Kết Quả Cuộc Họp Lịch Sử Cải Tổ Giáo Triều: Sẽ Có Cải Tổ Toàn Diện - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 10, 2013

Kết Quả Cuộc Họp Lịch Sử Cải Tổ Giáo Triều: Sẽ Có Cải Tổ Toàn Diện

09.10.2013: Theo phát ngôn viên cuả Tòa Thánh thì Đức Thánh Cha Phanxicô không có ý định cải tổ Tông hiến hiện hành của Tòa Thánh Vatican, ngài sẽ soạn thảo một tài liệu hoàn toàn mới, một Hiến pháp mới để quản trị Giáo Hội.

Bản Tông hiến hiện hành có tên là Pastor Bonus, là những hướng dẫn cuả Chân phước Gioan Phaolô II về việc quản trị Giáo triều Rôma, phát hành năm 1988.

"Ý tưởng là sẽ không giới hạn vào việc thay đổi nhỏ nhặt ở đây đó để cập nhật bản Tông hiến hiện hành của Giáo triều. Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng dự định sẽ soạn thảo một văn bản mới bao gồm những thay đổi có ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể mong đợi một bản Hiến pháp mới, " là lời của Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí cuả Toà Thánh.

Tổ chức Giáo triều (Secretariat of State)

Hiến pháp mới cuả Giáo triều sẽ làm nổi bật hai khía cạnh chính. Thứ nhất, Giáo triều Rôma không còn là một cơ chế quyền bính, nhưng phải là (một cơ quan) "phục vụ" cho Giáo Hội hoàn vũ. Thứ hai, Phủ Quốc Vụ khanh sẽ chỉ là một chi nhánh chứ sẽ không còn là một cơ cấu quyền lực tập trung.

Hội đồng Hồng y khuyến nghị nên bổ nhiệm thêm một "điều phối viên" (moderator) để điều hợp mối quan hệ giữa Đức Giáo Hoàng và các văn phòng của Giáo Hội.

Trước đây Giáo triều đã có chức vụ "điều phối viên giáo triều" (moderator Curiae), một hình thức "giám đốc điều hành" để phối hợp các nhiệm vụ hành chính và giám sát các quan chức. Hiện nay một số nhiệm vụ trên còn được vị phụ tá Quốc Vụ khanh (sostituto) thi hành, nhưng Hội đồng Hồng y đánh giá là không đủ.

Đây có thể là một đáp ứng với lời chỉ trích của Đức Hồng y Walter Kasper cuả Đức, cựu chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo. Đức Hồng y đã kêu gọi phải có những cuộc họp hàng tháng giữa những người đứng đầu các văn phòng và Đức Giáo Hoàng mà không phải thông qua phủ Quốc Vụ khanh .

"Bàn tay phải không biết bàn tay trái đang làm gì, "theo lời Đức Hồng y Kasper nói về Giáo triều Roma, được biết ngài đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp tại Vatican qua hơn một thập kỷ dưới cả hai triều cuả Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Ngài chỉ trích thêm rằng chức vụ Quốc Vụ khanh "đã dần dà trở thành một thứ con buôn làm trung gian với chính phủ. (government middleman)"

Tổ chức Thượng Hội đồng (Synod )

Tổ chức của Thượng Hội đồng Giám mục mà Đức Giáo Hoàng triệu tập để thảo luận về các chủ đề cụ thể của đời sống Giáo Hội cũng đã được bàn thảo để thay đổi lại. Cha Lombardi nói vấn đề này đã được đưa lên đầu của chương trình nghị sự vì Thượng Hội đồng sẽ họp tại Vatican vào những ngày 07 và 08 tháng 10 .

Cha Lombardi cho biết chủ đề của Thượng Hội đồng sẽ bàn vẫn chưa được biết đến, nhưng nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng có nhắc đến một "chủ đề có tính chất nhân học, cuộc sống gia đình theo Phúc Âm, tuy nhiên, nó vẫn chưa là chính xác lắm".

Vai trò giáo dân

Vai trò của giáo dân và sự đóng góp của họ cho Giáo Hội cũng đã được thảo luận nhiều trong các cuộc họp. Đức Giáo Hoàng và các vị Hồng y đã bàn luận để "làm thế nào đảm bảo rằng thực thể này cuả Giáo Hội được nhìn nhận đầy đủ hơn và được chăm sóc hiệu quả hơn trong việc cai quản Giáo Hội".

"Sẽ chú ý đặc biệt để làm sao cho các cơ quan có thể sử dụng giáo dân và khả năng cuả họ (các dịch vụ mà họ cung cấp cho Giáo Hội) một cách đầy đủ hơn. Hiện nay chúng ta đã có một Hội đồng (tư vấn) Giáo hoàng (Pontifical Council), nhưng mối quan hệ và sự hiện diện cuả họ có thể được tăng thêm để cho Giáo triều có những liên hệ (involve) với giáo dân nhiều hơn".

Cha Lombardi nói: "Đã có một Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, nhưng vẫn còn có nhiều khía cạnh cần được tăng cường thêm."

Đối thoại cởi mở và xây dựng 

Cha Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng coi trọng lời khuyên của tám vị Hồng y và đề cao việc giúp đỡ của họ để "có một phương pháp tiếp cận phù hợp nhất" cho việc cai quản Giáo Hội. "Đây không phải là một nhiệm vụ không đáng kể, vì nhờ lòng tự tin và tự trọng đã tạo ra một môi trường thanh thản cần thiết cho một cuộc đối thoại cởi mở và xây dựng".

Cuộc họp 3 ngày giữa Đức Giáo Hoàng và Hội đồng Tư vấn kết thúc vào thứ năm. Qua ngày thứ Sáu, 8 vị Hồng y đã tháp tùng Đức Giáo Hoàng đi hành hương Assisi, và cùng cầu nguyện trước ngôi mộ của Thánh Phanxicô.

Hội đồng Hồng y sẽ họp với Đức Giáo Hoàng vào tháng Mười Hai tới, và sau đó vào tháng Hai năm 2014.

Trần Mạnh Trác
(Nguồn: VietCatholic News

Kết Quả Cuộc Họp Lịch Sử Cải Tổ Giáo Triều: Sẽ Có Cải Tổ Toàn Diện Reviewed by Unknown on 10/10/2013 Rating: 5 09.10.2013: Theo phát ngôn viên cuả Tòa Thánh thì Đức Thánh Cha Phanxicô không có ý định cải tổ Tông hiến hiện hành của Tòa Thánh Vatican...

Không có nhận xét nào: