Nguyễn Học Tập, TNCG - 11.3.2013: Trong bài nói về Quốc Hội, chúng tôi có nói đến Quốc Hội Lập Hiến có phận sự soạn thảo Hiến Pháp và Quốc Hội Lập Pháp có phận sự "Chuẩn Y hay Bác Bỏ" các điều khoản luật pháp, dựa trên tinh thần được Hiến Pháp minh định cho cuộc sống chung trong Cộng Đồng Quốc Gia.
Như vậy Hiến Pháp là gì?
Hiến Pháp có phải là văn bản gồm những điều khoản hoạch định cách tổ chức các cơ chế quyền lực Quốc Gia không?
Thế nào là Hiến Pháp bảo chứng và Hiến Pháp thực hữu?
Hiến Pháp hữu danh và Hiến Pháp mạo danh?
Thế nào là Chính Quyền theo thể chế hiến định và Chính Quyền dưới danh nghĩa của Hiến Pháp?
Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của những câu hỏi trên.
I - Vài dòng lịch sữ và định nghĩa.
Danh từ Hiến Pháp của chúng ta có cùng nghĩa với Constitution Pháp ngữ và Anh ngữ.
Từ ngữ vừa kể phát xuất từ danh từ La Tinh Constitutio (thiết lập, xây dựng instituere và đặt nền tảng, fundamentum ponere).
Chúng ta dùng danh từ Constittutio của La Ngữ để nói lên Hiến Pháp là một văn kiện nền tảng , trên đó một quốc Gia tương lai sẽ được xây dựng.
Hay định nghĩa như GS G. Sartori:
"Hiến Pháp được người dân Tây Âu luôn luôn hiểu đồng nghĩa với một văn bản bảo chứng (garantismo).Ở Tây Âu , người dân đòi buộc phải có Hiến Pháp nếu muốn thiết lập quốc Gia. Hiến Pháp đối với họ là một văn bản luật pháp nền tảng, hay một loạt các nguyên tắc cơ bản, thể hiện một thể chế tổ chức Quốc Gia, nhằm giới hạn mọi cách xử dụng quyền hành tự tung tự tác tuỳ hỷ và bảo đảm một chính quyền có giới hạn" .(Giovanni Sartori, Elementi di teoria politica, III ed., Bologna, Il Mulino, 1995,18).
Trên thực tế, trong lịch sử danh từ Constitutio không phải luôn luôn có ý nghĩa là “văn bản bảo chứng ” như ý hướng của chúng ta đương thời.
Năm 82 trước Thiên Chúa Giáng Sinh, Silla, một nhà lãnh đạo đế quốc Roma được gọi là "Dictator Reipublicae constituendae" (nhà thống lãnh toàn quyền, nhà độc tài, để thiết lập Quốc Gia Roma (nước Cộng Hoà Roma).
Năm 27 trước Thiên Chúa Giáng Sinh, Hoàng Đế Caesar Augustus được trao cho trọn quyền để thiết lập Quốc Gia "...Reipublicae constituendae".
Trong bộ luật Roma, "Constitutio và Constitutiones" có nghĩa là "Edicta và Decreta" (Chiếu chỉ và Sắc Lệnh) của Hoàng Đế Roma ban ra.
Và trong nhiều tác phẩm của Cicero, chúng ta tìm được ý nghĩa của "Constitutio"
Là "hình thức , khuôn mẩu để thiết lập thành phố" (Cicero, De Republica, I, 45,69).
Trong suốt thời Trung Cỗ dấu vết của "Constitutio" mất đi biền biệt.
Mãi đến thế kỷ 18 danh từ Hiến Pháp "Constitution" mới được Hoa Kỳ đưa trở lại trên đài vinh quang với Hiến Pháp Philadelphia 1787 và từ đó đến nay là từ ngữ đồng nhất cho các nước Tây Âu để nói lên Hiến Pháp là "Văn Kiện Nền Tảng của Quốc Gia".
F.A. Hayek cho đó là sự đóng góp quý báu của Hoa Kỳ cho thể chế dân chủ (F.A. Hayek, The Constitution of Liberty, London, Routledge & Kegan, 1960,12)
Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách Mạng Pháp 1789 cũng xác định một cách rõ ràng:
"Một xã hội trong đó các quyền (của người dân) không được bảo đảm và quyền hành không được phân chia tách biệt một cách xác định, xã hội đó không có Hiến Pháp" (Điều 6).
Ở phía bên kia bờ đại dương, T. Paine cũng nói lên tính cách thiết yếu của Hiến Pháp là bảo đảm quyền của người dân đối với chính quyền:
"Một Chính Phủ không có Hiến Pháp cũng như quyền lực không có (không bị) quyền hạn (kiểm soát), (power without right)" (T. Paine, Rights of Man, C. IV. “On Constitutions , in basic Writings”, New York, Wiley Books Co., 1942, 117).
Xin qúy vị đọc thêm (cfr. ĐẶC TÍNH BẢO CHỨNG TRONG HIẾN PHÁP NHÂN BẢN VÀ DÂN CHỦ)
Nếu trong bài nói về Quốc Hội chúng ta đã xác định rằng Anh Quốc là quốc Gia đã có phần đóng góp lớn lao vào việc hình thành thể chế Quốc Hội hiện đại, qua những điều kiện mà người Anh đã đặt được điều kiện với Vua "Nhà Vua ở trong Quốc Hội" , thì trái lại đối với Hiến Pháp hiện đại của chúng ta Anh Quốc không phải là quốc Gia có công trạng đáng kể.
Trong khi Hoa Kỳ, Pháp và các Quốc Gia Hiến Pháp trị của Âu Châu coi Hiến Pháp là những đạo luật hoặc nguyên tắc nền tảng (normes et principes) để bảo vệ người dân, đối đầu với Chính Quyền bằng những thành ngữ "Chính Quyền không được…", thì Anh quốc không viết ra Hiến Pháp một cách rõ ràng để bắt buộc Chính Quyền.
Nói như vậy không có nghĩa là người Anh không có Hiến Pháp. Có lẽ chúng ta nên nói là ngưới Anh không viết ra Hiến Pháp thành văn bản duy nhất làm nền tảng cho cuộc sống Quốc Gia như Hoa Kỳ hay các quốc Gia Âu Châu khác thì đúng hơn. Bởi lẽ các văn kiện chúng ta đã có địp đọc qua khi chúng ta bàn đến Quốc Hội, mỗi văn kiện đòi hỏi quyền của người Anh là những điều khoản của Hiến Pháp Hoa Kỳ, Pháp, Đức hay Ý được tách rời ra (Magna Carta, Confirmations Acts 1610-1628, Habeas Corpus Act 1679, Bill of Rights , Mutiny Act 1689, Toleration Act 1689, Act of Settlement 1701..).
Người Anh không viết ra hết trên giấy trắng mực đen những gì họ muốn Quốc Gia họ thực thiện vì họ tin vào giá trị của luật lệ và sự thành tín đối với nhau.
Trái lại những Quốc Gia Âu Châu khác, với kinh nghiệm ê chề máu và nước mắt đối với các chế độ độc tài của các bạo chúa trong quá khứ, họ chỉ có thể an tâm nếu có được một Hiến Pháp "viết ra một cách đằng tả" bảo đảm cho họ.
Dù sao, tin vào "Rule of Law" của người Anh và sự thành tín hay vào Hiến Pháp bằng giấy trắng mực đen cũng cùng nói lên một mục đích:
"Hiến Pháp là một văn kiện bảo chứng.. nhằm giới hạn mọi cách hành xử quyền hành tự tung tự tác tuỳ hỷ và bảo đảm một chính quyền có giới hạn" (G. Sartori, op.cit., id.)
II - Những yếu tố chính khởi thủy của Hiến Pháp.
Do tin tưởng vào sự thành tín và vào thông lệ truyền thống, việc không đúc kết Hiến Pháp thành một văn bản duy nhất làm nền tảng cho việc tổ chức quốc Gia, một vài tác giả Anh có những dịnh nghĩa thiếu sót về Hiến Pháp:
- "Hiến Pháp là văn bản tổng kết một số luật lệ, hợp pháp cũng như không, để điều hành hoạt động của Chính Phủ" (K.C. Wheare, Modern Constitutions, London, Oxford University Press, 1960,2).
- "Hiến Pháp là một văn kiện , trong đó các luật lệ để quy định thành phần , quyền hạn , phương thức tổ chức những cơ cấu chính của Chính quyền,được xác định" (I. Jenning, The Law and the Constitution , London, University of London Press, 1959,3).
Trái lại, nếu chúng ta lấy Hiến Chương Pennsylvania ngày 28.9.1776 của Hoa Kỳ, chúng ta sẽ nhận được một cách rõ ràng Hiến Chương nêu ra hai yếu tố:
- sơ đồ và phương thức tổ chức Chính Phủ,
- các phương thức bảo đảm quyền và tự do của người dân.
Trong tinh thần của hai yếu tố vừa kể, Carl J. Friedrich xác định rằng:
- "Hiến Pháp không phải chỉ là một văn kiện nêu lên thể chế chính trị, mà còn là một văn kiện nêu lên thể chế chính trị đặc biệt, không những để nêu lên đặc tính của quốc Gia, mà còn để giới hạn hành động của Chính Quyền" (Carl J. Friedrich, The Philosophy of Law in Historical Perspective, Chicago, University of Chicago Press, 1956,220).
Hay nói như W.H. Morris-Jones:
- "Hiến Pháp là một thể thức tổ chức của một tập thể chính trị (Quốc Gia) nhờ luật pháp và qua luật pháp, với mục đích giới hạn việc xử dụng quyền hành tuỳ tiện và bắt buộc quyền hành phải tuận phục quyền (của người dân)" (W.H. Morris-Jones, in American Political Science Review, 6.1965, 439-440).
Như vậy chúng ta thấy rằng Hiến Pháp không phải chỉ là văn kiên nói lên hình thức hay thể chế chính trị Quốc Gia, mà là một văn kiên bảo đảm quyền của người dân chống lại mọi trường hợp lạm quyền của cơ chế Quốc Gia.
Do đó, trong Hiến Pháp Ý 1947 chúng ta thấy có điều khoản định nghĩa về thể chế tổ chức Quốc Gia:
- "Ý Quốc là một Quốc Gia dân chủ cộng hoà..
Quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về người dân. Người dân hành xử quyền tối thượng của mình theo các hình thức và trong giới mức được Hiến Pháp xác định" (Điều 1, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), thì chúng ta cũng có:
- "Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo dảm các quyền bất khả xâm phạm của con người…" (Điều 2, id.).
- "Tư gia là lãnh vực bất khả xâm phạm" (Điều 14, id.),
- "Tự do thư tín và mọi hình thức thông đạt cá nhân khác là quyền bất khả xâm phạm” (Điều 15, id.),
- "Tự do cá nhân bất khả xâm phạm."
Mọi hình thức bắt giữ, khám xét, lục soát đối với cá nhân cũng như mọi hình thức giới hạn tự do cá nhân khác đều không được chấp nhận, nếu không do trác án toà có lý chứng chính đáng và chỉ được thi hành trong các trường hợp và theo thể thức được lưật pháp ấn định.
Trong trường hợp cần thiết và khẩn trương, được pháp luật ấn định hẵn hoi, nhân viên công lực có thể áp dụng những biện pháp tạm thời, nhưng phải thông báo cho cơ quan tư pháp liền trong 48 tiếng đồng hồ sau đó và nếu không được quan tư pháp đồng thuận trong 48 tiếng đồng hồ kế tiếp, phải được hiểu là các biện pháp tạm thời trên bị thu hồi và trở thành vô hiệu lực.
Mọi khống chế thể xác và tinh thần đối với người đang bị giảm thiểu tự do đều bị trừng phạt". (Điều 13, đoạn 1, 1 và 3 , id.).
- "Không ai có thể bị thuyên chuyển ra khỏi thẩm quyền của thẩm phán được luật pháp tiền định để xét xử" (Điều 25, đoạn 1, id.).
Và đối với những công dân lỗi phạm,
- "Hình phạt không thể nào gồm những ngược đãi trái ngược với tính cách nhân đạo. Các hình phạt phải nhằm mục đích cải huấn người bị kết án" (Điều 27,đoạn 2, id.).
Đối với Chính quyền:
- "Chính quyền không được ban hành luật lệ có hiệu lực pháp định mà không được Quốc Hội cho phép" (Điều 77, it.).
- "Chính Quyền không được gia tăng thuế mà tùy nghi, một khi ngân sách hằng năm đã được quốc Hội chuẩn y" (Điều 81, id.).
- "Quốc Hội có quyền thẩm vấn, điều tra Chính Quyền" (Điều 82, id.)
- "và có thể bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tính nhiệm bắt buộc Chính Phủ phải từ chức" (Điều 94, id.).
Những điều khoản như vừa kể và còn nhiều điều khoản khác nữa được Hiến Pháp nêu ra để nói lên tính cách bảo chứng của Hiến Pháp.
Các từ ngữ "bất khả xâm phạm" hay "Chính Quyền không được…"tự chúng đã nêu rõ tính cách bảo chứng của Hiến Pháp.
Hiến Pháp trước hết là một văn bản bảo đảm quyền và tự do của người dân, trước khi là một loạt các nguyên tắc và thể thức để tổ chức Quốc Gia nói chung và Chính Quyền nói riêng.
Tính cách bảo chứng đó được B. Constant làm nổi bậc qua câu nói của ông:
- "Như từ lâu tôi đã xác định, Hiến Pháp là sự bảo đảm cho tự do của một dân tộc. Tất cả những gì có liên quan đến tự do đều thuộc về Hiến Pháp, và ở đâu không có Hiến Pháp, thì ở đó không có tự do" (B. Constant, Principes de Politique, Paris 1815, “Avant Propos”).
Và tư tưởng trên còn được B. Constant tiếp tục:
- "Hiến Pháp là một đạo luật nền tảng, hay một chuỗi những nguyên tắc căn bản, được hoàn hảo hóa bằng một sơ đồ cơ cấu tổ chức Chính Quyền, nhằm giới hạn việc hành xử quyền hành một cách độc tài tùy tiện và bảo đảm một Chính Quyền có giới hạn" (B. Constant, id.).
Dĩ nhiên nếu chúng ta đọc Hiến Pháp Hoa Kỳ, chúng ta sẽ thấy cách giới hạn quyền bính của Hoa Kỳ khác với phương thức của Pháp, Đức hay Ý chẳng hạn (văn kiện bảo đảm quyền của người dân, Quốc Hội hay Tư Pháp có quyền điều tra, tố cáo, xét xử, bỏ phiều bất tín nhiệm, xác định mức độ phân quyền, lãnh vực, thời hạn…đối với Hành Pháp).
Phương thức thực hiện có khác nhau, nhưng Hiến Pháp Hoa Kỳ cũng như của Âu Châu đều nhằm cùng mục đích: bảo đảm cho người dân được Hiến Pháp che chở và giới hạn sự lạm quyền của Hành Pháp.
III – Phân loại Hiến Pháp.
1. Hiến Pháp bảo chứng (garantiste),
2. Hiến Pháp hữu danh (nominal),
3. Hiến Pháp mạo nhận (pseudoconstitution),
4. Tính cách lỗi thời của Hiến Pháp (décalage).
1. Hiến Pháp bảo chứng.
Là Hiến Pháp xác định rõ quyền và tự do của người dân, bắt buộc Chính Quyền phải tuân hành Hiến Pháp, để tránh lạm dụng quyền hành, hầu che chỡ cho người dân được an toàn.
Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức chẳng hạn, tuyên bố các điều khoản Hiến Pháp trong thân bài, như là những luật thực định (lois positives) có hiệu lực bắt buộc phải tuân giữ,
- "Tự do của mỗi người là quyền bất khả xâm phạm" (Điều 2, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Điều đó có nghĩa là "không ai được…", nhứt là "Chính Quyền không được…", xâm phạm các quyền tự do cá nhân của con người.
Không những vậy, Hiến Pháp 1949 còn quy trách cho các cơ chế Quốc Gia là những chủ thể chịu trách nhiệm trực tiếp, nếu người dân bị vi phạm hoặc không được phát triển và được hưởng trọn vẹn các quyền căn bản của mình được Hiến Pháp bảo vệ:
- "Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ phẩm giá đó (của con người)",
- "Các quyền căn bản sẽ được kể sau đây là những quyền bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp, như là những quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp" (Điều 1, đoạn 2 và 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Hiến Pháp bảo chứng là vậy, không những tuyên bố các quyền của người dân dưới hình thức tiêu cực "…Chính Quyền không được…", mà còn đứng ra quy trách ai là chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm trực tiếp, trong trưòng hợp người dân bị vi phạm hay quyền của người dân không có điều kiện để được phát triển và được hưởng trọn vẹn, "…là những quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp…".
Bị Chính Quyền vi phạm một cách bất công các quyền của mình được Hiến Pháp bảo đảm, người dân có thể đệ đơn tô cáo Chính Quyền trước các cơ quan được Hiến Pháp tiền liệu, kể cả trước Viện Bảo Hiến (cfr. VIỆN BẢO HIẾN CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC, CƠ CHẾ TỐI CAO BẢO ĐẢM CON NGƯỜI VÀ DÂN CHỦ).
2- Hiến Pháp hữu danh.
Là loại Hiến Pháp chỉ nêu lên vị thế quyền bính của Hành Pháp, nói lên những đặc quyền mà người nắm quyền thi hành.
Dưới thời quân chủ chuyên chế, chúng ta có những thí dụ loại Hiến Pháp nầy:
- "Ý muốn của nhà vua là luật tối thượng" (Regis voluntas suprema lex).
- "Nhà vua không bị bất cứ một luật lệ nào ràng buộc" (Legibus solutus est).
- "Hiến Pháp là ý muốn của vua",
- "Đảng Cộng Sản là đội ngủ tiền phong của giới nông dân, công nhân và của cả dân tộc...lảnh đạo nhà nước và xã hội..."
- "Hiến Pháp được hoàn toàn áp dụng, nhưng thể chất thực hữu của nó chỉ dùng để xác định vị thế quyền bính như là đặc ân, đặc quyền của những ai hành xử" (K. Loevenstein, Political Power and the Government Process, University of Chicago Press, 1965, p. 149).
Hiến Pháp với những tư tưởng như vừa kể được gọi là Hiến Pháp "hữu danh", vì khi ban hành, người ta gọi chúng là "Hiến Pháp". Nhưng trên thực tế, Hiến Pháp đó chỉ là "Hiến Pháp tổ chức", liệt kê những phương thức tổ chức Hành Pháp, nhưng không đưa ra giới hạn nào nhằm chống lại sự lạm quyền của kẻ hành xử quyền lực Quốc Gia, để bảo vệ người dân bị trị.
3 - Hiến Pháp mạo danh.
Là Hiến Pháp mượn chiếc áo của Hiến Pháp để khoát lên.
Đọc có vẻ là những điều khoản của Hiến Pháp bảo chứng thực hữu, nhưng không xác định một phương thức nào để bảo đảm cho quyền tự do và quy trách cho ai chịu trách nhiệm để bảo vệ cho thực thi, cũng như phương thế áp dụng, khác với những gì Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức để bảo đảm:
- "Phẩm giá con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của moi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó".
"Các quyền căn bản sẽ được kể sau đây là bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp, như là quyền có giá trị trực tiếp" (Điều 1, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Người Việt Nam chúng ta có thừa kinh nghiệm về loại Hiến Pháp được đề cập, có lẽ không cần phải dong dài để tránh đi những cảm tình hằn học vô ích và tốn thời giờ không cần thiết.
4 . Tính cách lỗi thời của Hiến Pháp.
Hiến Pháp là một văn bản được viết ra trong khoảng thời gian và không gian hạn hẹp.
Do đó, không thể tránh khỏi sau một thời gian bản Hiến Pháp sống động thực sự (Constitution matérielle, hay cuộc sống của Cộng Đồng Quốc Gia) và Hiến Pháp trên văn bản dần dần có những dị biệt.
Nói cách khác, cuộc sống hiện thực của Quốc Gia và tài liệu ghi trên giấy sẽ không còn tương đồng nhau, thích ứng với cuộc sống thực tế. Bởi đó chúng ta thường nghe nói đến việc “Tu Chính Hiến Pháp”.
Tu chính Hiến Pháp là một chuyện, hủy bỏ Hiến Pháp là một chuyện khác.
Chúng ta sẽ loại bỏ đi những Hiến Pháp hữu danh hay mạo nhận và chúng là những bản văn không dân chủ và mị dân.
Nhưng chúng ta sẽ “tu chính" Hiến Pháp để “cập nhật hoá” cho phù hợp với lý tưởng và nhu cầu hiện tại, miễn là tinh thần làm nền tảng dân chủ của Quốc Gia, cũng như các mục đích tối hậu của Hiến Pháp về con người vẫn còn hiệu lực.
Việc tu chính Hiến Pháp là tiến trình tự nhiên trong cuộc sống xã hội, ngược lại khuynh hướng của những người bảo thủ lấy Hiến Pháp “ chắc nịch cố định” làm thần tượng.
Tuy Hiến Pháp có thể được "tu chính", sửa đổi để được hoàn hảo hơn, nhưng những nguyên lý nền tảng về con người và thể chế dân chủ, nền tảng của Hiến Pháp luôn luôn phải được Hiến Pháp “ bảo chứng" bất di dịch, nếu chúng ta không muốn trở lại cuộc sống mọi rợ xem người như thú vật và độc tài hành xử luật pháp của thời quân chủ độc tôn hay thời hét ra lửa của Hitler và Mussolini, cũng như Lenin.
Đó là những gì Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức đã đứng ra "bảo chứng":
- "Không thể chấp nhận bất cứ một sự sửa đổi nào đối với Hiến Pháp (Luật Lệ Nền Tảng, Grundgesetz) nầy, có liên quan đến mối tương quan giữa Liên Bang (Bund) và các Tiểu Bang (Laender), đến sự tham dự các Tiểu Bang vào quyền lập pháp và đến các nguyên lý đã được nêu lên ở điều 1 và điều 20" (Điều 79, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
(Điều 1, với nguyên lý "Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm"; và điều 20 với định nghĩa "Cộng Hoà Liên Bang Đức là một Quốc Gia Liên Bang, Dân Chủ và Xã Hội").
Và rồi để "bảo chứng" cho những gì mình tuyên bố, Hiến Pháp 1949 tiền liệu sẽ đặt ngoài vòng pháp luật, cá nhân hay chính đảng có ý đồ vi phạm, lủng đoạn, phá hoại, làm tiêu diệt thể chế Nhân Bản và Dân Chủ của mình, để bảo đảm an toàn và phát triển cho người dân:
- "Các chính đảng có mục đích hay các thành viên thuộc hệ có cách hành xử nhằm gây tổn thương hoặc loại trừ thể chế nền tảng dân chủ tự do hoặc đe dọa sự tồn vong của Cộng Hoà Liên Bang Đức, là những phần tử vi hiến. Đối với vấn đề vi hiến sẽ do Viện Bảo Hiến phán quyết" (Điều 21, đoạn 2, id.).
Không bảo đảm được các nguyên tắc bảo vệ con người và thể chế dân chủ là trở lại cuộc sống thú vật, mọi rợ và trở lại nô lệ cho quyền bính độc tài, bạo ngược của thời quân chủ độc tôn và Hitler.
Kết luận.
Đọc lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng quan niệm tổ chức Quốc Gia mà chúng ta mơ ước cho Việt Nam, dựa trên các Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ Tây Âu, có tiến trình ngược lại với quan niệm tổ chức quốc Gia của người Hy Lạp và La Tinh thời cổ.
Người Hy Lạp cũng như người La Tinh quan niệm về tổ chức Thị Xã (Polis, Hy Lạp; hay Civis, La Tinh) trước khi có quan niệm về con người.
Từ từ ngữ "Polis" (Thị Xã) của Hy Lạp, với quan niệm về cách tổ chức cuộc sống chung trong Thị Xã của họ, chúng ta có quan niệm về "Chính Trị" (Politique, Politica, Policy), đường lối chính trị tổ chức cuộc sống cộng đồng Quốc Gia của chúng ta.
Người Hy Lạp và người La Tinh sau khi ý thức về tổ chức cuộc sống "Thị Xã" (Politiké, phát xuất từ Polis) của họ, họ mới nghĩ đến con người và cho rằng chỉ có người sống trong cuộc sống có tổ chức "Thị Xã", mới là người văn minh "civilis" (từ Civis, Thị Xã của người La Tinh), còn ai không sông trong "Thị Xã", đối với người Hy lạp là "kẻ kém cỏi" (idion) hay là "người mọi rợ" (có râu ria xồm xàm, Barbarus), như những kẻ sống trong các làng mạc hẻo lánh (Pagus) đối với người La Tinh.
Quan niệm đặt tổ chức cuộc sống chung khởi đầu từ "Thị Xã" làm nền tảng Quốc Gia, trước khi nghĩ đến nhân phẩm con người, đã tha hoá và đê tiện hoá con người thành "idion, barbarus và esclavus, nô lệ" trong xã hội của họ, ai trong chúng ta cũng biết, mặc cho ý niệm về
- dân chủ (demokratía: demos, dân chúng; krátos, quyền hành): quyền hành của Quốc Gia thuộc về dân.
- bình đẳng (isonomía: isos, như nhau, ngang nhau; nomós, luật lệ): mọi người bình đẳng trước pháp luật,
- tự do ngôn luận (iségoria: isos, như nhau; agorà, cộng đồng): mọi người đều có quyền phát biêu ý kiến như nhau, trong lúc cộng đồng đang nhóm họp, cũng không thiếu.
Tiến trình ý thức về cuộc sống Nhân Bản và Dân Chủ của chúng ta ngược lại.
Kinh nghiệm máu và nước mắt của bao nhiêu thế hệ độc tài đã qua và hiện tại đòi buộc chúng ta phải khôn ngoan, khởi điểm tiến trình tổ chức Quốc Gia của chúng ta phải phát xuất từ quan niệm về nhân phẩm con người, đặt con người ở địa vị tối thượng và cùng đích của của cuộc cống xã hội, để từ đó xây dựng xã hội.
Xã hội của chúng ta là phương tiện để phục vụ con người, nếu chúng ta không muốn tổ chức xã hội, chính trị của chúng ta tha hóa và đê tiện hoá con người, tha hoá và đê tiện hoá đồng bào và chính bản thân chúng ta, như những gì bất hạnh đang xảy ra cho đồng bào ruột thịt.
Kinh nghiệm của đất nước hiện tại của chúng ta, tổ chức Quốc Gia để phục vụ một chủ thuyết, là những gì minh chứng hùng hồn cho tư tưởng đang bàn.
Và đó là tâm thức các Hiến Pháp Tây Âu mà chúng tôi muốn lưu ý những ai đang đọc những gì chúng tôi đang viết và còn có tâm tình đối với dân tộc Việt Nam.
Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức dành điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp tuyên bố về "nhân phẩm bất khả xâm phạm của con người" và tiếp tục tuyên bố các quyền tự do cá nhân liên tiếp trong 19 điều khoản kế tiếp, trước khi định nghĩa thể chế và phương thức tổ chức Quốc Gia từ điều 20 trở đi.
Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được tại sao Hiến Pháp Ý Quốc, thoát xuất từ chế độ độc tài của Mussolini, gồm có 138 điều khoản, thì 54 điều khoản đầu của Hiến Pháp được dành để long trọng tuyên bố và tiền liệu các phương thế bảo đảm các quyền tự do của con người, không những bảo đảm để tránh mọi vi phạm mà còn bảo đảm bằng các tạo ra các điều kiện thích nghị để các quyền con người được thực thi và được hưởng trọn vẹn:
- "Bổn phận của Nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của con người, không cho phép họ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở" (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Như vậy mục đích của tổ chức Quốc Gia, của đường lối chính trị Quốc Gia (Polis, politiké) là bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi để
- "cho phép họ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở".
Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ đặt con người ở trung tâm điểm và địa vị tối thượng trước tổ chức chính trị Quốc Gia.
Tổ chức Quốc Gia được thành lập và hoàn hảo hóa để phục vụ con người, nếu không muốn đồng bào chúng ta trở thành "người kém cỏi ” (idion), “quân mọi rợ ” (barbarus), “bọn nô lệ” (esclavus)", Hiến Pháp tương lai của chúng ta phải đặt con người ở địa vị trung tâm và thượng đẳng trong Hiến Pháp như là mục đích của đường lối chính trị Quốc Gia (Polis, politiké, politique, poltica, policy).
Đó là gương những gì các Hiến Pháp Tây Âu đã và đang thực hiện cho đất nước đổ nát của họ từ thế chiến II, thành cường quốc văn minh Tây Âu.
Chúng ta nên học bài học qúy giá của họ.
Không có nhận xét nào: