Minh Anh, RFI - 31.03.2013: Trong bối cảnh tình hình tiếp tục căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, các chuyên gia phân tích, được AFP hôm nay 31/03/2013 trích dẫn, đã lo ngại rằng việc Mỹ có những lời lẽ và hành động quân sự cứng rắn bất thường trước những lời đe dọa ngày càng dữ dội của Bắc Triều Tiên, có thể đẩy bán đảo này vào một ván cờ nguy hiểm.
Theo ông Paul Carroll, thuộc trung tâm nghiên cứu Ploughshares Fund của Mỹ, việc Hoa Kỳ công khai cho oanh tạc cơ B-52 và các máy bay tiêm kích tàng hình tập trận trên bầu trời Hàn Quốc cho thấy là Washington muốn phát đi thông điệp : « Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu ».
Dĩ nhiên là Bắc Hàn phải có những phản ứng tức thời. Vào hôm qua, Bình Nhưỡng tuyên bố « tình trạng chiến tranh » với Hàn Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên bán đảo Triều Tiên được đặt trong tình trạng căng thẳng cao như thế. Từ nhiều thập niên nay, bán đảo này thường xuyên xảy ra các vụ gia tăng áp lực với cùng một kịch bản : Bình Nhưỡng mỗi lúc mỗi hung tợn, rồi sau đó hạ nhiệt dần và trở lại bình thường.
Tuy nhiên, trong tình hình khủng hoảng hiện nay, nhất là trong hoàn cảnh Bắc Triều Tiên đang phản ứng một cách dữ dội trước các lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc và kế họach thao diễn quân sự chung Mỹ - Hàn, bối cảnh và các bên tham gia có phần khác hẳn so với những lần trước.
Chỉ trong vòng có bốn tháng gần đây, Bình Nhưỡng đã thành công trong việc đưa một tên lửa lên quỹ đạo và cho thử hạt nhân lần thứ ba. Các sự kiện đó thúc đẩy Hoa Kỳ dấn thân sâu hơn vào cuộc, đặc biệt khi hai tân lãnh đạo của hai miền Bắc – Nam lại thiếu kinh nghiệm.
Theo chuyên gia phân tích Bruce Klingner, thuộc Heritage Foudation tại Washington, nguy cơ « tính toán sai lầm » từ phía nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un tại Bắc Triều Tiên -với tuổi đời chưa quá 30 - là rất cao.
Bên cạnh đó, theo thông tín viên Fréderic Ojardias tại Seoul, kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân làm tình hình thêm căng thẳng :
« Cơn thịnh nộ với một cường độ hiếm thấy được giải thích trước tiên bằng cuộc tập trận chung do Seoul và Washington tiến hành trong suốt tháng ba và kéo dài đến hết tháng tư trên bán đảo Triều Tiên.
Đợt thao diễn hàng năm đó buộc Bắc Triều Tiên phải tốn thêm một khoản tài chính, vì phải đặt quân đội trong tình trạng báo động và huy động toàn bộ binh sĩ mà trong đó, không ít người thường được dùng trong các hoạt động kinh tế.
Mặt khác, hệ thống tuyên truyền của Bắc Triều Tiên cũng lợi dụng tình trạng căng thẳng để phô trương tư thế lãnh đạo thời chiến cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, giúp ông củng cố thêm quyền lực mới chỉ được tiếp nhận cách đây hơn một năm và khẳng định vị thế của mình trước giới tướng lĩnh.
Sau cùng, khi gia tăng áp lực, chế độ Bình Nhưỡng hy vọng buộc được Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán. Theo các chuyên gia, Bắc Triều Tiên cũng mong muốn được trợ giúp kinh tế và một hiệp ước hòa bình chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc từ năm 1953.
Thế nhưng, những hành động khoa chân múa tay đó của Bắc Triều Tiên đã lại có hệ quả là làm cho hai đồng minh Mỹ - Hàn củng cố tư thế phòng thủ vì không chấp nhận hành động dọa nạt. »
Không có nhận xét nào: