Tăng Giá Xăng: Sự Tồn Vong Của Chế Độ! - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 3, 2013

Tăng Giá Xăng: Sự Tồn Vong Của Chế Độ!

Thiền Lâm, RFA - 29.03.2013:  Từ đầu năm Quý Tỵ đến nay, ông Huệ đã thay đổi vị trí công tác sang chức vụ Trưởng ban kinh tế trung ương, không còn nắm quyền điều hành trực tiếp Bộ tài chính và tham gia ý kiến đối với việc quyết định giá xăng dầu tăng hay giảm.

Sau phát ngôn được lòng dân vào cuối năm 2011, ông đột nhiên trở nên lặng lẽ hơn rất nhiều trong suốt năm 2012. Cũng trong thời gian đó, cùng với sự kín tiếng của ông, giá xăng dầu cũng đã có cơ hội nhảy lên đến 6 lần.

Tất cả đều mở đường cho một chiến dịch tăng giá mới.
Thuyết tân ngụy biện

Trước đợt tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 3/2013, dư luận và báo chí trong nước đã khắc khoải không ngớt về việc giá dầu thế giới giảm đến 5-7% nhưng giá xăng dầu Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ biểu lộ nào đáp ứng “quyết tâm” của Chính phủ.

Người ta hy vọng vào một đợt giảm giá mới, và hơn thế là giảm thật sự theo cam kết của Chính phủ chứ không phải nhỏ giọt như những lần trước đây trong thời gian họp Quốc hội.

Tuy nhiên quyết định tăng giá của liên Bộ tài chính - công thương đã làm cho người dân và cả giới chuyên gia kinh tế bàng hoàng.

Không những không giảm, giá xăng dầu Việt Nam còn làm nên một cột mốc lịch sử - điều hoàn toàn đáng tự hào nếu xét đến kết quả “tận thu”.

Nhưng cũng chính thái độ tận thu bất chấp như thế mà đã càng kích thích sự phản biện và kích động phản ứng của lớp người bị thu.


Theo phản biện của giới chuyên gia và báo chí ngay sau đợt tăng giá mới nhất, trong thời gian qua các đại lý xăng dầu đã được tăng hoa hồng gấp 3-4 lần những ngày trước, còn doanh nghiệp đầu mối vẫn được sử dụng quỹ bình ổn ở mức rất cao. Với mức bình ổn 2.000 đồng/lít của Bộ tài chính quy định, vào tháng 2/2013 doanh nghiệp xăng dầu đã có lãi 1.000 đồng/lít.

Còn với mức tăng giá 1.400 đồng/lít vừa qua, các doanh nghiệp đầu mối nghiễm nhiên lãi hơn 2.400 đồng/lít. Tương tự với giá dầu, doanh nghiệp cũng lãi khoảng 1.200-1.600 đồng/lít.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với giá bán lẻ xăng ở mức cao kỷ lục 24.500 đồng/lít, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ kiếm lãi hàng chục tỷ đồng mỗi ngày.

Về phần mình, Bộ tài chính lý giải việc phải tăng giá xăng là do quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp hầu như đã hết, trong khi giá xăng dầu ở các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc lại rẻ hơn từ 2.000-5.000 đồng/lít, dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, lý giải này có lẽ chỉ có tính tuyên giáo đối với những người dân ít cập nhật và phân tích thông tin. Nếu nói rằng để giảm buôn lậu, tại sao cơ quan quản lý không sử dụng các biện pháp khác nhằm ngăn chặn, mà lại đánh vào giá bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng vốn đang rất khó khăn trong bối cảnh kinh tế đi xuống như hiện nay?

Hoặc nếu cho rằng quỹ bình ổn giá đang âm, tại sao Bộ tài chính không yêu cầu các doanh nghiệp ngừng trích quỹ mà lại cho tăng giá? Quỹ âm thì doanh nghiệp vẫn được treo lỗ và sẽ được bù đắp về sau, nhưng giá tăng là đánh thẳng vào túi tiền của người dân vốn đã gánh quá nhiều các khoản chi phí và thuế như hiện thời.

Nếu Bộ tài chính cho rằng giá xăng các nước láng giềng thấp hơn Việt Nam, vì sao cơ quan này lại không thể nói rõ rằng giá xăng nước láng giềng là theo cơ chế thị trường chứ không tính giá cơ sở 30 ngày như ở Việt Nam? Cơ chế điều hành của mỗi nước là khác nhau, không thể so sánh giá bán lẻ một cách đơn giản như thế rồi khẳng định đó là nguyên nhân gây ra tình trạng buôn lậu phức tạp…

Những cậu ấm hư hỏng

Với nguồn cơn từ những đợt tăng giá bất chấp vào năm 2011, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã được đặt cho cái biệt danh khó chịu: ‘Cậu ấm hư hỏng’.

Giá trị cổ phiếu mất quá nhiều, đất nền và căn hộ lại quá khó để tiêu thụ, cả Petrolimex lẫn EVN đều nằm trong tình thế cám cảnh của nhiều doanh nghiệp nhà nước đầu tư trái ngành. Hậu quả này còn được đào sâu bởi khả năng quản trị đầu tư, quản trị tài chính hoàn toàn không tương xứng với quy mô đầu tư, chưa kể đến quan niệm quá đơn giản về độ rủi ro trong quá trình đầu tư mà đã khiến cho Petrolimex và EVN sa vào vũng lầy do chính họ tạo ra.

Thế nhưng tự thân nghịch lý vẫn có thể đẻ thêm nghịch lý. Trong những đề xuất và những cuộc vận động hành lang nhằm tăng giá xăng dầu và giá điện, Petrolimex và EVN đều cố gắng thuyết phục các cấp quản lý rằng chuyện tăng giá chỉ để phục vụ cho… bù lỗ!

Nhưng bất chấp việc Petrolimex thua lỗ đến 10.700 tỷ đồng trong năm 2008 từ những khoản đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm, nghịch lý phát triển trong suy thoái ở Việt Nam vẫn diễn ra theo logic hết sức tự nhiên của nó. Đó là “âm mưu” thường trực về chuyện tăng giá xăng dầu đã luôn được những người đứng đầu Petrolimex âm thầm chuẩn bị và lại được lãnh đạo Bộ công thương cổ súy.

Trong nguyên năm 2012, Petrolimex đã không chịu thất bại với mục tiêu tiếp tục tăng giá. Cùng với tỷ lệ khoảng 0,3-0,4% - mức độ mà EVN đã “cống hiến” cho chỉ số lạm phát trong đợt tăng giá điện 5% vào cuối năm 2011, việc xăng dầu tăng giá càng giống như mảnh đất màu mỡ cho các loài cỏ dại nảy mầm.

Qua nhiều năm, giới kinh doanh trong nước đã đúc kết một bài học về “cỏ dại” là không có ngành nào mà doanh nghiệp lại kinh doanh an toàn như xăng dầu. Mỗi khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp lại được quyền xin tăng giá (trực tiếp qua Bộ tài chính hoặc gây sức ép bằng cách găm hàng, không bán…), hoặc được trích lập quỹ bình ổn. Còn khi giá giảm, doanh nghiệp có thể từ từ xin giảm giá hoặc chờ quyết định từ cơ quan quản lý.

Thậm chí những đại lý xăng dầu vi phạm về kinh doanh như ngưng bán xăng một cách phi lý, pha xăng kém chất lượng… cũng chỉ bị phạt hành chính từ vài đến vài chục triệu đồng, cùng lắm là bị tạm ngưng hoạt động vài tháng.

Trong khi đó, toàn bộ trách nhiệm của ban lãnh đạo Petrolimex từ hậu quả đầu tư trái ngành vẫn chưa hề được xử lý.

Đáng chú ý là trong những báo cáo kiểm tra, kiểm toán, giám sát từ nhiều cơ quan nhà nước và Quốc hội đối với doanh nghiệp này từ giữa năm 2011 cho đến nay, không ít kiến nghị đã không ít lần được nêu ra về tính hậu quả rất trầm trọng, trách nhiệm cá nhân và tập thể cần được nghiêm khắc xem xét…, nhưng không hiểu vì lý do nào, đến giờ tất cả vẫn lẩn kín sau một bức tường thẫm tối và mục nát.

Một sự im lặng cực kỳ đáng sợ

Người “hậu duệ” của ông Vương Đình Huệ là ông Vũ Văn Ninh - phó thủ tướng và cũng là nhân vật nắm quyền chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Bộ tài chính, còn lặng lẽ hơn cả ông Huệ.

Là nhân vật có thể mang quan điểm ôn hòa, song ông Ninh vẫn chứng tỏ là người biết hành động vào lúc cần thiết.

Một lần nữa trong khá nhiều lần, câu chuyện tăng giá xăng dầu ở Việt Nam lại xảy đến trước khi kỳ họp thường kỳ của Quốc hội được chính thức tiến hành vào tháng 5/2013. Những đại biểu từng nêu nghi vấn về động thái bất thường của chuyện “tiền trảm” như thế vẫn có thể chẳng bao giờ biết được nhóm lợi ích xăng dầu đã và sẽ quyết định hành động một cách “quyết liệt” vào thời điểm nào mang lại ích lợi nhóm nhiều nhất.

Biểu tình phản đối tăng giá xăng ở Jakarta - Indonesia (nguồn: anninhthudo)

Còn Chính phủ đang nghĩ gì? Hoặc đang tính toán về một thỏa thuận nào?

Liệu hành động tăng giá xăng dầu đang được nhân danh sự “minh bạch” nhưng bất chấp cả nhân dân có làm tan vỡ “những cố gắng của toàn bộ Chính phủ” trong cuộc chiến chống lạm phát?

Liệu hành vi trên có khiến cho nhận thức của tuyệt đại đa số người dân càng bị xói mòn niềm tin vào những đảng viên - lãnh đạo doanh nghiệp và bộ ngành, điều mà trong Hội nghị trung ương 4 vào cuối tháng 12/2011, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nói đi nói lại như một nguy cơ rất lớn đối với “sự tồn vong của chế độ”?

Thay thế cuộc chiến này bằng một cuộc chiến khác, phải chăng điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng bày tỏ mong muốn - cuộc chiến chống các nhóm lợi ích - đang có nguy cơ bị chính các nhóm đặc quyền đặc lợi này làm cho vô hiệu?

Một tiền lệ vô hiệu cũng đã vừa xảy ra vào tháng 2/2013 ở đất nước Hoa Hồng. Trước hành động tăng giá điện của hai nhà phân phối điện lực là Công ty CEZ và Evergo-Pro của Cộng hòa Czech và Công ty EVN của Áo, hàng chục ngàn người dân Bungaria đã đổ ra đường biểu tình. Cuộc biểu tình có nguy cơ biến thành một cuộc bạo động đẫm máu.

Tôi sẽ không tham gia vào một chính phủ mà ở đó cảnh sát có quyền được đánh đập người dân. Chúng tôi cũng có danh dự và lòng tự trọng riêng của mình. Nhân dân đưa chúng tôi lên nắm quyền và chúng tôi sẽ trao trả lại quyền lực cho họ” - Thủ tướng Boiko Borisov khẳng định trước Quốc hội nước này.

Trước đó, ông đã sa thải bộ trưởng tài chính nhưng vẫn không xoa dịu được làn sóng phẫn uất từ người biểu tình.

Vào ngày 20/3/2013, chính phủ Bungaria đã quyết định từ chức.


Tăng Giá Xăng: Sự Tồn Vong Của Chế Độ! Reviewed by Unknown on 3/30/2013 Rating: 5 Thiền Lâm, RFA - 29.03.2013:  Từ đầu năm Quý Tỵ đến nay, ông Huệ đã thay đổi vị trí công tác sang chức vụ Trưởng ban kinh tế trung ương,...

Không có nhận xét nào: