BBC - 29.03.2013: Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang vừa chủ trì một phiên họp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ở Hà Nội với nhiều kết luận quan trọng về chỉnh sửa hệ thống chính trị như việc sẽ cho lập ra Hội đồng Hiến pháp.
Trong phiên họp về kết quả lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hôm 28/3/2013, có vẻ như lãnh đạo Việt Nam đã đồng ý cho lập Hội đồng Hiến pháp nhằm giám sát việc thực thi bản hiến pháp mới.
Ngoài ra, nội dung của phiên họp cũng nói về nhu cầu ‘bảo đảm cho Tòa án Nhân dân hoạt động độc lập’ tuy không nói rõ độc lập với cơ quan nào, Chính phủ hay Trung ương Đảng Cộng sản.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, “về Hội đồng Hiến pháp, các đại biểu khẳng định Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, nhưng trong quá trình thực thi pháp luật khó tránh khỏi việc xảy ra các trường hợp vi phạm, vượt quyền”.
Cần có thực quyền
Vì thế, để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, Hội đồng Hiến pháp cần “có thực quyền hơn”, theo bản tin Thông tấn xã Việt Nam đăng tải.
Quyền con người cũng được nêu trong mục tiêu của công tác ‘xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ ở Việt Nam, theo nội dung báo cáo của Ban Chỉ đạo đọc tại phiên họp.
Nhưng báo cáo cũng nhấn mạnh ‘Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’, gián tiếp xác nhận việc duy trì Điều 4 của Hiến pháp 1992 trong bản hiến pháp mới, bác bỏ các kiến nghị bỏ điều này trong đợt lấy ý kiến đang diễn ra trong nước.
Tuy vậy, về ngôn từ, dù coi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản ‘là vấn đề cốt lõi của chế độ chính trị’, báo cáo mà Thông tấn xã Việt Nam trích thuật trên mạng không ghi đây có phải là ‘quyền lãnh đạo tối cao và duy nhất’ với Nhà nước và xã hội hay không.
Gần đây có nhiều quan điểm của giới chuyên gia tại Việt Nam nêu ra đề nghị áp dụng nguyên tắc tam quyền phân lập, điều chính thức không được Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận.
Thậm chí, có các ý kiến đề nghị lập Tòa án Hiến pháp nhằm đảm bảo cho quyền cơ bản của công dân được bảo vệ trước các quyết định tùy tiện của cơ quan hành pháp, chủ yếu là Chính phủ.
Việc lập ra một Hội đồng Hiến pháp tuy không đạt được mức độ cải cách thể chế như các đề nghị trên nhưng cũng có thể coi là một bước tiến nhỏ.
Ngoài ra, việc nhấn mạnh tới 'tính độc lập' của tòa án và hệ thống tư pháp, dù mới chỉ về ngôn từ cũng cho thấy dư luận đòi hỏi tính minh bạch, phân chia quyền hạn trong hệ thống quyền lực cũng có tác động ít nhiều với Đảng Cộng sản.
Ngược lại, các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương về cơ bản cũng đã "đồng tình với các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992", cho thấy việc tiếp tục duy trì đợt lấy ý kiến tới tận tháng 9/2013 có thể không đem lại nội dung gì mới.
Không có nhận xét nào: