Vòng Đàm Phán Thứ 4 Giữa Vatican & Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 6, 2013

Vòng Đàm Phán Thứ 4 Giữa Vatican & Việt Nam

Nhân Khánh, RFA - 14.6.2013: Sau 2 ngày làm việc, nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam và Vatican đã kết thúc cuộc đàm phán lần thứ 4 tại Roma.

Vòng đàm phán lần này, về phía phái đoàn Vatican có Đức ông Antoine Camilleri dẫn đầu. Ông là người chịu trách nhiệm về quan hệ với các quốc gia tại Bộ Ngoại giao Tòa Thánh. Trước khi được bổ nhiệm làm thư ký của Bộ ngoại giao, Đức ông Antoine Camilleri là một thành viên của cơ quan đại diện Giáo hoàng tại các quốc gia khác nhau như: Papua New Guinea, Uganda và Cuba.

Phía phái đoàn Hà Nội do ông Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cầm đầu. Ông đã từng là một trong những người dẫn đầu các cuộc đàm phán về phía Việt Nam tại cuộc họp thứ ba của Nhóm làm việc chung trong năm 2012. Ông Sơn thuộc thành phần thế hệ mới của ngành ngoại giao Việt Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Columbia ở Hoa Kỳ.

Nhân vòng đàm phán giữa Vatican và Việt Nam lần thứ 4 này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Linh mục Đa Minh Nguyễn Xuân Trường, thư ký của Đức Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam về tình hình quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, thì được biết như sau:

Nếu ở vùng thành thị hay đồng bằng thì có lẽ là tốt hơn ở vùng núi, vùng dân tộc. Nói chung là, vấn đề tự do tôn giáo so với những năm trước – trong thời bao cấp thì bây giờ có khá hơn.

Nhưng nếu so với những nước dân chủ thì chắc là còn lâu mới bằng. Hoặc là nhiều khi trên lý thuyết, có lẽ trên lý thuyết thì Nhà nước chấp nhận tự do tín ngưỡng, nhưng trong thực tế thì vẫn có sự hạn chế của nó.

Linh mục Đa Minh Nguyễn Xuân Trường cũng bày tỏ những mong muốn tốt đẹp về kết quả sẽ đạt được từ vòng đàm phán lần thứ 4 giữa Tòa Thánh Vatican và Nhà nước Việt Nam, ông cho biết như sau:

Đã từ lâu mong mỏi là làm sao giữa Nhà nước Việt Nam và Vatican sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, giống như các nước khác. Một điều nữa là trong vấn đề hành đạo, chúng tôi cũng mong mỏi là việc truyền chức hay thuyên chuyển các linh mục, giám mục; có lẽ là để cho giáo hội Công giáo tự quyền quyết định, chứ không phải như hiện nay là phải thông qua chính quyền.

Nhà nước cần để cho Giáo hội có thể tham gia nhiều hơn vào các vấn đề xã hội, như các lãnh vực giáo dục và y tế. Đây là điều chúng tôi mong mỏi từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Và cũng có nhiều cơ sở thờ tự là tài sản của Giáo hội đã có từ trước, nhưng đến nay vẫn chưa có lấy lại được.


Ngoài ra, linh mục Đa minh Nguyễn Xuân Trường cũng cho biết:

Hoặc là bây giờ ở nhiều nơi, trong quy hoạch: những khu dân cư mới, đô thị mới, những khu vực công nghiệp… hầu như chính quyền không có dành những khoản đất để cho những tôn giáo nói chung, Công giáo hay Phật giáo để xây dựng các công trình tôn giáo.

Ngoài ra ở vài nơi, nhất là trên miền núi có người Công giáo đến lập nghiệp làm ăn, bây giờ họ muốn xin một miếng đất để xây những nhà nguyện nhỏ làm nơi tập trung hành đạo dâng lễ thì vẫn còn khó khăn.

Cũng nên nhắc lại, vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào tháng Hai năm 2009. Vòng đàm phán thứ hai đã diễn ra tại Roma vào tháng Sáu năm 2010 và vòng đàm phán thứ ba của Nhóm làm việc chung được tổ chức tại Việt Nam vào tháng Hai năm 2012.

Trong tháng 3 năm nay, để đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban soạn thảo và sửa đổi Hiến pháp, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi đến các cơ quan chức năng Việt Nam một văn bản bao gồm những nhận định và góp ý về cách thức mà quốc gia nên thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một động thái tích cực của các vị chủ chăn và là một bước tiến mới của Giáo hội Công giáo tại quốc gia này. Giáo hội Công giáo tại Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu tín hữu, tức khoảng 7% dân số toàn quốc.
Vòng Đàm Phán Thứ 4 Giữa Vatican & Việt Nam Reviewed by Unknown on 6/15/2013 Rating: 5 Nhân Khánh, RFA - 14.6.2013: Sau 2 ngày làm việc, nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam và Vatican đã kết thúc cuộc đàm phán lần thứ 4 ta...

Không có nhận xét nào: