Thanh Quang- RFA - 10.8.2013: Cuối năm 2010 tại phiên họp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là bà Hillary Clinton, Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng có bày tỏ ý định rằng VN sẽ ký kết Công ước LHQ Chống Tra Tấn (gọi tắt là CAT) và yêu cầu Washington giúp VN về việc này.
Trong tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng VN Phạm Bình Minh lên tiếng tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève, tiếp tục hứa hẹn rằng VN sẽ sớm gia nhập Công ước LHQ Chống Tra Tấn.
Và gần đây nhất, nhân khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc, bản tuyên bố chung Viêt-Mỹ có đề cập tới việc VN sẵn sàng ký Công ước ấy vào cuối năm nay.
Những lời hứa hẹn như vậy của giới lãnh đạo VN chưa biết ra sao trong khi trước mắt thì những nước láng giềng nhỏ hơn VN như xứ Chùa Tháp, từ năm 1992, đã là thành viên của Công ước LHQ Chống Nạn Tra Tấn và Lào đã ký Công ước này hồi năm ngoái (2012).
Người dân trong nước, đặc biệt những nhà bất đồng chính kiến và dân oan vốn là đối tượng chính của nạn hành hung, tra tấn từ tay công an và xã hội đen, dân phòng - cộng sự viên đắc lực của công an - vẫn không rõ chừng nào VN mới thực hiện lời hứa đó. Và một khi chính thức gia nhập Công ước LHQ Chống Tra Tấn, liệu Hà Nội có thực sự tôn trọng văn kiện ấy hay không ?
Trong khi chuyện VN với Công ước Chống Tra Tấn tiếp tục "mập mờ", thì điều ai cũng rõ, như lời báo động của ông John Sifton, Giám đốc đặc trách Á Châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, là “ nạn bạo hành của công an VN, kể cả hành động tra tấn trong khi giam giữ và đánh chết nạn nhân, tiếp diễn tại mọi miền đất nước ” trong chiều hướng ngày càng đáng ngại.
Bản phúc trình năm 2013 của Human Rights Watch cho biết nhà cầm quyền VN độc đoán bắt giữ những người hoạt động tích cực, biệt giam họ dài lâu mà không cho gặp luật sư, không cho gia đình thăm viếng, mang họ ra tra tấn...; và lưu ý thêm rằng “…công an (VN) đã sử dụng võ lực thái quá để ứng phó với những vụ phản đối của người dân do dân bị mất nhà, bị cưỡng chế đất đai cũng như bị công an hành hung”.
Trong những năm gần đây, hành động của công an VN cùng dân phòng, xã hội đen phối hợp đánh đập, tra tấn, thậm chí đánh chết người, xem chừng như ngày càng trầm trọng, khiến nhạc sĩ Tô Hải không khỏi bực tức trước cảnh người dân bị đưa "vào đồn công an là người sống mà ra khỏi đồn công an thành người chết".
Nhắc tới công an, có lẽ nhiều người còn nhớ Thiền Sư Nhất Hạnh lên tiếng về vụ đàn áp đẫm máu của công an kết hợp với xã hội đen ở Tu Viện Bát Nhã trước đây; Thiền Sư Nhất Hạnh nhận xét rằng họ “tuy hai mà là một”. Từ Saigòn, ký giả Trương Minh Đức nhận xét:
KÝ GIA TRƯƠNG MINH ĐỨC: Giới lãnh đạo VN đã nhiều lần cam kết cam kết tham gia Công Ước Chống Tra Tấn của LHQ, nhưng tôi thấy trong thời gian gần đây, việc người dân chết trong đồn công an sau một đêm giam giữ xảy ra rất nhiều và phổ biến từ Bắc tới Nam. Song song đó, họ cũng dùng xã hội đen phối hợp với công an mặc thường phục - giữa công an với dân côn đồ, mình cũng chẳng phân biệt ai là công an, ai là côn đồ - tấn công nhiều anh chị em cũng như các bloggers trẻ nói lên tiếng nói dân chủ cho VN. Tôi không tin tưởng gì lời cam kết của giới lãnh đạo VN bởi vì mỗi ngày, tình hình đàn áp dân chủ trong nước càng tồi tệ, người chết trong đồn công an ngày càng nhiều. Rồi tình trạng đánh đập phụ nữ cũng diễn ra, như trường hợp Nguyễn Hoàng Vy cùng người nhà của Hoàng Vy là mấy em gái, và cả người mẹ già của họ cũng bị dí thuốc đang cháy vào mặt. Riêng tôi là nhà báo, tôi chứng kiến nhiều việc như vậy ở VN. Nên tôi không tin tưởng giới lãnh đạo VN.
Có lẽ một trong những đối tượng bị hành hung, tra tấn đáng ngại nhất trong nước hiện nay là tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo. Cư sĩ Võ Văn Diêm, bào đệ của tu sĩ Võ Văn Thanh Liên trụ trì Quang Minh Tự ở ấp Long Hoà 2, xã Long Điền A, quận Chợ Mới, An Giang, cho biết:
CƯ SĨ VÕ VĂN DIÊM: Xưa nay, những anh em trong đất nước VN cũng như những nhà đấu tranh về tôn giáo, tự do, dân chủ bị ảnh hưởng là do nơi chế độ độc tài, độc đảng, đã cai trị hà hiếp nhân dân. Nhưng dù họ có đánh đập cách mấy hay có hài sách cách mấy, chúng ta phải tiếp tục đấu tranh đòi hỏi về quyền con người và tự do tôn giáo của mình, cùng sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước VN, có được một nước VN tự do.
Nhắc tới nạn hành hung, tra tấn tại VN, người ta không khỏi liên tưởng đến lời tuyên bố cách nay chưa lâu của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhân thời điểm 26 tháng 6 đánh dấu Ngày Quốc tế Ủng hộ Nạn nhân Bị Tra tấn, rằng “không bao giờ có thể biện minh cho hành động tra tấn con người, dù trong thời chiến hay trong tình trạng khẩn trương của nền an ninh quốc gia".
Không có nhận xét nào: