Người Đặt Quá Khứ Cộng Sản Sau Vạch Đậm Lịch Sử - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
25 tháng 11, 2013

Người Đặt Quá Khứ Cộng Sản Sau Vạch Đậm Lịch Sử

Đinh Minh Đạo: “Chúng ta có thể khác nhau, chúng ta có thể tranh cãi, nhưng chúng ta không thể căm thù nhau. Chúng ta không cần thiết đi tìm kẻ thù, mà sẵn sàng hợp tác với nhau trong công việc.”

Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã nhắc lại lời nói trên đây của ông Tadeusz Mazowiecki trong điếu văn đọc tại quốc tang, tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, ngày 03-11-2013. Đây là những phẩm giá đạo đức mà Tadeusz Mazowiecki đã gìn giữ, thực hiện trong suốt cuộc đời làm báo, hoạt động chính trị của mình.

Tadeusz Mazowiecki là Thủ tướng không cộng sản đầu tiên của Ba Lan kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Sau khi chế độ độc tài cộng sản Ba Lan phá sản, ông là một trong những người chủ chốt đặt nền móng để xây dựng một chế độ tự do dân chủ, thay thế cho chế độ độc tài cộng sản, đã tồn tại gần nửa thế kỷ. Ông là Thủ tướng của những tháng năm chuyển đổi lịch sử của dân tộc Ba Lan.

Tuổi trẻ

Tadeusz Mazowiecki sinh ngày 18-04-1927 tại Plock, một thành phố cổ nằm trên bờ sông Wisla, phía tây bắc thủ đô Warsaw. Bố ông, một bác sĩ nổi tiếng của thành phố. Mẹ ông đứng đầu quỹ giúp những người nghèo của bệnh viện, nơi bố ông làm việc. Cả bố mẹ ông đều thuộc dòng dõi gia đình quý tộc.

Tuổi trẻ của T. Mazowiecki đã trải qua những năm tháng chiến tranh đau thương. Ông hồi tưởng lại: “Từ cửa sổ của bệnh viện, nơi tôi làm công việc chạy giấy tờ, tôi nhìn những đoàn người Do Thái bước đi dưới mũi súng của bọn SS, họ đi về đâu chúng tôi không biết. Những phụ nữ bế trên tay những đứa trẻ đang khóc. Chúng tôi đã không thể cho chúng dù chỉ một mẩu bánh mì.” Năm 1944, một người anh của ông bị bọn Hitler bắt và đưa đi mất tích.

Tốt nghiệp trung học năm 1946, T. Mazowiecki vào học khoa luật trường Đại học Tổng hợp Warsaw. Xuất thân từ một gia đình trí thức, ngoan đạo, có truyền thống hoạt động xã hội, giúp đỡ nhân đạo, ông đã tham gia Caritas Academica, nghĩa hội của các sinh viên Công giáo, hoạt động giúp đỡ các sinh viên nghèo, những sinh viên có khó khăn trong học tập. Cũng năm 1946, ông gia nhập Đảng Lao Động (Stronnictwo Pracy), một đảng hoạt động từ trước chiến tranh, nhưng ra khỏi đảng sau một thời gian ngắn. Trong những năm 1947-1948 ông là Chủ tịch Hội xuất bản của Hội Sinh viên.

Hoạt động trong chế độ cộng sản

Trong những năm 1948-1960, Tadeusz Mazowiecki tham gia các tổ chức có liên hệ với nhà thờ Ki Tô Giáo Ba Lan.

Đầu tiên là hội PAX, được thành lập năm 1947, giữ vai trò trung gian giữa nhà thờ và chính quyền cộng sản. Trong các buổi thảo luận ông đã từng phát biểu những hoài nghi của mình đôí với nền tảng xã hội chủ nghĩa. Ông phê phán những người lãnh đạo hội thiếu dân chủ và quá nhượng bộ đối với chính quyền. Mùa xuân năm 1955, ông đã rời bỏ PAX và chức Tổng Biên tập tuần báo WTK của nó.

Sau khi rời bỏ PAX, ông cộng tác với các tạp chí khác, có liên hệ với nhà thờ như các tuần báo văn hóa xã hội Tygodnik Powrzechny, tạp chí chính trị - xã hội Po Prostu. Ông gửi đăng các bài viết về sự cần thiết bảo vệ những quan điểm riêng và tham gia các hoạt động xã hội. Năm 1956, ông cùng một số trí thức Công giáo đứng ra tuyên bố thành lập Câu Lạc Bộ Trí Thức Ki Tô Giáo Ba Lan (OKPIK) xuất bản tạp chí Con Đường (Droga), do ông làm Phó Tổng biên tập. Chính quyền đã giải thể OKPIK và cấm tạp chí Con Đường lưu hành.

Nhóm trí thức Công giáo trẻ mà T. Mazowiecki là thành viên chủ trương làm việc công khai với chính quyền. Mục đích của họ là mở rộng hoạt động của nhà thờ trong xã hội, một số thành viên còn hy vọng tiến tới thành lập đảng độc lập, mang truyền thống Cơ Đốc Giáo. Họ đã tham gia ứng cử vào Quốc hội, với tư cách đại diện cho nhóm trí thức nhà thờ. Liên tục từ 1961 đến 1972,trong 3 khóa III, IV và V, Tadeusz Mazowiecki là đại biểu của khu vực bầu cử thành phố Wroslaw. Trong cả ba khóa, ông đều là thành viên của Ủy ban Giáo dục và Khoa học. Trên diễn đàn Quốc hội, ông công khai phê phán các chủ trương phát triển văn hóa, giáo dục sai lệch của chính quyền và đòi hỏi đưa chương trình giáo dục tôn giáo vào nhà trường. Ông bỏ phiếu chống lại luật tụ tập đông người và nghị quyết lên án chính quyền Do Thái... Năm 1966, ông là tác giả của bản chất vấn về nguyên nhân khủng khoảng trong quan hệ giữa nhà nước và nhà thờ. Nội dung của tuyên bố được phổ biến rộng rãi. Ông đưa ra giải pháp thương lượng. Sau sự kiện tháng 12-1970, công nhân Gdansk biểu tình phản đối tăng giá thực phẩm, đốt trụ sở Đảng Cộng sản tỉnh, công an đã bắn chết 16 người, ông đề nghị thành lập ủy ban điều tra độc lập của Quốc hội.

Trước những hoạt động đối lập của ông trong Quốc hội, tháng 02-1972, chính quyền cộng sản đã loại ông ra khỏi danh sách ứng cử viên của Quốc hội khóa VI.

Từ năm 1975, T. Mazowiecki là Phó Chủ tịch Câu Lạc Bộ Trí Thức Công Giáo (KIK). Đầu năm 1976, chính quyền cộng sản thay đổi Hiến pháp. Nhà nước dân chủ nhân dân được họ thay bằng nhà nước xã hội chủ nghĩa, họ còn ghi thêm vào Hiến pháp: “Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan là lực lượng lãnh đạo xây dựng xã hội chủ nghĩa”, “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan tăng cường tình hữu nghị và hợp tác với nhân dân Liên Xô”... Ông và các trí thức của câu lạc bộ đã ký bản tuyên bố phản đối sự thay đổi trên đây.

Tháng 05-1977, ông cùng một số trí thức đã tuyệt thực trong nhà thờ thánh Macin ở Warsaw để phản đối chính quyền bắt giam các thành viên của Ủy ban Bảo vệ Công nhân và tiếp tục giam giữ các công nhân tham gia đình công ở Radom, Ursus. Tháng 11-1977, ông cùng một số trí thức đã tổ chức lớp huấn luyện: “Những người Cơ Đốc Giáo với quyền con người”.

Dấn thân cùng Công Đoàn Đoàn Kết

Ngày 20-08-1980, Tadeusz Mazowiecki cùng 64 trí thức nổi tiếng đã ra lời kêu gọi ủng hộ các cuộc đình công của công nhân nhà máy đóng tàu mang tên Lenin tại Gdansk. 22-08-1980 ông cùng với giáo sư Bronislaw Geremek đã vượt qua nhiều trở ngại của hệ thống an ninh cộng sản, đến được nhà máy đóng tàu Lenin, mang theo lời kêu gọi nói trên. Theo đề nghị của Lech Walesa, T. Mazowiecki đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Cố vấn bên cạnh Ủy ban Đình công của các xí nghiệp toàn quốc. Ông trực tiếp giúp đỡ việc thương lượng với chính quyền cộng sản. Sau khi kết thúc đình công, ông trở thành cố vấn chính của Lech Walesa và Ủy ban Toàn quốc của Công Đoàn Đoàn Kết (C Đ Đ K). Tháng 02-1981, ông được chỉ định làm Tổng Biên tập tuần báo Tygodnik Solidarnosc của C Đ Đ K. Tạp chí này đã ra số đầu tiên vào ngày 03-04-1981.

Trước sự phát triển rộng lớn của C Đ Đ K, chính quyền cộng sản, sau khi họp bàn với Khối Quân sự Warsaw, ngày 13-12-1981 đã ban bố tình trạng chiến tranh. Toàn bộ chính quyền được đặt dưới sự cai quản của Hội đồng Quân sự Cứu nguy Dân tộc, C Đ Đ K bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. 10.000 người bị bắt giữ, đưa vào 49 trung tâm giam giữ tạm thời, 5.000 người bị kết án tù. T. Mazowiecki bị bắt ngày 13-12-1981 tại tại thành phố Sopot, gần Gdansk. Sau khi ông bị bắt giữ, nhiều báo chí nước ngoài đưa tin ông đã bị giết. An ninh cộng sản đã đưa ông giam giữ ở các nơi khác nhau, ngày 23-12-1982 ông được thả tự do. Từ đây cho đến hết những năm 80, ông trở thành cố vấn gần gũi nhất của Lech Walesa.

Từ tháng 2 đến tháng 12-1987 ông ra nước ngoài. Ông đã qua các nước Bỉ, Pháp, Đức, Ý và Áo. Tại các nước, ông đã tiến hành gặp gỡ các nhà chính trị, lãnh đạo các công đoàn, vận động phong trào quốc tế ủng hộ, để C Đ Đ K trở lại hoạt động hợp pháp. Đặc biệt ông đã gặp Giáo hoàng John Paul II tại Roma trước khi ngài trở về thăm Ba Lan. Tháng 02-1988, ông trở thành ủy viên chính thức trong tổ cố vấn của Ủy ban Thường trực của C Đ Đ K. Tháng 05-1988, với tư cách là người đươc ủy nhiệm toàn quyền của Hội đồng Giám mục Ba Lan, ông đứng làm trung gian trong cuộc thương lượng giữa công nhân đình công của nhà máy đóng tàu mang tên Lenin và chính quyền cộng sản. Cuộc thương lượng đã thất bại, ông ở lại với công nhân cho đến khi cuộc đình công kết thúc.

T. Mazowiecki là người luôn chủ trương đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động để đi đến thương lượng. Ông là một trong những người chủ chốt vận động, tổ chức và tham gia Hội nghị Bàn tròn giữa chính quyền công sản và các lực lượng đối lập, nòng cốt là C Đ Đ K. Hội nghị Bàn tròn họp từ 06-02 đến 05-04-1989, ông là một trong những người chủ chốt thương lượng những thỏa thuận về hoạt động của công đoàn và bầu cử tự do.

Đường vạch đậm

Theo thỏa thuận của Hội nghị Bàn tròn, ngày 04-06-1989 đã tiến hành bầu cử tự do một phần số đại biểu của Hạ viện và toàn thể 100 thượng nghị sĩ. C Đ Đ K đã chiếm 99 trong 100 ghế của Thượng viện và 161 ghế của Hạ viện. Liên minh của C Đ Đ K và hai đảng khác trong Quốc hội đứng ra lập chính phủ, Đảng Cộng sản trở thành thiểu số, đối lập.

Ngày 24-08-1989, theo sự giới thiệu của Lech Walesa, Quốc hội đã bầu Tadeusz Mazowiecki làm Thủ tướng.

Trong diễn văn nhậm chức đọc tại Quốc hội ngày 12-09-1989 ông nói:”Chúng ta đặt quá khứ lại sau vạch đậm. Từ đây, chúng ta chỉ chịu trách nhiệm trước các hoạt động để đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng khoảng hiện nay.”

Chính quyền cộng sản đã để lại một xã hội chia rẽ, một nền kinh tế kiệt quệ. Chỉ trong một thời gian ngắn, chính phủ của của ông đã tiến hành hàng loạt các cải cách, đặt nền tảng cho thay đổi thể chế chính trị. Thay đổi phù hiệu quốc gia và tên nước (từ Cộng hòa Nhân dân Ba Lan thành Cộng hòa Ba Lan). Ngày 20-02-1989 thay đổi Hiến pháp, bỏ những chương mục phục vụ cho lợi ích riêng của Đảng Cộng sản, đưa vào Hiến pháp nội dung mới về nền tảng chính trị, kinh tế, những khái niệm về tư hữu... Nhờ những thay đổi này, chính phủ đã tiến hành chuyển đổi nền kinh tế. T. Mazowiecki đã chọn ông L. Balcerowicz, một giáo sư kinh tế trẻ, từng là đảng viên cộng sản giữ chức Phó Thủ tướng, phụ trách tài chính, kinh tế. “Kế hoạch Balcerowicz” chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa đã hãm được siêu lạm phát, kết cấu lại nền kinh tế, tiến tới kinh tế thị trường và tư nhân hóa.

Tadeusz Mazowiecki là người luôn hiểu rõ tình thế và coi trọng hòa giải dân tộc. Ông nhận chức Thủ tướng trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Kinh tế suy sụp, xã hội chia rẽ, hàng vạn quân lính Liên Xô thuộc Hiệp ước Warsaw vẫn đang đóng giữ trên lãnh thổ Ba Lan, bộ máy bạo lực của chế độ cộng sản xây dựng trong 45 năm vẫn còn đó (theo sự thỏa thuận của Hội nghị Bàn tròn, hai Bộ Quốc phòng và Nội vụ vẫn do phe cộng sản nắm giữ). Ông tuyên bố đặt quá khứ cộng sản sau vạch đậm là để trước mắt, tập trung sức lực cho tương lai, để hòa giải dân tộc, tạo điều kiện để người dân sau nhiều năm sống trong chế độ độc tài cộng sản chuyển sang chế độ tự do dân chủ.

Mâu thuẫn bắt đầu phát sinh giữa nhóm cánh tả và cánh hữu trong ban lãnh đạo C Đ Đ K. Nó bắt nguồn từ việc đánh giá các hoạt động của chính phủ. Walesa và cánh hữu muốn chính phủ cải cách nhanh, rộng hơn và cứng rắn đối với những người cộng sản. Mazowiecki là con người phong nhã, nhưng luôn có quan điểm rõ ràng, ông đã từng tuyên bố khi nhận chức Thủ tướng, rằng ông sẽ không là một Thủ tướng bù nhìn. Ông đã bảo vệ những việc làm của chính phủ, vì nó phù hợp với tình hình và lợi ích của đất nước.

Mâu thuẫn đã dẫn đến cả Lech Walesa và Tadeusz Mazowiecki cùng ra tranh cử Tổng thống đối đầu nhau. Mazowiecki đã thất bại, ông chỉ được 18,08% số phiếu. L.Walesa trở thành Tổng thống đầu tiên của Ba Lan do các cử tri bầu trực tiếp. Sau này, L. Walesa và T. Mazowiecki đã gặp nhau hòa giải, hai người trở lại mối quan hệ bạn bè.

Tiếp tục hoạt động chính trị

Ngày 04-01-1991, T. Mazowiecki thôi giữ chức Thủ tướng. Lúc này ông đã là Chủ tịch của Liên minh Dân chủ (UD), một đảng mới thành lập. Ngày 27-10-1991, trong cuộc bầu cử Quốc hội hoàn toàn tự do đầu tiên, UD dẫn đầu số phiếu được bầu nhưng đứng ở vị đối lập trong Quốc hội. T. Mazowiecki trúng cử đại biểu. Ông là ủy viên Ủy ban Hiến pháp và Quốc phòng. Ông là một trong những người biên tập chính của bản Hiến pháp hậu cộng sản của Ba Lan – đó là bản hiến pháp dân chủ hiện nay, đã được đa số cử tri bỏ phiếu tán thành qua trưng cầu dân ý.

Cũng năm 1991, T. Mazowiecki được Liên Hợp Quốc cử làm phái viên đặc biệt tại Bosnia và Hercegowina. Khi nhận nhiệm vụ ông đã tâm niệm rằng ông không chỉ viết những bản báo cáo trên giấy trong các khách sạn sang trọng, ông muốn giúp những người dân tránh khỏi những cuộc tàn sát chủng tộc, những vi phạm quyền con người và trừng phạt các tội phạm. T. Mazowiecki lặn lội đến các nhà tù của cả hai phe Serbia và Bosnia, lắng nghe các tù nhân và chất vấn các cai tù về tra tấn, hành hạ tù nhân. Ông đến tận các địa điểm xẩy ra tội ác, phỏng vấn các nạn nhân và thu thập tài liệu, chứng cớ. Ông viết các báo cáo về tội ác chiến tranh và những vi phạm về quyền con người và đề xuất biện pháp ngăn chặn. Năm 1995, sau những báo cáo của ông, các cường quốc và Liên Hợp Quốc đã không làm gì để ngăn chặn tàn sát chủng tộc, để hai thành phố Srebrenica và Zepa rơi vào tay người Serbia, T. Mazowiecki đã gửi đơn lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tuyên bố từ chức để phản đối. Có lẽ ông là quan chức cao cấp đầu tiên của Liên Hợp Quốc từ chức để phản đối hoạt động của tổ chức này.

Từ năm 1910 cho đến khi qua đời, ông là cố vấn vể đối ngoại của Tổng thống Ba Lan.

Nhân dân và bè bạn thương tiếc

Sự ra đi của Tadeusz Mazowiecki đã gây xúc động mạnh trong nhân dân, bạn bè, các chính khách, các nhà hoạt động chính trị thế giới và Ba Lan.

Chỉ trong một ngày, thi hài của ông quàn trong nhà thờ nhỏ của phủ tổng thống, đã có 5000 người đến viếng. Trong lễ cầu nguyện cho ông tại nhà thờ thánh Jan Chrzeciel ngày 03-11, hàng ngàn người dân đã đến dự, đứng chật hết nhà thờ và xung quanh, cầu nguyện cho linh hồn ông,

Trong điện chia buồn gửi Tổng thống Ba Lan, Tổng thống Mỹ Barack Obama viết: “T. Mazowiecki đã đem đến cho những người phụ nữ, đàn ông hi vọng về tự do, cho họ cơ hội đòi hỏi những quyền cơ bản của con người. Còn những đóng góp của ông cho một châu Âu tự do và thống nhất sẽ không bao giờ bị quên lãng. Nhờ lòng dũng cảm và sự kiên trì của những con người như T. Mazowiecki, Ba Lan đã trở thành một quốc gia vững mạnh trong khu vực và trên thế giới, là một ví dụ quan trọng cho các quốc gia chuyển đổi sang tự do, dân chủ.”

Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của những người dân Tây Tạng, nói: “Tôi kính trọng ông, ông là con người của sự lãnh đạo có trách nhiệm và đức khiêm tốn.”

Bà Angela Markel, Thủ tướng Đức, viết: “T. Mazowiecki đã đấu tranh cho tự do dân chủ, dẫn đến chiến thắng các chế độ độc tài và thống nhất châu Âu”. Cựu Thủ tướng Helmut Kohl thì nói: “Người Đức phải biết ơn T. Mazowiecki, ông đã ủng hộ chúng ta sau khi bức tường Berlin sụp đổ và thiết lập mối quan hệ mới Ba Lan - Đức”.

Cựu Tổng thống Lech Walesa đánh giá: “T. Mazowiecki là Thủ tướng đầu tiên sau Hội nghị Bàn tròn. Thời gian đã chứng tỏ rằng ông đã là một Thủ tướng tốt nhất thời kỳ đó”.

Cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski – một trong những người chủ chốt, đại diện cho chính quyền cộng sản trong Hội nghị Bàn tròn; sau khi Đảng Cộng sản tự giải thể, ông đứng ra thành lập đảng mới, thắng cử hai nhiệm kỳ tổng thống – nói: “T. Mazowiecki đã là Thủ từớng của một chính phủ đặc biệt – chính phủ của liên minh dân tộc rộng rãi. Ông đã thực hiện cải cách kinh tế, dân chủ hóa nhà nước, cải cách bộ máy chính quyền các cấp. Ông là một mẫu chính trị gia ngày một hiếm – đặt công việc lên trên quyền lợi cá nhân.”

Đúng như mong muốn của ông, Tadeusz Mazowiecki đã được mai táng tại một nghĩa trang bình thường tại ngoại ô Warsaw, bên cạnh người vợ thân yêu của ông. Một con người nhân hậu, giàu lòng vị tha, giản dị và khiêm tốn, hết lòng vì con người như ông, chắc linh hồn ông đã được về chốn thiên đàng với Chúa.

Với lòng biết ơn vô hạn, bài viết này như là nén hương thắp cầu nguyện cho linh hồn ông – bài viết của một người Việt Nam tha hương, tha hương vì muốn được sống trong một xã hội tự do dân chủ, một xã hội mà “con người, hai tiếng ấy vang lên một cách tự hào”, một xã hội mà những người như ông đã ước mơ và tranh đấu.

Warszawa, tháng 11-2013

Đ. M. Đ.

Tài liệu tham khảo:

·Nhật báo Wyborcza Ba Lan.
·Encyklopedia, Mediasat Poland, Krakow 2005.
Nguồn: BVN


Người Đặt Quá Khứ Cộng Sản Sau Vạch Đậm Lịch Sử Reviewed by Unknown on 11/25/2013 Rating: 5 Đinh Minh Đạo: “Chúng ta có thể khác nhau, chúng ta có thể tranh cãi, nhưng chúng ta không thể căm thù nhau. Chúng ta không cần thiết đi ...

Không có nhận xét nào: