Văn Quang - Hội Chứng Tự Xử Và Tù Oan (kỳ 1) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 11, 2013

Văn Quang - Hội Chứng Tự Xử Và Tù Oan (kỳ 1)

Văn Quang - 10.11.2013: Vài năm gần đây, ở VN thường có hiện tượng người dân đứng ra tự xử những sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân. Những sự việc lẽ ra chính quyền có bổn phận phải giải quyết nhưng chờ đợi “mòn răng” cũng chẳng cơ quan nào chịu ngó tới. Thế nên họ phải đứng ra “tự xử,” bởi tự xử là tự cứu mình. Hiểu theo nghĩa mạnh hơn là không tự cứu là tự tử. Người ta không thể đứng nhìn quyền lợi của mình từ tinh thần đến miếng ăn, bỗng dưng bị cướp đoạt mà không ai can thiệp. Sống như thế khác gì thú rừng, kẻ mạnh cứ việc ăn thịt kẻ yếu. Sống trong xã hội loài người, có tổ chức, có pháp luật, vậy mà pháp luật ngó lơ hay xử theo kiểu muốn xử sao cũng được, như thế người dân gọi là “luật rừng” chẳng sai tí nào.

Chờ được vạ má đã sưng

Vì chà đạp, vì phẫn nộ, người dân phải cùng nhau đứng lên tự bảo vệ mình, bất cần tới pháp luật, bởi họ chẳng thể tin vào cái gì bảo vệ cho mình nữa. Ăn cướp của họ thì họ giết, xử oan cho họ thì họ trả thù, đánh họ thì họ đánh lại. Họ thừa biết như thế là phạm pháp, nhưng họ vẫn phải làm. Họ sẵn sàng đứng trước pháp luật nói rằng chúng tôi đã làm đúng. Từ đời ông cha chúng ta đã có câu “chờ được vạ má đã sưng,” nếu cứ để kẻ cắp xông vào nhà không kháng cự, chờ tới lúc quan đến thì đã mất mạng rồi. Tình thế đó buộc họ phải làm như vậy. Nếu pháp luật nghiêm minh, các ông được gọi là cơ quan công quyền chịu khó đến gần dân hơn, giải quyết kịp thời từ việc nhỏ đến việc lớn thì chuyện “tự xử” đã không xảy ra. Và ngày càng nhiều nơi người dân tự xử càng lan rộng. Người dân hết đường rồi, buộc phải cùng nhau giải quyết một sự việc nào đó có liên quan tới cuộc sống thiết thân của mình.

Từ một việc nhỏ

Một sự việc rất nhỏ như mất trộm một con chó, chủ nhà gửi đơn đến thưa Ủy Ban Nhân Dân phường, xã, nhưng Ủy Ban coi đây là chuyện thường ngày, chẳng thèm để ý đến. Từ một việc nhỏ không thèm giải quyết, nạn trộm chó lan ra khắp làng, khắp xã. Mười nhà có chó thì đến 7-8 nhà bị bọn “đạo chó” đánh bả và cướp mất tăm. Bọn này rất nhanh, chỉ trong vài phút là chú chó khôn tới đâu cũng nằm gọn trong bao đưa về quán “Cày tơ 7 món” ngay. Những con chó ở vùng nông thôn thường được coi như một vật nuôi trong nhà, không khác gì người thân. Một nhà xót xa rồi đến trăm nhà xót xa, chính quyền vẫn “trơ như đá vũng như đồng.” Người dân phẫn chí, bèn tự tổ chức “đôi quân chống giặc trộm chó.” Họ mai phục theo kiểu đánh du kích, chờ chú trộm vào cuộc là nhảy ra bắt, trộm chạy khó thoát với cả làng cả xóm bao vây. Có người mất chú chó quá tinh khôn, quá thân thuộc nên không nén được tức giận, cầm gậy phang tới tấp. Một người đánh rồi cả làng cùng xúm lại đấm đá tơi bời cho hả giận.

Như ở Nghệ An,bắt được chú trộm chó, dân không đợi chính quyền đến xử mà họ tự xử bằng cách đốt xe của chú trộm và đánh chết luôn. Khi công an vào cuộc, cả 300 người cùng ký đơn nhận tội. “Cả làng tôi có tội giết người đấy, các ông có bỏ tù thì cho cả làng tôi cùng đi tù.”

Chính quyền sẽ xử ra sao? Và lỗi tại ai mới xảy ra cớ sự này? Những anh già lẩm cẩm như tôi không trả lời được. Có lẽ phải nhờ đến “ba tòa quan lớn” VN trả lời giùm.

Đến chuyện lớn

Chiều 29/10 vừa qua, thảo luận về công tác phòng chống vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng dẫn lại vụ nhà máy thuốc sâu chôn chất độc xuống lòng đất của Công ty Nicotex (Thanh Hóa) và cho rằng, không thể nói chính quyền, công an không biết bởi nhiều lần thanh tra, kiểm tra nhưng kết quả vẫn bảo đảm an toàn. Còn người dân đã thưa gửi nhiều năm, phản ánh lên nhiều cấp nhưng đều không được giải quyết. (Tôi đã tường thuật với bạn đọc chi tiết sự “vô cảm” này trong bài viết ngày 20-9-2013).

Ông Hồng nói, “Đây là một vụ việc điển hình, nhiều nơi khác đang diễn ra những sự việc tương tự. Những vi phạm trong khai thác khoáng sản, vàng... rõ ràng có sự bao che, tiếp tay của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý. Hoặc họ thờ ơ, sợ va chạm nên không phát hiện hoặc nếu có thì cũng không xử lýnghiêm,”

Ông kết luận “Tất cả đều dẫn đến hệ lụy niềm tin của nhân dân vào chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ngày càng suy giảm. Từ đó, dẫn đến việc người dân tự xử trong một số vụ vi phạm pháp luật mà không để chính quyền, công an xét xử.”

Không chỉ bao che mà còn là hợp tác

Ông Hồng đã nói đúng về sự bao che, tiếp tay của chính quyền địa phương. Hãy nhìn vào vụ án Dương Chí Dũng thì đủ rõ. Sau khi tham nhũng bị lộ, Dương Chí Dũng được những quan có đầy đủ quyền hành và giang hồ “có số có má” tại TP Hải Phòng tổ chức cho Dương Chí Dũng đi trốn. Đó là sự liên kết của “xã hội đen” với các quan to.

Từ vụ án này, ai cũng thấy được rất rõ “đường dây” liên hệ mật thiết giữa những người có quyền và bọn cầm đầu đám du đãng, ma cô, đầu gấu, buôn lậu ma túy... gọi chung là “xã hội đen.” Giữa “xã hội nhà quan” và “xã hội đen” có mối liên kết chặt chẽ, cứu giúp nhau tận tình. Nhiều chuyện làm ăn phi pháp có “bảo kê” vững chắc phía sau. Nhìn lại vụ án Năm Cam hơn 10 năm trước sẽ thấy cụ thể hơn.

Với sự hợp tác kín đáo, có tổ chức, có quyền hành như thế thì đừng hỏi tại sao dân đi thưa mà các quan làm ngơ. Chẳng phải chỉ có ở Hải Phòng, đó chỉ là đám bèo nổi qua một vụ án, còn cả một tảng băng dầy đang trôi ngầm từ tỉnh này sang thành phố khác. Chỉ có anh dân đen là chịu thiệt. Không “tự xử” thì làm cách nào đây? Cho nên nhận xét của ông đại biểu Nguyễn Thanh Hồng là hoàn toàn đúng.

Đời sống văn hóa, xã hội của đất nước đang có quá nhiều bất công

Chính vì những nhận xét này mà phiên thảo luận những vấn đề kinh tế - xã hội ngày 30-10 đã nóng hẳn lên. Các ông đại biểu Quốc Hội bày tỏ lo lắng trước tình trạng người dân “tự xử” thay cơ quan thực thi pháp luật đã và đang xảy ra khắp nơi, mà nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ sự thiếu niềm tin vào chính quyền sở tại.

Vài ngày trước phiên họp ngày 30-10 của Quốc hội, hàng ngàn người dân đã tập trung trước cổng UBND huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) để phản đối việc nạo hút cát gây nên tình trạng sạt lở khiến tuyến Quốc lộ 1A bị kẹt trong nhiều giờ.

Kêu ca, đề nghị, khiếu kiện nhiều song không được chính quyền nơi đó giải quyết thỏa đáng đã dẫn tới việc người dân một số địa phương ở Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa... dựng lều lán phong tỏa đường ra vào của các doanh nghiệp gây ô nhiễm.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nói: Thực trạng dân “tự xử” ngày càng nhiều và trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận này phải thốt lên rằng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước đang có quá nhiều bất công. “Đó là tâm trạng bất an và suy giảm niềm tin của người dân với những cán bộ nhà nước mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân “tự xử.”

Tại sao lòng dân không yên

Theo ông Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, kẽ hở của pháp luật đang khiến “lòng dân không yên.” Ông Phương lấy ví dụ tình hình tội phạm băng nhóm, đâm thuê chém mướn phát triển mạnh trong thời gian qua gây bức xúc dư luận có liên quan đến câu chuyện cho vay nặng lãi, cá độ. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa xem xét đằng sau của câu chuyện đó là gì, kịp thời phát hiện để điều chỉnh. Tình trạng cho vay nặng lãi, cầm đồ hiện nay khi xảy ra tranh chấp, đưa nhau ra tòa vẫn được coi là tranh chấp dân sự chứ chưa phải hình sự.

Ông Phương nói, “Nếu cứ nhìn nhận dưới góc độ dân sự thì cực kỳ phức tạp, không răn đe được, của đau con xót sẽ nảy sinh việc thuê người đòi nợ và chuyện băng nhóm xã hội đen tự xử nhau. Nhiều chuyên gia luật và cá nhân tôi cũng cho rằng phải sửa cái này đi, phải hình sự nó để tránh những vấn đề phức tạp.”

Nói thẳng ra, đã từng có rất nhiều vụ nhà các ông được gọi là “lãnh đạo” bị ném đá, bị đốt, bị phá phách và cũng không ít trụ sở bị “kẻ xấu” xông vào đập phá, thậm chí hành hung. Chẳng người dân nào bỗng dưng muốn gây sự với các quan cả. Tất nhiên phải có những nguyên nhân sâu xa, bị chèn ép, bị đè đầu cưỡi cổ, uất ức quá nên đành phải liều “tự xử” thôi.

Trách nhiệm của Quốc Hội đến đâu?

Thật ra trong những phiên thảo luận vừa qua của các ông bà đại biểu quốc hội VN đã chỉ ra hàng loạt điểm yếu kém trong bộ máy hành pháp, có cả những lời chỉ trích rất gay gắt với những tội tham nhũng, cồng kềnh, trì trệ... Nhưng cũng có người bàn rằng có làm thì có sai, những ông không làm chỉ đứng ngó thì chẳng có gì sai cả.” Điều đó cũng đúng. Nhưng ông đai biểu Dương Trung Quốc lại có một ý kiến khác. Ông nói, “Lâu nay, mọi thất thoát lãng phí hay tham ô ngân sách của nhà nước chỉ dồn hết trách nhiệm vào Chính phủ, Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn tự cho mình vô can trong những sai phạm của bộ máy hành pháp.”

Ông Quốc nhấn mạnh đến trách nhiệm của Quốc Hội phải chịu trách nhiệm trước nhân dân như người được ủy thác. Còn Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc Hội.

Đó là lời “nhận lỗi” của ông Dương Trung Quốc. Cho nên các đại biểu không phải chỉ nói “cho sướng miệng,” nói để lấy điểm với nhân dân rồi lại cho qua, mọi thứ vẫn y như cũ. Quốc Hội cũng phải chịu trách nhiệm về mọi tệ nạn xã hội đã và đang xảy ra.

Nhưng còn nhiều vụ dân muốn “tự xử” cũng không được, bởi bị kết án nằm trong tù rồi, làm sao tự xử được! Phải nhờ công lý xử cho mình. Vác đơn đi kiện như kiện củ khoai, từ đó xảy ra nhiều vụ án oan sai rất đau lòng. Một vụ án oan hiện đang làm chấn động dư luận cả nước, người dân hết dám tin vào công lý.
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
Nguồn: Nhật báo Viễn Đông

Văn Quang - Hội Chứng Tự Xử Và Tù Oan (kỳ 1) Reviewed by Unknown on 11/10/2013 Rating: 5 Văn Quang - 10.11.2013: Vài năm gần đây, ở VN thường có hiện tượng người dân đứng ra tự xử những sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề ...

Không có nhận xét nào: