Nghệ An Xem Mạng Người Như Cá, Tôm - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 12, 2013

Nghệ An Xem Mạng Người Như Cá, Tôm

VRNs (06.12.2013) – Nghệ An - Dưới chân cầu đường sắt Yên Xuân bắc qua sông Lam có hàng chục con người vô gia cư trong mấy chục năm. Bờ bắc cầu thuộc địa bàn xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, bờ nam thuộc địa phận xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Xóm này có tên gọi là xóm Thái Lan, vì những người vô gia cư này có gốc tích là Việt kiều Thái Lan về nước năm 1960. Xóm vô gia cư này thường sinh hoạt tập trung tại chân cầu Yên Xuân, cách UBND xã Hưng Xuân khoảng 500m.

Ở đây, có khoảng 10 hộ gia đình sống trên thuyền, trôi nổi trên mặt sông Lam đầy biến động với muôn vàn khó khăn đeo bám dai dẳng. Thu nhập cuộc sống hoàn toàn từ những con cá, con tôm dưới lòng khúc sông Lam gần đó. Hầu hết trong xóm vô gia cư ở đây có hộ tịch tại xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, một số người có giấy tờ hộ tịch thuộc phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Các hộ dân Công giáo quy tụ với nhau sinh hoạt với tên gọi là họ đạo Thái Lan thuộc giáo xứ Phù Long, Giáo hạt Cầu Rầm, Giáo phận Vinh, một số hộ còn lại là lương dân.



Cứ khi bão lũ tới, những “ngôi nhà” này lại oằn mình với gió rít, nước gào với những câu chuyện đầy lo sợ. Em Phạm Thị Sao, 14 tuổi, học hết lớp 8 phải nghỉ học vì kinh tế khó khan. Em nói: “Cứ mỗi lần bão lụt, nước dâng là em lại sợ tắn (rắn) trườn vào thuyền, có bữa tắn hổ mang trườn vào thuyền làm em sợ chết khiếp”.

Người già nhất hiện tại là bà Hoàng Thị Kiều, 94 tuổi, bị mù hai mắt, không có chế độ hỗ trợ gì từ Nhà nước như điều 17 của Luật Người cao tuổi quy định. Cả xóm vô gia cư tương trợ lẫn nhau, phụ giúp bà sống leo lắt qua ngày. Bà Kiều cho biết: “Trải qua thời gian chiến tranh, mưa bão trên thuyền, nên giấy tờ hư hại hết cả. Cũng có lên xã hỏi, nhưng người ta nói không có giấy tờ thì không làm được gì”.



Trong cơn Siêu bão Haiyan vừa qua, truyền thông khắp nơi liên tục rầm rộ đưa tin Việt Nam sơ tán gần 1 triệu người có thể ảnh hưởng bởi cơn siêu bão này, thế nhưng Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên vẫn yên tâm để hàng chục sinh mạng nơi xóm đò vô gia cư này nơi lòng sông Lam hung dữ. Lúc đó, hàng chục người vô gia cư đó lại chỉ biết sốt sắng cầu nguyện, xin Thiên Chúa che chở mình. Mọi sinh hoạt của những người dân nơi đây đều xoay trên con thuyền dài 5 mét, rộng 1,5 mét. Vô cùng chật chội và bất tiện. Không có bất cứ một sự quan tâm, điểm xía gì từ chính quyền ngoài việc gây khó dễ khi linh mục chánh xứ Phù Long, Antôn Phêrô Trần Văn Niên lên dâng lễ cầu nguyện cho giáo dân của mình, tại bãi đất trống gần chân cầu cách đây mấy tháng.

Vẫn còn rất nhiều người mù chữ ở xóm đò này. Đến nay, không có một cháu bé nào được đi học mẫu giáo, khoảng 15 em đang theo học tại trường Tiểu học Hưng Xuân và THCS Nguyễn Biểu (Hưng Xuân), không có ai học THPT trở lên. Tương lai của những đứa trẻ xóm vô gia cư này sẽ đi về đâu, khi cha mẹ các em không có một mảnh đất [dù rất nhỏ] để cắm dùi?

Mấy năm qua, đã lần này lượt khác, các hộ dân này gửi đơn thư tới UBND xã Hưng Xuân, UBND huyện Hưng Nguyên, UBND tỉnh Nghệ An, nhưng đến hôm nay vẫn chưa có phản hồi gì. Anh Phêrô Nguyễn Văn Hoan, 33 tuổi, người đã sống trên thuyền, lênh đênh giữa dòng sông từ lúc sinh ra đến nay cho biết: “Ba năm qua, chúng tôi đã gửi đơn tới nhà nước xin được cấp đất để lên bờ sinh sống. Từ xã tới huyện, rồi lên tỉnh, nhưng đến hôm nay vẫn chưa có cơ quan nào phản hồi gì”.

Đơn từ của các hộ dân nơi đây gửi tới các cấp không được phản hồi gì, nhưng theo người dân nơi đây cho biết họ vẫn phải đóng một số quỹ cho xóm trưởng xóm 03, Hưng Xuân, Hưng Nguyên, Nghệ An hàng năm.

Đề nghị các cá nhân, tổ chức đang là công bộc của hàng chục mạng người nơi đây, giải quyết thấu đáo các đơn thư của người dân và ngừng xem mạng sống của những người dân này như mạng cá, mạng tôm trên dòng sông Lam hung dữ.

Người Xứ Bố Sơn
Nghệ An Xem Mạng Người Như Cá, Tôm Reviewed by Unknown on 12/06/2013 Rating: 5 VRNs (06.12.2013) – Nghệ An - Dưới chân cầu đường sắt Yên Xuân bắc qua sông Lam có hàng chục con người vô gia cư trong mấy chục năm. Bờ ...

Không có nhận xét nào: