Lan Man Về Cái Tên - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
2 tháng 6, 2013

Lan Man Về Cái Tên

Huỳnh Ngọc Chênh - 29.5.2013: Nói với đầu gối hoài mệt quá, bây giờ chuyển qua nói chuyện lan man cho quên sự đời.

Nhân đọc bài "Tên nước..." của JB Nguyễn Hữu Vinh tự dưng lại nghĩ về những cái tên.

Ông Diệm, vốn là người Hán học, nên rất khó chịu với những cái tên dân dã, nôm na ở Nam Bộ, ông chuyển hoặc đặt mới hàng loạt tên tỉnh và huyện theo từ Hán Nôm như: Trúc Giang, Định Tường, Kiến Hòa, Long An, Vĩnh Long...

Trong khi đó ở ngoài Bắc, đất nghìn năm văn vật, lại do ảnh hưởng chủ trương làm trong sáng tiếng Việt của ông Hồ nên hàng loạt danh từ Hán Việt đã dùng quen từ thời cụ Hòang Xuân Hãn bổng dưng được dịch ra tiếng Nôm. Hỏa Tiển ra Tên lửa, Trực thăng ra Lên thẳng, Nữ dân quân ra Dân quân gái, Bạch ốc ra Nhà trắng, Hồng thập tự ra Chữ thập đỏ...

Qua thời ông Duẩn, đất nước thống nhất, cái gì cũng muốn to ra, dài ra, cao lên nên các danh xưng cứ thế làm ra cho càng dài càng phức tạp mới càng oai vệ.

Chợ biến thành trung tâm thương mại, vườn biến thành công viên văn hóa (vườn Tao Đàn thành công viên văn hóa Tao Đàn, viết và đọc ra nghe muốn đứt hơi)...

Nhưng sợ nhất là tên các bộ và các cơ quan nhà nước. Từ xưa đến nay chưa thời kỳ nào có tên bộ dài và phức tạp như thời nầy. Sính dùng chữ Hán như thời nhà Nguyễn mà họ lại đặt tên cho các bộ ngắn gọn nhất: bộ Học, bộ Hình, bộ Lại, bộ Binh, bộ Nông...

Thời chính phủ Trần Trọng Kim và sau đó là các chính phủ Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, do số lượng bộ tăng lên và do ảnh hưởng bởi cụ Hoàng Xuân Hãn nên tên các bộ được đổi ra dài hơn một chút để dễ phân biệt như: bộ Quốc Phòng, bộ Giáo Dục, bộ Ngoại Giao, bộ Nông Nghiệp, bộ Tư Pháp, bộ Thông Tin, bộ Văn Hóa...

Thời nay thì không biết do lặm phải cái giống gì mà các ngài cao kiến ở trung ương lại đặt tên các bộ dài lê thê, viết ra văn bản muốn oải luôn: bộ Giáo Dục và Đào Tạo, bộ Nông nghiệp và phát triển Nông Thôn, bộ Thông Tin và Truyền thông, bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch, bộ Lao động Thương binh và Xã hội...

Người ta quên rằng danh xưng hay cái tên là biểu tượng ngắn gọn nhất áp cho một sự vật để dễ gọi, dễ nhớ chứ không phải là nơi để định nghĩa hay trưng ra hết tất cả chức năng của sự vật. Ta không thể gọi cái ghế là cái có- bốn- chân- dùng- để- ngồi, cái bàn là cái có-bốn-chân-dùng-để-đặt- chén -bát- hoặc- sách- vở, cái giường là cái có- bốn- chân- dùng- để- ngủ -và -để- ấy...không ai lẩn thẩn một cách kỳ cục như vậy. Ấy mà người ta lại đặt tên các bộ theo cái tư duy đó để gây khó cho chính mình và gây khó cho nhân dân mỗi khi viết văn bản hoặc muốn nhớ.

Trong cái bộ Nông Nghiệp, ông muốn phát triển nông thôn hay ông muốn dẹp bỏ nông thôn để phân lô kiếm lợi là toàn quyền của ông, ông cứ ghi vào trong quy định chức năng của nó, hà cớ gì ông phải đưa hết lên cái tên cho nó dài ra cả thước như vậy? Tương tự như vậy chỉ cần ngắn gọn là bộ Xã Hội là đủ rồi, vì có cái bộ xã hội nào lại không có chức năng lo cho thương binh, cho người tàn tật, cho người lao động và lo về các vấn đề xã hội khác...

Cũng vậy, cái tên nước vì muốn cho oai nên cũng hay đặt cho to, cho dài, cho kêu. Ta là người Việt thì đặt tên nước Việt là đủ rồi. Tuy vậy, vì nước ta khi xưa quá bé, ông bà ta mặc cảm nên đáng ra chỉ cần đặt thêm chữ Đại vào thành ra Đại Việt là đủ oai rồi. Nhưng vua Đinh Tiên Hoàng thấy chừng đó vẫn chưa đủ độ oai, ông bèn thêm chữ Cồ vào nữa thành ra là Đại Cồ Việt, oai quá trời luôn, vì vừa Đại và vừa Cồ. Nhưng cũng dễ hiểu thôi, vua Đinh từ một người chăn trâu đi lên nên tư duy không thể khác hơn.
Qua thời nhà Lý, thấy không cần phải xừng cồ ra mới oai nên vua bỏ chữ Cồ đi còn lại Đại Việt. Đây là tên nước dùng qua nhiều triều đại và lâu nhất.

Sau nầy, Nguyễn Ánh có lẽ thấy đất nước có thêm phần phía Nam nữa nên lại muốn đổi thành Nam Việt cho đầy đủ chăng? Nhưng Nam Việt lại trùng với Nam Việt của Triệu Đà là bao gồm cả lưỡng Quảng của Tàu, nên vua Tàu đề nghị đổi lại Việt Nam để khỏi gây ra hiểu nhầm giữa hai nước.
Quốc hiệu Việt Nam ấy dùng đến tận ngày nay, và theo tôi như vậy là đủ rồi, không cần phải thêm đầu, thêm đuôi gì vào cho nó to dài ra làm gì, để rồi mai mốt, mắc công con cháu lại thay đổi nữa cho mệt và tốn kém.
Lan Man Về Cái Tên Reviewed by Unknown on 6/02/2013 Rating: 5 Huỳnh Ngọc Chênh - 29.5.2013: Nói với đầu gối hoài mệt quá, bây giờ chuyển qua nói chuyện lan man cho quên sự đời. Nhân đọc bài "...

Không có nhận xét nào: