Điểm Blog: Haiyan Và Cái Đau Của Những Cơn Bão - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 11, 2013

Điểm Blog: Haiyan Và Cái Đau Của Những Cơn Bão

Philippines: Tại Anibong ở Tacloban nhiều tàu lớn bị bão
Haiyan thổi dạt đến khu dân cư ở hôm 11 /11/2013 AFP
Thanh Quang, RFA - 18.11.2013: 


Bão Haiyan, tức bão Hải Yến hoặc bão số 14 theo cách gọi của VN, đã “nổi cơn thịnh nộ” tàn phá và gây nên cảnh hoang tàn, đổ nát, tang thương khủng khiếp cho vùng trung bộ Philippines, và ảnh hưởng ít nhiều đến VN, khiến nhà thơ Đông Trình than rằng:

Lộ ra những căn nhà tốc mái

Lộ ra những đời người trống trải

Lộ ra tàu thuyền chưa kịp trục vớt

Lộ ra cái màu bờn bợt da người


Món nợ ngày xưa…

Theo blogger Trịnh Hội thì “xác người trên đường. Trên cầu. Trên cây. Trên nước…”. TP Tacloban ở tỉnh Leyte vùng Trung Bộ Philippines, nơi bị tàn phá nghiêm trọng nhất, được blogger Trịnh Hội mô tả rằng “Xác người nằm hàng hàng, lớp lớp. Những chiếc tàu hàng sắt lớn bị sóng biển dâng cao đánh vào đất liền nằm chơ vơ trên đường phố. Và hàng ngàn, hàng vạn ngôi nhà bị quét sạch”; Nói tóm lại, vẫn theo blogger Trịnh Hội, “Cả một vùng miền Trung Philippines đã bị tàn phá. Hàng trăm, hàng ngàn đảo lớn nhỏ với biết bao sinh linh…”

Thiên tai Haiyan hòanh hành nghiêm trọng xứ Phi nhiều đảo ấy đã làm xúc động nhân tâm, khiến blogger Trần Trung Đạo hiện sinh sống ở Boston, Hoa Kỳ, nghĩ ngay rằng “ Bão Haiyan, một cơ hội để đền ơn đất nước Phi” khi những thuyền nhân VN một thời, nhất là những người từng tá túc ở Philippines, sẽ không bao giờ quên là “ chúng ta mắc nợ đất nước Philippines một món nợ vô cùng to lớn” do “dấu chân người Việt Nam tỵ nạn ở Phi”, do “ nếu không có chiếc ghe đánh cá người Phi dừng lại, không có tàu Cap Anamur đang chờ ngoài vùng biển Philippines, không có tàu hải quân Phi từ vịnh Manila, hải quân Mỹ từ Subic Bay ra can thiệp, số phận của hàng trăm ngàn người Việt lênh đênh trên đường tìm tự do sẽ trôi dạt về đâu. Năm tháng trôi qua, nhưng những địa danh Palawan, Bataan, Subic Bay sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người Việt sống sót trên đường tìm tự do”.

Từ Boston, Hoa Kỳ, nhà văn Trần Trung Đạo, một thuyền nhân tá túc ở Palawan dạo nào, lên tiếng:

Nhiều người Việt chúng ta được những người Phi giang tay chia sẻ, bảo bọc trong cái giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình, mà họ cũng chẳng sung túc gì. Hình ảnh những người dân thường Phi ra bờ biển cõng những bà mẹ, những em bé vào bờ, những hình ảnh ấy sẽ không bao giờ bị quên đi cả…
Bảo Hải Yến đến Hà Đông, 9-10/11/2013 (dantri.com)

Và bão Haiyan đã khiến nhà văn Trần Trung Đạo liên tưởng đến “cơn bão lửa” hồi 1975” khi “ Đất nước chúng ta đang trải qua thời đen tối. Một thời, từ những cửa biển Đà Nẵng, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang sau cơn bão lửa Cộng Sản 1975, hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ lại sau lưng những gì trân quý nhất để ra đi tìm tự do trên những chiếc thuyền gỗ nhỏ. Vùng biển Đông mênh mông trở thành một nấm mồ nước sâu thăm thẳm. Nơi đó, mẹ lạc cha, vợ xa chồng, anh mất em. Nơi đó, tiếng niệm Phật, lời cầu kinh cũng chẳng còn ai nghe thấy. Nơi đó, chỉ còn lại những thân thể trần truồng, máu me nhầy nhụa, chỉ có tiếng rên của những con chim nhỏ Việt Nam bất hạnh trước bầy điêu tặc. Nơi đó, chỉ có đói khát và lo âu, chỉ có những đứa bé hấp hối trong bàn tay thương yêu nhưng tuyệt vọng của mẹ”…

Cơn bão phạm pháp công khai

Bão Haiyan – Hải yến lịch sử này cũng khiến blogger Đinh Tấn Lực liên tưởng đến “ Chuỗi tin siêu bão pháp luật tăng cấp từng ngày” với “Cơn Bão Phạm Pháp Công Khai” , trong đó có “cơn bão án oan” (cũng tầm lịch sử) của người nông dân chất phác Nguyễn Thanh Chấn quê xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã “phủ chụp dư luận cả nước, cuốn trôi hết cả mớ cặn lòng tin còn sót đọng của người dân đối với quyển sổ hưu” và một nhà nước “ của dân, do dân và vì dân” này.

Qua bài “Hải Yến & Cơn Bão Phạm Pháp Công Khai”, blogger Đinh Tấn Lực lưu ý rằng:

Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra không chỉ cái tỷ lệ giải oan tròm trèm một phần chín mươi triệu. Nó để lộ cả cái định hướng quật ngã đối thủ từng ban giấy khen cho công an Bắc Giang về thành tích bắt oan nạn nhân cho đầy chỉ tiêu.

Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra không chỉ các kỹ thuật bức cung của công an, xuống đến mức chi tiết vượt hẳn ra ngoài sức tưởng tượng có thể có của một bộ phận không nhỏ nhân dân. Có thể ra ngoài cả sức tưởng tượng của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có khi là của cả các cựu nhân viên Nazi hay KGB còn sống tới nay…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại lễ khai mạc
Festival Trà Thái Nguyên-Việt Nam lần thứ hai, tối 9/11(ttxva.org)

Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra nỗi sợ hãi cao độ của triều đình, thông qua những trận đánh hợp lực của “ba bộ đồng tình bóp nát nhân dân”: Bộ chính trị, Bộ công an và Bộ tư pháp; thông qua mọi biện pháp sử dụng xuyên suốt quá trình áp dụng luật; thông qua phản ứng đối phó tùy tiện và đầy mâu thuẫn đối với nhân dân theo nhịp độ ngày càng nhặt…

Vẫn theo blogger Đinh Tấn Lực thì người tù oan khuất 10 năm Nguyễn Thanh Chấn và “cơn bão oan lịch sử’ ấy đã để lộ ra một loạt “ câu hỏi sinh tử” khác, từ liệu còn bao nhiêu ngàn ông Chấn khác trong tù, bao nhiêu vạn ông Chấn khác sắp vào tù; hàng ngàn vụ án oan mới thì sao ? Chừng nào mới hết những lời khai trước tòa mà thường chánh án bỏ ngòai tai ? Chừng nào mới hết tình cảnh công dân vào tù mà không vi phạm điều luật nào, như trường hợp người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu? Bao giờ thì những người yêu nước bị tù được trả tự do ? Bao giờ chấm dứt cảnh người dân “tự nguyện tự tử” trong đồn công an ?...cho tới những chuyện như: liệu lãnh đạo tối cao của đảng sẽ dùng những chiêu thức nào khác để lấy sinh mạng nhân dân ra mà đấu đá lẫn nhau? Làm thế nào để ngành tư pháp thật sự độc lập ? Làm sao để chấm dứt cái thảm họa “tập đòan phạm pháp” bỏ tù người lương thiện?... Câu trả lời là, blogger Đinh Tấn Lực nhấn mạnh, không có cách nào khác là phải xây dựng một thể chế pháp quyền do chính người dân làm chủ.

Cả tàu ngựa đau, hai con vẫn thản nhiên ăn cỏ

Khi thiên tai Bảo Yến hòanh hành dữ dội Philippines, blogger Cánh Cò

nhận thấy trong khi đài truyền hình “VTV quay chuyện bão tố, nhà cửa bay lơ lửng trong không trung, sóng đập vào bờ cao như sóng thần và thảm cảnh người chết vô số ở Philippines khiến cả nước im lặng chia sẻ sự đau khổ của người dân Phi không còn bút mực nào có thể nói hết”, và khi bão Haiyan tàn khốc, cuồng nộ này rời khỏi Philippines để quay sang đe dọa Việt Nam khiến người dân Việt chuẩn bị đối phó, “chỉ biết chắt mót gom góp chút của cải nhỏ bé và hồi hộp chờ đợi sự giận dữ của thiên nhiên” với tâm trạng ngày càng bất an, nhất là khi tin tức về “tiếng than khóc thấu trời tại Philippines” đến VN khiến “cả nước như ngồi trên đống lửa”, thì lại xảy ra tình trạng “ Cả tàu ngựa đau, (có) hai con vẫn thản nhiên ăn cỏ”: Đó là Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh
Hưng Yên, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội...xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. (VOV)

Qua bài “ Cả tàu ngựa đau, hai con vẫn thản nhiên ăn cỏ”, blogger Cánh Cò lưu ý rằng ông Nguyễn Sinh Hùng tới Thái Nguyên tham dự Festival trà cho dù khi đó, “người dân các tỉnh miền Trung và miền Bắc đang lo vãi linh hồn cho cơn bão Haiyan” trong khi “ Sự có mặt của ông là không cần thiết vì với chức vụ Chủ tịch Quốc hội đáng ra ông phải cùng với đồng viện lo cho dân chúng sắp gặp cảnh màn trời chiếu đất, người chết, tài sản tiêu vong. . .”..Cánh Cò lưu ý tiếp rằng “ Ông Hùng đọc diễn văn chào mừng trà Thái Nguyên trong khi tại Thanh Hóa, rất gần với Nghệ An nơi sinh quán của ông, gió rít sóng giật như đang cuồng nộ cho hành động đáng xem là đang dẫm lên nỗi đau của quê nhà để ‘hót lời chím chóc’ ”.

Sau khi phân tích rằng sự tham dự của ông Chủ tịch Quốc hội “ cũng không làm cho trà Thái Nguyên thơm hơn hay doanh thu của nó vượt thêm được mấy gói”, blogger Cánh Cò khẳng định:

Ban tổ chức hoàn toàn có lý do để hoãn lại ngày khai mạc vì "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ"...Bão dù có to mấy thì cũng phải yếu đi nhưng sự trách móc của người dân dù có yếu nhất nhưng lâu dần cũng có thể gom lại để thành bão tố.

Người thứ hai “vẫn thản nhiên ăn cỏ” ở tận Hưng Yên khi “cả tàu ngựa đau”, theo blogger Cánh Cò, là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, “bất cần cơn bão Haiyan đang tới”. Thế nhưng ông Tổng “nhàn tản cưỡi ngựa xem hoa tận Hưng Yên” để làm gì trong khi dân chúng đang lo “sốt vó” vì thiên tai ? Theo TTXVN:

“Ngày 10/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Hưng Yên, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, giai đoạn 2010-2013” và “Về công tác xây dựng Ðảng, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, từng cán bộ, đảng viên cần nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa 11), kịp thời sửa chữa, khắc phục, nhằm củng cố, tăng cường niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân".

Như vậy, theo blogger Cánh Cò, người ta có thể kết luận rằng ông Trọng lựa chọn việc lo cho đảng của ông bất cần cơn bão Haiyan đang tới.

Blogger Cánh Cò không quên mô tả một bức tranh tương phản rằng

“ …hình ảnh nhân dân tơi tả trong bão tố, lũ lụt đi kèm bên hình ảnh của ông Chủ tịch Quốc hội và những ông những bà khác như phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương . . . tươi cười ngồi giữa một không gian đầy hoa tươi, cờ xí ngợp trời cùng đèn màu đủ loại! Trong khi đó ông Tổng Bí thư cũng không chịu kém ông Chủ tịch Quốc hội về khoản nhận thức lòng dân…Hai hình ảnh, hai cách ứng xử trong bức tranh tiêu điều của bão tố không khác gì hai tiếng cười to không đúng lúc ngay nốt lặng của bản nhạc buồn mang tên Hải Yến”.

Thanh Quang mong gặp lại tất cả quý vị trong chương trình kỳ tới.
Điểm Blog: Haiyan Và Cái Đau Của Những Cơn Bão Reviewed by Unknown on 11/19/2013 Rating: 5 Philippines: Tại Anibong ở Tacloban nhiều tàu lớn bị bão Haiyan thổi dạt đến khu dân cư ở hôm 11 /11/2013 AFP Thanh Quang, RFA - 18.11....

Không có nhận xét nào: