Tuần Thánh Để "Học Cách Đi Ra Ngoài Chính Mình": Buổi Triều Yết Công Cộng Đầu Tiên của ĐGH Phanxicô - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
29 tháng 3, 2013

Tuần Thánh Để "Học Cách Đi Ra Ngoài Chính Mình": Buổi Triều Yết Công Cộng Đầu Tiên của ĐGH Phanxicô

Hélène Ginabat, Zenit - 27.3.2013: "Sống Tuần Thánh khi nhìn vào Đức Giêsu có nghĩa là học cách thoát ra chính con người chúng ta" Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích và nhấn mạnh : "Tuần Thánh là một thời gian ân điển mà Chúa ban cho chúng ta để mở cửa tấm lòng mình, cuộc đời mình, giáo xứ của mình, - tiếc biết bao, tất cả những giáo xứ đang bị đóng cửa ! – các phong trào, các hội đoàn, và để "đi ra" gặp gỡ người khác, gần gũi với họ để mang lại ánh sáng và niềm vui của đức tin chúng ta".

Đức Giáo Hoàng, hôm thứ tư Tuần Thánh 27/03/2013 đã tiếp kiến khoảng 15.000 khách hành hương, trong một buổi triều yết công cộng với sự hiện diện của trên dưới 3.000 sinh viên trẻ của "UNIV2013".


Ngài nhấn mạnh đã nhận "bằng chứng" từ tay ĐGH Biển Đức XVI mà ngài một lần nữa đã hết lời ngợi khen và đã thông báo rằng ngài sẽ tiếp nối các bài giáo lý về Năm Đức Tin.

Những người hợp tác với Đức Giáo Hoàng sau đó đã đọc bản tổng kết bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng cũng như những lời chào mừng bằng các thứ tiếng mà ngài đã đọc lên bằng tiếng tiếng Ý trước khi được dịch ra 7 thứ tiếng là : Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Ả-rập và Ba Lan.

Đức Giáo Hoàng cũng đã đưa ra lời kêu gọi quốc tế đầu tiên của ngài, yêu cầu chấm dứt ngay những tranh chấp ở nước Cộng Hòa Trung Phi.

Bài Giáo Lý đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Anh Chị Em thân mến, xin chào !

Tôi rất sung sướng chào đón quý anh chị em trong buổi tiếp kiến chung đầu tiên của tôi. Tôi nhận được "bằng chứng" từ tay vị tiền nhiệm quý mến của tôi là ĐGH Biển Đức XVI, với đầy lòng biết ơn và tôn kính. Sau Lễ Phục Sinh, chúng ta sẽ tiếp tục các bài giáo lý về Năm Đức Tin. Ngày hôm nay, tôi xin trình bày đôi điều về Tuần Thánh. Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta đã bắt đầu tuần lễ này, trung tâm của cả năm phụng vụ, trong đó chúng ta đồng hành với Chúa Giêsu trong Cuộc Thương Khó của Ngài, trong cái chết của ngài và trong sự Phục Sinh của ngài. Nhưng đối với chúng ta, sống Tuần Thánh có nghĩa là gì ? Theo chân Đức Giêsu lên núi Sọ trên con đường dẫn đến Thánh Giá và Sự Sống Lại có nghĩa là gì ?

Trong sứ mạng của Ngài trên thế gian, Đức Giêsu đã đi trên những con đường ở Đất Thánh; Ngài đã gọi 12 người đơn sơ để ở lại với Ngài, để chia sẻ con đường Ngài đi và tiếp nối sứ mạng của Ngài; Ngài đã chọn họ giữa muôn dân đầy niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Ngài đã nói với hết cả mọi người, không phân biệt, với người cao trọng cũng như kẻ thấp hèn, với người thanh niên giầu có và người đàn bà goá bụa nghèo nàn, với những kẻ quyền thế và với những người dân đen; Ngài đã mang lại lòng thương xót và sự thứ tha của Thiên Chúa; Ngài đã chữa lành, đã an ủi, đã cảm thông; Ngài đã ban hy vọng; Ngài đã mang lại cho mọi người sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng luôn chú ý đến mỗi con người, nam cũng như nữ, như một vị từ phụ và một bà hiền mẫu đối với từng đứa con của mình. Thiên Chúa không chờ chúng ta chạy đến với Ngài, mà chính Ngài đã đến với chúng ta, không tính toán, không giới hạn. Thiên Chúa là như thế : Ngài, chính Ngài luôn di bước đầu tiên, Ngài đến với chúng ta. Đức Giêsu đã trải nghiệm cuộc đời thường nhật của những con người bình thường nhất : Ngài đã cảm động trước đám đông giống như một đàn chiên không có mục tử; Ngài đã khóc trước nỗi đau đớn của chị em bà Martha và Maria vì người anh là Lazarô đã chết; Ngài đã gọi một người thu thuế làm môn đệ của Ngài; Ngài cũng đã chịu sự phản bội của một người bạn. Nơi Ngài, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự bảo đảm là Ngài ở cùng chúng ta, ở giữa chúng ta. "Con chồn, Đức Giêsu phán, có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Mt 8, 20). Chúa Giêsu không có nhà ở, bởi vì nhà Ngài, chính là người ta, chính là chúng ta ! Sứ mạng của Ngài là mở ra với hết mọi người cửa ngõ của Thiên Chúa, là trở thành sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa .

Trong Tuần Thánh, chúng ta sống trên đỉnh cao của con đường này, của con đường tình yêu xuyên suốt chiều dài lịch sử của những quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem để đi nốt bước cuối cùng, trong đó Ngài tóm tắt tất cả cuộc sống thế trần của Ngài : Ngài tự hiến toàn vẹn, Ngài không giữ gì cho Mình, kể cả sự sống của Ngài. Trong bữa tiệc ly, với các bạn của Ngài, Ngài bẻ bánh chia sẻ và trao chén cho họ "vì chúng ta". Con Thiên Chúa, tự hiến cho chúng ta, Ngài đã trao vào trong tay chúng ta Mình và Máu của Ngài để được luôn ở cùng chúng ta, để được ở giữa chúng ta. Và trong Vườn Cây Dầu, cũng như trong phiên xử trước mặt Philatô, Ngài đã không phản kháng, Ngài tự hiến; Ngài là kẻ Tôi Tớ khổ nạn, đã được ngôn sứ I-sa-i-a tiên đoán, sẽ hiến thân đến lúc chết (x. Is 53, 12).

Đức Giêsu không sống tình yêu này, dẫn đến sự hy sinh, một cách thụ động hay như một định mệnh phũ phàng; chắc chắc là Ngài không dấu diếm nỗi bối rối mang tính con người trong Ngài trước viễn ảnh cái chết dữ dằn, nhưng Ngài đã phó thác cho Cha với niềm tin trọn vẹn. Đức Giêsu tự ý nộp mình chịu chết để tương ứng với tình yêu của Chúa Cha, phù hợp trọn vẹn với ý chí của Ngài, để bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Trên cây Thánh Giá, Đức Giêsu "đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (x. Gl 2, 20). Mỗi người trong chúng ta đều có thể nói rằng : Ngài đã yêu mến tôi và đã hiến mạng vì tôi. Mỗi người trong chúng ta đều có thể nói "vì tôi".

Đối với tôi, tất cả chuyện này có ý nghĩa gì ? Điều này có nghĩa rằng con đường này cũng là con đường của chính tôi, của anh, của chúng ta. Sống Tuần Thánh theo chân Đức Giêsu, không chỉ với một con tim hoang mang; sống Tuần Thánh noi gương Đức Giêsu có nghĩa là học hỏi thoát ra từ chính bản thân mình –như tôi đã nói Chúa Nhật tuần trước-, để đi gặp tha nhân, tới những ngoại ô của cuôc đời, để là những người cất bước đầu tiên đến gặp các anh chị em của chúng ta, nhất là những người xa xôi nhất, những người bị lãng quên, những người đang cần nhiều thông cảm hơn, cần an ủi hơn, cần giúp đỡ hơn. Thật là rất cần mang lại cho họ sự hiện diện sống động của Đức Giêsu giầu lòng thương xót và giầu tình yêu thương

Sống Tuần Thánh, tức là đi vào càng lúc càng sâu trong lôgic của Thiên Chúa, trong lôgic của Thánh Giá, vốn trước hết không phải lôgic của sự đau khổ và của sự chết, mà là lôgic của tình yêu và sự tự hiến, lôgic cho đi sự sống. Đó là đi vào lôgic của Tin Mừng. Đi theo, tháp tùng Đức Kitô, ở lại với Ngài, đòi hỏi phải "đi ra", "đi ra". Đi ra khỏi chính mình, đi ra khỏi một cách sống đức tin uể oải và máy móc, đi ra khỏi cái cám dỗ tự giam mình trong những khuôn khổ do chính mình vẽ ra mà kết quả là dẫn đến sự khép kín chân trời tác động sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi ra từ chính mình đển giữa chúng ta, Ngài đã dựng lều giữa chúng ta để mang đến cho chúng ta lòng thương xót cứu độ và ban phát niềm hy vọng. Chúng ta cũng thế, nếu chúng ta muốn theo chân Ngài và ở trong Ngài, chúng ta không được an phận nằm trong chuồng của 99 con chiên, chúng ta phải "đi ra", cùng Ngài đi tìm con chiên lạc, con chiên đang ở xa nhất. Chúng ta hãy nhớ điều này : đi ra khỏi chính mình, như Đức Giêsu, như Thiên Chúa đã đi ra từ chính Ngài qua Đức Giêsu và Đức Giêsu đã đi ra từ chính Ngài vì chúng ta tất cả.

Người ta sẽ có thể nói với tôi rằng : "Nhưng, thưa cha, con không có thời giờ", "con có quá nhiều chuyện phải làm", "với sức hèn mọn của con, với tội lỗi của con, và với bao nhiêu chuyện khác, con có thể làm được cái gì đây ?". Chúng ta thuờng hay thỏa mãn với việc đọc vài ba kinh, đi lễ ngày Chúa Nhật thì chia trí và không đều đặn, làm một cử chỉ bác ái, nhưng chúng ta không có cái can đảm để "đi ra" để mang Đức Kitô đến cho người ta. Chúng ta cũng ít nhiều giống thánh Phêrô. Chúa Giêsu mới nói đến cuộc Khổ Nạn, đến cái chết và sự sống lại, đến sự hiến mạng và hiến tình yêu cho mọi người, thì vị Thánh Tông Đồ đã kéo Ngài ra xa và trách cứ Ngài. Những điều Đức Giêsu phán đã làm đảo lộn kế hoạch của ông, theo ông là không thể chấp nhận được, là đặt những an toàn mà ông dự tính vào trong tình trạng nguy hiểm, ý nghĩ của riêng ông về Đấng Mê-sia. Và Đức Giêsu nhìn các môn đệ của Ngài và phán với Phêrô có lẽ là một trong những lời nặng nề nhất trong Phúc Âm : "Satan ! Lui ra phía sau Ta. Vỉ tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người !" (Mc 8, 33). Thiên Chúa luôn suy nghĩ với lòng thường xót, xin đừng quên điều này. Thiên Chúa luôn suy nghĩ với lòng thương xót : Ngài là Cha Khoan Dung của chúng ta ! Thiên Chúa suy nghĩ như người cha đang mong đợi sự trở về của đứa con trai và ông đã ra gặp nó, ông đã thấy nó khi nó còn ở ngoài xa… Điều này có nghĩa là gì ? Có nghĩa là mỗi ngày, ông ra ngóng xem con trai ông có trở về nhà không : đó là người Cha giầu lòng thương xót của chúng ta. Từ trên sân thượng của ông, đó là dấu hiệu ông hết lòng mong chờ; Thiên Chúa suy nghĩ như người xứ Samari, không đi ngang người gặp nạn chỉ với lòng thương hại, hay nhìn sang bên kia đường, nhưng đã cứu chữa người này mà không đòi hỏi bất cứ điều gì; không hỏi rằng người này là dân Do Thái, người ngoại giáo, hay người xứ Samari, giầu hay nghèo : ông ta không hỏi gì cả. Ông không đặt những câu hỏi loại này. Ông không hỏi bất cứ điều gì. Ông tới giúp đỡ : Thiên Chúa là như thế đó. Thiên Chúa suy nghĩ như một mục tử sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ và cứu vớt đàn chiên của mình.

Tuần Thánh là một thời gian Ân Điển mà Chúa đã ban cho chúng ta để mở ra những cánh cửa của trái tim chúng ta, của cuộc đời chúng ta, của các giáo xứ chúng ta - tiếc thay cho tất cả những giáo xứ đang bị đóng cửa !- của các phong trào, của các hội đoàn, và để "đi ra" gặp gỡ người khác, gần gũi với họ để mang cho cho họ ánh sáng và niềm vui của Đức Tin chúng ta. Luôn luôn đi ra ! Và làm điều này với tình yêu và với sự dịu hiền của Thiên Chúa, trong sự tôn trọng và nhẫn nại, biết rằng, dù rằng chúng ta có đóng góp bàn tay, đôi chân, trái tim của chúng ta, nhưng rồi sau đó, chính là Thiên Chúa sẽ dẫn dắt họ và làm cho các hành động của chúng ta nên có nhiều hiệu quả.

Tôi xin chúc tất cả anh chị em hãy sống những ngày Tuần Thánh bằng cách theo chân Chúa với lòng can đảm, và mang một tia sáng tình yêu tới cho những người mà chúng ta sẽ gặp. 
Mạc Khải phỏng dịch


Tuần Thánh Để "Học Cách Đi Ra Ngoài Chính Mình": Buổi Triều Yết Công Cộng Đầu Tiên của ĐGH Phanxicô Reviewed by Răng Ra Ri on 3/29/2013 Rating: 5 Hélène Ginabat, Zenit - 27.3.2013 : "Sống Tuần Thánh khi nhìn vào Đức Giêsu có nghĩa là học cách thoát ra chính con người chúng ta&q...

Không có nhận xét nào: