GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Lam Hồng - 28.2.2013: Tập sách nhỏ “Công lý và Hòa bình trên Biển Đông” quy tụ một số tham luận được chuẩn bị cho tọa đàm mang cùng tên, nhưng rất tiếc đã bị hủy bỏ vì điều kiện xã hội. Chúng tôi công bố chúng với ước mong góp phần khuyến khích xã hội dân sự tham gia nghiên cứu, đóng góp suy nghĩ và ý kiến cho một vấn đề quan trọng đến tiền đồ của đất nước Việt Nam.
Vào giữa tháng 7 năm 2009, các thành viên của Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình phải gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng cho cuộc tọa đàm về “Biển Đông và Hải đảo Việt Nam”. Những tưởng rằng tọa đàm này cũng bình thường như các Tọa đàm khác mà Câu lạc bộ đã thực hiện trước đó. Nào ngờ đề tài “Biển Đông và Hải đảo Việt Nam”, được dư luận trong cũng như ngoài nước đặc biệt quan tâm, đã trở thành một đề tài “nhạy cảm”. Chính vì vậy, Ban Tổ chức đã gặp nhiều khó khăn và áp lực từ nhiều phía. Có những lúc tưởng chừng như phải chấp nhận hủy bỏ cuộc tọa đàm đó! Rất may, bất chấp mọi khó khăn và giới hạn, tọa đàm đã được thực hiện. Ban tổ chức cũng đã nhận được nhiều phản hồi rất khích lệ. Đặc biệt, cuối cùng một cơ quan của Nhà nước đã đồng ý tài trợ để xuất bản cuốn Kỷ yếu của tọa đàm với tựa đề “Biển Đông và hải đảo Việt Nam”, NXB Tri Thức, 2010.
Ban tổ chức muốn tiếp tục nghiên cứu về đề tài quan trọng và thiết thân với đất nước chúng ta qua tọa đàm II: “Công lý và Hòa bình trên Biển Đông” (2011). Đây là một tọa đàm chuyên biệt mang tính học thuật xoay quanh 3 lãnh vực: địa lý, lịch sử, pháp lý và tương giao quốc tế.
1- Bình diện địa lý
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia duyên hải được hưởng quy chế 200 hải lý (370 km) tính từ đường cơ sở lãnh hải để đánh bắt hải sản và khai thác dầu khí. Ngoài ra, quan niệm thềm lục địa mở rộng còn cho phép nới rộng tới 350 hải lý (khoảng 650 km).
Nếu áp dụng nguyên tắc trên thì, đứng trên bình diện địa lý, Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc lãnh hải Việt Nam, bởi vì đảo Trí Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và từ đảo Hoàng Sa về đến Việt Nam chỉ vỏn vẹn 160 hải lý. Trong khi đó, Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa tính đến đảo gần nhất là khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất là khoảng 500 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý và cách Cam Ranh 250 hải lý, cách đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết) 270 hải lý.
Chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thềm lục địa pháp lý (legal continental shelf) của các quốc gia duyên hải dài 200 hải lý tính từ biển lãnh thổ ra khơi. Ngoài ra còn có thềm lục địa địa chất (geological continental shelf) có thể kéo dài tối đa đến 350 hải lý (650 km), nếu về mặt địa chất và địa hình, đáy biển là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài khơi trên triền biển sâu đến mũi xa bờ nhất của nền lục địa (continental margin).
Tại Hoàng Sa, thềm lục địa địa chất nằm trên nền lục địa, chạy thoai thoải từ dẫy Trường Sơn ra biển, phía đông Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Độ sâu nhất quanh đảo Hoàng Sa là 900 mét. Về mặt địa chất và địa hình, đáy biển Hoàng Sa là sự tiếp nối tự nhiên của dẫy Trường Sơn từ Cù Lao Ré ra các đảo Tri Tôn, Hoàng Sa và Phú Lâm. Đây là những cao nguyên của lục địa Việt Nam trên mặt biển. Nếu nước biển rút xuống 900 mét thì toàn thể các hải đảo Hoàng Sa sẽ biến thành một dẫy hành lang chạy thoai thoải từ Trường Sơn ra Biển Đông.
Năm 1925 nhà địa chất học quốc tế, Tiến Sĩ A. Krempt, Giám đốc Hải Học Viện Đông Dương, sau 2 năm nghiên cứu, phân chất đất đai, đo đạc, vẽ bản đồ các hải đảo và đáy biển đã lập phúc trình kết luận rằng: “Về mặt địa chất quần đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam” (Geologiquement les Paracels font partie du Vietnam).
Với điều kiện địa lý và địa chất như trên của Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có cơ sở để xin Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLCS) chấp thuận cho mở rộng thềm lục địa theo UNCLOS. Như vậy, Thềm lục địa pháp lý 200 hải lý sẽ thành Thềm lục địa mở rộng kéo dài tới 350 hải lý, tính từ Lãnh hải ra đại dương.
Trong khi đó từ quần đảo Hoàng Sa về Hoa lục có một rãnh biển sâu hơn 2300 mét. Vì đáy biển Hoàng Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài biển, Trung Quốc không có hy vọng đòi nới rộng thềm lục địa Trung Hoa từ 200 hải lý đến 350 hải lý như trường hợp Việt Nam.
Đối với Trường Sa cũng vậy. Về mặt địa chất và địa hình đáy biển, Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên từ lục địa Việt Nam ra ngoài biển. Tại bãi Tư Chính, nơi khai thác dầu khí, biển sâu không tới 400 mét, và tại vùng đảo Trường Sa và cồn An Bang (do Việt Nam chiếm cứ), độ sâu chỉ tới 200 mét. Bãi Tư Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 170 hải lý và cách Hoa lục tới 800 hải lý. Các đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12-8 bắc (từ Cam Ranh đến Cà Mau), cách bờ biển Việt Nam 220 hải lý và cách Hoa lục tới 750 hải lý, nên thuộc hải phận của Việt Nam.
Hơn nữa về mặt địa chất và địa hình, đáy biển Trường Sa cách bờ biển Trung Quốc bằng một rãnh biển sâu hơn 4 ngàn mét. Vì đáy biển không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài biển, Trung Quốc không có hy vọng đòi nới rộng thềm lục địa đến mức 350 hải lý. Trong mọi trường hợp, các đảo Trường Sa cách Hoa lục quá xa, từ 700 đến 800 hải lý, vượt quá mức tối đa 350 hải lý dành cho thềm lục địa địa chất, nên không thể thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Bản tường trình của Bắc Kinh nộp cho CLCS vào tháng 5 năm 2009 cũng chỉ đề cập đến vấn đề hải phận chứ không nói gì đến Thềm lục địa mở rộng theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi vì, căn cứ trên điều kiện địa lý và địa chất, Trung Quốc không hội đủ yếu tố để yêu cầu CLCS cho hưởng quy chế Thềm lục địa mở rộng tới 350 hải lý. Cái mà Trung Quốc gọi là “Đường 9 khúc” hay “Đường Lưỡi bò”, chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, hoàn toàn không xây dựng trên một nền tảng pháp lý và địa lý nào. Phải chăng đây thuần túy chỉ là một chủ trương bá quyền và “mưu đồ xâm lược mới”? Qua những diễn biến gần đây tại Biển Đông, nhiều người có lý để khẳng định rằng Trung Quốc đang sử dụng “luật rừng” và chủ ý dùng sức mạnh để thực hiện bằng được ý đồ xâm lược của mình tại Biển Đông.
2- Bình diện lịch sử
Về phương diện lịch sử, Trung Quốc vẫn thường lặp đi lặp lại quan điểm: “Biển Nam (South China Sea) là Biển Lịch Sử của Trung Quốc”. Trong mấy thập niên gần đây họ viện dẫn một số tài liệu lịch sử, ngoại sử và văn học để cố gắng chứng minh rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Trung Quốc chiếm hữu từ đời Nhà Tống hay Nhà Minh (?). Tuy nhiên, không có tài liệu lịch sử đáng tin cậy nào yểm trợ cho giả thuyết này. Trái lại, nhiều tài liệu lịch sử chính thống của Trung Quốc cho thấy rằng trong quá trình phát triển văn hóa, chính trị và lãnh thổ, dân Trung Quốc không tha thiết bao nhiêu đến đại dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Từ thời Nhà Tần, thế kỷ III trước Công nguyên, cho đến đầu thế kỷ XX có rất ít, nếu không muốn nói là chẳng hề có, các vụ xâm nhập quy mô của Trung Quốc tại Biển Đông. Mãi tới năm 1909, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Đông mới cho rằng Hoàng Sa là đất vô chủ và Trung Quốc là nước khai phá đầu tiên hay quần đảo này đã thuộc về Trung Quốc từ lâu, ngay từ đời Hán hoặc đời Tống, đời Minh[1].
Trong khi đó, nhiều tài liệu lịch sử cho thấy, khoảng năm 1620-1630, dưới thời Chúa Sãi (Nguyễn Phước Nguyên) đã xuất hiện đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải để bảo vệ chủ quyền của người Việt tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền này vẫn tiếp tục được duy trì qua các Chúa Nguyễn kế tiếp, Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn. Sau khi thống nhất đất nước vua Gia Long đã chính thức sát nhập các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào Việt Nam. Từ năm 1816, nhà vua đã sai thủy quân cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và thực thi chủ quyền trên các quần đảo đó.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh và xếp thành hàng ngang trước sân Thế Miếu để tưởng nhớ các vua triều Nguyễn. Bằng kỹ thuật đúc đồng điêu luyện các nghệ nhân thời Minh Mạng đã chạm khắc chung quanh hông Cửu đỉnh đó hình ảnh núi sông, lãnh hải, cửa biển, cửa ải, động vật, thực vật, binh khí, xe thuyền… của đất nước Việt Nam. Đặc biệt, chung quanh Cao đỉnh (đỉnh cao và nặng nhất, được đặt tương ứng với gian thờ vua Gia Long) đã chạm khắc nổi hình ảnh Biển Đông.
Trên các bản đồ ở thế kỷ XIX như bản đồ Taberd 1838, Đại Nam nhất thống toàn đồ 1839, Ngụy Nguyên 1842…đã ghi rõ hình ảnh lãnh thổ và hải đảo Việt Nam. Đặc biệt, giám mục Taberd đã nôm hóa một số địa danh của Việt Nam và gọi đảo Hoàng Sa là đảo Cát Vàng.
Trong giai đoạn Việt Nam mất chủ quyền chính trị thì người Pháp vẫn tiếp tục duy trì chủ quyền trên các quần đảo nói trên. Hiện nay, tại Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, (cố đô Huế), vẫn còn lưu giữ khoảng 36 Châu bản của vua Bảo Đại, trong đó có 2 Châu bản liên quan đến Hoàng Sa. Châu bản đề ngày 3.2.1939, phê chuẩn đề nghị tặng huy chương “tứ hạng Long tinh” của Nam triều cho ông Louis Fantan, Cai đội hạng nhất người Pháp vừa từ trần, vì có công phòng thủ Hoàng Sa. Một Châu bản khác, đề ngày 15.2.1939, châu phê đề nghị ban tặng huy chương “ngũ hạng Long tinh” cho lính Khố Xanh ở Trung Kỳ để tưởng thưởng công lao “lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”.
Nhưng Trung Quốc luôn khôn khéo đổi chác quyền lợi với thực dân Pháp và thường lợi dụng khoảng trống quyền lực trên Biển Đông để xâm chiếm các quần đảo này một cách bất hợp pháp. Đặc biệt, năm 1974, lợi dụng thời cơ Mỹ rút khỏi Việt Nam và văn thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Nhưng Trung Quốc cũng thừa biết rằng, theo Hiệp định Genève, thì nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chẳng có thẩm quyền nào trên Hoàng Sa và Trường Sa, vì hai quần đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17, do đó thuộc quyền của Việt Nam Cộng Hòa.
3- Bình diện pháp lý & tương giao quốc tế
Biển Đông đã một vài lần nổi sóng vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, nhưng trong những năm gần đây sự căng thẳng đã lên đến mức độ nguy hiểm. Nhà cầm quyền Trung Quốc một mặt cố gắng dùng lời lẽ hoa mỹ trong đàm phán ngoại giao, với những thông điệp rất êm tai như “hòa bình”, “thân thiện”, “láng giềng hữu nghị” hay đẹp hơn nữa với “sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan”. Nhưng mặt khác, họ dùng nhiều thủ đoạn, vừa tinh vi vừa trắng trợn, để lấn chiếm và xâm phạm lãnh thổ của các nước lân bang. Hành động ngày càng quyết đoán và ngang ngược trên Biển Đông phản ánh rõ rệt chủ trương Đại Hán của họ.
Ngày 28.5.2011, hai ngày sau khi Việt Nam cáo buộc tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo nói đây là “hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền” của nước này. Tại cuộc họp báo hôm thứ ba, ngày 31.5, người phát ngôn Khương Du nhắc lại lập trường của Trung Quốc: “Tàu hải giám của Trung Quốc chỉ làm việc thực thi pháp luật trước sự hoạt động bất hợp pháp của tàu Việt Nam. Đây là hành động hoàn toàn chính đáng (của Trung Quốc)”. “Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam dừng ngay các hoạt động của họ và không gây thêm rắc rối”.
Gần hai tuần sau, ngày 9.6.2011, tàu khảo sát địa chấn Viking 2 mà Việt Nam thuê của Pháp đã bị tàu cá của Trung Quốc phá dây cáp. Thông tin từ PVN cho biết, tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 6226 đã chạy với tốc độ cao ngang qua và phá hoại dây cáp thăm dò của Viking 2 “bằng thiết bị chuyên dụng”, gây rối cáp khiến tàu này phải ngừng hoạt động. Đây là một việc làm “hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng” và được tiếp sức bởi nhà cầm quyền Trung Quốc. Ngay sau khi người phát ngôn Việt Nam tổ chức họp báo thì Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam đã “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc” trong vụ xảy ra sáng ngày 9.6.2011. Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Trung Quốc nói: “Tàu cá Trung Quốc, trong khi hoạt động tại vùng biển trên, đã bị tàu có vũ trang của Việt Nam xua đuổi”. “Trong khi đuổi bắt lộn xộn, lưới của một trong các tàu cá Trung Quốc bị vướng vào dây cáp của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, vốn đang hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển này”.
Hạm đội của Trung Quốc trong tư thế vũ trang sẵn sàng chiến đấu, thao dượt rầm rộ trên biển Đông và liên tục bắt bớ tàu đánh cá, đánh đập ngư dân Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa. Đúng như nhận định của 90 nhân sĩ trong Thư ngỏ ngày 6 tháng 8 năm 2012, “hơn một năm qua, Trung Quốc thực hiện những bước mới xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta cũng như các quốc gia giáp Biển Đông. Họ ngang nhiên lập đơn vị hành chính có quân đồn trú ở nơi rất ít dân hòng cai quản vùng biển đảo rộng lớn không phải của mình, mời thầu thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đưa tàu thuyền đánh cá cùng với tàu bán quân sự và quân sự hoạt động trên vùng này, đồng thời bức hại ngư dân ta đang hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhiều khả năng những hành động gây hấn của Trung Quốc sẽ còn tăng mức độ quyết liệt đi đôi với việc chuẩn bị dư luận và điều kiện cho bước leo thang nguy hiểm hơn, kể cả đe dọa gây chiến”.
Sau một thời gian dài im lặng hay chỉ dám đưa tin là có những “tàu lạ” đã bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam, chứ không dám nói “tàu lạ” đó là tàu nào và của ai. Thời gian gần đây các cơ quan ngôn luận trong nước đã nêu đích danh chủ nhân của những chiếc tàu đó là Trung Quốc. Ngày 8.5.2009, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Ngày 7.5.2009, Chính phủ Việt Nam đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc Báo cáo quốc gia xác định Ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Trước đó, ngày 6.5.2009, Việt Nam và Malaysia cũng đã phối hợp trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Việc trình các báo cáo này là việc làm bình thường của quốc gia thành viên nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
Từ quan điểm đó, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách chín đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn. Một lần nữa, chúng tôi khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.
Trong buổi lễ hưởng ứng Ngày đại dương thế giới và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2011 tại Nha Trang, vào tối ngày 08.6.2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố “khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất” để “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc”. Ông cho biết: “Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp quốc, đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của chúng ta”.
Người Việt Nam trong cũng như ngoài nước hoan nghênh và đánh giá cao Luật Biển vừa được Quốc hội thông qua. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để nhà nước cũng như nhân dân bảo vệ, quản lý, hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với Công ước Quốc tế luật pháp quốc tế. Chúng tôi nghĩ rằng nhà nước có sách lược riêng để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Có điều là chưa thấy sự nhất quán giữa lời nói và hành động, nhất là những gì nhà nước thực hiện để bảo vệ sự toàn vẹn của Biển đảo chưa đủ sức thuyết phục đại đa số người Việt yêu nước. Người ta càng bức xúc và bất mãn hơn khi nhà nước không những không có những giải pháp thiết thực để củng cố sự đoàn kết dân tộc, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, mà trái lại còn ngăn cản và gây áp lực trên công tác nghiên cứu cần thiết này.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam bắt đầu hiện đại hóa hải quân, điều quân tới các vị trí chiến lược và tổ chức các cuộc tập trận bắn “đạn thật” trên Biển Đông. Đó là một trong những biện pháp quốc phòng cần thiết. Nhưng phải chăng “viên đạn thật” cần trang bị là sự đoàn kết của toàn dân Việt Nam, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, ở trong hay ngoài nước.
Những “viên đạn thật khác” mà chúng ta cần sử dụng là lý chứng lịch sử, công pháp quốc tế và chủ trương đối ngoại toàn diện. Việc liên kết với các nước thuộc khối ASEAN, đặc biệt với các quốc gia ven Biển Đông để cùng nhau giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển đảo theo đúng Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982. Sự hỗ trợ của các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Úc, Pháp, Đức … sẽ là “lá chắn hữu hiệu” để ngăn cản tham vọng xâm lược đến từ phương Bắc. Trong tương quan đa đối tác đó, thiết tưởng cần mạnh mẽ quả quyết rằng chủ trương “Đường lưỡi bò” cũng như tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc không những phi lịch sử, mà còn hoàn toàn chống lại UNCLOS. Hủy bỏ tham vọng bá quyền của Trung Quốc là một trong những điều kiện cần thiết để xây dựng “công lý và hòa bình trên Biển Đông”.
4- Công lý và Hòa bình trên Biển Đông
Tọa đàm “Công lý và Hòa bình trên Biển Đông” ước muốn tiếp nối hướng đi của tọa đàm “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” (2009), nhằm nghiên cứu thêm khía cạnh lịch sử và pháp lý, đồng thời khai triển mối tương quan đa đối tác và mối quan hệ phức tạp giữa các đối tác / đối thủ trên Biển Đông hôm nay.
Tọa đàm trình bày các tham luận chính: Một số tư liệu chứng thực Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; Phân tích nguồn tư liệu liên quan đến Biển Đông Việt Nam trong chính sử và phương chí Trung Quốc; Phản biện quan điểm của một số học giả Trung Quốc; Tranh chấp Biển Đông và một số vấn đề pháp lý quốc tế liên quan; Biển Đông trong bang giao quốc tế đương đại. Ngoài ra, còn có một số phát biểu và phản biện để làm sáng tỏ các vấn đề khúc mắc.
Tọa đàm dự định tổ chức vào ngày 17 tháng 9 năm 2011, nhưng do tình hình “nhạy cảm”, nên vào phút chót Ban Tổ chức đành phải hủy bỏ. Rất may trong thời gian qua có một vài chuyển biến tích cực trong giới nghiên cứu của Trung Quốc về Biển Đông cũng như nhà cầm quyền Việt Nam.
Trong cuộc hội thảo ngày 14-6-2012 do Viện Kinh tế Thiên Tắc tổ chức, một số học giả Trung Quốc đã thẳng thắn công nhận sự thật lịch sử mà cho đến nay nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn phủ nhận. Nhà báo Chu Phương, cựu biên tập viên Tân Hoa Xã, cho rằng việc quyết định thành lập “thành phố Tam Sa” rộng tới 2,6 triệu km2 là “bước đi sai lầm nhất và thiếu sáng suốt nhất của Trung Quốc, là một trò cười cho quốc tế”. Ông coi chính sách dùng vũ lực ở Biển Đông là một hành động “sai lầm nguy hiểm vô trách nhiệm đang đẩy nhân dân Trung Quốc đến bờ vực thẳm chiến tranh”. Giáo sư Ngô Kiến Dân, một nhà ngoại giao kỳ cựu, thẳng thắn tuyên bố chính sách của Bắc Kinh hiện nay ở Biển Đông là một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan không thể chấp nhận”. Học giả Lý Lệnh Hoa bác bỏ “cái đường 9 đoạn hư ảo” mà “nếu cứ ngoan cố tuyên bố thì chắc chắn sẽ trở thành kẻ thù chung của cả thế giới”. Nhà bình luận nổi tiếng Tiết Lý Thái (Hồng Kông) cũng phân tích cặn kẽ sự đuối lý về mọi mặt yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh.
Để thúc đẩy tiến trình đối thoại này, chúng tôi hân hạnh giới thiệu với quý bạn đọc một số nghiên cứu và suy tư chung quanh chủ đề “Công lý và hòa bình trên Biển Đông”. Đây là một phần nội dung của cuộc tọa đàm phải hủy bỏ, vì liên quan đến đề tài “nhạy cảm”. Dĩ nhiên, tập tài liệu này còn nhiều bất cập cần được bổ túc, tuy nhiên nó vừa biểu lộ mối quan tâm của dư luận xã hội đối với tương lai Đất Nước, vừa cung cấp một số chứng cứ lịch sử và khoa học về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Ngay từ thế kỷ 16, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã dự báo vị thế quan trọng của Biển Đông trong việc bảo tồn và phát triển đất nước. Hai câu thơ sau đây của cụ vừa mang tính dự báo, vừa biều lộ tầm nhìn chiến lược đối với tương lai của dân tộc:
Vạn lý Đông minh quy bả ác
Ức niên Nam cực điện long bình
(Dịch nghĩa: Vạn dặm Biển Đông dang tay giữ,
Muôn năm cõi Việt vững thanh bình).
Ở thời đại toàn cầu hóa hôm nay, Biển Đông là con đường huyết mạch nối liền các quốc gia Tây và Nam Á với các quốc gia Đông và Bắc Á, cũng như với thế giới. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) thì lãnh thổ Việt Nam không chỉ thu hẹp ở phần lục địa, với khoảng 329.314km2 , mà còn trải rộng ra Biển Đông. Như vậy, đất nước chúng ta không những được nhân rộng gấp ba hay gấp bốn lần không những về lãnh thổ, mà cả về tiềm năng, sức sống và viễn tượng phát triển. Chính vì vậy, giữ vững Biển Đông không những bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, mà còn bảo đảm con đường phát triển tương lai của dân tộc.
Tập sách nhỏ “Công lý và Hòa bình trên Biển Đông” quy tụ một số tham luận được chuẩn bị cho tọa đàm mang cùng tên, nhưng rất tiếc đã bị hủy bỏ vì điều kiện xã hội. Chúng tôi công bố chúng với ước mong góp phần khuyến khích xã hội dân sự tham gia nghiên cứu, đóng góp suy nghĩ và ý kiến cho một vấn đề quan trọng đến tiền đồ của đất nước Việt Nam.
T/m ban tổ chức
GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Chủ nhiệm CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình
GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Chủ nhiệm CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình
[1] Mới đây người ta đã công bố một số sách lịch sử và bản đồ Trung Quốc in ấn tại Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX trong đó không hề thấy Hoàng Sa và Trường Sa. Sự kiện này một lần nữa đã kiểm chứng cho quả quyết ở trên. - See more at: http://www.lamhong.org/2013/02/28/gioi-thieu-sach-cong-ly-va-hoa-binh-tren-bien-dong/#sthash.2jJARxzv.dpuf
Không có nhận xét nào: