BVN - 23.1.2014: Lê Hiếu Đằng sinh ngày 6 tháng 1 năm 1944, trút hơi thở cuối cùng vào 10g tối ngày 22 tháng 1 năm 2014, tại bệnh viện 115 (Sài Gòn). Lễ nhập quan sẽ được tiến hành vào lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 2014 tại Trung tâm Pháp y TP HCM, 336 Trần Phú, quận 5. Linh cữu được quàn tại chùa Xá Lợi, 89b Bà Huyện Thanh Quan, quận 3. Lễ di quan sẽ bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 25 tháng 1 năm 2014 và sẽ hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Tro cốt của ông sẽ được gia đình và bằng hữu rải trên sông Sài Gòn.
Ông Lê Hiếu Đằng nguyên quán Thừa Thiên – Huế, từng học Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, học Đại học Luật Khoa, Sài Gòn, cũng có một năm học Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn (1964). Ông là một trong các “lãnh tụ” sinh viên đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975, thành viên Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, từng bị Tòa án Vùng 3 Chiến thuật thời Việt Nam Cộng Hòa trước đây kết án tử hình vắng mặt. Ông nguyên là Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung Ương Liên Minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968-1977), nguyên Tổng Thư kí Uỷ ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định (1969-1975), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở TP HCM (1989-2009), Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa 4, khóa 5. Từ 1975 đến 1983 ông là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Tính tới 2013, ông có 45 năm là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là luật gia, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông là một trong 72 người đầu tiên ký vào Kiến nghị 72 trong đợt sửa đổi Hiến pháp 2013.
Ông Lê Hiếu Đằng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông. Ông nói: “Việt Nam vi phạm nhân quyền khi trấn dẹp biểu tình chống Trung Quốc”.
Ông phát biểu: “Mọi người phải xác định rằng đất nước là của chung, nước Việt Nam là một, đã là người Việt Nam thì phải làm sao để Việt Nam lớn mạnh hơn, từ đó chung tay, góp sức làm cho đất nước phát triển”. Ông nói: “Sự tồn vong của đất nước là quan trọng”.
Về vụ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không từ chức, ông Đằng nói: “Việt Nam chưa có “văn hóa từ chức” thể hiện lòng tự trọng của một vị lãnh đạo. Vấn đề ở chỗ “lỗi hệ thống”. Nếu muốn không có một vị Nguyễn Tấn Dũng nữa thì phải thay đổi thể chế. Trong thế chế đó phải thực hiện được những quyền dân chủ của người dân, và xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, và nền kinh tế nhiều thành phần”.
Về phiên tòa xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ngày 30/10/2012, ông nói: “Trấn áp không dập tắt được những tiếng nói yêu nước phản kháng”.
Ông khẳng định: “Việc đổi tên nước là thời cơ rất lớn để thay đổi một số điều trong hiến pháp, làm đòn bẩy cho sự phát triển của đất nước. Nếu vẫn như cũ thì rất tiếc, thời cơ qua đi.”
Vào tháng 8/2013, trong bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”, ông Lê Hiếu Đằng đã công khai nói lên những suy nghĩ của mình về việc Đảng Cộng sản đã phản bội lý tưởng cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội những người góp phần xây dựng nên chế độ, trong đó có ông, cũng như việc cần thiết phải dân chủ hóa, xây dựng thể chế đa đảng để cứu đất nước thoát khỏi tình thế nguy cấp hiện tại, kêu gọi thành lập chính đảng mang tên Đảng Dân chủ Xã hội tại Việt Nam.
Vào ngày 4 tháng 12 năm 2013, ông viết tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam vì theo ông, “Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.”
(Tiểu sử trên đây của ông Lê Hiếu Đằng dựa vào Wikipedia và tư liệu của gia đình)
Lời phân ưu của Bauxite Việt Nam
Anh Lê Hiếu Đằng thân yêu!
Thế là anh đã thực sự chia tay gia đình, người thân, bạn bè đồng chí, tất cả bạn đọc của anh, tất cả những người yêu mến kính trọng anh trong cộng đồng người Việt cả trong lẫn ngoài nước.
Anh đã ra đi với lương tâm thanh sạch sau khi kịp tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng mà anh gắn bó, cống hiến gần hết đời mình cho sự nghiệp của nó suốt 45 năm trời, nhưng cuối cùng phải đau đớn chia tay khi thấy nó phản bội lại lý tưởng của chính nó, phản bội niềm tin của những đảng viên trung thực như anh, phản bội công ơn nuôi dưỡng của nhân dân Việt Nam trong gần một thế kỷ.
Anh ra đi sau khi đã sòng phẳng công khai tính sổ đời mình, từ một sinh viên yêu nước đối mặt án tử hình của chế độ Sài Gòn vì tin ở chính nghĩa của cuộc chiến đấu được coi là chống Mỹ giành độc lập thống nhất cho đất nước, cho đến khi bừng tỉnh và đau đớn thấy thành quả cuộc chiến đấu ấy rơi vào tay một tập đoàn độc tài tham nhũng đang đưa đất nước vào tình trạng còn tồi tệ hơn cái chế độ mà anh đã góp phần đánh đổ, cho đến khi nhận rõ sự phá sản của chủ thuyết Mác-Lênin mà mình đã từng tin theo và thuyết giảng, nhận rõ sự không tưởng của cái gọi là chủ nghĩa xã hội rút cuộc chỉ là bánh vẽ để lừa bịp nhân dân, trở thành xiềng xích trói bước dân tộc đi tìm con đường ấm no hạnh phúc.
Anh ra đi sau những năm tháng kiên quyết, dũng cảm đứng về phía những người yêu nước của thời kỳ mới, yêu nước đồng nghĩa với yêu tự do dân chủ, yêu nước là chống độc tài tham nhũng, chống các nhóm đặc quyền tàn phá kinh tế quốc gia vì lợi riêng, yêu nước là chống lại sự bành trướng xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc, vạch trần thực chất đen tối của “16 chữ vàng”, “quan hệ 4 tốt”.
Anh Lê Hiếu Đằng thân yêu!
Những bài viết, những lời phát biểu thẳng thắn, trung thực, có tình có lý, đầy nhiệt huyết của anh, một con người cả đời chiến đấu không mệt mỏi, không nản lòng cho độc lập của đất nước, cho tự do của người dân, cho dân chủ của xã hội, đã có tác động mạnh mẽ đến công luận, thức tỉnh không ít khối óc con tim của thanh niên, viên chức, cả những đảng viên Cộng sản.
Những ngày tháng trên giường bệnh của anh cũng là những ngày tháng anh chiến đấu quyết liệt, dứt khoát nhất chống chế độ độc tài toàn trị, những ngày tháng anh cống hiến trọn vẹn nhất cho tương lai nền dân chủ pháp quyền của đất nước. Đó cũng là những ngày tháng anh được chứng kiến tấm chân tình, lòng cảm mến của bao nhiêu bạn bè, đồng chí, của những người cùng tâm nguyện thuộc đủ tầng lớp trong, ngoài nước.
Anh Lê Hiếu Đằng mến yêu!
Bauxite Việt Nam ghi nhớ lời tâm sự sau cùng của anh với trí thức: “Trí thức luôn luôn phải đi đầu, phải giương cao ngọn cờ đấu tranh, phải dũng cảm, phá tan không khí sợ hãi bao trùm xã hội trong bao nhiêu năm”. Xin hương hồn anh yên nghỉ trong niềm tin các bạn bè, đồng chí của anh, các trí thức Việt Nam sẽ không phụ lòng tin yêu chứa trong lời nhắn gửi của anh.
Lê Hiếu Đằng: những tấm ảnh cuối cùng
PV Bauxite Việt Nam
Anh Lê Hiếu Đằng, lúc 14g30 ngày 22 tháng 1 năm 2014
Anh Lê Hiếu Đằng vừa trút hơi thở cuối cùng
Bạn bè đưa anh lên xe di chuyển đến Trung tâm Pháp y TP HCM
Bạn bè bên cạnh anh trước khi đưa anh vào phòng lạnh
Một tấm ảnh cuối, trước khi mọi người ra ngoài, và anh một mình trong phòng lạnh.
Phòng lạnh đóng cửa. Bạn bè vẫn nán lại, ngồi bên ngoài được phút nào hay phút ấy.
Giấy báo tử
PV Bauxite Việt Nam
Anh Lê Hiếu Đằng, lúc 14g30 ngày 22 tháng 1 năm 2014
Anh Lê Hiếu Đằng vừa trút hơi thở cuối cùng
Bạn bè đưa anh lên xe di chuyển đến Trung tâm Pháp y TP HCM
Bạn bè bên cạnh anh trước khi đưa anh vào phòng lạnh
Một tấm ảnh cuối, trước khi mọi người ra ngoài, và anh một mình trong phòng lạnh.
Phòng lạnh đóng cửa. Bạn bè vẫn nán lại, ngồi bên ngoài được phút nào hay phút ấy.
Giấy báo tử
Không có nhận xét nào: