Thông Luận - 20.10.2013:“…Hầu như những người dấn thân cho dân chủ đều nghèo, họ nghèo vì họ lương thiện, nhất là với một xã hội đảo điên như bây giờ. Sự quan tâm của dư luận Việt Nam, trong cũng như ngoài nước đều mang tính nhất thời và sau đó là quên lãng…”
Những ngày qua, cả nước Việt Nam đều tập trung mọi sự quan tâm và theo dõi đám tang cụ Võ Nguyên Giáp. Điều đó cũng đúng, vì cụ đã là một “huyền thoại”. Càng đặc biệt hơn khi cụ là một “huyền thoại cộng sản”. Chính quyền Việt Nam đã khai thác tối đa sự kiện này và phong trào dân chủ cũng vậy. Người ta nhắc lại sự kiện cụ Giáp can ngăn sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, cụ cũng can ngăn việc phá bỏ hội trường Ba Đình và nhất là việc cụ ba lần viết thư lên lãnh đạo cao nhất của đảng can ngăn chuyện khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên.
Thực ra thì từ sau năm 1975 thì vai trò của cụ trên chính trường coi như đã chấm dứt mà đỉnh điểm của nó là nhiệm vụ “Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch” mà đảng phân công cho cụ. Đám tang của cụ thật là đặc biệt với thật nhiều cảm xúc. Thương tiếc, bùi ngùi, cảm thông, chia sẻ… là những tình cảm mà đa số người dân Việt nam dành cho cụ. Trong dòng người lũ lượt kéo đến viếng cụ chắc chắn sẽ có những người đến để chia tay cụ đồng thời chia tay luôn cả một quá khứ, một quá khứ và dĩ vãng hào hùng, bi tráng nhưng cũng đầy máu và nước mắt. Họ muốn chia tay một người “cộng sản” cuối cùng. Dù công lao của cụ có được ca ngợi hay tung hô đến đâu đi nữa thì có một sự thật phũ phàng là chính cụ đã góp phần không nhỏ tạo nên chế độ này và cùng với nó là những bất hạnh và khổ đau đổ lên đầu người dân Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua và vẫn đang còn tiếp diễn. Tuy nhiên, dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng mọi người đều đồng ý với nhau rằng sẽ không bao giờ còn một đám tang như vậy nữa dành cho bất cứ một vị cộng sản lãnh đạo nào của Việt Nam trong tương lai.
Bài viết này không phải viết về cụ mà về một người khác, dù chỉ là một người rất đỗi bình thường và không phải ai cũng biết đến nhưng lại rất đáng để quan tâm và ngưỡng mộ. Người này cũng có nhiều điểm giống cụ Giáp, ông từng là một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, sau khi rời quân ngũ ông làm một thầy giáo. Ông không dạy Sử như cụ mà ông dạy Hóa, chính vì dạy Hóa nên ông hiểu được những hậu quả nghiêm trọng do việc khai thác bô-xít gây ra. Ông đã đi từng nhà và nói rõ cho mọi người ở xung quanh ông hiểu rõ vấn đề nghiêm trọng đó. Ông cũng hiểu rằng những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh của dân tộc chỉ có thể giải quyết được khi đất nước có dân chủ và vì vậy ông đã kêu gọi và cỗ vũ cho một nước Việt Nam dân chủ và đa nguyên… Chính vì những việc làm cao cả đó mà ông, thầy giáo Đinh Đăng Định, giáo viên dạy môn Hóa của trường PTTH Lê Quý Đôn tỉnh Đắk Nông đã bị kết án 6 năm tù giam trong phiên sơ thẩm ngày 9/8/2012 với tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN” theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Và trong phiên phúc thẩm xảy ra ngày 21/11/2012, tại tòa án tỉnh Đăk Nông ông bị tuyên y án 6 năm tù giam. Bất chấp mọi phản đối của các tổ chức nhân quyền và dư luận nhân dân Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam đã không khuất phục được ông, nếu ông chịu nhận tội phần nào thì bản án của ông chắc chắn sẽ được giảm đáng kể, tuy nhiên bệnh tật đã không buông tha ông. Sau khi chuyển từ trại giam đến bệnh viện 30/4, quận 5, Sài Gòn trực thuộc Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an để điều trị thì ông đã được các bác sĩ phẫu thuật lấy khối u trong dạ dày và sau đó được chẩn đoán là bị ung thư dạ dày. Hiện tại sức khỏe của ông rất yếu và vợ của ông là bà Đặng Thị Dinh (Số điện thoại liên lạc: 0904643576) đã gửi đơn lên Chủ tịch nước và Bộ trưởng công an xin cho ông miễn chấp hành án về nhà chữa bệnh nhưng đến giờ vẫn chưa có hồi âm. Như chúng ta đều biết, một khi bị bệnh ung thư đã di căn là đồng nghĩa với bản án tử hình đã được tuyên. Sớm thì vài ba tháng, muộn thì đôi ba năm là hết. Không hiểu còn chần chừ gì nữa mà chính quyền chưa chịu tha cho ông? Dù không ai muốn điều đó xảy ra, nhất là những người thân của ông, nhưng điều đó rồi sẽ xảy ra trong một tương lai gần.
Ông Võ Nguyên Giáp mất đi mang theo cả thời đại của mình, một thời đại u mê và lầm lạc. Thầy Đinh Đăng Định rồi cũng ra đi nhưng sự ra đi đó đã từng góp phần vào việc mở ra một thời đại mới cho cả một dân tộc: Thời đại của tự do và dân chủ thật sự. Người thân của thầy có thể tự hào rằng bản thân thầy đã có những đóng góp rất cụ thể và thiết thực cho sự hồi sinh của đất nước. Các con của thầy có quyền hãnh diện và tin vào một tương lai tươi sáng hơn, xứng đáng hơn.
Điều trăn trở của người viết là làm sao để những người yêu nước như thầy Định không còn cô đơn, khi chấp nhận dấn thân cho dân chủ, cho đất nước. Dù rằng khi dấn thân thầy không đòi hỏi bất cứ ở ai và bất cứ điều gì dành riêng cho thầy, nhưng giá như thầy được quan tâm nhiều hơn thì hiệu quả có lẽ sẽ tốt hơn, nhất là khi gia đình của thầy không có gì là khá giả. Hầu như những người dấn thân cho dân chủ đều nghèo, họ nghèo vì họ lương thiện, nhất là với một xã hội đảo điên như bây giờ. Sự quan tâm của dư luận Việt Nam, trong cũng như ngoài nước đều mang tính nhất thời và sau đó là quên lãng. Những người lên tiếng cho dân chủ đều bị chính quyền tìm mọi cách triệt đường sinh sống, ví dụ trường hợp của Lê Thị Công Nhân. Hiện hai vợ chồng cô phải nuôi vịt để sống dù rằng Quyền, chồng cô từng là một kỹ sư.
Sự kiên trì là đặc tính của một tổ chức và của những cá nhân tham gia vào tổ chức. Vì vậy dù muốn hay không thì chỉ có những tổ chức mới có thể quan tâm thường xuyên và đầy đủ đến các thành viên của mình. Điều này đúng với mọi tổ chức lớn nhỏ trong xã hội và càng đúng hơn với một tổ chức chính trị đang tranh đấu. Sự lấn cấn ở đây là một tổ chức chính trị đứng đắn và lương thiện thì lại cũng …nghèo. Việc kêu gọi ủng hộ tài chính của tổ chức thường rất thận trọng và hạn chế vì sợ hiểu lầm và bị chính quyền lợi dụng để công kích. Nhưng nếu không kêu gọi thì sẽ không có ai tự nguyện đóng góp cho các tổ chức. Thường thì các cá nhân người Việt ở hải ngoại muốn và quen với cách là trực tiếp gửi tiền về cho những người tranh đấu trong nước mà họ ngưỡng mộ và quan tâm thay vì đóng góp cho một tổ chức chính trị đứng đắn để qua đó tăng cường sự liên đới và hợp tác giữa những người đấu tranh nghiêm túc. Đấy là chưa kể đến việc những người “chống cộng” ở hải ngoại muốn thông qua việc ủng hộ để gây tiếng vang và rồi thay vì giúp cho phong trào dân chủ trong nước phát triển họ lại kéo lùi tiến trình dân chủ trong nước vốn đang chuyển động rất tiệm tiến.
Ở đây chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa những người “chống cộng” và những người “đấu tranh vì dân chủ”, trong tài liệu Cẩm nang Dân Chủ Đa Nguyên-Phần VI - Vì sao phải đấu tranh? Có đoạn viết về những người “chống cộng” ở hải ngoại như sau: “Họ chống cộng chứ không đấu tranh vì dân chủ. Họ cũng chụp mũ, cũng độc đoán, cũng giáo điều, cũng bất dung, cũng trấn áp những người không cùng chính kiến. Nếu nắm được chính quyền thì họ cũng sẽ độc tài như cộng sản, chỉ khác một điều là họ sẽ không thi hành chủ nghĩa Marx-Lenin. Nhưng ngày nay đảng cộng sản cũng đã từ bỏ đường lối Marx-Lenin và chỉ còn là một chế độ độc tài trơ trụi. Nếu thành thực với chính mình thì một số rất đông các tổ chức chống cộng trước đây phải ủng hộ chế độ hiện nay vì đó chính là chế độ họ đang vô tình mong ước”. Cũng trong một bài viết mới của tác giả trẻ Huỳnh Thục Vy “Suy nghĩ về xã hội dân sự”, cô cũng cho rằng cần “phân biệt rõ giữa xã hội dân sự và đảng phái chính trị”. Đấu tranh chính trị để thay đổi thể chế tồi dở, thay đổi cơ chế lạc hậu bằng một thể chế mới, cơ chế mới phù hợp với sự phát triển của xã hội…là công việc chính của các tổ chức chính trị. Cũng theo cô thì “các hoạt động đảng phái là cần thiết và chỉ tốt đẹp nếu nó mang đúng tên của mình”, và đây cũng là điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn cổ vũ. Chúng ta cần có một thái độ rõ ràng và dứt khoát với đúng tên gọi và bản chất của nó.
Ở đây cũng cần minh định lại một điều rằng, một tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn đấu tranh là để thay đổi triết lý điều hành đất nước, thay đổi cơ chế đang kìm hãm đất nước chứ không nhằm chống lại bất cứ ai, hay loại bỏ một ai. Chúng tôi không đánh đồng chủ nghĩa cộng sản với những người cộng sản. Chúng tôi kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa cộng sản chứ không tiêu diệt những người cộng sản. Người cộng sản cũng là những con người, nếu tháo vòng kim cô Mác-Lê trên đầu họ thì họ cũng sẽ trở thành những người bình thường.
Người dân Việt Nam yêu nước và quan tâm đến tiền đồ của dân tộc cần hiểu rõ một vấn đề quan trọng nữa: Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa những tổ chức chính trị với nhau chứ không phải là giữa các cá nhân. Muốn Việt Nam có dân chủ thì mọi người cần ủng hộ cho một tổ chức chính trị đứng đắn và lương thiện, giúp tổ chức đó có sức mạnh để qui tụ nhân tâm. Dân chủ sẽ đến với Việt Nam khi phong trào đối lập có được một tập hợp hùng mạnh, bao gồm mọi thành phần dân chúng. Muốn có được một tổ chức chính trị có tầm vóc như vậy thì người dân Việt Nam phải ủng hộ nó, ít ra cũng là về mặt tài chính, nhất là từ đồng bào hải ngoại như cộng đồng người Việt ở Mỹ, Úc… Chúng ta thường nghe và thấy rằng người dân Việt Nam, nhất là ở nông thôn họ rất thờ ơ với việc đấu tranh hay ủng hộ cho dân chủ, điều đó cũng không có gì là khó hiểu, nhân dân muôn đời nay vẫn vậy, họ biết hết nhưng họ im lặng. Họ chỉ ủng hộ và hành động khi nào họ thấy được sự chiến thắng của phong trào đối lập là không thể đảo ngược. Trí thức Việt Nam phải tạo được niềm tin của dân chúng bằng cách đoàn kết lại, tập hợp lại với nhau trong một tổ chức chung, với một ý chí chung, trên những đồng thuận chung cho một tương lai chung, của cả dân tộc.
Việt Hoàng
Theo Thông Luận
Không có nhận xét nào: