hữu giáo dân (LG, 33).

Người tín hữu giáo dân

* quy tựu nhau trong Cộng Đồng Dân Chúa.

* kết nhợp nhau trong Thân Thể Duy Nhứt Chúa Kitô, dưới mọt vị lãnh đạo duy nhứt.

Được mời gọi góp phần, như là các phần thân thể sống động, bằng tất cả khả năng ,sức mạnh và hoàn cảnh đã lãnh nhận được từ Đấng Tạo Hoá và ơn sủng từ Đấng Cứu Thế, để PHÁT HUY TĂNG TRƯỞNG GIÁO HỘI VÀ PHẬN VỤ THÁNH HOÁ CỦA GIÁO HỘI.

Phận vụ tông đồ của người tín hữu giáo dân là tham dự vào sứ mạng cứu rổi của Giáo Hội.

Cho phận vụ nầy tất cả mọi người đều được Chúa Kitô tiền định qua Phép Rửa và Phép Thêm Sức. Từ các Phép Bí Tích, nhứt là Phép Thánh Thể, tất cả đều được thông hiệp và được nuôi dưỡng tình bác ái yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với mọi người, Và đó là linh hồn của việc tông đồ.

Nhất là người tín hữu giáo dân được mời gọi hãy làm cho sự hiện diện và động năng của Giáo được thể hiện ở những nơi và trong những trường hợp, mà Giáo Hội không thể trở thành muối đất và ánh sáng, nếu không nhờ có người tín hữu giáo dân làm phương tiện.

Mỗi tín hữu giáo dân, vì những ân sủng mà mình nhận được, là nhân chứng và công cụ sống động chính của Giáo Hội "tùy theo tầm mức ân sủng được Chúa Kitô ban cho".

Người tín hữu giáo dân có thể được kêu gọi

* cộng tác vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm,

* thực thi một vài chức vụ trong Giáo Hội.

Như vậy mọi tín hữu giáo dân đều được mời gọi hoạt động để cho đồ án cứu rỗi của Chúa mỗi ngày đều đến được với tất cả mọi người ở mọi thời đại và trên toàn địa cầu.

d) Người tín hữu giáo dân tham dự vào chức vụ tư tế chung (LG, 34).

Chúa Giêsu Kitô, vị tư tế tối cao và vĩnh cửu, bằng cách muốn tiếp tục chứng nhân và sứ mạng của mình qua các tín hữu giáo dân, Người làm cho người tín hữu giáo dân được đầy sức sống qua Chúa Thánh Thần.

Thật vậy, tất cả các hoạt động của người tín hữu giáo dân, từ động tác cầu nguyện dến các sáng kiến tông đồ, cuộc sống đôi lứa và gia đình, việc làm hằng ngày, các động tác nâng đỡ tinh thần và thể xác đối với anh em, nếu họ biết thực hiện trong Chúa Thánh Thần, kể cả những khó khăn bất hạnh trong cuộc đời, nếu họ biế nhẫn nại chịu đựng, những điều không may mắn đó trở thành những phẩm vật thiêng liêng đẹp lòng Chúa, qua trung gian Chúa Giêsu Kitô (cfr 1 Pt 2, 5).

e) Người tín hữu giáo dân tham dự vào phận vụ ngôn sứ (LG, 35)


Chúa Kitô, vị Đại Ngôn Sứ thiết định các tín hữu giáo dân thành những nhân chứng của Người, bằng cách ban cho họ ý nghĩa của đức tin và ân sủng lời nói, để cho mãnh lực của Phúc Âm được chiếu rạng lên trong đời sống hằng ngày trong gia đình và ngoài xã hội.

Người tín hữu giáo dân tỏ mình ra là con cái của lời Chúa hứa, khi họ, được vững mạnh trong đức tin và niềm hy vọng, làm cho thời gian hiện tại trở thành hữu ích và với lòng kiên nhẫn chờ đợi niềm vinh quang tương lai.

Niềm hy vọng đó không phải để bị che giấu sâu thẩm trong tậm hồn họ, nhưng phải được diễn tả ra , ngay cả trong các cấu trúc đời sống trần thế.

Người tín hữu giáo dân trở thành sứ giả hữu hiệu, nếu họ biết kết hợp lời tuyên xưng đức tin với hoàn cảnh sống đức tin hàng ngày của họ.

Đời sống hôn nhân và gia đình có giá trị trọng đại. Cả hai vị phu thê đều có ơn gọi của mình: là nhân chứng đức tin và tình yêu Chúa Kitô người nầy cho người kia và cho con cái.

Người tín hữu giáo dân, ngay cả những lúc phải bận tâm lo lắng cho các sự việc trần thế, họ cũng có thể và phải thực thi động tác qúy báu rao giảng đức tin cho thế gian.

* Một vài người trong họ, vì thiếu các vị thừa tác viên hay các vị bị cấm cãn, có thể thay thế một vài phận vụ thánh, tùy theo khả năng và hoàn cảnh có thể của mình.

* Những người khác, tận dụng mọi sức lực của mình cho động tác tông đồ.

Như vậy, tất cả mọi tín hữu giáo dân

* đều cộng tác để phát triển và mở rộng vương quốc Chúa Kitô giữa trần gian.

* chuyên cần siêng năng học hiểu sâu đậm hơn về chân lý đã được mạc khải.

* tha thiết xin Chúa ban thêm cho ân sủng hiểu biết.

f) Người tín hữu giáo dân tham dự vào phận vụ vương giả của Chúa Kitô (LG, 36).

Chúa muốn trải rộng ra

* vương quốc chân lý và sự sống của Người,

* vương quốc thánh thiện và ân sủng,

* vương quốc chân lý, tình yêu và hoà bình

cả qua trung gian người tín hữu giáo dân.

Bởi đó người tín hữu giáo dân phải biết

* rõ bản chất sâu xa của tạo vật, giá trị của cchúng và thứ bậc trật tự của chúng để ngợi khen Thiên Chúa.

* giúp đỡ nhau để có được một đời sống thánh thiện ngay cả bằng những động tác trần thế, để cho thế giới được thẩm thấu Thánh Thần Chúa Kitô và nhờ đó đạt được hữu hiệu cùng đích của mình trong chân lý, bác ái và hoà bình.

Người tín hữu giáo dân, với thẩm quyền chuyên môn nghề nghiẹp của mình, phải biết góp phần để cho vật thể được Chúa dựng nên

* được làm cho phát triển tiến lên, trở thành lợi ích cho tất cả mọi người.

- bằng việc làm của con người,

- bằng kỷ thuật,

- bằng văn hoá dân sự,

* để cho các vật thể được đề cập, được phân chia một cách thích hợp,

* nhờ đó đem đến cho con người một mức tiến bộ đều khắp trong tự do nhân bản và Kitô giáo.

Như vậy, Chúa Kitô nhờ các thành phần của Giáo Hội, sẽ luôn luôn soi sáng rạng ngời hơn cho cả xã hội con người bằng ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ CỦA NGƯỜI.

Người tín hữu giáo dân bằng cách phối hợp các sức mạnh với nhau, lành mạnh hóa các cơ chế và tình trạng trên thế giới, biến những thực thể đó

* trở thành thích hợp với các lề luật chân lý,

* tao điều kiện thuận tiện để hành xử các đức tính,

* thấm nhuần văn hoá và hoạt động con người bằng những giá trị luân lý.

Như vậy ngưới tín hữu giáo dân chuẩn bị ruộng đất cho hạt giống lời Chúa, và lời loan báo hoà bình hội nhập được vào thế giới.

Người tín hữu giáo dân mặc dầu khác nhau về các quyền và bổn phận của mỗi người,

* với tư cách là thành phần của Giáo Hội,

* với tư cách là thành phần của cộng đồng xã hội.

Nhưng họ hãy tìm cách thiết định các sự khác biệt đó hoà hợp với nhau, bằng cách nhắc nhớ mình rằng trong mỗi thực thể trần thế, họ phải được lương tâm Kitô giáo hướng dẫn, bởi vì không có một tác động nào của con người có thể tước bỏ đi được điều răn của Thiên Chúa.

g) Người tín hữu giáo dân và hàng giáo phẩm (LG, 37).


Người tín hữu giáo dân có quyền được nhận các của cải thiêng liêng của Giáo Hội từ các vị chủ chăn , nhứt là các trợ lực của Lời Chúa và các Phép Bí Tích.

Tùy theo thẩm quyền chuyên môn và uy tính mà mình có được, người tín hữu giáo dân có quyền, hay đúng hơn một đôi khi có cả bổn phận, nói lên cho biết ý kiến của mình về những sự việc có liên quan đến lợi ích của Giáo Hội, luôn luôn với sự thật, sức mạnh và sự khôn ngoan, với lòng kính trọng và bác ái, đối với những ai đại diện cho Chúa Kitô, vì lòng tôn kính phận vụ thiên thánh của các đấng. ,

Người tín hữu giáo dân đón nhận những gì các vị chủ chăn thiết định, nhân danh chức vụ giáo huấn và uy quyền của mình trong Giáo Hội, và nhứt là khi các vị nhân danh Chúa mà dạy bảo.

Các vị chủ chăn

* phải nhận biết và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội.

* hãy sẵn sàng đón nhận các lời khuyên khôn ngoan của các con chiên mình.

* với lòng tin tưởng hãy biết ủy thác cho họ các phận vụ phục vụ Giáo Hội.

* hãy biết để cho họ tự do và khoản trống để hành động.

* hãy biết khuyến khích, để người tín hữu giáo dân tác động thực hiện và có cả sáng kiến.

* hãy biết chú tâm đón nhận và với tình cha con trong Chúa Kitô, các sáng kiến, đòi hỏi và ước muốn được người tín hữu giáo dân đưa ra.

* hãy biết tôn trọng và nhận biết tự do chính đáng, mà mọi người đều có trong xã hội trần thế.

Trong mối liên hệ giữa người tín hữu giáo dân và các vị chủ chăn, chúng ta có thể chờ đợi được nhiều lợi ích cho Giáo Hội.

Như vậy,

* được xác nhận ý nghĩa trách nhiệm nơi người tín hữu giáo dân.

* với lòng hăng say và sức mạnh nơi động tác của các vị chủ chăn,

* được kinh nghiệm của giáo dân trợ lực thêm,

các vị chủ chăn có thể phán đoán một cách rõ ràng và thuận lợi hay không đối với những gì thiêng liêng, cũng như các sự việc thuộc lãnh vựcc trần thế.

Như vậy, cả Giáo Hội, được mạnh mẽ nơi tất cả các thành phần của mình, có thể thực hiện một cách có hiệu quả hơn sứ mạng cho đời sống của thế giới.

Mỗi người tín hữu giáo dân phải là một nhân chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh và là dấu chứng của Thiên Chúa hằng sống.

Tất cả cùng chung nhau, mỗi người trong phần của mình, đều phải nuôi dưỡng thế giới bằng các kết quả thiêng liêng và loan truyền tinh thần làm sống động dậy người nghèo khổ, hiền lành và hoà bình, mà Phúc Âm của Chúa gọi là " Những Người Được Chúc Phúc ":

LINH HỒN ở trong thân xác thế nào, đó cũng là điều mà NGƯỜI TÍN HỮU CHÚA KITÔ ở giũa trần thế.
Người Tín Hữu Giáo Dân Trong chương IV: Hiến Chế Lumen Gentium Reviewed by Răng Ra Ri on 2/05/2013 Rating: 5 Nguyễn Học Tập – 5.2.2013 : "Dưới danh nghĩa người giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu...

Không có nhận xét nào: