Kiến Nghị KHẨN Từ Báo SÀI GÒN TIẾP THỊ Gửi CT Quốc Hội, CT Nước Và Một Số Cơ Quan - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 1, 2014

Kiến Nghị KHẨN Từ Báo SÀI GÒN TIẾP THỊ Gửi CT Quốc Hội, CT Nước Và Một Số Cơ Quan

XHDS: Đôi lời: Một số thành viên Diễn đàn của chúng tôi nhận được bản Kiến nghị này từ một nhà báo, trong Ban chấp hành Công đoàn, báo Sài Gòn Tiếp thị. Thư được đồng gửi tới một số địa chỉ khác. Không thấy nơi gửi có Thủ tướng chính phủ.

Để biết thêm vụ việc, mời tham khảo: - UBND TP.HCM trả lời kiến nghị của CBCNV báo Sài Gòn Tiếp Thị , trong “Kiến nghị” này có đoạn cam kết “duy trì hoạt động tờ báo đúng theo tôn chỉ mục đích”. – Chị Hai Thủ tướng, bài viết của Nhà báo Huy Đức, đăng trên Sài Gòn Tiếp thị, được dư luận cho là đã gây rất nhiều phiền toái cho bản thân ông và tòa báo. - Một tâm sự ngắn của Huy Đức trên FB Osin (với 57 phản hồi của độc giả): “… nếu như năm 2009 mình không viết ‘Chị Hai Thủ Tướng’ thì tôi và SGTT có như thế này chăng (bài này tôi chỉ định viết cho Osin Blog nhưng nghĩ, đang là người của SGTT cũng nên tham khảo ý kiến Tam Chanh, ai dè bạn ấy cân nhắc, tham vấn, rồi cho đăng trên SGTT…”


“Không hiểu tại sao, từ năm 2009 tới nay, người viết gặp nạn thường có duyên nợ với Thủ tướng: Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức với hai blogs, Change we need và Trần Đông Chấn (nói từ chuyện nhà cho tới chính sách của Thủ tướng); Phạm Chí Dũng bị nghi tác giả của Quan Làm Báo; Trương Duy Nhất “chấm điểm” Chính phủ và Thủ tướng quá thấp…”

Có lẽ câu chuyện không nhỏ này cũng góp phần tô điểm thêm cho bản “Thông điệp đầu năm” của TT, mà những mong muốn “minh bạch”, “dân chủ” trong đó không thể thiếu sự đi đầu của một tờ báo từng rất được quan tâm là SGTT. Xin tạm một ví dụ, năm 2009, ngư dân ta tránh bão vào Hoàng Sa, bị Trung Quốc bắt giữ, cướp phá, đánh đập. Chỉ SGTT dám đưa tin, rồi mãi 1 tháng sau khi vụ việc xảy ra, Người phát ngôn mới lên tiếng.

BT

***

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
______________________

TP.Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 1 năm 2014
KIẾN NGHỊ KHẨN

CỦA TẬP THỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐANG LÀM VIỆC TẠI BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ VỀ THẢM CẢNH CỦA BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ

Kính gửi: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng,

Đồng kính gửi: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,

- Ban Tuyên giáo Trung ương,

- Cục báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông,

- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội,

- Hội nhà báo Việt Nam,

- Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh,

- Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh,

- Ủy ban kiểm tra Trung ương,

- Hội nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh,

- Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư TP.Hồ Chí Minh,

- Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh,

- Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh,

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh,

- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam,

- Liên đoàn lao động TP.Hồ Chí Minh,

- Công đoàn viên chức TP. Hồ Chí Minh.


Chúng tôi: Công đoàn, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội nhà báo Báo Sài Gòn Tiếp Thị và tập thể người lao động đang làm việc tại Báo Sài Gòn Tiếp Thị TP.HCM đồng lòng ký tên vào bản kiến nghị này, để mong Lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý báo chí, cũng như các cơ quan ngôn luận quan tâm xem xét, bởi chúng tôi – tập thể trên 100 con người đang bị tổn thương nặng nề và đang đứng trước nguy cơ bị mất việc. Sài Gòn Tiếp Thị, tờ báo mà chúng tôi gầy dựng, gắn bó và làm việc suốt thời gian qua (19 năm), tờ báo để lại dấu ấn đậm nét cho bạn đọc trong và ngoài nước, đang đứng trước nguy cơ bị chết và thay thế bằng một tờ báo khác mang trùng tên.

Chúng tôi được Ban biên tập thông tin lại về nội dung cuộc làm việc giữa Ban biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, các trưởng phòng ban cùng đại diện Ban biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào ngày 23 tháng 12 năm 2013. Theo bên tiếp nhận thì họ bị ép nhận để duy trì thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị chứ không tham gia gì về sinh mạng của tờ SGTT hiện nay.Vì vậy họ không cần nhận bàn giao bất cứ cái gì và phương án dự kiến của Thời báo Kinh tế Sài Gòn sẽ xin ra bộ mới, với thiết kế mới, bộ máy mới chỉ sử dụng măng set Sài Gòn Tiếp Thị dựa trên cơ sở kế thừa tôn chỉ mục đích của Sài Gòn Tiếp Thị và có thể gói gọn lại nội dung. Và dự kiến bộ máy nhân sự phục vụ cho bộ mới này khoảng 40 người. Trong đó phóng viên khoảng 20-25 người, tòa soạn – biên tập viên khoảng 10 người. Tuy nhiên, số lượng nhân sự dự kiến không phải là danh sách thống nhất được tiếp nhận theo tinh thần Thông báo số 924/TB-VP của Văn phòng Ủy ban Nhân dân TP.HCM ngày 30 tháng 11 năm 2013, mà tất cả nhân sự phải đăng ký tuyển dụng theo qui trình tuyển dụng mới.

Việc thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị mà tập thể CBNV của Sài Gòn Tiếp Thị được cấp phép và liên tục gầy dựng 19 năm qua được chuyển giao cho một cơ quan báo chí khác là trái với Luật về Quyền sở hữu trí tuệ và Quyền sở hữu thương hiệu.

Việc chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 100 người lao động đang làm việc tại cơ quan báo Sài Gòn Tiếp Thị, không quan tâm đến quyền lợi của chúng tôi là trái với Luật lao động, và đạo lý của người Việt Nam.

Cụ thể:

1. Nguy cơ mất việc

Căn cứ văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM số 515/UBND-VX-M ngày 27 tháng 8 năm 2013 giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Tư pháp, Sở Công thương và các cơ quan liên quan tham mưu phương án sáp nhập Báo Sài Gòn Tiếp Thị về Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Như vậy, từ một tờ báo độc lập trở thành phụ trương của Thời báo Kinh tế Sài Gòn .

Sau cuộc họp của Ủy ban để xử lý trách nhiệm của các Giám Đốc cơ quan chủ quản ITPC (4 vị từ năm 2007 đến nay) chúng tôi được bà Vũ Kim Hạnh, nguyên Giám đốc ITPC cũng là người sáng lập tờ Sài Gòn Tiếp Thị thông tin là ông Phó Chủ tịch Ủy ban Hứa Ngọc Thuận kết luận là việc xử lý và sáp nhập báo Sài Gòn Tiếp Thị sẽ được giao cho Sở Tư pháp đề xuất qui trình và giải pháp vì còn liên quan việc : bán nhà trụ sở báo để trả nợ (mà theo chúng tôi tìm hiểu thực tế thì có khả năng dư trả nợ); tiếp tục theo đuổi việc kiện đòi nợ các tổ chức đang thiếu nợ Sài Gòn Tiếp Thị, thực hiện các hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp còn dang dở và nhất là giải quyết số phận hơn 100 người lao động.Vì luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm đầy đủ từ pháp lý tới thực tế với tất cả những việc trên, chúng tôi không hề có nguyện vọng tự đình bản nhất là càng không cam tâm thấy tờ báo hiện nay bị chết để rồi cái tên bị lấy đi và do một tổ chức khác thực hiện bộ mới và hầu hết người của Sài Gòn Tiếp Thị bị nghỉ việc. Chưa kể hiện nay báo Sài Gòn Tiếp Thị có một số lao động nữ mang thai và đang trong giai đoạn thai sản, việc chấm dứt hợp đồng lao động với họ là trái với Luật lao động.

Ban Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng bày tỏ hết sức khiên cưỡng tiếp nhận, vậy thì sao không thể có một giải pháp khác.

Trong 11 tháng qua, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng lại cơ chế tài chính tờ báo và hoạt động thực sự có lãi. Vậy nếu việc bán nhà đủ để trả nợ thì qui trình mà Sở Tư Pháp đang được xây dựng có những điều chỉnh tích cực nào không?

Sau buổi làm việc với đại diện Ban biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 23.12.2013 vừa qua, tập thể chúng tôi được Ban biên tập thông báo rõ ràng là Báo Sài Gòn Tiếp Thị sẽ phải xin phép đình bản vào cuối tháng 2.2014 và Thời báo Kinh tế Sài Gòn chỉ tiếp nhận để duy trì thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị. Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã chuẩn bị nhân sự và bộ máy mới hoàn toàn để vận hành một ấn phẩm mới dưới cái thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị. Theo những gì đề cập ở trên, thì số nhân sự đủ để phục vụ cho tờ báo mới trong đó nhân sự cũ của báo Sài Gòn Tiếp Thị chỉ có thể được tiếp nhận một phần nhân sự (sau khi đã qua khâu tuyển dụng), như vậy còn lại toàn bộ từ sau tháng 2.2014 sẽ không có việc làm.

Chúng tôi tự hỏi đã có sai phạm gì không thể cứu chữa để tờ báo phải bị đình bản? Cán bộ nhân viên Sài Gòn Tiếp Thị đã vi phạm điều gì để phải bị mất việc? Nếu các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý báo chí xem tờ báo là một cơ quan nhà nước, thì chúng tôi cũng là những nhân viên nhà nước. Chúng tôi không thể bị mất việc vì những lý do không do chúng tôi gây nên theo Kết luận Thanh tra toàn diện tình hình tổ chức, hoạt động và tài chính của báo Sài Gòn Tiếp Thị. Thực trạng của Sài Gòn Tiếp Thị là: mọi khoản nợ của báo Sài Gòn Tiếp Thị đã có phương án- kế hoạch để trả theo lộ trình đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Những nhân sự có trách nhiệm cũng đã bị xử lý. Tờ báo đang hoạt động tốt, tài chính tích cực. Đội ngũ dù trước đây bị nợ lương, nợ nhuận bút (gần đây đã cải thiện) nhưng vẫn kiên trì bám vị trí và toàn tâm toàn ý xây dựng lại tờ báo.

Ban biên tập SGTT đã công bố các số liệu kinh doanh hơn 11 tháng đầu năm 2013, cho thấy trong bối cảnh thị trường có rất nhiều khó khăn, báo Sài Gòn Tiếp Thị vẫn kinh doanh có lãi (các cơ quan quản lý có thể kiểm tra sổ sách chứng từ của báo Sài Gòn Tiếp Thị).

Nội dung các trang báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày càng được củng cố. Với sự quan tâm sâu sát của ITPC và UBND TP.HCM, chúng tôi đã tiến hành nhiều bước đổi mới như sắp xếp lại nội dung gần gũi với bạn đọc, tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, tổ chức kinh doanh độc lập (trước đây giao cho đại lý độc quyền)… Nhờ vậy báo Sài Gòn Tiếp Thị đã vượt qua khủng hoảng, toàn thể đội ngũ chúng tôi vẫn sát cánh cùng nhau làm việc để báo Sài Gòn Tiếp Thị là một trong những tờ báo đáng tự hào của TP.HCM với nhiều thông tin bổ ích, những góp ý xây dựng kịp thời.

Đội ngũ của chúng tôi đã được đào tạo chính qui: trong hơn 100 nhân viên có 80 người có trình độ từ đại học trở lên, 60 người trình độ chính trị từ trung cấp trở lên. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được trui rèn qua thực tế công việc. Chúng tôi tự hào là một tờ báo để bạn đọc tin tưởng, không thông tin lá cải, giật gân khá phổ biến trên thị trường báo chí hiện nay. Chúng tôi tự hào vì dù có bị chậm lương, trễ nhuận bút, chúng tôi vẫn viết bằng đúng lương tâm trách nhiệm của người làm báo, không để cho uy lực đồng tiền chi phối. Chúng tôi ý thức được rằng, không gian làm báo chuyên nghiệp với những người lao động có trình độ ấy đã, đang và sẽ tích cực phấn đấu hướng tới mục tiêu cung cấp thông tin hữu ích, khách quan cho bạn đọc; là người dân Việt Nam nói chung và người dân TPHCM nói riêng; Từ những thông tin ấy, tờ báo phản ánh tiếng nói chân thành của người dân đóng góp nhằm điều chỉnh, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém của nhiều ngành thuộc quản lý Nhà nước. Tất cả, cũng vì lợi ích là tiến bộ xã hội.

Như vậy, vì lý do gì mà chúng tôi bị mất việc?

2. Về thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị

Từ tháng 3.2014, Thời báo Kinh tế Sài Gòn chỉ tiếp nhận việc duy trì thương hiệu tờ Sài Gòn Tiếp Thị và vận hành theo tôn chỉ mục đích dưới hình thức một phụ trương của Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Điều này khiến đội ngũ chúng tôi, những người đã gìn giữ bản sắc tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị trong suốt 19 năm qua quá bàng hoàng và xót xa. Bởi lẽ chúng tôi là đội ngũ đã xây dựng, sáng tạo và thiết lập nên phần hồn và xác cho tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị. 19 năm gắn bó với Sài Gòn Tiếp Thị là quãng thời gian đủ dài để chúng tôi thấu hiểu những giá trị tinh tuý của tờ Sài Gòn Tiếp Thị, thấu hiểu nhu cầu của bạn đọc và vận hành tờ báo với bản sắc riêng của nó.

Chúng tôi muốn đặt câu hỏi, thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị là của ai? Về pháp lý, báo của nhà nước thì măng sết này là của nhà nước. Nhưng chúng ta hiểu thương hiệu báo là của người đọc và xây dựng bằng mồ hôi nước mắt của đội ngũ nhà báo làm ra tờ báo ấy, được giám sát và ủng hộ của người đọc. Tài sản của người đọc này không thể tùy tiện trao, chuyển mà không mảy may quan tâm tới giá trị thực sự của nó là tâm huyết gầy dựng và chí cốt gìn giữ với lòng trung thành có thử thách với bạn đọc. Bạn đọc Sài Gòn Tiếp Thị, những người suốt 19 năm đều đặn mua báo để nuôi nấng Sài Gòn Tiếp Thị có được coi là người đã tạo ra thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị hay không? Những doanh nghiệp cùng đồng hành với Sài Gòn Tiếp Thị trong 19 năm qua có được xem là người đóng góp cho thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị hay không? Những mạnh thường quân đã ủng hộ tiền bạc vật chất giúp đỡ tờ báo khi mới ra đời, và những chuyên gia đóng góp bài viết, tư vấn cho Sài Gòn Tiếp Thị có được xem là người đóng góp cho thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị?

Có thể khẳng định, tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị là thương hiệu báo chí của xã hội, của người đọc (những người đọc bỏ tiền mua báo, không hề là một đám đông mơ hồ), của tập thể những con người làm việc ở Sài Gòn Tiếp Thị xây dựng và tạo nên. Quyết định của cơ quan quản lý chỉ cố duy trì thương hiệu này bằng cách trao cho đơn vị khác quản lý, thay đổi toàn bộ những con người làm việc ở Sài Gòn Tiếp Thị đồng nghĩa với thực tế đang diễn ra là phần xác của Sài Gòn Tiếp Thị và giết mất phần hồncủa nó. Việc duy trì sự có mặt của tờ báo trong đời sống chính trị xã hội liệu có còn ý nghĩa khi đội ngũ những người làm nên tờ báo như chúng tôi bị thất nghiệp phải sống vô định khi vẫn muốn tiếp tục chịu trách nhiệm và sống với tờ báo của mình?

Hành động khai tử một tờ báo, chỉ vì nợ nần thua lỗ trong khi chính họ đang chứng minh được là đủ sức trả nợ đang khiến dư luận giới báo chí hoang mang không hiểu thực chất lý do quyết định “ép đình bản Sài Gòn Tiếp Thị hiện nay”.

Chính vì điều này, chúng tôi tha thiết đề nghị các cơ quan quản lý, công luận, hãy xem xét, để chúng tôi là những người đã sáng tạo ra tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị, có thể được tiếp tục duy trì hoạt động của nó với phần hồn mà chúng tôi đã thổi vào đó 19 năm qua.

3. Kiến nghị

Với sự nỗ lực của tập thể trên 100 người lao động đang làm việc tại Sài Gòn Tiếp Thị, hiện nay chúng tôi đang vận hành tờ báo ổn định về nội dung lẫn tài chính. Cơ quan quản lý nhà nước có thể thay đổi cơ quan chủ quản để giám sát hoạt động tờ báo chặt chẽ và có những hỗ trợ kịp thời. Nếu việc bố trí chủ quản từ bộ máy của thành phố có nhập nhằng xin hãy để tờ báo được đưa ra đề xuất hợp lý và khả thi.

Chúng tôi thiết tha kiến nghị :

Thứ nhất, tạm thời tiếp tục duy trì hoạt động của báo Sài Gòn Tiếp Thị dưới sự giám sát của Sở Thông Tin Truyền Thông và ban tuyên giáo Thành Ủy trong khi chờ phương án của Sở Tư Pháp.

Thứ hai, trong khi duy trì tốt hoạt động tờ báo, chúng tôi cam kết thảo luận và giảm số lượng cán bộ nhân viên cho phù hợp nhu cầu. Đề nghị cơ quan chủ quản khẩn trương báo cáo Ủy ban Nhân dân tạm ứng ngân sách theo công văn số 225/CV-SGTT ngày 6 tháng 12 năm 2013 và công văn 04/CV-SGTT ngày 8 tháng 1 năm 2014 của báo Sài Gòn Tiếp Thị để chúng tôi giải quyết chế độ chính sách cho người lao động dịp Tết nguyên đán 2014.

Các cơ quan quản lý hãy lưu tâm đến số phận của chúng tôi – những con người đã tạo và xây dựng nên thương hiệu tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị và lắng nghe nguyện vọng của chúng tôi, những người lao động tự tin rằng có thể có tiếp tục duy trì tờ báo từ những cơ sở đã nêu ở trên, và đủ tự trọng để không muốn trở thành “gánh nặng” cho xã hội.

Chúng tôi khẩn thiết mong các cơ quan công luận lên tiếng vì đây là lần đầu tiên một tờ báo bị buộc phải đình bản một cách oan ức và lần đầu tiên phần hồn thực sự của một thương hiệu bị tiêu hủy, chỉ còn phần xác của thương hiệu này bị mang qua cơ quan khác và người lao động phải đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Rất mong nhận được sự giải đáp và quyết định đạt lý thấu tình từ các cấp lãnh đạo. Chân thành cảm ơn.

Trân trọng,

Nơi nhận:

- Như trên;
- Các cơ quan báo chí TW và địa phương (để biết);
- Lưu.


Đính kèm:

- Thông báo số 924/TB-VP của Văn phòng UBND Thành phố ngày 30.11.2013;
- Bản chữ ký của tập thể người lao động đang làm việc tại Báo Sài Gòn Tiếp Thị đồng ý nội dung của bản kiến nghị khẩn ngày 26.12.2013.
Kiến Nghị KHẨN Từ Báo SÀI GÒN TIẾP THỊ Gửi CT Quốc Hội, CT Nước Và Một Số Cơ Quan Reviewed by Unknown on 1/15/2014 Rating: 5 XHDS: Đôi lời: Một số thành viên Diễn đàn của chúng tôi nhận được bản Kiến nghị này từ một nhà báo, trong Ban chấp hành Công đoàn, báo Sà...

Không có nhận xét nào: