“Đáy” Nào Cho Việt Nam? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 3, 2013

“Đáy” Nào Cho Việt Nam?

Lê Dung, BBC - 19.03.2013:Tôi có thể khẳng định rằng đáy của sự khó khăn, bất ổn sẽ dừng lại ở quý 2/2013, nền kinh tế sẽ bớt khó khăn dần”.

Vào trung tuần tháng 3/2013, tiến sỹ Trần Du Lịch - đại biểu Quốc hội và cũng là một trong những chuyên gia thường bày tỏ phát ngôn về những vấn đề vĩ mô của kinh tế quốc gia, đã một lần nữa nêu ra dự báo về cái gọi là “đáy” của thực tại.

Nhưng cũng từ đầu năm 2011 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã hiện ra không ít cái đáy như thế, tuy chỉ trên phương diện chính sách và được kéo theo bởi những nhận định mang sắc màu tươi tắn.

Bất chấp thực tại vẫn khác xa với những gì mà não trạng quản lý hình dung…

“Không giống ai”

Lo ngại trước tỷ lệ lạm phát của quý cuối cùng năm 2010 vượt quá 10% và chỉ chịu dừng lại ở con số 11,75%, một nghị quyết của chính phủ mang số 11 đã chính thức phần hành thắt chặt chính sách tín dụng và tiền tệ, được ban hành vào tháng 2/2011.

Cùng với chủ trương siết chặt đầu tư công, giới chức điều hành kinh tế Việt Nam hy vọng rằng dòng tiền từ khối ngân hàng thương mại cổ phần không còn được bơm quá nhiều ra thị trường như trong hai năm 2009-2010 và do vậy tốc độ lạm phát có thể được kềm chế ở một mức độ nào đó được xem là “thành tích”.

Nhưng điều oái oăm là năm 2011 lại là mốc khởi đầu cho một tình trạng suy thoái khá toàn diện đối với gần hết các ngành kinh tế, đặc biệt là sản xuất và xuất khẩu.

Mặc dù Ngân hàng nhà nước đã “quyết tâm giữ vững” trần lãi suất huy động ở thang bậc 14%/năm từ tháng 4/2011, nhưng khoảng hai chục ngân hàng cấp dưới cũng chẳng mấy chốc lâm vào tình cảnh khan hiếm tiền mặt, đặc biệt là những ngân hàng thương mại có vốn điều lệ nhỏ và phần lớn cũng chẳng có mối quan hệ gần gũi với cấp trên.



Không khác mấy tiền lệ của thời kỳ cuối năm 2007 và nguyên năm 2008, một khi tiền mặt bị rút ra khỏi lưu thông, nhiều ngân hàng lại ồ ạt lao vào cuộc đua tăng mặt bằng lãi suất huy động để hút vốn. Đến cuối quý 3/2011, báo chí Việt Nam đã phải dùng đến cụm từ “cơn điên lãi suất” để mô tả về những mức lãi suất huy động không tưởng đến 20% hoặc hơn thế.

Ở một tâm thế đồng cảm không kém cạnh, mặt bằng lãi suất cho vay còn trở nên không tưởng hơn nhiều, có thời điểm lên đến gần 30%, mà theo lời một số chuyên gia thì hành vi này ở Việt Nam đã trở thành một trường hợp “không giống ai” so với thế giới.

Từ nghị quyết đến đời sống

Khan hiếm tiền mặt nơi ngân hàng và càng hiếm muộn tiền cung ứng cho các ngành sản xuất, Việt Nam đã phải trả giá cho mục tiêu kềm chế lạm phát bằng hệ lụy trì trệ tăng trưởng.

Chỉ đến cuối năm 2011, giới quản lý nhà nước mới thừa nhận con số khoảng 50.000 doanh nghiệp đã bắt buộc phải phải giải thể hoặc phá sản. Tuy nhiên, con số này xem ra vẫn còn khá ít ỏi so với tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp hoạt động theo thống kê trước đó.

Đầu năm 2013, tình hình thông tin bất chợt trở nên thông thoáng và “minh bạch” hơn. Đến lúc này, những thông tin từ Ủy ban kinh tế quốc hội cũng như giới phân tích kinh tế cho thấy con số giải thể và phá sản của doanh nghiệp đã lên tới hàng trăm ngàn.

Cũng liên tiếp phát lộ những tin tức về hiệu quả siết chặt đầu tư công đã chỉ để lại kết quả tăng tiến các công trình xây dựng trụ sở hành chính tại một số địa phương.

Trước đó vào đầu năm 2012 - được ví như thời khắc chuẩn bị cất cánh của “Con rồng Việt Nam”, công luận trong nước đã không còn ngần ngại khi đặt thẳng câu hỏi phản biện về việc có đến 200.000 doanh nghiệp không đóng thuế, mà hiểu theo cách nào đó cũng có nghĩa là con số không còn tồn tại - chiếm đến 1/3 tổng số doanh nghiệp được thống kê.

Đáy kinh tế” cũng bởi thế đã không có ý nghĩa gì vào năm 2011, và càng không được “nghị quyết đưa vào đời sống” trong nguyên năm 2012, bất chấp vài ba dự đoán và khuyến cáo lạc quan từ một số giới chức điều hành.

Trong thực tế, có vẻ như thành công duy nhất trong dự đoán trên đã chỉ ứng vào thời điểm cuối năm 2011, khi chỉ số lạm phát được coi là lập đỉnh của chu kỳ suy thoái khi tăng vọt đến gần 20%, để vào năm tiếp theo đã giảm đi gần một nửa.

Mối hoài nghi kinh niên

Bất chấp sự hoan hỉ của một số bộ trưởng về “thành tích kéo giảm lạm phát”, 2012 vẫn là năm chỉ chứng kiến tốc độ vòng quay vốn có 0,8 lần, so với hơn hai lần vào thời kỳ 2009-2010.

Có thể, lạm phát đã được kiềm chế trên danh nghĩa những con số của Tổng cục thống kê, nhưng câu chuyện phá sản doanh nghiệp và thất nghiệp cũng biến diễn đến mức khó diễn tả.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam vào cuối năm 2012 chỉ là 1,99% - theo một báo cáo của Tổng cục thống kê. Tức cũng chỉ hiện diện khoảng gần một triệu người thực sự thất nghiệp và khoảng 1,3 triệu người thiếu việc làm.

Tình hình càng có vẻ tốt lành hơn khi cùng với những dự báo về “đáy kinh tế”, sau Tết Nguyên đán 2013, Bộ Lao động thương binh xã hội bất chợt công bố đã giải quyết việc làm cho hơn 800.000 lao động.

Nhưng cái khó diễn tả lại thường đi kèm với mối hoài nghi kinh niên. Trong một khung cảnh đầy tính thực tại, những nhà phân tích gần gũi với dân tình hơn lại chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Từ lời cảnh báo “ruộng khô lúa cháy” của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đến hình ảnh “cái chết lâm sàng” của các doanh nghiệp bất động sản, tất cả đều chung một nội hàm.

Khi quý đầu tiên của năm 2013 đã gần trôi qua, trên mặt báo chí vẫn nhan nhản tin tức về ngành cá tra điêu đứng, ngành thép tồn kho, hàng nông sản rớt giá, tỷ lệ tồn kho không mấy thuyên giảm, kể cả nhiều mặt hàng tiêu dùng bị ngập ngụa trong cơn đại hồng thủy của đại hạ giá 50% hoặc hơn cả thế…

Chỉ có thông tin về xuất khẩu được mô tả là xán lạn hơn cả. Thế nhưng với vị trí là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và với chiếm vị trí quốc gia xuất gạo lớn thứ hai trên trường thế giới, giá gạo Việt Nam lại đã làm nên một nghịch lý khó hình dung khi giảm đến 17%, trong khi cùng thời điểm, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng 4%.

Bi kịch

Khác hẳn với bối cảnh năm 2011 và nửa đầu năm 2012, từ giữa năm ngoái đến nay, lượng tiền mặt được nhồi vào két sắt ngân hàng đã tăng đột biến. Song cũng khác hẳn với dĩ vãng, một lần nữa cán cân cung - cầu thanh khoản bị lệch pha một cách “quyết liệt”.

Không hề kém thua với tỷ lệ vài chục phần trăm tồn kho của các ngành sản xuất, nhiều ngân hàng hiện đang phải khốn đốn khi không biết làm cách nào để đẩy vốn tồn ứ ra thị trường, trong tâm thế nhiều doanh nghiệp “không biết vay vốn để làm gì”.

Nếu năm 2012 chứng kiến bốn lần hạ mặt bằng lãi suất huy động của Ngân hàng nhà nước mà đã khiến cả Ngân hàng thế giới lẫn Quỹ tiền tệ quốc tế phải ngạc nhiên đầy lo ngại, số lần dự báo về “đáy kinh tế” cũng diễn ra tương ứng.

Sau thời gian đầu năm lưỡng lự, đến cuối quý 2 và đặc biệt cuối quý 4 năm ngoái, những phát ngôn về “đáy” đã xuất hiện một cách lộ liễu và khá thuần túy thiên về cảm tính.

Nhưng trái ngược với mong muốn của giới điều hành kinh tế và các lý thuyết gia, trong thực tiễn đã chẳng hiện ra cái đáy nào. Mọi thứ vẫn trì đọng và có vẻ còn tuột dốc thêm.

Vào thời điểm cuối năm 2012, lần đầu tiên sau hai năm suy thoái được mô tả “cười cợt trên nỗi đau của người khác”, đến lượt những ngân hàng cho vay nặng lãi trở thành nạn nhân của chính họ: không còn tiền thưởng tết nhân viên và còn phải ăn vào vốn tích lũy, lợi nhuận của một số ngân hàng giảm đến 90% so với năm hoàng kim trước đó.

Như người đời thường nói, khi ngân hàng phải kêu thét lên thì chính lúc đó nền kinh tế lâm vào cảnh bi kịch thật sự.

Bi kịch đó lại bao gồm cảnh nợ nần và màn siết nợ.

Nổi bật của cảnh siết nợ là bất động sản.



2015?

Bất động sản - một gam màu chiếm vị thế chủ đạo trên bức tranh kinh tế tổng thể, một chủ đề mà từ cuối năm 2011 đã được xem là “mối quan tâm lo lắng nhất của chính phủ”, cho tới nay vẫn chưa hề thoát khỏi cái hố do nó tự đào suốt gần hai mươi năm qua, tính từ con sóng đầu cơ nhà đất đầu tiên vào năm 1995.

Công tâm mà xét, sẽ là quá khó để “tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế” - như tinh thần bản nghị quyết số 02 của chính phủ ban hành vào đầu tháng Giêng năm 2013, nếu Việt Nam không thể xử lý được khối tồn kho hàng trăm ngàn căn hộ cao cấp và do đó mới có thể giúp các doanh nghiệp bất động sản thanh toán phần nào nợ và lãi vay cho nhóm ngân hàng.

Nợ xấu đã hình thành và tích tụ từ năm 2007, đến nay đã trở thành vấn đề quá đỗi khẩn cấp khi trong một thực tế sâu sát nhất với các doanh nghiệp con nợ, nó có thể chiếm đến phân nửa số nợ, thay cho chỉ từ 6-8% theo con số báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhưng khác hẳn với năm 2007 là thời điểm ngân khố nhà nước còn khá dồi dào tiền mặt và do vậy mới có thể tung ra gói kích cầu có giá trị đến 143.000 tỷ đồng, tương đương với 8 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái vào năm đó, tình hình hiện tại ảm đạm hơn nhiều.

Con số từ 100.000 đến 150.000 tỷ đồng có thể được các ngân hàng bơm vào nền kinh tế - theo một thứ trưởng của Bộ Xây dựng là ông Nguyễn Trần Nam ròng rã loan báo từ cuối năm ngoái đến nay - thực ra đã được trù tính từ đầu năm 2012, chỉ có điều vẫn chưa thể trở thành hiện thực vì những lý do khó hiểu.

Cũng vì thế, động thái kích cầu thị trường bất động sản từ ngày 15/4/2013 qua con số 30.000 tỷ đồng cùng mức lãi suất khó tin 6% như một dự thảo thông tư của Ngân hàng nhà nước, vẫn bị nhiều doanh nghiệp bất động sản đánh giá “chỉ như muối bỏ bể”.

Xét ra, giá trị kích cầu trên là quá nhỏ bé so với những con số bất nhất từ 200.000 tỷ đến hàng triệu tỷ đồng giá trị tồn kho bất động sản hiện thời.

Không bất nhất như Việt Nam, nhưng người Mỹ cũng đã phải mất đúng ba năm kể từ khi vị tân tổng thống Barak Obama bơm vào nền kinh tế 900 tỷ USD thì mới tạo được đáy cho nền kinh tế Hoa Kỳ vào cuối năm 2011.

Cứ cho là nghị quyết 02 của chính phủ Việt Nam là sự khởi đầu cho một quá trình lãng mạn hơn, thì sớm nhất phải đến hết năm 2015 người dân của đất nước này mới có thể nhận ra một nét chấm phá nào đó về “đáy”.

Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, một nhà báo ở TP HCM.


“Đáy” Nào Cho Việt Nam? Reviewed by Unknown on 3/20/2013 Rating: 5 Lê Dung, BBC - 19.03.2013: “ Tôi có thể khẳng định rằng đáy của sự khó khăn, bất ổn sẽ dừng lại ở quý 2/2013, nền kinh tế sẽ bớt khó khă...

Không có nhận xét nào: