Đảng Cộng Sản: Võ Sỹ Không Đối Thủ? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 9, 2013

Đảng Cộng Sản: Võ Sỹ Không Đối Thủ?

Nguyễn Sĩ Bình, BBC - 2.9.2013: Hiện nay có phải Đảng Cộng sản Việt Nam không có đối thủ chính trị?

Nếu Việt Nam có một nhà nước với thiện chí đáp ứng mục tiêu xã hội công bằng, có các lãnh đạo do nhân dân bầu ra một cách trung thực thì câu hỏi này có lẽ đã không cần thiết phải đặt ra.

Nhưng thực tế tình trạng hiện tại của Việt Nam không phải là như vậy và đây là một số điểm về thực tế của vấn đề.

Có tù nhân chính trị là có đối thủ chính trị.

Hiện nay, công luận cũng đã thấy nhiều đối thủ chính trị ngay cả trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

Sóng ngầm

Chế độ nào tham nhũng, lãnh đạo yếu kém và tình trạng xã hội bất công chồng chất thì luôn có nhiều đối thủ chính trị. ĐCSVN càng ngày càng có nhiều đối thủ chính trị là lẽ tự nhiên.

Hậu quả của chế độ cầm quyền không thực hiện bầu cử tự do và công bằng thường là như vậy.

Nếu chế độ cầm quyền hợp thức qua bầu cử trung thực thì tình trạng “tức nước vỡ bờ” đang cận kề đó sẽ không xảy ra.

Đối thủ chính trị của ĐCSVN hiện nay không hẳn là một cá nhân hay một đoàn thể, mà là các lực lượng yêu nước ở trong và ngoài ĐCSVN. Có thể nói lực lượng đó là thành phần đa số trong xã hội ngày nay.

Đảng Cộng sản chiếm giữ độc quyền chính trị, toàn trị, tưởng như vậy sẽ đè bẹp tiếng nói đối lập, triệt hạ các đối thủ chính trị nhưng hậu quả lại trái ngược – ngày càng tạo ra nhiều đối thủ hơn.

Giống như những cơn sóng ngầm, toàn bộ các lực lượng chính trị đối lập trong chế độ toàn trị ít khi lộ diện và ít khi được nhìn thấy.

Nhưng khi các đối lập chính trị công khai thì lúc đó không còn là sóng ngầm nữa mà là sóng thần.

Tình trạng lãnh đạo như thời thực dân nếu không dừng lại thì khi nào sóng thần ập tới chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt cả hiến pháp, khống chế không cho nhân dân thành lập đảng, triệt hạ và giam cầm thành viên của các chính đảng thì đặt vấn đề “hiện nay có phải ĐCSVN không có đối thủ chính trị” có ý gì?

Luận điệu “Đảng Cộng sản không có đối thủ” không có gì mới.

Luận điệu này không khác lên võ đài mà bịt miệng, trói tay đối phương rồi tự tuyên bố mình là vô địch. Thi đấu như vậy thì có ai là đối thủ?

Nhưng thực tế xã hội thì không đơn giản như vậy.

Xu thế xã hội

Hiển nhiên, khi chiếm giữ độc quyền nhà nước, các lãnh đạo cộng sản không có đối thủ “tạo ra quốc nạn tham nhũng” và cũng không có đối thủ về những hành động sai phạm hại dân.

Nếu nhà nước có pháp luật chuẩn mực, các lãnh đạo cộng sản tuân thủ và nhận lãnh trách nhiệm chỉ về quốc nạn tham nhũng thì Đảng Cộng sản đã tan biến từ lâu chứ đừng nói đến uy tín chính trị hay đối thủ chính trị.

Còn xét về mặt lập luận chính trị, tinh thần dân tộc, tư tưởng tiến bộ, hiểu biết về nhân bản... thì các lãnh đạo cộng sản chưa hẳn có thể so sánh với nhiều đảng viên của mình, chưa nói đến các thành phần trí thức trong và ngoài nước hiện nay.

Thời Pháp thuộc, người Pháp có xem ai là đối thủ chính trị ở Việt Nam. Trong một thời gian khá dài, những người hoạt động chống thực dân Pháp đều bị xem là phạm pháp, bộ máy cầm quyền của thực dân luôn sẵn sàng trấn áp giam cầm các hoạt động yêu nước của người Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó cũng phải thành lập ở nước ngoài. Nhưng thực dân cuối cùng đã bị đánh bại, lúc đó đối thủ của thực dân không chỉ là các chính giới mà chính là toàn thể người Việt Nam yêu nước.

Ở Đông Âu và Liên Xô trước đây cũng có nước nào xem ai là đối thủ chính trị. Nhưng tất cả các chế độ cộng sản đều đã bị sụp đổ hàng loạt chỉ trong một thời gian ngắn.

Đến nay, các đảng cộng sản vẫn không bị cấm hoạt động nhưng cũng đã phân liệt và suy tàn không thể gượng lại được.

Điều đó chứng tỏ các đảng cộng sản có nhiều món nợ không nhỏ đối với nhân dân và có không ít đối thủ. Trên thực tế, khi các thành phần yêu nước tập hợp thì cũng là lúc cáo chung của chế độ cộng sản.

Các lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay có thể chưa phải là đối thủ chính trị của ĐCSVN và có thể đang bảo vệ các lãnh đạo cộng sản, nhưng khi có sự cố thì họ sẽ đứng về phía nhân dân.

Đối với quốc tế cũng không khác, dù có hợp tác toàn diện hoặc dù có là thành viên Liên Hiệp Quốc.

Tóm lại, trong các chế độ cộng sản, nhân dân là đối thủ chính trị của đảng Cộng sản. Các đảng viên cộng sản chán đảng, bỏ đảng và các lực lượng dân chủ trong xã hội cộng sản có thể là đối thủ lợi hại của Đảng Cộng sản.

Tính chính danh

Dù Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm chính quyền nhưng muốn cầm quyền chính danh thì phải hợp thức hoá qua bầu cử trung thực và hiến pháp dân chủ.

Quyền lực quốc gia bị một đảng chính trị thâu tóm và khuynh loát là nguyên do dẫn đến tình trạng cầm quyền không chính danh.

Vấn đề này sớm muộn cũng sẽ bị nhân dân đào thải và đó cũng là quy luật tự nhiên.

Việt Nam cần có đối lập chính trị. Đối lập chính trị trong ôn hòa luôn là cần thiết trong mọi xã hội và đó chính là lợi ích của mọi quốc gia.

Cho nên, thay vì đặt câu hỏi về vấn đề đối thủ chính trị, chúng ta nên hỏi “Việt Nam có nên chuyển đổi ôn hòa, thực hiện mục tiêu xã hội công bằng, bắt đầu bằng bản hiến pháp của toàn dân?”.

Suy cho cùng, Việt Nam cần giải quyết hậu quả của vấn đề độc đảng chứ không phải tiếp tục khiêu khích hay thách thức Đảng Cộng sản Việt Nam là vô địch.

Ngày 21/8/2013

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả. Ông Nguyễn Sĩ Bình, hiện đang sống tại hải ngoại, là một lãnh đạo của Đảng Dân chủ Việt Nam.
Đảng Cộng Sản: Võ Sỹ Không Đối Thủ? Reviewed by Unknown on 9/03/2013 Rating: 5 Nguyễn Sĩ Bình, BBC - 2.9.2013: Hiện nay có phải Đảng Cộng sản Việt Nam không có đối thủ chính trị? Nếu Việt Nam có một nhà nước với t...

Không có nhận xét nào: